Đánh thức “nàng tiên” Ba Bể
Các xã phía Bắc của tỉnh Thái Nguyên (tỉnh Bắc Kạn trước hợp nhất) từ lâu nổi danh với cảnh sắc nguyên sơ, khí hậu trong lành và nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Nổi bật là những khu rừng đặc dụng được bảo vệ tốt, như lá phổi xanh giữa đại ngàn Việt Bắc. Thiên nhiên hoang sơ kết hợp với nét văn hóa đậm đà bản sắc của bà con bản địa tạo nên sức hút, mê hoặc du khách ghé thăm.
Trong chiến lược phát triển du lịch sinh thái giai đoạn 2021–2030, ba khu rừng đặc dụng gồm Vườn quốc gia Ba Bể, Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ và Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Nam Xuân Lạc được kỳ vọng trở thành “cực phát triển xanh” mới, điểm đến hấp dẫn của tỉnh Thái Nguyên cũng như vùng trung du miền núi phía Bắc.

Những năm qua, rừng đặc dụng Vườn quốc gia Ba Bể được bảo vệ tốt. Ảnh: Ngọc Tú.
Vườn quốc gia Ba Bể là kho báu thiên nhiên ban tặng với hơn 10.000 ha rừng đặc dụng, nổi bật là vùng hồ Ba Bể. Ba Bể được thiên nhiên ưu đãi với hệ sinh thái phong phú, hàng trăm loài động thực vật quý hiếm, hang động, sông suối, thác ghềnh ngoạn mục, tất cả tạo nên một không gian du lịch sinh thái độc đáo, hiếm có.
Trung tâm của Vườn là hồ Ba Bể, nơi vừa có làn nước xanh ngắt vừa có những cánh rừng đặc dụng ngút tầm mắt. Du khách có thể đi thuyền tận hưởng không khí mát mẻ, chiêm ngưỡng những cây nghiến khổng lồ vài người ôm không xuể rủ bóng xuống mặt hồ.
Với lượng khách ổn định hàng năm và sức hút từ cảnh quan hồ Ba Bể, các tuyến du lịch đường thủy, đường rừng, các điểm đến như động Puông, thác Đầu Đẳng, Ao Tiên, Vườn quốc gia Ba Bể đã và đang thu hút nhiều dự án đầu tư phát triển du lịch sinh thái. Tuy nhiên, những năm qua, mức đầu tư còn chưa tương xứng với tiềm năng. Các tua, tuyến hiện tại chủ yếu mang tính tự phát, thiếu sản phẩm độc đáo, chưa có điểm nhấn nghỉ dưỡng cao cấp. Chính vì vậy, đề án phát triển du lịch sinh thái giai đoạn 2021–2030 tập trung vào quy hoạch tuyến, điểm, sản phẩm rõ ràng, tăng cường hạ tầng và quảng bá thương hiệu.
Đề án phát triển du lịch sinh thái trong Vườn quốc gia Ba Bể giai đoạn 2021–2030 đã được phê duyệt với mục tiêu cụ thể hóa phương án quản lý rừng bền vững. Đề án định hướng quy hoạch không gian du lịch tại 14 khu vực, mở 6 tuyến du lịch đường thủy và nhiều tuyến du lịch đi bộ, tổ chức cho thuê môi trường rừng để xây dựng sản phẩm nghỉ dưỡng, giáo dục môi trường, thể thao mạo hiểm, du lịch cộng đồng.
Theo đề án do tỉnh Bắc Kạn cũ lập, tới năm 2025, khu du lịch hồ Ba Bể kỳ vọng thu hút 150.000 lượt khách mỗi năm, trong đó có 10% khách quốc tế, tạo việc làm cho 800 lao động. Đến 2030, con số này nâng lên 450.000 khách, với 2.000 việc làm bền vững, đóng góp tích cực cho kinh tế địa phương. Tất cả đều dựa trên nguyên tắc phát triển bền vững, hài hòa giữa bảo tồn, phát triển và lợi ích cộng đồng.

Phát triển du lịch Ba Bể gắn với bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Ngọc Tú.
Phát triển du lịch gắn với bản tồn
Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ có hơn 15.000 ha rừng đặc dụng. Với địa hình hiểm trở, hệ động thực vật quý hiếm, hang động kỳ bí, suối thác hoang sơ và những cánh rừng nghiến cổ thụ, Kim Hỷ mang trong mình vẻ đẹp nguyên sinh hiếm gặp.
Con đường nhựa xuyên qua rừng Kim Hỷ nhìn trên cao như dải lụa, lác đác bên bìa rừng là những ngôi nhà sàn thấp thoáng. Mùa hè đi bộ dưới tán rừng, du khách có cảm giác mát lạnh. Không chỉ vậy, vùng đệm xung quanh rừng đặc dụng Kim Hỷ còn là nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc Dao, Tày, Nùng với những nét văn hóa truyền thống được gìn giữ khá nguyên vẹn.
Ông Phan Tiểu Tuấn, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm số 6 (quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ) cho biết: Khu dự trữ ở trên núi cao, khí hậu mát mẻ, nhiều tuyến đường mòn xuyên rừng khá đẹp. Tuy nhiên việc phát triển du lịch còn rất hạn chế do giao thông khó khăn, hạ tầng thiếu và yếu. Chủ yếu mới thu hút được học sinh hoặc các bạn trẻ đến trải nghiệm, tham quan, nghiên cứu khoa học.
Theo đề án đã được phê duyệt, Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ sẽ phát triển du lịch sinh thái theo mô hình “du lịch gắn với bảo tồn”, tận dụng cơ chế cho thuê môi trường rừng. Các điểm du lịch như thác Tát Chặt, hang Minh Tinh, hang Dơi, rừng nghiến Vũ Muộn và bản du lịch cộng đồng Lủng Siên sẽ là trung tâm trải nghiệm của du khách.
Trong năm 2025, du lịch Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ tập trung quảng bá, thu hút nhà đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, tạo sinh kế cho người dân vùng đệm. Giai đoạn 2026–2030 là thời điểm mở rộng quy mô, định hình sản phẩm đặc thù và xây dựng thương hiệu “du lịch sinh thái Kim Hỷ” trên bản đồ du lịch xanh Việt Nam. Những hoạt động như đi bộ xuyên rừng, nghiên cứu sinh học, tìm hiểu lễ hội dân gian của đồng bào sống ở bìa rừng hứa hẹn trở thành sản phẩm chủ lực thu hút du khách trong và ngoài nước.

