Thông tư phải rõ trách nhiệm, sát thực tế, tránh rập khuôn
Tại cuộc họp nghe báo cáo Dự thảo Thông tư Quy định định mức kinh tế - kỹ thuật trong hoạt động giao rừng, cho thuê rừng sáng 17/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải làm rõ phạm vi tác động và cơ chế thực thi của Thông tư, nhất là trong bối cảnh phạm vi quản lý giữa Trung ương và địa phương còn nhiều điểm giao thoa.
Ngoài ra, mô hình chính quyền hai cấp vừa triển khai, cần thêm những hướng dẫn trên phạm vi toàn quốc, nhất là những nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: "Xây dựng Thông tư phải chi tiết, cụ thể, áp dụng được ngay khi triển khai". Ảnh: Bảo Thắng.
Theo Thứ trưởng, hoạt động giao rừng và cho thuê rừng không chỉ diễn ra tại cấp địa phương mà còn thuộc thẩm quyền trực tiếp của Bộ, cụ thể là với 6 vườn quốc gia do Bộ quản lý. "Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm sẽ là đơn vị chủ trì tổ chức triển khai. Nhưng từ phạm vi vườn quốc gia đến các khu vực dự án, hoặc kêu gọi đầu tư, trách nhiệm và cách thực hiện giữa các cấp còn phức tạp. Nếu không làm rõ, dễ dẫn đến lúng túng khi thực hiện”, ông Trị nhấn mạnh.
Thứ trưởng đặc biệt lưu ý Thông tư cần xác định rõ đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện, dựa trên nguyên tắc được nêu tại Quyết định 254/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng, ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế thuộc Bộ NN-PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường).
Quyết định này dẫn chiếu đến Nghị định 32/2019/NĐ-CP, quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, sử dụng ngân sách nhà nước, theo tinh thần văn bản quy phạm pháp luật do đơn vị nào ban hành thì đơn vị đó thực hiện.
Để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tránh xung đột trong thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương, Thứ trưởng nhấn mạnh mục tiêu quan trọng của Thông tư là: Xác lập định mức kinh tế - kỹ thuật để làm căn cứ triển khai trên thực tế. “Định mức không chỉ là con số. Nó phải trả lời được câu hỏi, cần bao nhiêu nhân công, vật tư, thời gian... để thực hiện một hoạt động giao rừng. Chỉ khi đó, các cơ quan mới có cơ sở khoa học để xây dựng dự toán và triển khai một cách hiệu quả”, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường nói.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo về nguy cơ Thông tư trở nên rập khuôn hoặc không khả thi nếu không tính đến sự linh hoạt trong áp dụng. Trong khi định mức mang tính quy chuẩn, thì chi phí thực tế tại mỗi địa phương lại có thể rất khác nhau. Do đó, cần tránh tình trạng xây dựng định mức quá cao, không phù hợp với thực tế triển khai. "Thông tư cần mở ra không gian để các địa phương linh hoạt điều chỉnh giá theo điều kiện cụ thể, miễn là vẫn đảm bảo đúng định mức đầu vào kỹ thuật”, ông chỉ rõ.

Cán bộ Ban quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim tuần tra rừng. Ảnh: Tùng Đinh.
Để triển khai Thông tư một cách hiệu quả, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho rằng, cần phân rõ vai trò giữa các đơn vị liên quan. Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện đối với phạm vi rừng do Bộ quản lý. Trong khi đó, Vụ Kế hoạch - Tài chính sẽ xác định mức kinh phí tương ứng với các định mức kỹ thuật, đảm bảo thống nhất từ khâu xây dựng đến triển khai.
“Đối với địa phương, văn bản cần cụ thể hóa hơn nữa để họ dựa vào đó mà xây dựng định mức chi tiết, lập dự án giao đất, giao rừng và tổ chức thực hiện. Đây là phần việc trực tiếp, không thể để mơ hồ”. ông nhấn mạnh và yêu cầu tổ biên soạn tiếp tục bổ sung rõ phần trách nhiệm này trong Dự thảo Thông tư.
Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường thêm thời gian lấy ý kiến đồng thuận, trước khi xin ý kiến của các Bộ như: Tài chính, Nội vụ, Tư pháp..., nhằm bảo đảm sự thống nhất trong toàn ngành. “Thông tư phải mang tinh thần triển khai chính sách một cách cụ thể, chi tiết. Làm thế nào để địa phương có thể áp dụng ngay. Nếu không rõ ràng, dễ dẫn đến cách hiểu và thực hiện khác nhau giữa các cấp”, ông Trị nhấn mạnh.
