
Khu chăn nuôi gà của ông Trần Phi Phong. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.
Thượng sơn
Ông Trần Phi Phong (60 tuổi) đã về hưu và sinh sống tại thành phố Thái Nguyên. Trong lần về quê vào năm 2021 (tại xóm La Mạ, xã Lâu Thượng, huyện vùng cao Võ Nhai), bởi những trải nghiệm khắp nơi khi còn là quân ngũ, một ý định lóe lên và bám riết lấy ông.
Giữa năm, ông Phong quyết định đầu tư mua đất trên đỉnh núi La Mạ để thực hiện ý định của mình. Không ai hiểu nổi sự gàn dở ấy. Ý chí quân ngũ quyết liệt của ông vượt qua mọi dèm pha, khuyên bảo. Ông cho mở đường lên núi, xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà. Chúng tôi để xe máy giữa lưng chừng ngọn núi vì dốc dựng ngược không thể đi thêm.
Theo chân ông Phong leo bộ lên đỉnh núi mất chừng 30 phút. Nhìn từ dưới, ngọn núi đất đã được phủ xanh màu cây keo vài năm tuổi trở lên. Gió xào sạc thổi, mây dạt trên đầu. Nhìn xuống phía dưới, khu trung tâm hành chính huyện Võ Nhai với mái nhà xanh đỏ dán vào mặt đất. Cách đỉnh chừng vài trăm mét, tiếng gáy râm ran của gà dưới những tán keo khiến cho mọi người bớt đi sự hoang lạnh, cheo leo, cảm giác gần gụi hơn.
Ông Phong cho biết, để có đường lên non, ông đã phải bỏ ra hàng trăm triệu thuê máy xúc, máy ủi làm đường. Có đường rồi, ông quấn xích vào bánh tắc tơ (Xe công nông) để vận chuyển đồ đoàn lên xuống. Những hôm trời mưa thì phải gùi hàng leo bộ. Lán ở được ông dựng đầu tiên để có chỗ sinh hoạt. Dù rất đơn sơ nhưng cũng ngốn vài chục triệu vì chi phí thuê nhân công rất đắt. Người làm thuê cộng cả tiền chèo lên núi thì mới chịu giúp. Tiếp đó, ông cho dựng lán nuôi gà. Lứa đầu, ông nuôi 2000 con. Các lứa tiếp theo, ông nuôi 3000 rồi 5000 con.
Hữu xạ tự nhiên hương

Vườn rừng kết hợp chăn nuôi trên đỉnh núi Mây của ông Phong. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.
Ông Phong đầu tư 2 đường nước về khu trang trại phục vụ sản xuất. Một đường ông khai thác nước tự chảy từ ngọn núi cách La Mạ chừng hơn 1 km. Đường khác, ông lấy dưới khe, dùng bơm đẩy nước lên. Nguồn này mất nước đã có nguồn dự phòng còn lại. Môi trường trên núi thì vô cùng lý tưởng. Thời tiết mát mẻ, khu vực cách lý xa dân. Tuy nhiên, để đảm bảo môi trường, ông vẫn thực hiện chăn nuôi gà theo hướng hữu cơ.
Giống được ông chọn lựa là giống gà ta lò từ vùng gà đồi đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, huyện Phú Bình. Cái khó khăn nhất mà đến nay ông Phong phái chấp nhận khắc phục là cước vận tải lên núi cao hơn nhiều so với dưới bản. Ông tính, mỗi bao cám, bao trấu từ dưới đưa lên họ cũng tính cước 15 ngàn đồng. Bù lại, đàn gà trong lứa đầu lớn nhanh, khỏe mạnh, cho chất lượng thịt rất ngon. Tiếng lành đồn xa về núi ông Phong với đàn gà chăn nuôi sạch đã nhận được sự quan tâm của cơ quan quản lý Nhà nước.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó phòng Nông nghiệp huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên cho biết, đơn vị đã cử cán bộ đến nắm bắt tình hình để báo cáo phòng tham mưu cho UBND huyện hỗ trợ mô hình nói trên. Ông Hà Trọng Tuấn (Giám đốc trung tâm khuyến nông tỉnh Thái Nguyên) cho biết, phát triển nông nghiệp hữu cơ đang là hướng chọn lựa trọng tâm để đơn vị thực hiện hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật. Trung tâm khuyến khích và sẽ hỗ trợ khả năng tốt nhất cho những mô hình phát triển sản xuất hữu cơ.
Gà đến lứa xuất bán. Lứa đầu, hầu hết anh em bạn bè, cán bộ công chức của huyện đặt mua hết. Lứa sau, sản lượng cao hơn thì lại bán buôn cho thương lái từ tận Hà Tĩnh ra bao tiêu. Nhiều thương lái ở các tỉnh khác tìm đến trang trại của ông Phong để hợp đồng tiêu thụ. Ông Phong khiêm tốn, lứa được vài chục, lứa được ngót nghét một trăm. Ông dùng số lãi đầu tư vào trồng tiếp cây xanh trên diện tích gần 5 ha đất trên núi bãi mây. Ông nói, có cây rồi thì mới tính tiếp đến việc đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi.
Thoắt đã quá trưa. Chúng tôi hẹn ông vào dịp gần nhất xin phép được trở lại để du lịch trên trang trại hữu cơ núi mây. Ông Phong nhiệt huyết: “Phú quý sơn lâm hữu khách tầm. Phú quý thì chưa có nhưng gà ngon, gà sạch lúc nào cũng sẵn sàng có để phục vụ anh em”. Ông nắm tay thật chặt và mong muốn, khi đoàn công tác quay lại sẽ được thấy cơ ngơi khang trang, bề thế và quy mô hơn nữa trên đỉnh núi ông Phong Mây.