| Hotline: 0983.970.780

Giữ dòng nước sạch, giữ mùa vải xuất khẩu

Thứ Năm 17/07/2025 , 20:45 (GMT+7)

Đằng sau những mùa quả ngọt là mạch nước thầm lặng chảy qua từng gốc cây, nuôi dưỡng vùng vải thiều đặc sản xứ Đông.

Người trồng vải bớt nỗi lo nguồn nước

Chúng tôi có dịp về xứ Đông gần một tháng trước. Giữa những ngày hè rực nắng, xã Hà Nam (TP. Hải Phòng) như khoác lên mình tấm áo đỏ rực với những vườn vải đang vào chính vụ. Dưới tán lá xanh mướt, từng chùm quả căng mọng, đỏ au lấp lánh trong nắng sớm.

Trên những khu vườn đang vào độ chín rộ, người dân cần mẫn tỉa cành, nhặt lá, chăm chút từng gốc cây. Ít ai biết rằng, phía sau những chùm quả trĩu cành là sự tiếp sức âm thầm của hệ thống thủy lợi nội đồng, dòng nước mát lành đã giúp duy trì độ ẩm, bảo vệ hoa và quả trong suốt cả mùa sinh trưởng.

Hệ thống thủy lợi nội đồng đã giúp duy trì độ ẩm, bảo vệ hoa và quả vải thiều trong suốt cả mùa sinh trưởng. Ảnh: Bảo Thắng.

Hệ thống thủy lợi nội đồng đã giúp duy trì độ ẩm, bảo vệ hoa và quả vải thiều trong suốt cả mùa sinh trưởng. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Lê Văn Tích, người có gần 30 năm gắn bó với cây vải thiều, nhớ lại thời kỳ vất vả: “Ngày xưa, làm vải là canh trời. Ra hoa mà khô hạn thì coi như mất mùa, bao công sức đổ sông đổ bể. Giờ có hệ thống tưới, chủ động hoàn toàn, muốn bơm nước lúc nào cũng được”.

Ông cho biết, nhờ có đủ độ ẩm, vải phát triển đồng đều, không nứt nẻ, năng suất mỗi vụ cao gấp rưỡi so với trước. Mỗi mùa, gia đình ông xuất ra hàng chục tấn vải thiều VietGAP.

Không chỉ giúp giữ ẩm trong mùa khô, hệ thống thủy lợi còn góp phần quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng nước tưới, yếu tố then chốt đối với sản phẩm xuất khẩu.

“Làm VietGAP đâu chỉ chăm cây mà còn phải chăm nước. Nếu nước bẩn sẽ làm ảnh hưởng cả lô hàng. Giờ thì yên tâm rồi, vì thủy lợi có ao chứa, hồ lắng, kênh mương được nạo vét thường xuyên. Nước vào vườn sạch, trong vắt”, ông Tích nói.

Thời tiết ngày càng thất thường, những cơn mưa trái mùa hay các đợt mưa lớn kéo dài từng khiến nhiều vườn vải thối rễ, rụng quả. Tuy nhiên, với hệ thống kênh tiêu linh hoạt và các trạm bơm vận hành kịp thời, người dân xã Hà Nam đã có thể ứng phó hiệu quả với ngập úng. Vụ vải năm nay, nhờ chủ động được vấn đề tiêu thoát nước, phần lớn diện tích vải của xã đều giữ được chất lượng tốt, quả chín đều, mẫu mã đẹp.

Nhờ có hệ thống thủy lợi nên những người trồng vải như bà Nguyễn Thị Lụy hoàn toàn có thể chủ động được công tác tưới tiêu. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nhờ có hệ thống thủy lợi nên những người trồng vải như bà Nguyễn Thị Lụy hoàn toàn có thể chủ động được công tác tưới tiêu. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bà Nguyễn Thị Lụy, một trong những hộ trồng vải lâu năm trong vùng, vừa thoăn thoắt xếp vải vào từng giỏ tre, vừa chia sẻ: “Từ ngày có hệ thống thủy lợi, người trồng vải có thể làm chủ hết. Cần nước thì bơm, mưa xuống thì tiêu. Nhất là giai đoạn ra hoa, đậu quả, chỉ cần lệch một chút là ảnh hưởng đến cả vụ. Nhờ giữ nước ổn định, vải nhà tôi năm nào cũng ngọt sắc, mã đẹp, được chọn xuất đi Nhật, Mỹ.”

Với bà con, thủy lợi giờ không còn là hạ tầng kỹ thuật khô khan mà đã trở thành “người bạn đồng hành” không thể thiếu. Những hôm trời mưa, cả làng vẫn rủ nhau ra đồng kiểm tra. Nhìn nước rút nhanh, mặt ruộng khô ráo, ai nấy đều an tâm.

“Không còn cảnh đứng canh từng giọt nước, không còn lo vườn úng chết rễ như xưa nữa”, bà Lụy nói.

Thủy lợi hiện đại nâng tầm vùng vải thiều

Giữa không gian nhộn nhịp vận chuyển của mùa vải chính vụ, những chuyến xe nối đuôi nhau rời Hà Nam mang theo trái ngọt đi khắp cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài, bà Hoàng Thị Thúy Hà, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hà Nam, vẫn dõi theo từng tuyến mương, từng trạm bơm nằm giữa cánh đồng. Với bà, đằng sau mỗi mùa thu hoạch tròn đầy là một hành trình nỗ lực không ngừng của cả hệ thống thủy lợi đã âm thầm chắt chiu từng dòng nước, nâng đỡ những gốc vải qua hạn hán, mưa giông và cả những thay đổi khắt khe của thị trường.

