
Dịch tả lợn Châu Phi đang bùng phát khá nhanh trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.
Theo số liệu thống kê của ngành chăn nuôi Nghệ An, lũy kế từ đầu năm 2025 đến nay toàn tỉnh ghi nhận 86 ổ dịch tả lợn Châu Phi với số lợn tiêu hủy là 23.216 con, quy đổi trọng lượng 1.543.450 kg.
Đáng nói dịch tả lợn Châu Pho mới có chiều hướng gia tăng mạnh trong 3 tháng trở lại đây, dịch bùng phát trên diện rộng khiến người nuôi khốn đốn, đặc biệt là phạm vi nông hộ. Trong tháng 5 toàn tỉnh đã tiêu hủy 3.327 con lợn, tháng 6 tiêu hủy gần 10.000 con, tính riêng từ 1/7-15/7 tiếp tục phát sinh thêm 7.912 con.
Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, dịch tả lợn Châu Phi bùng phát do nhiều nguyên nhân. Về yếu tố khách quan, thấy rằng hình thức chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ (chiếm khoảng 65%), không đảm bảo an toàn sinh học, dịch bệnh là trở ngại, nhất là khi các loại mầm bệnh lưu hành trong, ngoài môi trường rất cao, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát triển, lây lan nhanh.
Ngoài ra, thời tiết diễn tiến bất lợi, mưa nắng thất thường cũng góp phần làm giảm sức đề kháng của vật nuôi.

Chăn nuôi nông hộ chiếm tỷ lệ trên 65% là "nút thắt" lớn trong công tác ứng phó dịch tả lợn Châu Phi của Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.
Xét đến khía cạnh chủ quan là hàng loạt vấn đề yếu kém, tồn đọng, gồm: Tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi chưa đạt, nhất là khu vực miền núi với hình thức chăn nuôi thả rông rất phổ biến; ý thức của người dân chưa cao, đa phần chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc “6 không” trong công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi; tình trạng vứt xác động vật ra môi trường xung quanh (ao hồ, kênh mương…) vẫn xảy ra ra tại một số địa phương; khó kiểm soát công tác buôn bán động vật...
Chưa dừng lại ở đó, tại các xã cán bộ chuyên môn đa phần kiêm nhiệm nhiều đầu việc, không có người phụ trách mảng thú y chuyên biệt kéo theo muôn vàn khó khăn. Trên thực tế, nhiều nơi tỏ ra lúng túng trong xử lý dịch tả lợn Châu Phi, thậm chí chưa thực hiện đúng, sát quy trình kỹ thuật về tiêu hủy động vật mắc bệnh (tiêu độc, khử trùng môi trường, kiểm soát vận chuyển, giết mổ...)
Áp lực càng thêm chất chồng khi thời tiết giai đoạn tới được dự báo bất thuận, nhiều khả năng sẽ có những đợt nắng nóng gay gắt, xen kẽ các trận mưa giông bất thường, đây là điều kiện để các mầm bệnh chăn nuôi nguy hiểm phát sinh, lây lan trên diện rộng.

Dịch tả lợn Châu Phi gây nên thiệt hại lớn cho người nuôi. Ảnh: Việt Khánh.
Để ứng phó dịch bệnh có hiệu quả, trên hết là giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người nuôi đòi hỏi các bên liên quan phải thực hiện nghiêm Công điện số 20/CĐ-UBND ngày 15/7/2025 của UBND tỉnh Nghệ An về việc “tập trung phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác trên đàn vật nuôi”.
Bám sát chỉ đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo lập các đoàn/tổ công tác chuyên môn thường xuyên xuống cơ sở kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn theo hướng cầm tay chỉ việc.
Ông Hoàng Quốc Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu Giám đốc Trung tâm Khuyến nông chủ động bố trí nhiệm vụ cho các Trạm dịch vụ nông nghiệp, chỉ đạo Trạm trưởng ưu tiên bố trí các thành viên thuộc Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh trên địa bàn được phân công.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y được giao chỉ đạo hoạt động, phân công nhiệm vụ và xây dựng quy chế làm việc của tổ công tác. Đồng thời chủ động điều phối hoạt động của các thành viên thuộc Tổ công tác đảm bảo hiệu quả, hạn chế dịch bệnh lây lan trên diện rộng.