Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, vừa có chuyến thăm và kiểm tra thực tế vùng nuôi trồng thủy sản theo đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao trên địa bàn tỉnh tại các vùng nuôi: Hòn Nội, Đảo Trí Nguyên và Đầm Bấy (thuộc vịnh Nha Trang).
Đây là những vùng nuôi cách đất liền từ 6 hải lý trở lên, được đánh giá là tiên phong nuôi biển xa bờ của cả nước.

Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nghe đơn vị cung cấp lồng nuôi giới thiệu lồng nuôi được thiết kế chắc chắn, phù hợp vùng nuôi xa bờ. Ảnh: Kim Sơ.
Bước tiến nuôi biển từ vùng 6 hải lý
Sau hành trình khoảng 30 phút di chuyển bằng canô cao tốc ra Đầm Bấy, chúng tôi đã đến nơi những hộ đầu tiên tiên phong thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển 6 hải lý.
Tại đây, ông Trịnh Minh Hoàng đã trò chuyện với ông Vũ Khắc Mười - một hộ nuôi đã chuyển đổi từ lồng gỗ truyền thống sang lồng HDPE.
Ông Mười cho biết, trước đây, ông nuôi trồng thủy sản bằng lồng gỗ gần bờ. Ban đầu, việc nuôi hiệu quả, tuy nhiên càng về sau này do lồng bè dày đặc nên môi trường ô nhiễm, kéo theo tôm cá bị dịch bệnh và hao hụt cao. Hơn nữa, lồng gỗ cũng không chịu được gió bão mạnh.
Từ tháng 5 vừa qua, nhờ sự hỗ trợ kinh phí 50% từ Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup), ông đã mạnh dạn đầu tư 2 lồng tròn HDPE (thể tích 800m3) để nuôi cá chim vây vàng. Đặc biệt, lồng nuôi này được trang bị camera quan sát và định vị, cho phép người nuôi giám sát hoạt động lồng ngay trên điện thoại, giảm đáng kể công sức lao động.
"Với công nghệ nuôi này, một người có thể nuôi được 40-50 tấn cá, tương đương với 20 lồng gỗ, hiệu quả vượt trội hơn hẳn", ông Mười khẳng định.