Theo bà Hà, gần như toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của xã hiện đã có khả năng tưới tiêu chủ động. Sự chuyển mình này không chỉ giúp nông dân yên tâm canh tác mà còn tạo nền tảng để xã Hà Nam trở thành vùng chuyên canh vải thiều trọng điểm. Nhờ thủy lợi đi trước một bước, địa phương liên tục duy trì năng suất cao, ổn định chất lượng và đủ điều kiện tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bà Hoàng Thị Thúy Hà (áo xanh) cùng các đại biểu thưởng thức vải thiều ngay tại vườn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bà Hoàng Thị Thúy Hà (áo xanh) cùng các đại biểu thưởng thức vải thiều ngay tại vườn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Tuy nhiên, lãnh đạo xã cũng thừa nhận thách thức lớn nhất hiện nay nằm ở sự xuống cấp của hạ tầng. Hệ thống kênh mương, trạm bơm được xây dựng cách đây hàng chục năm đang lộ rõ dấu hiệu quá tải. Nhiều thiết bị đã cũ, hiệu suất giảm sút, không còn phù hợp với yêu cầu sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa. Trong khi đó, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang diễn ra mạnh mẽ, từ trồng lúa sang cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản và phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu.

“Hệ thống thủy lợi không thể chỉ phục vụ lúa nước như trước. Xã Hà Nam đang ưu tiên các công trình phục vụ chuyển đổi cây trồng, cấp nước cho vùng thủy sản, khu công nghiệp và khu dân cư. Nhất là những trạm bơm đầu mối, hồ chứa tại các vùng thường xuyên hạn hán cần được đầu tư sớm để ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp”, bà Hà cho biết.

Bài toán đặt ra là phải nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu tưới tiêu tiết kiệm, thông minh, tích hợp công nghệ tự động hóa, điều khiển từ xa. Đây cũng là nền tảng quan trọng để thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn quốc tế và giữ chân người nông dân gắn bó lâu dài với đất đai.

Có nước chủ động, người trồng vải đã vững tin mở rộng diện tích, đầu tư sản xuất bài bản theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Ảnh: Bảo Thắng.

Có nước chủ động, người trồng vải đã vững tin mở rộng diện tích, đầu tư sản xuất bài bản theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Ảnh: Bảo Thắng.

Tuy vậy, trở ngại lớn là nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Các công trình trọng điểm cần kinh phí lớn, trong khi ngân sách nhà nước không thể đáp ứng hết. Theo lãnh đạo địa phương, để thủy lợi thực sự trở thành “bệ đỡ” cho nông nghiệp thông minh, rất cần có sự đồng hành của doanh nghiệp, hợp tác xã thông qua các hình thức xã hội hóa.

Hạ tầng thủy lợi nội đồng hiện đại đã góp phần hình thành các vùng chuyên canh vải thiều tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao và đặc biệt là truy xuất nguồn gốc sản phẩm, yếu tố ngày càng được thị trường quốc tế quan tâm.

Có nước chủ động, người trồng vải đã vững tin mở rộng diện tích, đầu tư sản xuất bài bản theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, liên kết doanh nghiệp và xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn phục vụ xuất khẩu.

Xem thêm
Lời giải công nghiệp hóa ngành chăn nuôi: [Bài cuối] Cú hích tự động hóa mở lối chăn nuôi xanh

Với dây chuyền sản xuất tự động hóa hiện đại, tiết kiệm năng lượng tối đa, CPV Food Bình Phước đang mở lối cho ngành chăn nuôi xanh, hiệu quả và phát triển bền vững.

Gia đình tôi nhất quyết không bán chạy lợn bệnh

QUẢNG TRỊ “Nếu nghĩ bán chạy lợn bệnh để vớt vát đôi đồng thì rất nguy hiểm. Gia đình tôi nhất quyết không làm thế”, ông Hồ Ngọc Thăng, xã Cồn Tiên khẳng định chắc nịch.

Tìm hướng đột phá tạo sự khác biệt cho cà phê Sơn La

Sơn La phấn đấu đến năm 2030 tái canh 9.800 ha cà phê, phát triển 5.950 ha cà phê đặc sản, 80 - 90% diện tích trồng mới sử dụng giống chuẩn.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

'Cánh đồng công nghệ' - lời giải cho bài toán tăng trưởng xanh

HẢI PHÒNG Mô hình trồng lúa công nghệ cao được triển khai tại Hải Phòng là phép thử cho tư duy sản xuất mới, hướng tới nền nông nghiệp giảm phát thải, hiệu quả và bền vững.

Kiểm ngư Vùng 5: Không có vùng xám trong chống khai thác IUU

Lực lượng Kiểm ngư Vùng 5 quyết liệt tuần tra, xử lý vi phạm trên biển, khẳng định không có ngoại lệ, không có vùng xám trong chống khai thác IUU.

Siết chặt bảo vệ rừng trong mùa khai thác hạt ươi

ĐÀ NẴNG Mùa ươi không chỉ giúp bà con cải thiện sinh kế mà còn là thử thách cho công tác bảo vệ rừng, đòi hỏi trách nhiệm của cả người dân và lực lượng chức năng.

Bình luận mới nhất