Kiểm soát chặt đầu vào cơ sở giết mổ
Trong bối cảnh thời tiết và dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp, ngoài khuyến cáo người chăn nuôi tăng cường chăm sóc vật nuôi, thường xuyên tiêu độc sát trùng chuồng trại và môi trường chung quanh chuồng nuôi, ngành chức năng Gia Lai còn kiểm soát chặt chẽ đầu vào của các cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn, để tránh tình trạng heo đã bị dương tính với virus dịch tả heo Châu Phi “lọt” vào lò mổ gây lây lan diện rộng.

Những con heo trước khi nhập vào chuồng trữ trong cơ sở giết mổ để sáng hôm sau mổ thịt được kiểm tra rất kỹ lưỡng. Ảnh: V.Đ.T.
Theo chân anh Huỳnh Văn Thạnh, cán bộ thú y Gia Lai, chúng tôi có mặt tại Nhà máy giết mổ động vật tập trung An Nhơn nằm trên địa bàn xã An Nhơn Đông vào lúc 2 giờ sáng để tìm hiểu quy trình giết mổ tại đây.
Theo anh Thạnh, 2 giờ sáng là thời điểm cơ sở giết mổ bắt đầu hoạt động giết mổ, nhưng từ 9 giờ sáng hôm trước cơ sở giết mổ đã mở cổng đón vật nuôi được người dân chở đến mổ thịt. Từ 9 giờ sáng đến 10 giờ đêm mỗi ngày, tại cổng cơ sở giết mổ động vật tập trung thường xuyên có mặt 2 cán bộ thú y kiểm tra lâm sàng thú sống; kiểm tra nguồn gốc và tình trạng sức khỏe của những con heo đưa vào nhà máy để giết mổ.
Anh Thạnh cho biết thêm: Công tác kiểm tra thú sống đầu vào của cơ sở giết mổ động vật tập trung rất quan trọng, nên những ngày bình thường nhân viên thú y đã thực hiện rất nghiêm cẩn; trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay càng được thực hiện chặt chẽ hơn. Thời gian gần đây, ngay cổng ra vào cơ sở giết mổ động vật tập trung thường xuyên được nhân viên thú y phun thuốc sát trùng, cả trong những dãy chuồng trữ heo.
“Kiểm tra thú sống là kiểm tra lâm sàng bằng mắt thường hoặc bằng nhiệt kế đôi khi xảy ra sơ sót. Ví như có con heo đã nhiễm virus dịch tả heo Châu Phi nhưng không xuất huyết ngoài da, hoặc chưa có biểu hiện sốt thì mắt thường và nhiệt kế không thể phát hiện được. Nếu con heo đã nhiễm virus đó lọt vô cơ sở giết mổ, mà tại cơ sở giết mổ đã áp dụng các biện pháp phòng chống dịch một cách bệnh triệt để thì sẽ hạn chế được dịch bệnh lây lan”, anh Thạnh chia sẻ.
Để có nhân lực bố trí tại cơ sở giết mổ động vật tập trung An Nhơn, ngành chăn nuôi, thú y cơ sở phải hợp đồng với 8 nhân viên thú y trước đây là cán bộ thú y xã hoặc thú y thôn có chuyên môn, nghiệp vụ. Từ 9 giờ sáng đến 10 giờ đêm mỗi ngày, 2 nhân viên thú y trực thường xuyên tại cổng cơ sở để kiểm tra vật nuôi sống.
Khi cơ sở bắt đầu hoạt động giết mổ có 4 nhân viên thú y khác trực kiểm soát giết mổ; trong đó, có 3 nhân viên thú y trực tại 3 dây chuyền giết mổ heo và 1 nhân viên trực tại dây chuyền giết mổ gà, 2 nhân viên còn lại được luân phiên thay việc kiểm tra thú sống hay kiểm soát giết mổ.
“Trường hợp trên địa bàn xảy ra dịch hoặc số lượng vật nuôi đưa vào mổ nhiều thì phải huy động toàn bộ 8 nhân viên thú y cùng làm việc, chia ra ca ngày 4 người làm công tác kiểm tra thú sống, ban đêm 4 người thực hiện công tác kiểm soát, đóng dấu kiểm soát giết mổ, 8 nhân viên thú y làm việc xuyên suốt chứ không có ngày nghỉ. Lúc này, anh em thay nhau nay làm ca ngày mai làm ca đêm để đảm bảo sức khỏe”, anh Huỳnh Văn Thạnh chia sẻ.

