Cơ duyên từ sự đam mê khác thường
Gần 15 năm trước, cầm 15 triệu đồng tiền tiết kiệm thời sinh viên, anh Trần Văn Dũng, trú tại phường Nam Triệu, TP Hải Phòng quyết định đầu tư vào một cặp chim công Ấn Độ để nuôi vì quá đam mê.
Không ai ngờ rằng, chính quyết định táo bạo này đã khởi đầu cho hành trình xây dựng trang trại chim công lớn nhất Hải Phòng, mang lại cho anh nguồn thu nhập đáng mơ ước cho nhiều người nông dân.

Anh Trần Văn Dũng mất 15 năm theo đuổi đam mê với hàng loạt khó khăn bủa vây để có cơ ngơi như hiện nay. Ảnh: Đinh Mười.
Cơ duyên với chim công của anh Dũng bắt đầu từ khi còn trên giảng đường, trong khi bạn bè có những thú vui khác, anh Dũng lại mê mẩn vẻ đẹp kiêu sa của loài công xanh Ấn Độ. Do quá thích thú nên anh Dũng đã dành thời gian lặn lội tìm đọc tài liệu, xem phim ảnh về loài chim này, và niềm đam mê thôi thúc anh phải sở hữu chúng.
“Quan trọng nhất trong chăn nuôi công là phòng bệnh. Chuồng trại phải luôn khô ráo, thoáng đãng, có sân cát để chúng tắm nắng. Tôi tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine. Với vật nuôi giá trị cao thế này, phòng bệnh hơn chữa bệnh là nguyên tắc vàng”, anh Dũng chia sẻ thêm.
“Năm 2009, tôi dồn hết tiền tiết kiệm mua một cặp công hơn một năm tuổi. Cầm chim công về, gia đình phản đối kịch liệt, bố mẹ lo lắng tôi ném tiền qua cửa sổ khi đầu tư vào một loài vật nuôi vừa lạ, vừa đắt. Còn bạn bè cho là gàn dở”, anh Dũng kể lại.
Theo anh Dũng, khó khăn lớn nhất là kiến thức chăn nuôi công khi đó ở Việt Nam gần như bằng không nên phải tự mày mò, học hỏi từ tài liệu nước ngoài và trả giá bằng thất bại. Trong lứa đầu tiên, anh áp dụng kinh nghiệm dân gian cho gà mái ấp trứng, tỷ lệ nở chỉ đạt 50%, chim non nở ra yếu ớt rồi chết dần.
Dù thất bại ngay trong lần đầu tiên và áp lực nhiều phía đè lên vai nhưng anh Dũng không bỏ cuộc mà tiếp tục tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu và nhận ra mấu chốt thất bại nằm ở khâu ấp nở. Muốn nuôi công, không thể áp dụng kinh nghiệm dân gian cho loài chim hoang dã mà phải đầu tư máy ấp trứng công nghiệp.
“Lúc đầu khi thất bại, tôi thực sự nản lòng, tiền bạc, công sức đổ sông đổ bể. Áp lực rất lớn, nhưng niềm đam mê đã giúp tôi vượt qua tất cả. Sau khi đầu tư máy móc phục vụ ấp nở đã tạo ra bước ngoặt của cả trang trại. Dùng máy, tôi kiểm soát được chính xác nhiệt độ, độ ẩm, tỷ lệ nở vọt lên 85%. Chim con khỏe mạnh, đồng đều. Từ đó, tôi mới thực sự tự tin nhân đàn”, anh Dũng nói và chỉ tay vào dãy máy ấp đang hoạt động êm ru.

