Hồ Ba Bể - ‘báu vật trời ban’

Hồ Ba Bể là quần thể ba chiếc hồ tự nhiên nối tiếp nhau trên diện tích 500 ha giữa lưng chừng núi, và là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới.

Và điều tuyệt vời hơn là hệ thống rừng nguyên sinh mọc trên núi đá vôi với 417 loài thực vật, 299 loài động vật có xương sống cùng 49 loài cá nước ngọt bản địa. Đây cũng chính là vùng “lõi”, nơi phân bố, hình thành loài cây đặc dụng - nghiến đá ở Việt Nam.

 

Nếu thực hiện một cuộc hành trình để trải nghiệm hết cánh cung sông Gâm - nếp gấp lượn sóng nhô lên bắt đầu từ phần giữa vùng Đông Bắc, phía tả ngạn sông Gâm rồi kéo dài qua 3 tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn (cũ), chúng ta mới cảm nhận hết sự hoành tráng, kỳ vĩ của tạo hóa.

Nếp gấp sóng cánh cung này được cấu tạo bằng những lớp đá phiến thạch anh, sa thạch và đá vôi nằm trên phần lõi là đá kết tinh cổ. Nếp lồi sông Gâm nằm ở phía nam cao nguyên Lang-ca-phu, bắt đầu từ đỉnh Putacacao 2.270m đến đèo Khế - phía bắc dãy Tam Đảo. Các đỉnh cao khác trong cánh cung sông Gâm gồm núi Phia Ya (1.980m), núi Phia Bioc (1.575m) đều là các khối đá granit. Phía nam Phia Ya là khối núi đá vôi Chợ Rã cao 1.500m. Tới điểm Phia Bioc, cánh cung sông Gâm hạ thấp độ cao, dần thành vùng núi đá vôi Chợ Chu.

Sông Năng bắt nguồn từ nếp lồi cánh cung sông Gâm, chảy dưới chân núi đá vôi Chợ Rã xuyên qua động Pông trong núi Lung Nham, chảy qua hồ Ba Bể, điểm cuối là thác Đầu Đẳng rồi hội lưu với sông Gâm từ phía trái. Nơi này có một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú, ấy là dòng thuỷ lưu ngăn cách giữa sông Năng và hồ Ba Bể, có 2 ngấn nước với hai màu khác nhau không bao giờ trộn lẫn: màu xanh canh hến của hồ Ba Bể và màu phù sa cổ của sông Năng giao thoa ngay ở đoạn ngã ba, nhưng không bao giờ hòa tan, trộn lẫn...

Đến địa phận tỉnh Bắc Kạn, khi cánh cung sông Gâm hạ độ cao, kết thúc cuộc hành trình thì bắt đầu mở ra cánh cung Ngân Sơn – Yến Lạc (tên gọi chung của hai dãy núi Ngân Sơn và Yến Lạc - cấu tạo bằng đá granit, rhyonit, phiến sét, thạch anh, đá vôi…). Cánh cung này nằm trên trung tâm nếp lồi Cốc Xô, chạy dài khoảng 100km từ Nậm Quét (Cao Bằng), qua phía đông của Bắc Kạn, xuống tới Lang Hít (Thái Nguyên). Phía đông cánh cung này là lưu vực các sông Bắc Giang, Nà Rì và sông Hiến (phụ lưu của sông Tây Giang). Phía tây là lưu vực sông Năng và sông Cầu.

 

 

Trong cuốn “Thiên nhiên Việt Nam” viết từ năm 1974 - 1976, cố giáo sư Lê Bá Thảo đã vẽ nên một bức tranh địa lý công phu mà ở đó, thiên nhiên hòa quyện với con người cùng những hoạt động sản xuất, cải tạo tự nhiên ở khắp mọi miền đất nước. Cuốn sách hấp dẫn bởi cách kiến giải những thông tin địa chất bằng ngôn ngữ mềm mại đầy văn chương, và quan trọng nhất là những thông tin ngồn ngộn mà tác giả dày công nghiên cứu, tích lũy sau những chuyến điền dã hàng tháng dài đã vẽ nên vẻ đẹp những dặm dài đất nước.

