Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, từ ngày 30/6 đến 17/7/2025, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 18 hộ, thuộc 11 thôn của 8 xã, phường gồm: Yên Thọ, Sao Vàng, Thọ Long, Quang Trung, Trường Văn, Thạch Bình, Như Thanh và Đào Duy Từ. Tổng cộng có 210 con lợn, với trọng lượng gần 10 tấn đã được tiêu hủy để ngăn ngừa nguy cơ lây lan.
Địa phương ghi nhận số lượng lợn bệnh nhiều nhất là xã Thạch Bình, nơi có tới 93 con bị tiêu hủy, tương ứng hơn 5 tấn lợn. Tại phường Đào Duy Từ, ổ dịch xảy ra từ ngày 3/7, khiến hộ chăn nuôi ông Lê Đăng Huấn buộc phải tiêu hủy toàn bộ 23 con lợn.
Tại xã Như Thanh, dịch xuất hiện từ ngày 5/7 làm tiêu hủy 18 con. Các xã Trường Văn, Thọ Long, Quang Trung, Sao Vàng và Yên Thọ cũng ghi nhận các ổ dịch nhỏ lẻ với số lượng lợn tiêu hủy dao động từ 2 đến 37 con.
Một điểm chung dễ nhận thấy là các ổ dịch đều xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa đảm bảo an toàn sinh học, chuồng trại không cách ly với khu sinh hoạt, một số hộ còn có khu vực chế biến thực phẩm ngay gần chuồng nuôi.
Đây là nguyên nhân khiến nguy cơ lây lan và bùng phát dịch trên diện rộng luôn hiện hữu, đặc biệt trong điều kiện thời tiết giao mùa và việc vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi diễn ra sôi động.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện tiêu độc, khử trùng tai nơi phát sinh dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Quốc Toản.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa đã khẩn trương chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các trung tâm dịch vụ nông nghiệp, chính quyền địa phương tiến hành lấy mẫu, xét nghiệm, tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh theo đúng quy định. Sở và Chi cục đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai kịp thời các biện pháp khoanh vùng, dập dịch.
Ông Lương Xuân Vũ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa cho biết: “Để chủ động ứng phó với dịch tả lợn Châu Phi, Chi cục đã thành lập đội phản ứng nhanh xử lý ổ dịch với sự tham gia của 16 cán bộ chuyên môn túc trực tại cơ sở. Các xã, phường có dịch huy động lực lượng thú y, cán bộ kinh tế, trung tâm dịch vụ nông nghiệp để cùng vào cuộc. Đồng thời, huy động hơn 1.300 lít hóa chất khử trùng, 400 bộ quần áo bảo hộ, 400 đôi ủng cấp phát hỗ trợ cho địa phương để xử lý, phòng dịch.
Song song với việc tiêu hủy đàn lợn bệnh, các địa phương đã tổ chức khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi với tần suất mỗi ngày một lần tại hộ có dịch, hai lần mỗi tuần tại thôn có dịch, một lần mỗi tuần tại xã, phường có dịch. Công tác tiêu hủy được thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường, không làm phát tán mầm bệnh. Các biện pháp giám sát vận chuyển, kiểm soát giết mổ cũng được siết chặt. Các cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ thịt lợn đều được kiểm tra, yêu cầu tuân thủ nghiêm quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm".
Ông Vũ cho biết thêm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn bệnh và các trường hợp vứt xác động vật ra môi trường, đặc biệt là trên sông, hồ chứa, kênh, mương,…

Cán bộ thú y thực hiện tiêu hủy lợn bệnh. Ảnh: Quốc Toản.
Để dập tắt hoàn toàn các ổ dịch và hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát diện rộng, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn của Bộ chuyên ngành.
Trong đó, tập trung xử lý triệt để các ổ dịch còn lại; tiêu hủy kịp thời lợn chết, lợn mắc bệnh, nghi mắc; thực hiện vệ sinh tiêu độc liên tục trong vùng dịch, vùng đệm theo tần suất khuyến cáo; hướng dẫn người dân tăng cường áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học; giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn.
Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức như hệ thống loa truyền thanh xã, phường, tờ rơi, truyền thông trên mạng xã hội để người dân hiểu rõ tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, từ đó chủ động phòng, chống dịch; phổ biến các mô hình chăn nuôi an toàn, khuyến khích người dân chuyển đổi dần sang chăn nuôi quy mô hợp lý, đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Cũng theo ông Vũ: “Mặc dù dịch bệnh đang xảy ra tại một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng với đặc thù của tỉnh có tổng đàn lợn rất lớn và tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ cao, dịch bệnh vẫn có nguy cơ lan rộng. Do vậy, việc tiếp tục triển khai nghiêm túc, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của tỉnh là vô cùng cấp thiết.
Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp, sự tự giác của người dân trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là các hộ chăn nuôi, sẽ là yếu tố then chốt để khống chế hiệu quả dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn Thanh Hóa”.
Cũng liên quan tới việc ngăn chặn dịch bệnh có nguy cơ phát tán ra môi trường, mới đây, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị bàn các giải pháp ngăn chặn, xử lý các trường hợp vứt xác động vật chết trên hệ thống kênh, các công trình thủy lợi.
Tại cuộc họp, Sở Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thủy lợi, các Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tiếp tục phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, phường tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp vứt xác động vật chết ra môi trường, đặc biệt là xác động vật chết trên các sông, hồ chứa, kênh, mương... trên địa bàn quản lý. Tổ chức lực lượng thu gom, vớt xác động vật chết và thực hiện tiêu hủy đúng theo quy định về thú y, quy định về bảo vệ môi trường.
Các Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi phối hợp với địa phương trên địa bàn tuyến kênh đi qua tổ chức vớt rác ba ngày/lần tại các vị trí rào chắn rác trên kênh theo định kỳ để bảo đảm vệ sinh môi trường, duy trì hoạt động của công trình phục vụ sản xuất, dân sinh.
UBND các xã, phường hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm hiệu quả. Khi phát hiện có động vật ốm, chết phải báo cáo cho chính quyền để tiêu hủy và xử lý kịp thời, tuyệt đối không vứt xác động vật chết ra môi trường.
Tuyên truyền cho người dân hiểu rõ hành vi vứt xác động vật chết ra môi trường là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Đồng thời, UBND các xã chỉ đạo công an xã tổ chức điều tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vứt xác động vật chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh và gây ô nhiễm môi trường.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong 6 tháng đầu năm 2025, cả nước đã ghi nhận 526 ổ dịch dịch tả lợn châu Phi tại 29 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy hơn 32.000 con lợn. Thanh Hóa là tỉnh có tổng đàn lợn lớn với khoảng 1,3 triệu con. Trong đó, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm khoảng 45%, nhưng phần lớn các hộ chưa áp dụng nghiêm các biện pháp an toàn sinh học và phòng dịch.