
Chưa có cơ sở giết mổ tập trung khiến sản phẩm thịt lợn của hộ dân khó vào được bếp ăn trường học, nhà máy. Ảnh: H.Đ.
Từ nhiều năm nay, gia đình bà Hà Thị Hoan ở tổ 8, xã Bát Xát, Lào Cai gắn bó với việc kinh doanh thịt lợn, cung cấp cho các quầy bán thịt lợn ngoài chợ dân sinh và một số đầu mối. Mỗi ngày gia đình bà giết mổ từ 2-3 con. Số lượng có thể tăng đột biến vào những ngày lễ hoặc cuối năm. Tuy vậy, công việc này chủ yếu do bà đảm nhiệm nên các khâu từ giết mổ đến pha thịt đều phải thuê người làm.
Có thời điểm, bà con hàng xóm đã ý kiến về việc giết mổ gia súc gây ồn ào, có mùi khó chịu… Tuy nhiên, bà cũng chỉ có cách vệ sinh thật sạch chuồng nuôi và mổ lợn muộn hơn bình thường.
“Tôi mong muốn có nơi giết mổ tập trung một nơi để cho sạch sẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có dấu kiểm dịch của thú y. Có như vậy, tôi mới bán được thịt lợn vào các trường học, công ty, khu công nghiệp. Ngặt nỗi, hiện nay thị trấn chưa có nơi cơ sở giết mổ gia súc nào. Chứ chi phí giết mổ thuê ngoài có khi còn cao hơn cả làm ở lò mổ như ngoài thành phố chỉ mấy chục nghìn đồng”, bà Hà Thị Hoan chia sẻ.
Trong số hàng chục con lợn được giết mổ mỗi ngày, thì hầu hết đều tập trung tại xã Bát Xát. Số ít rải rác ở các xã vùng cao, cách xa trung tâm.
Chợ Bát Xát là nơi nguồn thịt lợn từ các nơi đổ về phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tại đây, hầu hết thịt lợn được mang bán chưa được đóng dấu kiểm dịch của cơ quan thú y.
Bà Vũ Thị Nhiệm, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Bát Xát cho hay, "ở đây, bà con tiểu thương mong muốn có cơ sở giết mổ cho sạch sẽ. Giết mổ gần nhà người ta người ta cũng không muốn. Hơn nữa là có cơ sở giết mổ sẽ đảm bảo vệ sinh và loại trừ được lợn nhiễm bệnh. Còn như tôi, hiện thịt lợn đều đi “móc” không mua ở lò mổ, có con nào ngon tôi lấy".

Các hộ kinh doanh thịt lợn mong muốn sản phẩm được đóng dấu kiểm dịch của cơ quan thú y. Ảnh: H.Đ.
Theo ngành thú y địa phương, hiện đa số các hộ kinh doanh đều thực hiện giết mổ gia súc tại nhà, không đảm bảo quy định.
Lý giải về việc này, ông Đào Văn Tâm, Phụ trách Trạm Thú y khu vực Bát Xát cho hay, để kiểm soát giết mổ phải có cơ sở giết mổ tập trung, tuy nhiên tại Bát Xát, việc tìm địa điểm đặt cơ sở giết mổ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi theo quy định, cơ sở giết mổ tập trung phải đáp ứng các tiêu chí, điều kiện: Cách sông suối, trường học, nghĩa trang tối thiểu 500m nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh, môi trường và không gây ảnh hưởng đến các hoạt động của cộng đồng.
Ngoài ra, cơ sở giết mổ tập trung cũng phải cách biệt với trại chăn nuôi, chợ buôn bán gia súc, gia cầm và các nguồn gây ô nhiễm khác 1km. Trong khi đó, vùng cao, địa hình dày đặc sông suối do vậy những tiêu chí này rất khó đáp ứng.
Trong khi đó, theo điều 64, 69, Luật Thú y vùng biên giới, hải đảo, việc kiểm soát giết mổ thực hiện tại những cơ sở nhỏ lẻ... song cũng phải đáp ứng được các điều kiện vệ sinh thú y, môi trường. Tuy nhiên, qua rà soát, tại Bát Xát chưa có hộ nào đáp ứng được về điều kiện nêu trên. Chính vì vậy, cũng không thể cấp giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y và giấy phép an toàn thực phẩm để cơ quan chuyên môn có thể vào đóng dấu kiểm dịch được.
Trên địa bàn xã Bát Xát hiện có khoảng 40 hộ kinh doanh thực phẩm gia súc. Trong đó, khoảng 20 hộ tập trung tại xã Bát Xát. Điều đó, có nghĩa tại thị trấn là đầu mối, trung tâm. Và các hộ giết mổ này đều kinh doanh từ lâu và là sinh kế nuôi sống gia đình họ.
"Trước mắt, thực hiện chỉ đạo của cơ quan chuyên ngành phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra các mặt hàng thực phẩm tại chợ. Đặc biệt, vào thứ 5 và chủ nhật diễn ra chợ phiên, chúng tôi bố trí cán bộ tăng cường kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh buôn bán giết mổ gia súc thực hiện nghiêm túc nguồn gốc thịt, cam kết, chịu trách nhiệm với chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn sản phẩm bán ra tại chợ", ông Đào Văn Tâm nhấn mạnh.
Về lâu dài, khi chính quyền xã mới vào hoạt động cần quyết liệt hơn trong rà soát quỹ đất, kêu gọi các nhà đầu tư, hộ kinh doanh xây dựng điểm giết mổ nhỏ lẻ, cơ bản đáp ứng điều kiện của Luật Thú y.