Núi sông hùng vĩ, những hệ thống sông suối dày đặc được sinh ra tương ứng với mỗi địa hình, cùng hàng triệu năm bền bỉ đã hình thành nên thảm thực vật cùng hệ sinh thái đa dạng chưa từng có. Ở đó, bản nguyên nhất, sơ khai nhất, độc chiếm nhất là loài cây nghiến mọc trên núi đá vôi. Những quần thể nghiến ôm chặt trên đá tạo nên những kiệt tác là những cánh rừng nghiến ngàn năm tuổi, trùng điệp, thành vách, ngạo nghễ và ma mị. Nó như một lời khẳng định của tự nhiên, rằng tạo hóa không bao giờ lặp lại, khi ở khu vực đồng rừng các tỉnh miền núi phía Bắc như Sơn La, Yên Bái… lại nổi tiếng với những quần thể rừng pơ-mu, mà nổi danh là những cánh rừng thơm lừng vùng Trạm Tấu - Mù Cang Chải - Phù Yên - Suối Tọ…, dẫu những cánh rừng ấy giờ đây đã là rừng nghèo do tình trạng khai thác, chặt hạ từ 20 năm về trước.

Nếu định vị đâu là vùng “lõi của lõi”, là khởi nguồn của loài nghiến trên miền Bắc đất Việt, chắc chắn vùng lõi ấy phải là rừng đặc dụng ở đất Ba Bể. Với diện tích tự nhiên hơn 10.048ha, nằm trên địa bàn 7 xã: Thượng Giáo, Khang Ninh, Cao Thượng, Quảng Khê, Nam Mẫu, Hoàng Trĩ của huyện Ba Bể và xã Nam Cường (huyện Chợ Đồn cũ); diện tích vùng đệm 25.309ha thuộc 7 xã: Thượng Giáo, Cao Thượng, Khang Ninh, Hoàng Trĩ, Quảng Khê, Đồng Phúc - huyện Ba Bể và xã Nam Cường, Bắc Kạn đang có diện tích rừng giàu tỷ lệ lớn nhất nước, trong đó chủ yếu là loài nghiến đá.

Số liệu của Ban quản lý Vườn quốc gia Ba Bể cho thấy: độ che phủ rừng gần 80%, trong đó diện tích rừng giàu và rừng trung bình chiếm tới 60% diện tích có rừng; trữ lượng rừng tự nhiên đạt 1,3 triệu m3. Với đặc thù trên, VQG Ba Bể là nơi dự trữ carbon lớn của tỉnh, đồng nghĩa với việc nó sẽ là nguồn thu lớn khi địa phương này gia nhập thị trường carbon thế giới. Hiện có 45 thôn bản có người dân đang thụ hưởng chính sách quản lý bảo vệ rừng, được rừng nuôi.

Cùng với sự đa dạng của hệ thực vật, VQG Ba Bể đang lưu giữ gần 400 loài động vật có xương sống, thành phần loài đặc trưng cho khu hệ núi đá vôi, xen lẫn núi đất ngập nước ở Đông Bắc Bộ trong đó có 88 loài động vật nguy cấp, quý hiếm. Theo Sách đỏ Việt Nam, hệ thực vật VQG Ba Bể có 34 loài quý, hiếm có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng cần bảo vệ trong tổng số khoảng 1.200 loài thực vật ghi nhận được.