Nhân viên thú y phụ trách kiểm soát giết mổ tại cơ sở giết mổ động vật tập trung An Nhơn (Gia Lai) kiểm soạt chặt các khâu trong quá trình giết mổ. Ảnh: V.Đ.T.
Tiêm phòng vaccine để tạo “lá chắn” phòng dịch
Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp (Chi cục Chăn nuôi và Thú y Gia Lai), trong bối cảnh thời tiết rất bất thường và dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Gia Lai chỉ đạo cán bộ thú y các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, cảnh báo, phát hiện kịp thời dịch bệnh; đồng thời khuyến cáo người chăn nuôi heo tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi.
“Quan trọng nhất là công tác giám sát dịch bệnh, phát hiện kịp thời để tổ chức bao vây dập dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; tăng cường quản lý chăn nuôi, kiểm soát hoạt động xuất nhập vật nuôi ra vào địa bàn để phát hiện dịch bệnh sớm, xử lý nhanh”, ông Diệp cho hay.
Cũng theo ông Diệp, hiện nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh Gia Lai ở khu vực đồng bằng đang nắng nóng cao độ, lại thỉnh thoảng đổ vài cơn mưa khiến cơ thể vật nuôi điều tiết theo thời tiết không kịp, nắng nóng quá vật nuôi cũng lười ăn, nên sức đề kháng suy giảm. Trong khi đó, trước đây trên địa bàn đã từng xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi, nên mầm bệnh vẫn còn tồn tại trong môi trường, khi sức đề kháng của vật nuôi bị suy giảm là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh xâm nhập gây hại.
Trong bối cảnh trên, ngành chức năng Gia Lai khuyến cáo nông dân nên chăn nuôi theo hướng an toàn sinh nhọc là cách tốt nhất để phòng tránh dịch tả lợn Châu Phi, bên cạnh đó là giải pháp tiêm phòng vaccine.
“Hiện ở Việt Nam có 3 loại vaccine dịch tả lợn Châu Phi được phép lưu hành, đó là vaccine NAVET-ASFVAC của Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương (NAVETCO), vaccine AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam và vaccine Dacovac-ASF2 của Tập đoàn Dabaco Việt Nam. Việc tiêm phòng vaccine dịch tả lợn Châu Phi ở Gia Lai hiện đang thực hiện theo kiểu xã hội hóa. Do đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu UBND tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi nên tiêm phòng loại vaccine này để bảo toàn đàn heo”, ông Diệp cho biết.
Cũng theo ông Diệp, theo quy trình hướng dẫn của nhà sản xuất vaccine dịch tả lợn Châu Phi chỉ tiêm cho đối tượng heo thịt từ 4-8 tuần tuổi, chưa có vaccine tiêm cho heo nái, đối tượng heo tiêm phải được nuôi trong cơ sở chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, đàn heo phải khỏe mạnh.
“Qua phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, việc tiêm phòng các loại vaccine dịch tả lợn Châu Phi kể trên tại một số địa phương cho hiệu quả rất cao. Ngành chức năng cũng khuyến cáo người chăn nuôi là trước khi tiêm vaccine dịch tả lợn Châu Phi phải báo cho thú y cơ sở để được tư vấn, lựa chọn loại vaccine để tiêm, và khi tiêm phải có cán bộ thú y giám sát việc tiêm vaccine có đúng đối tượng hay không để tránh sự cố đáng tiếc xảy ra”, ông Diệp chia sẻ.
Ông Diệp cho biết thêm: Dịch tả heo Châu Phi thường xảy ra tại những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Những hộ này nuôi heo truyền thống theo kiểu “được chăng hay chớ”, không đầu tư, nên khâu an toàn dịch bệnh không đảm bảo. Thêm nữa, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thường hay lơ là việc tiêu độc sát trùng chuồng trại định kỳ, không màng đến chuyện tiêm phòng vaccine cho vật nuôi. Những hộ chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn hầu hết đều nuôi theo hướng an toàn sinh học và tiêm phòng vaccine đầy đủ.
Ông Huỳnh Ngọc Diệp: “Khi dịch bệnh xảy ra, chúng tôi tăng cường kiểm tra, kiểm soát những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhất là trong bối cảnh mật độ chăn nuôi dày. Khi có dịch là phải nhanh chóng dập ngay ổ dịch chứ không thì rất dễ lây lan từ hộ này sang hộ khác”.