Khu vực vùng nuôi Đầm Bấy, vịnh Nha Trang đang có 5 hộ tiên phong nuôi biển xa bờ. Ảnh: Kim Sơ.
Hơn nữa, từ khi chuyển nuôi vùng xa bờ, ông cảm nhận nguồn nước biển trong sạch, thông thoát, giúp cá phát triển nhanh, ít dịch bệnh hơn hẳn so với nuôi gần bờ. Với tiến triển tốt này, sau 6 tháng nuôi, cá chim có thể đạt trọng lượng từ 6-7 lạng/con. Một lồng nuôi có thể cho thu hoạch năng suất tối đa đạt 15 tấn cá.
Ông Lê Đình Khiêm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Biển và Hải đảo tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện tại khu vực Đầm Bấy đã có 5 hộ dân tham gia thí điểm nuôi biển công nghệ cao với mỗi hộ 2 lồng tròn HDPE. Các hộ này đã được cấp phép nuôi trồng thủy sản và sắp tới sẽ được giao khu vực nuôi cụ thể. Đồng thời, vùng nuôi cũng sẽ được đầu tư hệ thống phao tiêu, biển báo.
Rời Đầm Bấy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục khảo sát tại vùng nuôi Hòn Nội. Hiện nơi đây bước đầu đã có 16 hộ nuôi gồm 30 lồng tròn HDPE và 2 cụm lồng vuông HDPE (mỗi cụm 6 ô lồng).
Lồng nuôi HDPE thiết kế phù hợp xa bờ
Theo quan sát của chúng tôi, các lồng nuôi HDPE ở vùng 6 hải lý được thiết kế đặc biệt phù hợp với điều kiện dòng chảy mạnh và sóng lớn. Kết cấu khung lồng kiên cố với 3 vòng phao chịu lực giúp tăng độ nổi, giá đỡ khung lồng nguyên khối, túi lưới được thi công chắc chắn và hệ thống neo bố trí linh động, chịu tải trọng lớn, đảm bảo an toàn tối đa trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Mặc dù hiệu quả vượt trội, tuy nhiên theo các hộ nuôi chi phí đầu tư cao (hơn 280 triệu đồng/lồng tròn và hơn 510 triệu cụm lồng vuông) đang là trở ngại lớn để nhân rộng mô hình. Ông Hoàng Văn Hợi, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Công nghệ nuôi trồng thủy sản, đơn vị cung cấp lồng, cho biết, lồng nuôi được thiết kế chịu được gió bão cấp 12 và tuổi thọ có thể đạt trên 20 năm. Tuy nhiên khi sản xuất đại trà, giá thành có thể giảm để phù hợp hơn với bà con.
Sau khi nghe các ý kiến, ông Trịnh Minh Hoàng cho rằng, việc nuôi biển công nghệ cao bằng lồng HDPE rõ ràng mang lại hiệu quả vượt trội, vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa thân thiện môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông đề nghị các đơn vị liên quan nghiên cứu giảm giá thành sản phẩm khi sản xuất đại trà, đồng thời nghiên cứu khâu cho ăn để tiết kiệm thời gian, nhân công và cần xóa bỏ hoàn toàn các lồng gỗ truyền thống khi triển khai nuôi công nghệ cao tại vùng nuôi quy hoạch.
Tích cực hỗ trợ người nuôi
Theo tìm hiểu, các hộ dân tham gia nuôi biển công nghệ cao tại Hòn Nội và Đầm Bấy được hỗ trợ kinh phí từ Quỹ Thiện Tâm, sau thành công của mô hình thí điểm tại vùng biển hở xã Cam Lập.
Dự kiến, trong năm 2025, Quỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ 70 hộ dân tại các địa phương ven biển trong tỉnh để phát triển nuôi biển công nghệ cao, mở rộng phạm vi thí điểm vượt ra khỏi vùng biển 3 hải lý.

Lồng tròn HDPE được thiết kế lan can có màu cam dễ quan sát vào ban đêm. Ảnh: Kim Sơ.
Ông Nguyễn Văn Hoan, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Cam Ranh - Hòn Nội, cho biết, hiện Hợp tác xã có 10 hộ nuôi với 20 lồng tròn và 2 cụm lồng vuông để nuôi cá chim vây vàng và ương giống. Việc nuôi xa bờ với nguồn nước trong sạch giúp cá lớn nhanh và ít dịch bệnh hơn. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay là việc di chuyển của bà con từ Cam Ranh ra vùng nuôi Đầm Bấy bằng tàu gỗ mất nhiều thời gian từ 3-4 tiếng.
Để giải quyết vấn đề này, ông Trịnh Minh Hoàng giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu thành lập đội dịch vụ hậu cần phục vụ nuôi biển nhằm giảm chi phí đầu tư, cũng như di chuyển của bà con. Bên cạnh đó, hướng dẫn bà con thành lập các Hợp tác xã để liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và giải quyết đầu ra sản phẩm, nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận.
Ngoài ra, trong quá trình phát triển nuôi biển, các cơ quan chuyên môn cũng cần tuyên truyền bà con phải bảo vệ môi trường, bởi đó cũng chính là bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ sinh kế bền vững của chính bà con.
Có thể nói, đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao đang mở ra một chương mới cho ngành thủy sản tỉnh Khánh Hòa, bởi không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường biển và ứng phó hiệu quả với những thách thức từ biến đổi khí hậu. Sự đồng lòng giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân hứa hẹn sẽ đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm nuôi biển công nghệ cao hàng đầu của cả nước.
Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết, tỉnh đang tập trung xây dựng các cơ chế chính sách và huy động nguồn vốn để đẩy mạnh nuôi biển công nghệ cao. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến và thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa các nhà khoa học, hợp tác xã, doanh nghiệp trong phát triển nuôi biển. Từ đó, thu hút đông đảo bà con tham gia vào phát triển kinh tế biển, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường biển bền vững trong tương lai.