 

 

Cách Ba Bể vài chục km là Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc nằm trên địa bàn các xã Xuân Lạc, Đồng Lạc, Bản Thi (huyện Chợ Đồn cũ). Đây là khu sinh thái lớn thứ hai ở Bắc Kạn (cũ) với diện tích hơn 3.954ha chủ yếu là rừng tự nhiên (chiếm hơn 99%). Nam Xuân Lạc có hệ thực vật rừng phong phú với tổng 670 loài, 440 chi, 145 họ trong 5 ngành, trong đó có tới 63 loài có giá trị bảo tồn; hệ động vật rừng đa dạng với tổng 192 loài động vật và 76 họ, trong đó có 46 loài thú thuộc 7 bộ, 21 họ; 108 loài chim thuộc 14 bộ, 41 họ và 18 loài bò sát thuộc 8 họ, trong đó có tới 59 loài có giá trị bảo tồn. Khu vực này còn có mỏ chì kẽm lớn nhất Việt Nam ở xã Bản Thi, được khai thác từ thời Pháp thuộc, đến nay vẫn còn những di tích trên chót cùng đỉnh núi.

Là thủ phủ đất nghiến, từ Ba Bể, nghiến dắt tay nhau đứng chân, phủ kín, ken dày, lan theo mạch nguồn những hệ thống sông để chiếm lĩnh trọn vẹn vùng núi Hà Giang với hơn 23.451 ha rừng đặc dụng, phân bố trải rộng tại 37 thôn bản thuộc 8 xã của các huyện Bắc Mê, Vị Xuyên, Quản Bạ, Yên Minh, trong đó Du Già – Thượng Tân (huyện Bắc Mê, Hà Giang cũ) là vùng rừng đặc dụng với trên 14.000ha. Hạ dần độ cao, theo sông Gâm, nghiến về chiếm lĩnh vùng Lâm Bình, Nà Hang (Tuyên Quang), Bắc Sơn (Lạng Sơn cũ); Thần Sa – Phượng Hoàng (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên cũ)…

Trên những cánh rừng nguyên sinh, sừng sững những đại lâm mộc nghiến đá tuổi đời ngàn năm, những bộ rễ như những con quái vật khổng lồ ôm chặt vào đá, luồn sâu vào lòng đất, rồi tỏa đi khắp nơi không ai có thể tìm ra dấu tích…

Nếu tận mắt chiêm ngưỡng nơi cây nghiến đặt chân, cắm rễ mới thấy hết được sự kỳ diệu của tạo hóa, và sự mãnh liệt, sức sống bền bỉ của loài cây này. Đó hầu hết là những vách đá cheo leo, cây nghiến treo mình, thân cành vươn cao đón nắng gió trong khi bộ rễ như những lực điền vạm vỡ, khoan thủng, chọc sâu, tìm những kẽ nứt dù là nhỏ nhất của mạch đá để luồn vào, chiếm chỗ. Chúng đích thực là những mũi khoan, thậm chí sức công phá còn mạnh hơn cả những mũi khoan...

Nơi loài nghiến sinh sống không có loài cây nào khác có thể chen chân mọc xen, bởi nơi chúng sinh ra vốn đã nghèo nàn, không có đất, không có nhiều dưỡng chất. Sự nghèo nàn của vùng đá vôi buộc nghiến phải độc chiếm tầng đất, độc chiếm cả không gian, tán khép kín đến mức không có chỗ cho nắng lọt xuống, khiến toàn bộ phần dưới gốc lúc nào cũng âm u, ẩm ướt khiến không có loài cây nào có thể chen chân được. Theo thời gian, những quần thể nghiến mỗi lúc mỗi dày, thành những khu rừng nguyên sinh bất khả xâm phạm.

Chớm đầu mùa mưa. Không khí vùng đất Ba Bể đã thấm đẫm sự ướt át bởi độ ẩm hòa trong không khí luôn ở mức lớn, cảm tưởng như xòe bàn tay ra có thể chạm vào nước. Nước, ở đây không chỉ là mạch nguồn sự sống, mà là khởi nguồn sự sống.