Rừng Nam Xuân Lạc với quần thể cây nghiến cổ thụ hấp dẫn du khách đến khám phá. Ảnh: Ngọc Tú.
Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Nam Xuân Lạc có diện tích rừng đặc dụng hơn 10.000 ha. Nơi đây lưu giữ hệ sinh thái bán sơn địa chuyển tiếp, với nhiều loài động thực vật đặc hữu, cảnh quan rừng, núi, thung lũng thơ mộng, xen kẽ là bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Lường Quốc Hải, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Nam Xuân Lạc cho biết, Khu bảo tồn có 400 loài thực vật, hơn 200 loài động vật, nhiều loại quý hiếm như voọc đen má trắng, vạc hoa. Hiện nay bảo tồn và phát triển du lịch đang được chú trọng, nơi đây có hệ thống gần 20km kè đá, vài chục hầm xuyên núi do thực dân Pháp xây dựng để khai thác khoáng sản từ cách đây hơn 100 năm. Ở khu bảo tồn này cũng có 2 thung lũng đẹp, đây là điều kiện rất quan trọng để phát triển du lịch.
Nơi đây cũng có mỏ chì kẽm Chợ Điền, được thực dân Pháp khảo sát và khai thác cách đây hơn 1 thế kỷ. Đến nay, những chứng tích như hệ thống cáp tời quặng, đường mòn, hầm xuyên núi để khai thác vận chuyển quặng vẫn còn khá nguyên vẹn. Những điểm du lịch này đã và đang thu hút nhiều du khách đến tìm hiểu, khám phá.
Trong đề án phát triển du lịch sinh thái đến năm 2030, Nam Xuân Lạc tập trung xây dựng các điểm du lịch như Cầu Mục – Lũng Trang, Lũng Lỳ, kết nối với một số di tích lịch sử và cảnh quan thiên nhiên. Năm 2025, khu bảo tồn phấn đấu thu hút nhà đầu tư thuê dịch vụ môi trường rừng. Từ năm 2026–2030, các tuyến, điểm du lịch sẽ được hoàn thiện, tạo doanh thu từ dịch vụ nghỉ dưỡng, trải nghiệm, giáo dục môi trường, góp phần tự chủ tài chính cho hoạt động bảo tồn. Với tầm nhìn trở thành điểm đến trọng điểm về du lịch sinh thái cấp tỉnh, Nam Xuân Lạc hứa hẹn sẽ là “ngôi sao mới” trong bản đồ du lịch Thái Nguyên thời gian tới.
Điểm chung nổi bật trong 3 đề án là cách tiếp cận hài hòa, phát triển du lịch sinh thái không đơn thuần là khai thác tài nguyên mà gắn với bảo tồn, nâng cao giá trị rừng và sinh kế cộng đồng. Cả ba đề án đều chủ trương gắn chặt với quản lý rừng bền vững, ứng dụng cơ chế thuê dịch vụ môi trường rừng, đầu tư hạ tầng xanh và xây dựng sản phẩm mang bản sắc địa phương.

Hệ thống cáp tời quặng do thực dân Pháp xây dựng cách đây hơn 1 thế kỷ trên đỉnh Phja Bjoóc. Ảnh: Ngọc Tú.
Dù có nhiều tiềm năng, nhưng du lịch sinh thái trong những khu rừng đặc dụng ở một số xã phía Bắc của tỉnh Thái Nguyên vẫn còn hạn chế do khó khăn về hạ tầng, thiếu nhân lực và hoạt động truyền thông. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hạ tầng giao thông dần hoàn thiện, tuyến cao tốc CT.07 đang được đầu tư, nâng cấp toàn diện, thời gian từ Hà Nội đến trung tâm tỉnh lỵ và các xã có rừng đặc dụng ngày càng nhanh hơn.
Ba khu rừng đặc dụng Vườn quốc gia Ba Bể, Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ và Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Nam Xuân Lạc không chỉ là báu vật thiên nhiên, mà còn là nguồn lực chiến lược cho phát triển du lịch sinh thái bền vững. Với tầm nhìn rõ ràng, định hướng đúng đắn, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và cộng đồng, du lịch xanh sẽ trở thành mũi nhọn thúc đẩy kinh tế địa phương trong thời gian tới.