Nhiều sâu bệnh đồng loạt gây hại nặng
Vụ hè thu năm 2025, toàn tỉnh Hà Tĩnh gieo cấy hơn 45.000 ha lúa, đạt 100,6% kế hoạch. Hiện cây lúa đang vào giai đoạn đẻ nhánh rộ, chuẩn bị phân hóa đòng. Quá trình chăm sóc, hệ thống thủy nông cung cấp đầy đủ nước tước cho cây trồng sinh trưởng, phát triển. Tuy nhiên, thời tiết bất lợi với nhiều đợt nắng nóng gay gắt xen kẽ mưa giông tạo điều kiện cho nhiều loại sâu bệnh như sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, châu chấu tre lưng vàng… phát sinh, gây hại nặng trên diện rộng.

Vụ hè thu năm nay nhiều sinh vật hại phát sinh, gây hại đồng loạt, bất thường. Ảnh: Thanh Nga.
Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Hà Tĩnh thông tin, sâu bệnh vụ hè thu năm nay xuất hiện nhiều và bất thường nhất trong nhiều năm trở lại đây. Hiện sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 đã xuất hiện, gây hại trên các trà lúa với mật độ trung bình 10 - 15 con/m2, nơi cao 20 - 30 con/m2, cục bộ 80 - 100 con/m2, diện tích nhiễm hơn 5.000 ha, trong đó khoảng 500 ha nhiễm nặng.
Rầy nâu, rầy lưng trắng tích lũy và nhân nhanh số lượng ngay từ đầu vụ sản xuất (từ 20/6 rầy đã xuất hiện và gây hại), tập trung chủ yếu tại các xã Đồng Tiến, Thạch Lạc, phường Hà Huy Tập, Thiên Cầm, Yên Hòa, Cẩm Hưng, Xuân Lộc, Can Lộc, Gia Hanh, Đức Thọ, Đức Thịnh, Kỳ Văn, mật độ nơi cao 3.000 - 4.000 con/m2, cục bộ 8.000 - 10.000con/m2, diện tích nhiễm hơn 1.200 ha, trong đó 300 ha nhiễm nặng, 5 ha cháy chòm.
Bệnh khô vằn gây hại trên những chân ruộng gieo cấy dày, bón thừa đạm tại xã Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, phường Hà Huy Tập…, tỷ lệ nhiễm trung bình 7 - 10%, nơi cao 15 - 25%, diện tích nhiễm 100 ha.

Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Tĩnh họp trực tuyến với 69 đơn vị cấp xã triển khai các giải pháp cấp bách phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng vụ hè thu. Ảnh: Thanh Nga.
Đặc biệt, đối tượng mới phát sinh trên địa bàn tỉnh là châu chấu tre lưng vàng trong thời gian ngắn đã ăn trụi hơn 10 ha ngô, cỏ lau, mía và một số cây trồng cạn ở xã Cẩm Duệ, Cẩm Hưng, Cẩm Lạc…
“Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh, thời gian tới trời tiếp tục nắng nóng, xen kẽ các đợt mưa rào, độ ẩm đồng ruộng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh tiếp tục phát sinh gây hại. Trong đó sâu cuốn lá lứa 2 đã xuất hiện tuổi 1 với mật độ cao, trứng tiếp tục nở và có nguy cơ gây trắng lá trên diện rộng.
Rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 2 phát sinh, gây hại từ ngày 20/7 trở đi, trùng vào thời điểm cây lúa bước vào giai đoạn đứng cái - làm đòng. Riêng châu chấu tre lưng vàng đã di chuyển từ khu vực rừng phòng hộ Kẻ Gỗ, vùng ven rừng… xuống tàn phá cây lương thực, nhất là lúa, ngô nên khả năng tàn phá diện rộng thời gian tới là rất cao”, ông Trần Hùng cảnh báo.
Cấp bách phòng trừ
Trước diễn biến bất thường của các đối tượng sinh vật hại cây trồng trong vụ hè thu, ngày 15/7, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Tĩnh đã triệu tập cuộc họp trực tuyến với 72 điểm cầu trên toàn tỉnh để triển khai cấp bách các giải pháp phòng trừ.