Sau khi mục sở thị toàn bộ lòng hồ từ trên cao bằng cách chạy xe theo con đường ven hồ đã được thảm nhựa đẹp đẽ, phẳng lỳ, chúng tôi bắt đầu tiếp cận vùng hồ từ bến thuyền Buốc Lốm (xã Nam Mẫu). Những cây cổ thụ mọc ven bờ, nghiêng mình soi bóng xuống mặt gương trong xanh. Sự hữu tình đã có mặt trên đất này tự ngàn đời!

Thời điểm chúng tôi xuống bến thuyền, nắng bắt đầu chuyển màu mật ong. Đây là những ngày nắng hiếm hoi, bởi ở nơi độ ẩm lên tới 80%, những cơn mưa rừng có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Không khí mang theo hơi nước khiến cỏ cây, mặt đất… lúc nào cũng có cảm giác nhớp nháp. Từng đàn bướm trắng hàng trăm con từ trong rừng túa ra, vỗ cánh rập rờn như thể đang trình diễn vũ đạo chào đón một ngày nắng đẹp.

Trong nắng vàng chanh, những cánh bướm trắng lấp loáng chuyển động càng khiến bến thuyền trở nên tĩnh lặng, yên bình. Ngay kế đó chỉ một tầm tay, mặt hồ phẳng lặng, xanh rì bởi những rêu tảo ngàn năm ẩn mình trong lòng đá vôi, khiến nước hồ lúc nào cũng ngắt xanh như thể pha mực, chưa cần tới nền trời xanh thẳm từ trên cao in bóng, màu nước hồ vẫn đã xanh…Đó là điều kỳ diệu đầu tiên ở mảnh đất… ba hồ!

 

 

Lão nông Nguyễn Văn Hà (thôn 2, xã Nam Mẫu) khéo léo điều khiển con thuyền máy như thể đang lái một chiếc xe trên cạn, từ từ rời bến, đưa khách lạ thưởng ngoạn lòng hồ. Khoảng 6 năm trở lại đây du lịch lòng hồ khởi sắc, ông Hà cùng hơn chục hộ dân xã Nam Mẫu đầu tư thuyền máy, phối hợp cùng Ban quản lý Du lịch hồ Ba Bể làm du lịch. Ông thông thuộc lòng hồ như lòng bàn tay, biết những chỗ nào có đá ngầm, những vùng nào nước sâu, nước cạn…, thậm chí có bao nhiêu bóng cây nghiêng mình ven bờ, ông cũng rõ.

Thuyền trôi qua đền An Mạ - một trong những địa chỉ tâm linh của tour du lịch lòng hồ. Dường như, những nơi linh thiêng tụ khí của thần núi, thần rừng, thần sông, thổ địa…, cây cối bao giờ cũng cổ thụ, xanh um hơn tỏa bóng che phủ; xung quanh núi cao, hồ sâu bao bọc, sự linh thiêng càng thêm bí ẩn. Chúng tôi hít thật sâu sâu bầu khí trong lành, rồi cùng tĩnh lặng tâm hồn cảm nhận…

Nước ràn rạt dưới đáy thuyền. Mũi thuyền rẽ nước thành những vốc trắng xóa tẽ ra hai bên, ào ào xao động. Chúng tôi đang lướt trên những huyền thoại…

Một ngày, khi dân làng Nam Mẫu đang tưng bừng mở hội, vẫn hội thiêng trên đền An Mạ, bỗng xuất hiện bà cụ ăn mày thân hình tiều tụy, gầy còm, lở loét toàn thân… Bà cụ đi tới đâu, người ta xua đuổi tới đó, cho tới khi bà gặp mẹ con góa bụa vừa đi chợ về. Thấy bà lão ăn xin tội nghiệp, mẹ con bà góa thương tình đưa về nhà, lấy cơm cho ăn, rồi mời nghỉ lại qua đêm.