Anh Trần Văn Dũng vui vẻ "khoe" những chú chim công đã thuần hóa với bộ lông sặc sỡ. Ảnh: Đinh Mười.
Theo kinh nghiệm của anh Dũng, mỗi năm một công mái đẻ 35-40 trứng và sau đó trứng được ấp ở nhiệt độ ổn định 37,5 độ C trong 28 ngày. Chim non sau khi nở được đưa vào khu úm riêng có đèn sưởi. Còn thức ăn cho công khá đơn giản, chủ yếu là thóc, ngô, cám công nghiệp và rau xanh.
Thu nhập nửa tỷ đồng mỗi năm
Từ thành công trong việc nhân giống, trang trại của anh Dũng nhanh chóng phát triển. Từ đôi chim ban đầu, đến nay tổng đàn gần 500 con, gồm cả chim bố mẹ và các lứa chim non. Không chỉ dừng lại ở giống công xanh Ấn Độ, anh Dũng còn lai tạo để tạo ra các dòng có màu sắc đột biến như công trắng, công ngũ sắc, với giá trị kinh tế cao hơn.
Theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP, công xanh Ấn Độ (Pavo cristatus) là động vật rừng thông thường. Việc gây nuôi thương mại phải được cấp mã số trang trại từ cơ quan kiểm lâm, đảm bảo nguồn gốc hợp pháp và an toàn sinh học.
Với mô hình kinh tế khép kín, anh Dũng bán sản phẩm ở mọi lứa tuổi. Một cặp công con 25-30 ngày tuổi giá từ 2 - 2,5 triệu đồng. Một bộ chim trưởng thành gồm một trống hai mái, giá dao động 30-80 triệu đồng tùy loại và màu sắc. Ngoài bán chim giống, một nguồn thu không nhỏ khác đến từ lông.
Mỗi năm sau mùa sinh sản, chim công trống sẽ rụng bộ lông đuôi lộng lẫy. Mỗi chiếc lông vũ được bán với giá 35.000 - 75.000 đồng để làm đồ trang trí, thủ công mỹ nghệ.
Trong xu thế công nghệ số như hiện nay, anh Dũng đã tìm tòi học hỏi và đã biết tận dụng mạng xã hội để quảng bá, kết nối với khách hàng trên cả nước, nhờ đó đầu ra luôn ổn định. Sau khi trừ các chi phí, mỗi năm gia đình anh thu lãi khoảng 500 triệu đồng.
Đầu năm 2025, sản phẩm "Chim công cảnh" của anh Trần Văn Dũng được UBND TP Thủy Nguyên (trước thời điểm vận hành chính quyền địa phương 2 cấp) công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao đã giúp việc kinh doanh gặp nhiều thuận lợi hơn.

Sau khi trừ các chi phí, mỗi năm gia đình anh thu lãi 500-600 triệu đồng từ kinh doanh loại chim này. Ảnh: Đinh Mười.
Thực tế qua các khảo sát ngắn cho thấy, dù đã có thành công bước đầu với nguồn thu nhập cao, ổn định và đặc biệt đã phải trả giá từ những thất bại, tuy nhiên anh Dũng lại không giữ bí quyết cho riêng mình mà luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ con giống và kỹ thuật cho những ai có cùng đam mê. “Mong muốn lớn nhất của tôi là nghề nuôi chim công cảnh sẽ ngày càng phát triển, trở thành một vật nuôi gần gũi, giúp nhiều người khác cùng làm giàu chính đáng”.
Liên quan đến mô hình này, thông tin với chúng tôi, một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Hải Phòng xác nhận, trang trại của anh Dũng đã được cấp mã số quản lý. Loài công này thuộc nhóm IIB nên được phép kinh doanh thương mại khi đảm bảo thủ tục. Việc này ở một góc độ nhất định có góp phần giúp giảm áp lực săn bắt từ tự nhiên và bảo tồn nguồn gen.
Dưới góc độ chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng cho biết, chim công được xem như một dạng gia cầm, với quy trình phòng bệnh tương tự.
“Đây là mô hình nuôi công quy mô lớn duy nhất tại Hải Phòng chúng tôi ghi nhận được tới thời điểm hiện tại. Chi cục luôn theo dõi tình hình dịch tễ và sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ kỹ thuật phòng dịch để đảm bảo an toàn sinh học cho đàn vật nuôi. Với những người muốn nuôi mới, cần tìm hiểu kỹ về kỹ thuật, thị trường và đặc biệt là các quy định pháp luật liên quan”. Ông Hùng lưu ý.