Ngành chuyên môn khuyến cáo không chủ quan trong phòng chống sinh vật hại cây trồng. Ảnh: Thanh Nga.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Giai đoạn này chính quyền hai cấp đang hết sức bận rộn, nhiều vị trí mới tiếp nhận nhiệm vụ, đang trên đà bắt nhịp. Tuy nhiên, do diễn biến sâu bệnh bất thường và có nguy cơ gây thiệt hại nặng, ảnh hưởng đến đời sống người dân nên chính quyền các xã cần nhìn nhận đúng thực trạng, đánh giá nguyên nhân, nguy cơ để phối hợp chặt chẽ với ngành chuyên môn hướng dẫn bà con thực hiện các giải pháp dập dịch”.
Trước đó, từ chỉ đạo quyết liệt của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Tĩnh, sự “cầm tay chỉ việc” của các kỹ sư bảo vệ thực vật, nhiều địa phương đã khuyến cáo bà con tổ chức phun phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng.
“Đến nay chúng tôi đã phun phòng sâu cuốn lá nhỏ trên diện tích hơn 130 ha lúa và phun phòng bao vây rầy nâu, rầy lưng trắng trên diện tích khoảng 500 ha”, ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Lạc thông tin.

Công tác điều tra, phát hiện sâu bệnh kịp thời cực kỳ quan trọng. Ảnh: Thanh Nga.
“Chúng tôi đề nghị cơ quan chuyên môn tăng cường thăm đồng, hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, vật nuôi bằng các video để xã có căn cứ hướng dẫn bà con một cách trực quan nhất”, lãnh đạo Phòng Kinh tế xã Yên Hòa nhấn mạnh.
Nêu ý kiến trước 69 đơn vị cấp xã và các cơ quan chuyên môn, ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Tĩnh cho rằng, dịch hại cây trồng trên địa bàn tỉnh đã rất cấp bách và đang diễn biến bất ngờ. Nếu chủ quan không xử lý triệt để, hệ quả để lại sẽ rất nặng nề.
“UBND tỉnh đã có công điện, Sở cũng có hướng dẫn cụ thể rồi, yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị cấp xã đặt nhiệm vụ phòng chống dịch hại, bảo vệ sản xuất cho người dân lên hàng đầu. Chủ động phát hiện sớm khu vực xẩy ra dịch hại, khoanh vùng dập dịch triệt để, không để thiệt hại lớn và lây lan diện rộng”, ông Hải nhấn mạnh.

Giải pháp tối ưu hiện nay để ngăn chặn châu chấu tre lưng vàng phá hoại mùa màng là phát động người dân dùng vợt bắt. Ảnh: Thanh Nga.
Về giải pháp kỹ thuật, đối với rầy nâu, rầy lưng trắng: Tổ chức tuyên truyền sự nguy hại, giải pháp phòng trừ bằng video để các xã, thôn và nông dân thực hiện.
Sâu cuốn lá nhỏ lứa 2: Tiến hành khoanh vùng, cắm vè những diện tích nhiễm, tổ chức phun thuốc phòng trừ từ nay đến ngày 20/7.
Đối với châu chấu tre lưng vàng: Sử dụng vợt, bẫy đèn vào ban đêm để thu bắt trưởng thành. Đối với những vùng có mật độ cao, để hạn chế thấp nhất nguy cơ phát tán ra diện rộng, di chuyển xuống ruộng lúa, phá hoại mùa màng, tiến hành phun trừ bằng thuốc BVTV đặc hiệu, chỉ thực hiện tại khu vực hoặc thời điểm cần thiết theo hướng dẫn, giám sát của cơ quan chuyên môn.
Theo các địa phương tại Hà Tĩnh, bí nhất hiện tại là về con người. Chính quyền hai cấp mới đi vào hoạt động, trong khi phòng kinh tế cấp xã bình quân chỉ có 5 – 7 người, phụ trách khối lượng công việc cực kỳ lớn và hầu hết không có cán bộ chuyên môn về thú y, bảo vệ thực vật nên khó khăn trong việc hướng dẫn người dân phòng chống dịch.