Đến giữa khuya, hai mẹ con bỗng thấy chỗ bà cụ nằm sáng rực lên. Nhưng lạ thay, ở đấy không còn bà lão ăn xin già yếu, lở loét nữa mà có một con giao long to lớn đang cuộn mình, đầu gác lên xà nhà, đuôi thò xuống đất. Mẹ con bà goá rụng rời kinh hãi, đành nhắm mắt nằm im, phó mặc cho số phận.

Sáng hôm sau tỉnh dậy, họ chẳng thấy giao long đâu cả. Trên chõng vẫn là bà cụ ăn mày ốm yếu. Bà cụ đang sửa soạn ra đi, nói: “Vùng này sắp có lụt lớn. Ta cho gói tro này, nhớ rắc ngay xung quanh nhà mới tránh được nạn".

Bà cụ còn nhặt một hạt thóc, cắn vỡ ra, đưa vỏ trấu cho hai mẹ con và bảo: “Hai mảnh vỏ trấu này sẽ giúp mẹ con nhà chị làm việc thiện" trước khi vụt biến mất.

Đúng như lời bà lão ăn mày nói: tới một ngày, cơn đại hồng thủy ập tới, đất xung quanh lở dần cuốn mọi thứ chìm sâu xuống vực thẳm. Mọi người kinh hoàng chen nhau chạy tháo thân. Trong khi tất cả đều ngập trong biển nước thì ngôi nhà nhỏ của hai mẹ con người đàn bà goá vẫn khô ráo, và nền nhà của họ mỗi lúc một cao lên. Nhớ lời bà cụ dặn, hai mẹ con đem hai mảnh vỏ trấu ném xuống nước, vỏ trấu hoá thành hai chiếc thuyền lớn. Thế là mặc gió mưa, họ chèo thuyền đi khắp nơi, cố sức vớt những người bị nạn. Chỗ đất sụt xuống ấy chính là hồ Ba Bể. Còn cái nền nhà của hai mẹ con thành một hòn đảo nhỏ trong hồ, người địa phương gọi là gò Bà Goá hay còn gọi là đảo Bà Góa.

Truyền thuyết về sự tích hồ Ba Bể đã được truyền kể qua nhiều thế hệ. Những địa danh mà câu chuyện nhắc tới cũng là những địa danh chúng tôi đang được tận thấy: đền An Mạ uy nghiêm trong tán cây xanh mướt- nơi tổ chức lễ hội xưa kia; đảo Bà Góa nằm thỏn lỏn giữa lòng hồ: một ngọn núi đá xanh rì những cây nhô lên mặt nước, như một hòn non bộ giữa không gian hồ khoáng đạt.

Truyền thuyết và hiện thực, nó như hai tấm gương phản chiếu vào nhau, khiến những khoảng hồ mờ hơi nước, chúng tôi cứ mơ hồ mường tượng có một con giao long đang trú ở, bất thình lình sẽ trồi lên mặt nước, cùng tạo hóa làm nên một cuộc tái sinh…

Thuyền rẽ nước lướt qua những vùng huyền thoại. Những bóng núi, bóng cây, đền đài, miếu mạo… dần khuất phía sau. Lòng hồ bỗng thắt lại, hẹp như một lòng sông, đồng thời mở ra một vùng vách đá sừng sững. Ngửa cổ lên nhìn, sẽ thấy hai hẻm núi chếch hình chữ “V” như một chiếc phễu hút, và nền trời thẳm xanh như bị lùa hết mà vẫn không đủ để lấp đầy. Sẽ không nghi ngờ nếu đặt giả thiết, trước khi cơn phong ba kia xảy ra, khối núi sừng sững này vẫn liền một khối. Bất chợt, chiếc đuôi khổng lồ của con giao long quẫy mạnh, như một nhát rìu sắc lẻm chẻ khối núi làm hai phần đều nhau, phẳng lì, rồi một gã khổng lồ lấy hai tay đẩy hai khối núi sang hai bên, nước từ dưới lòng đất đùn lên lấp đầy rãnh nứt, chiếm lĩnh thành lòng hồ ngày nay…

