Và nay đã và đang xuống các chân ruộng cao vốn trước đây là nơi trồng khoai, sắn, bắp. Không những vậy, nhiều hộ trồng keo thâm canh, vẫn bón phân, xới cỏ, vun gốc rất chu đáo. Tính ra trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, keo lai chiếm diện tích lớn khoảng 20 nghìn ha.
Khu vườn của ông Nguyễn Môn ở thôn Hoà Hải, xã Hoà Phú (Hoà Vang- Đà Nẵng) trước đây là nơi sản xuất cây màu và trồng chuối. Từ ngày gỗ keo được giá, ông quyết định đưa loại cây này xuống ruộng. Đất màu mỡ, giống tốt chỉ hơn 4 năm là thu hoạch. Người không tường tận về giá trị keo lai cho rằng trồng cây lấy gỗ trên đất ruộng thật uổng. Còn ông Môn, qua thực tiễn sản xuất biết rất rõ thiệt hơn. Bấm ngón tay ông tính: không uổng đâu. Thậm chí thu nhập cao hơn các loại cây trồng khác. Trước đây mẫu đất ấy, trồng rau màu, cây ăn quả, đầu tư lớn mà tính ra mỗi vụ thu vài ba triệu là nhiều. Không những thế, muốn có thu hoạch, ngày nào cũng phải có mặt trên vườn, hết bón phân là tưới nước. Trồng keo, thả cây xuống đất coi như xong việc, chắc chắn hơn 4 năm sau có thu hoạch. Loại cây này, to nhỏ, cành nhánh gì cũng bán được hết. Mà bán bất cứ lúc nào. Không như trồng rau đậu, chuối, đến vụ có khi năn nỉ mấy bà buôn mới chịu mua cho. Trồng keo, mật độ phù hợp, mỗi ha, chí ít cũng thu 4-5 chục triệu đồng. Tính ra, trên đất ruộng khô hạn ấy không có cây gì thu nhập cao và ổn định như keo lai.
Ở thôn Hoà Hải, hầu như đất vườn nhà ai cũng đã phủ kín keo lai. Cách đây dăm năm, khu vườn 6 sào của ông Trần Quốc Chính, hàng chục cây xoài, chôm chôm, quanh năm sum suê cành lá. Khốn nỗi cây tốt tươi mà chưa cho người trồng một quả. Khi phong trào trồng keo rộ lên, ông Chính không ngần ngại chặt bỏ, trồng keo lấy gỗ. Mới hơn 3 năm mà cây nào cây nấy đường kính cỡ 15 cm. Nhìn vườn keo đều tăm tắp, ông Chính cho biết: chỉ hơn năm nữa là thu hoạch, 6 sào này chí ít thu trên 2 chục triệu đồng. May mà dạo đó chuyển đổi nhanh, để cây ăn quả chắc không thu được một đồng.
Xã Hoà Phú là địa phương tiên phong đưa cây keo xuống ruộng. Dọc đường 604, nhìn ra các cánh đồng trước đây trồng mía, nay xanh um keo lá tràm. Hiện tại, trên địa bàn xã này, ít nhất vài chục ha đất ruộng cạn đã được chuyển sang trồng keo. Một nông dân lớn tuổi ở thôn Hoà Phước đang ngắm nghía vườn keo của mình cho biết: Trước đây, vùng này trồng mía. Năm được mùa, được giá mỗi ha cũng thu chục triệu là nhiều. Đó là chưa kể chi phí giống, phân bón, công cán… Còn trồng keo, 5 năm thu hơn 5 chục triệu mà không phải đầu tư gì ngoài cây giống và công trồng. Hiện nay giá gỗ keo lên cao, gần 800 nghìn đồng/tấn, chắc chắn đất ruộng cạn sẽ còn chuyển sang trồng keo không ít.
Phải nói rằng, keo lai đang là loại cây cho thu nhập cao và ổn định nhất ở khu vực trung du miền núi. Loại cây này không bị bệnh, khi trồng tỷ lệ sống cao, ít công chăm sóc. Hiện nay nhiều địa phương đã đưa cây giống giâm hom vào trồng. Tuy vậy, trong khi đất rừng kém màu mỡ được khai thác tối đa trồng keo, thì đây đó, không ít nơi đất vườn, đất ruộng cạn chưa khai thác triệt để. Nhiều hộ còn tiếc cây ăn quả và chưa mạnh dạn đưa keo xuống ruộng. Thực tế đã khẳng định, đưa cây keo xuống ruộng cạn, là bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng khả thi hiện nay ở vùng trung du. Các địa phương cần tiến hành khảo sát quỹ đất vườn, đất ruộng cạn hiện có, khuyến cáo nông dân trồng keo. Bên cạnh đó, không vì cây lấy gỗ mà xem nhẹ tính thâm canh. Muốn nhanh thu hoạch, cần thực hiện như một số hộ ở xã Hoà Phú đã làm đó là trồng với mật độ hợp lý, khi trồng bón một ít phân NPK. Đối với giống, nên trồng bằng keo lai giâm hom, cây chóng lớn, nhanh thu hoạch.
Với nguồn lợi thiết thực từ loại cây lấy gỗ này, nông dân nên tận dụng tối đa đất đai của mình, không để đất vườn, đất ruộng cạn hoang hoá, lãng phí.