Sâu cuốn lá bùng phát
Vụ hè thu 2025, toàn TP Huế gieo sạ khoảng 25.000 hecta lúa. Hiện diện tích lúa đại trà đang giai đoạn đứng cái, riêng diện tích bị ảnh hưởng bão số 1 phải gieo sạ lại đang giai đoạn mạ - đẻ nhánh, nhìn chung cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên gần đây, do diễn biến thời tiết phức tạp, các đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại không theo quy luật, đặc biệt là sâu cuốn lá nhỏ xuất hiện gây hại nặng cục bộ với mật độ cao.

Sâu cuốn lá gây hại nặng trên các cánh đồng ở TP Huế khiến nông dân lo lắng. Ảnh: Văn Dinh.
Theo ghi nhận của phóng viên, HTX nông nghiệp Phù Bài (phường Phù Bài) là một trong những khu vực bị sâu cuốn lá gây hại nặng khi lúa đang giai đoạn đẻ nhánh, nhất là khu vực thôn 8B, thôn 2... Những ngày này, người dân rất lo lắng và tất bật chuẩn bị thuốc để khống chế sâu.
Ông Nguyễn Ngọc Khánh - Giám đốc HTX cho hay, vụ này HTX gieo sạ 200 hecta lúa nhưng đã có đến 160 hecta bị sâu cuốn lá tấn công. Trước tình hình đó, HTX đã nhanh chóng đề nghị bà con phun thuốc trên diện rộng. Tuy nhiên do sâu phát sinh liên tục và rải rác theo từng đợt nên những ngày tới bà con phải tiếp tục phun bổ sung để đảm bảo hiệu quả phòng trừ.
"HTX cũng đang phối hợp với cơ quan chuyên môn để theo dõi tình hình sâu bệnh, hướng dẫn kỹ thuật và khuyến cáo nông dân tuân thủ đúng quy trình sử dụng thuốc”, ông Khánh chia sẻ.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Huế đã và đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn các HTX và bà con phun trừ sâu cuốn lá tập trung. Ảnh: Văn Dinh.
Tại HTX nông nghiệp Song Hà (xã Phú Lộc), tình hình sâu cuốn lá cũng đang diễn biến rất phức tạp. Ông Phan Lũy - Giám đốc HTX thông tin, hiện trong tổng số 227 hecta lúa hè thu được gieo sạ ở HTX đã có khoảng 100 hecta bị sâu cuốn lá gây hại.
“HTX đang tích cực phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Huế để hướng dẫn nông dân chọn thuốc đúng cũng như cách phun phù hợp, đồng thời theo dõi sát diễn biến sâu bệnh, tránh để lây lan trên diện rộng”, ông Lũy nói.
Hơn 900 hecta nhiễm sâu cuốn lá
Ông Phạm Bá Phú - Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khu vực 2
Ngoài sâu cuốn lá, các sinh vật gây hại khác như nhện gié, khô vằn, rầy nâu, rầy lưng trắng, bọ phấn, bệnh đốm nâu… cũng xuất hiện, gây hại lúa hè thu ở TP Huế nhưng mật độ và tỷ lệ thấp.
(TP Huế) cho biết, toàn khu vực gieo sạ gần 5.000 hecta lúa, tập trung ở phường Hóa Châu, Hương Trà, Kim Trà, Kim Long, Hương An, Phú Xuân và các xã Bình Điền, A Lưới 1, A Lưới 2, A Lưới 3, A Lưới 4, A Lưới 5. Hiện Trạm đã thông báo cho bà con thời điểm sâu non nở rộ để chủ động phun trừ, đồng thời theo dõi sát diễn biến thời tiết.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Huế, hiện các đối tượng sinh vật phát sinh gây hại trên lúa hè thu chủ yếu là sâu cuốn lá với diện tích nhiễm 930 hecta, mật độ 5 - 10 con/m2, nơi cao 30 - 50 con/m2, cục bộ 70 - 100 con/m2, sâu giai đoạn tuổi nhộng trưởng thành, rải rác trứng. Dự kiến thời gian sâu nở từ ngày 15 - 25/7, lứa gối nở vào cuối tháng 7 gây hại trên lúa trà muộn.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Huế kiểm tra tình hình phòng trừ sâu cuốn lá. Ảnh: Văn Dinh.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Huế đã và đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn các HTX và bà con tập trung phun trừ sâu cuốn lá.
Cụ thể, hướng dẫn nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, chỉ phun thuốc khi mật độ sâu > 50 con/m2 (đối với giai đoạn lúa đẻ nhánh), > 20 con/m2 (đối với giai đoạn lúa làm đòng - trổ) và sâu giai đoạn 1 - 2 tuổi. Khi sử dụng thuốc cần ưu tiên lựa chọn loại thuốc đặc hiệu có tính chọn lọc cao, thuốc sinh học và thuốc có độ độc thấp như các hoạt chất: Isocycloseram (Incipio® 200SC), Indoxacarb (Ammate 150SC, Clever 150 SC, 300 WG, Sunset 150SC, 300WG, Obaone 95WG, Samxacarb 145SC), Chlorantraniliprole (Voliam targo 063SC, Virtako 40WG)…
Sau khi phun 3 ngày, tiến hành kiểm tra đồng ruộng, nếu tỷ lệ sâu cuốn lá nhỏ còn sống cao (> 50 con/m2 đối với giai đoạn đẻ nhánh, > 20 con/m2 đối với giai đoạn làm đòng - trổ), tiến hành phun kép (lần 2) để chống tái nhiễm và hạn chế thiệt hại do sâu cuốn lá nhỏ gây ra, đặc biệt là các vùng ruộng xanh tốt ven làng, vùng ven triền đồi.
“Chi cục cũng yêu cầu UBND các xã, phường bố trí cán bộ phối hợp với các cơ quan chuyên môn chỉ đạo các HTX tăng cường điều tra phát hiện, đánh giá mật độ, diện phân bố của các đối tượng sinh vật gây hại để hướng dẫn các biện pháp phòng trừ kịp thời. Không chủ quan để các đối tượng sinh vật gây hại lây lan, phát triển trên diện rộng.
Yêu cầu trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật các khu vực bố trí, phân công cán bộ tăng cường bám sát đồng ruộng, điều tra, dự tính dự báo chính xác các đối tượng sinh vật gây hại trên đồng ruộng để hướng dẫn các biện pháp quản lý, phòng trừ kịp thời, hiệu quả”, ông Nguyễn Xuân Trường - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Huế nhấn mạnh.
Video sâu cuốn lá xuất hiện trên đồng ruộng ở Huế. Video: Văn Dinh.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Huế, dự báo thời gian tới thời tiết tiếp tục nắng nóng xen kẽ những ngày có mưa rào và dông, là điều kiện thuận lợi cho sâu cuốn lá nhỏ và các sinh vật hại khác tiếp tục phát sinh.
Ngoài yêu cầu các địa phương, HTX tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng trừ theo khuyến cáo, Sở cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp với các địa phương thực hiện công tác quản lý nhà nước về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ngành nông nghiệp TP Huế khuyến cáo bà con nông dân phun đủ lượng nước thuốc trên đơn vị diện tích (20 - 30 lít/500 m2), phun vào chiều tối, sau khi phun gặp mưa dông tiến hành phun lại lần 2 để hạn chế sinh vật gây hại tái nhiễm gây hại. Ngoài ra, nông dân giữ nước trong ruộng từ khi làm đòng đến trổ - chín, chỉ tháo cạn ruộng trước khi thu hoạch 7 ngày.