Ấy vậy mà trên vách đá phẳng phiu như một thành vách ấy, những cây nghiến cổ thụ đu mình chênh vênh vách đá. Chúng nhoài ra phía ánh sáng, vạm vỡ, khắc khổ, tán xanh mướt đặc trưng nhất mực của loài cây thủy tổ. Từ vách đá cheo leo này lên đến những đỉnh núi đá vôi điệp trùng, đó sẽ là xứ sở của nghiến, thuần nhất một loài cây lấy rễ quấn chặt, đục xuyên đá mà sống, hàng nghìn năm qua... Nghiến dường như không chịu ở những vùng đất thấp, hoặc có thể, trước khi có cuộc bể dâu, chúng đã tồn tại trên trái đất này.

Thiên nhiên kỳ thú dẫn chúng tôi từ mê hoặc này tới mê hoặc kia. Đã từng nhìn ngắm nhiều cánh rừng, từng đi thuyền trên sông Gâm tại vùng rừng đặc dụng Du Già, hai bên cũng núi đá vôi thành vách, rừng đại thụ bủa vây; từng có cảm giác lạnh người khi kẹp giữa hẻm Tu Sản trên sông Nho Quế…, bây giờ, nơi thượng nguồn sông Năng giữa đại ngàn Bắc Kạn, chúng tôi lại được trải nghiệm cảm giác hoang sơ nhưng được tắm trong những sắc màu của câu chuyện huyền thoại.

Tiếng Tày, hồ Ba Bể đọc là "Slam Pé" (nghĩa là ba hồ) gồm Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng, nằm ở độ cao 145 mét so với mực nước biển. Hồ có những khúc co hẹp, bị bị kẹp giữa các vách đá dựng đứng. Mặt hồ trải dài 8km, chỗ hẹp nhất 200m, rộng nhất đến 1 km, độ sâu trung bình 17 - 23m, nơi sâu nhất tới gần 30m. Chúng tôi đang đi ở chỗ hẹp nhất, chỉ một lát nữa thôi sẽ gặp con sông Năng và ngấn nước hai màu huyền thoại, nơi màu nước hồ và nước sông nhất quyết không trộn lẫn nhau!

Dọc đường đi, những vách đá dựng đứng, chân vách bị nước ăn mòn, đánh thủng thành các ngấn, thót chân. Vách cao, nước sâu, những cây cối treo mình trên vách đá đều có một dáng hình hệt nhau: ngả buông một cách trữ tình soi bóng nước, mà thực chất tán cây vươn cành đón hướng nắng, lâu dần khiến cây có một tư thế rất đẹp, tựa như một bức tranh thủy mặc. Phía dưới, những cuộn rễ chằng chịt quấn chặt trên đá, ôm đá, cảm giác bóp nghẹt tới mức đá tắc thở.

Một đàn trâu ngụp lặn trong bùn ngay đầu bản Bó Lù, nơi bắt đầu mở ra một thung lũng khá rộng và bằng phẳng. Những ngôi nhà sàn gỗ sạch sẽ và tươm tất ẩn khuất dưới những tán cây, chạy dài dọc thung. Đây là một điểm di lịch homestay mới thành hình, đánh dấu bản Tày Bó Lù bắt đầu làm du lịch. Một rặng cây cổ thụ đứng bên bờ, với những chùm rễ tơ thả từ ngang thân xuống mặt nước, kết lại thành một đụn to cỡ người ôm. Đó là rừng duối cổ thụ, tuổi đời cả trăm năm. Những cây vối do chim thả hạt, không biết tự bao giờ, rồi tự chúng trưởng thành, quả chín rụng xuống lại tiếp tục thành cây mới.