Cần một khung định mức linh hoạt
Trên thực tế, hoạt động giao rừng, cho thuê rừng, dù được coi là công cụ quan trọng trong thực hiện chiến lược phát triển rừng bền vững, vẫn đang đối mặt với nhiều bất cập cả về chính sách lẫn thực thi. Trong đó, việc thiếu thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật, cùng với khoảng trống trong hướng dẫn kỹ thuật, đã khiến nhiều địa phương lúng túng khi triển khai.
Một trong những khó khăn điển hình là sự chồng lấn giữa các quy định pháp luật hiện hành. Nghị định ố 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Lâm nghiệp cho phép giao rừng cho cộng đồng, hộ gia đình và tổ chức. Tuy nhiên, hiện chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể về trình tự, định mức kỹ thuật, hay cách xác định chi phí đối với các mô hình rừng đặc thù như rừng phòng hộ, rừng sản xuất tập trung hoặc rừng kết hợp đa mục tiêu.
Ngoài ra, việc xác định ranh giới, diện tích và hiện trạng rừng - cơ sở đầu tiên cho công tác giao rừng - cũng chưa được chuẩn hóa trên toàn quốc. Nhiều địa phương phản ánh rằng bản đồ rừng hiện tại chưa cập nhật theo thời gian thực, còn sử dụng dữ liệu cũ, dẫn đến tình trạng trùng lắp ranh giới hoặc giao nhầm rừng không đủ điều kiện pháp lý.

Tổ công tác giao đất, giao rừng tỉnh Điện Biên xác định ranh giới rừng trên bản đồ. Ảnh: Trần Hương.
Đặc biệt, một số địa phương khi triển khai đã gặp vướng mắc trong việc xác định chủ thể được giao rừng. Có nơi thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng để phân biệt giữa cộng đồng dân cư, hộ gia đình và tổ chức kinh tế. Điều này dẫn đến việc giao rừng sai đối tượng hoặc không thể tổ chức cho thuê rừng một cách minh bạch, nhất là tại các khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời nhưng không có giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất.
Tiếp theo là, cơ chế tài chính gắn với hoạt động giao rừng và cho thuê rừng hiện vẫn chưa được xây dựng đầy đủ. Thiếu định mức kinh tế - kỹ thuật đồng nghĩa với việc không có cơ sở tính toán chi phí hợp lý, khiến việc dự toán, thanh quyết toán, và huy động nguồn lực xã hội hóa gặp trở ngại.
Từ thực trạng này, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm Bùi Chính Nghĩa cho rằng, Dự thảo Thông tư về định mức kinh tế - kỹ thuật trong giao rừng, cho thuê rừng được xây dựng theo hướng linh hoạt. Thay vì áp dụng một mô hình cứng nhắc, Cục đề xuất cách một mức định mức cơ bản, chung cho toàn quốc, sau đó điều chỉnh theo hệ số của từng địa phương, nhằm phản ánh điều kiện địa lý, nhân lực và năng lực tổ chức cụ thể tại từng vùng. "Đây không phải là một chính sách mới", ông Nghĩa bày tỏ.
Bên cạnh các yếu tố kỹ thuật cần làm rõ thêm, đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính đề nghị tổ soạn thảo nêu chi tiết hơn về đơn giá ngày công lao động áp dụng trong các hoạt động chuyên môn liên quan đến đo đạc, xác định ranh giới, hồ sơ kỹ thuật… Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng áp dụng và quyết toán chi phí của các đơn vị được giao thực hiện.
Cùng với đó, tính toán hoặc nêu cơ sở rõ ràng về tài sản vật chất, máy móc, thiết bị sẽ được sử dụng, khi giao rừng, cho thuê rừng, tránh phát sinh nguy cơ chênh lệch giữa định mức được ban hành và thực tế thực hiện.
Đại diện Viện Điều tra quy hoạch rừng cho biết, theo quy định, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách sẽ được giao cho các đơn vị sự nghiệp công. Trong khi, hoạt động giao rừng, cho thuê rừng chủ yếu lại thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý. Do đó, Thông tư nên lưu ý vấn đề này khi xác định định mức kinh tế - kỹ thuật.