Ông chủ chiếc thuyền du lịch bảo, nếu không vội, có thể ghé vào hái một nắm lá vối rừng về xuôi đun nước uống, nước xanh, vị thanh, đúng vị của núi. Những cây chim tha quả mà thành rừng, ở Ba Bể nhiều vô kể. Điều đó cho thấy, con người đã khá tuân thủ, không xâm hại tới đời sống của những loài thực vật.

“Chúng tôi bẻ một cành củi khô cũng không dám chứ chưa nói tới chặt một cái cây. Nhiều nhà vẫn đun bếp rơm, bếp củi, nhưng là củi ngô, củi cây tạp chứ không vào rừng lấy củi, củi gỗ. Cán bộ vận động, tuyên truyền nhiều rồi, bà con đều hiểu hết, không chặt rừng, phá rừng, mà phải trồng rừng, giữ rừng. Ngay như trên 500ha mặt hồ Ba Bể rộng bạt ngàn, không có bóng dáng một chiếc bè nuôi cá lồng, bởi nếu nuôi cá lồng sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, làm bẩn hồ, không làm du lịch được” - ông Hà thật thà.

Xác nhận lời ông Hà, chủ tịch xã Nam Mẫu Nguyễn Văn Đông khẳng định: “Năm 2024 xảy ra vụ ai đó chặt hạ hai cái cây để mở rộng đường đi, cây không quá to, chỉ vài năm tuổi mà cả xã chúng tôi lo phát sốt, mất rất nhiều thời gian để truy tìm đối tượng. Xã trong lõi rừng phòng hộ, bất di bất dịch không được xâm phạm dù chỉ là một cái cây nhỏ” - chủ tịch xã Nam Mẫu chia sẻ chuyện giữ rừng.

 

 

Từ xa, trụ sở UBND xã Nam Mẫu là một khối nhà 2 tầng kiên cố đứng trên một mỏm núi, xung quanh cây cổ thụ xanh um che mát. Con đường vào trụ sở ủy ban rất nhỏ, một bên dựa vào một vách núi. Nếu không có trạm thu phát sóng cao nổi bật, sẽ khó để mà tìm thấy trụ sở xã giữa rừng!

Nam Mẫu là một trong 7 xã nằm hoàn toàn trong vùng lõi của VQG Ba Bể. Bất kỳ một tấc đất, một cái cây cũng thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt. Là xã nông nghiệp toàn tòng, Nam Mẫu vỏn vẹn gần 200ha đất canh tác, trong đó gần 120ha, trồng ngô hơn 14ha rau màu, 47ha lúa xuân, 67ha lúa mùa… Chia theo khẩu, mỗi người dân Nam Mẫu chỉ có một phần diện tích đất rất nhỏ để canh tác. Diện tích canh tác đó sẽ ngày càng thu hẹp bởi mỗi năm, dân số sẽ tiếp tục gia tăng trong khi “đường biên rừng” đã được khoanh vùng, cắm mốc, cấm tuyệt đối người dân khai khẩn, chuyển đổi đất rừng sang đất sản xuất, dù chỉ một tấc đất.

Nhiều năm qua, nguồn thu nhập người dân trông mong, đó là tiền chăm sóc, bảo vệ rừng khoán cho các hộ. Mấy năm gần đây, du lịch lòng hồ Ba Bể khởi sắc, một số gia đình chuyển hướng đầu tư mở homestay, nghỉ dưỡng, dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch..., một số hộ như ông Hà đầu tư thuyền máy chở khách, hiệp đồng với Ban quản lý VQG Ba Bể…, bức tranh kinh tế của vùng đất trong lõi rừng đặc dụng vì thế mà sinh động hơn, nhiều màu sắc hơn…

Các thôn bản Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc, bản Cám, Đán Mẩy, Nà Nghè, Nặm Dài, Khâu Qua… cũng đang chuyển mình giữa rừng già, chuyển mình giữa những huyền thoại hồ trên núi!

Kiên Trung
Trương Khánh Thiện
Kiên Trung - TL
Ngoc Tu