| Hotline: 0983.970.780

Bàn giải pháp sản xuất cây ăn quả đạt tiêu chuẩn xuất khẩu

Thứ Sáu 18/07/2025 , 14:41 (GMT+7)

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường Phú Thọ tổ chức diễn đàn bàn giải pháp sản xuất cây ăn quả đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Phú Thọ thúc đẩy sản xuất cây ăn quả hàng hóa

Ngày 18/7, tại Phú Thọ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Phú Thọ tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Phát triển sản xuất cây ăn quả đạt tiêu chuẩn phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”.

Diễn đàn được tổ chức nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất cây ăn quả theo hướng hàng hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật như VietGAP, GlobalGAP, mã số vùng trồng… Qua đó nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp 'Phát triển sản xuất cây ăn quả đạt tiêu chuẩn phục vụ nội tiêu và xuất khẩu'. Ảnh: Phạm Hiếu.

Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp “Phát triển sản xuất cây ăn quả đạt tiêu chuẩn phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”. Ảnh: Phạm Hiếu.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Bùi Duy Linh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Phú Thọ cho biết, trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất và đánh giá lợi thế thị trường, tỉnh đã tập trung phát triển các cây ăn quả chủ lực như bưởi, cam, chuối, đồng thời chú trọng bảo tồn và nhân rộng các giống cây đặc sản có giá trị kinh tế cao như bưởi Đoan Hùng, bưởi đỏ Tân Lạc, cam Cao Phong, hồng không hạt Gia Thanh, chuối Phấn vàng, chuối tiêu hồng, vải Hùng Long chín sớm, vải PH40…

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Phú Thọ, đến nay, tỉnh đã hình thành nhiều vùng cây ăn quả tập trung gắn với cấp mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Cụ thể, cây bưởi có 65 mã số vùng trồng xuất khẩu với diện tích hơn 660 ha, cùng 18 mã vùng trồng nội tiêu với gần 1.700 ha. Cây chuối có 13 mã số vùng trồng xuất khẩu (350 ha), 54 mã vùng trồng nội tiêu (520 ha) và 3 cơ sở được cấp mã số đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc và EU. Năm 2024, các cơ sở này đã xuất khẩu hơn 2.900 tấn chuối tươi sang Trung Quốc. Cây thanh long có 23 mã vùng trồng với diện tích gần 340 ha, trong đó 14 mã phục vụ xuất khẩu (150 ha) và 11 mã phục vụ nội tiêu (190 ha).

Theo ông Bùi Duy Linh, cây ăn quả là một trong những thế mạnh của Phú Thọ với khoảng 36.000 ha. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo ông Bùi Duy Linh, cây ăn quả là một trong những thế mạnh của Phú Thọ với khoảng 36.000 ha. Ảnh: Phạm Hiếu.

Liên quan đến công tác quy hoạch vùng trồng và cấp mã số vùng trồng thời gian tới, ông Bùi Duy Linh cho biết, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Phú Thọ đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu và điều kiện của từng khu vực.

“Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ xây dựng lại quy hoạch vùng trồng phù hợp hơn, đảm bảo cơ sở khoa học và thực tiễn để phát triển bền vững các cây trồng chủ lực, nhất là các cây ăn quả đặc sản đã và đang khẳng định được thương hiệu. Đây là bước đi quan trọng nhằm tạo nền tảng lâu dài cho việc sản xuất theo tiêu chuẩn phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu”, ông Linh nhấn mạnh.

Kinh nghiệm bảo vệ sức khỏe cây bưởi

Tại Diễn đàn, ông Trần Văn Quý, hộ dân trồng bưởi tại xã Chân Mộng, tỉnh Phú Thọ nêu băn khoăn: Trong bối cảnh thị trường hiện nay, hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan, đâu là cách để người dân có thể bảo vệ thương hiệu nông sản của mình?

Giải đáp vấn đề này, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: “Muốn giữ được uy tín, thương hiệu nông sản, người dân cần thay đổi tư duy từ việc chỉ bán sản phẩm sang bán cả quy trình sản xuất. Chỉ khi sản phẩm gắn với một quy trình minh bạch, đạt tiêu chuẩn và người sản xuất chịu trách nhiệm cho chất lượng sản phẩm của mình thì mới có thể xây dựng được niềm tin với thị trường".

Theo ông Thanh, trong lĩnh vực thực phẩm, điều tiên quyết là phải đảm bảo an toàn. Vì vậy, không nên có sự phân biệt về tiêu chuẩn giữa sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và sản phẩm xuất khẩu. Tư duy sản xuất an toàn cần được áp dụng đồng đều, đồng thời đặt ra yêu cầu kiểm soát chặt chẽ đầu vào từ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong toàn bộ chuỗi sản xuất.

Ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát chặt chẽ đầu vào trong toàn bộ chuỗi sản xuất. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát chặt chẽ đầu vào trong toàn bộ chuỗi sản xuất. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cũng liên quan đến sản xuất bưởi, ông Nguyễn Hải Đô, Giám đốc HTX Bưởi và Dịch vụ tổng hợp Hùng Xuyên bày tỏ lo lắng về tình trạng ruồi vàng gây hại và hiện tượng rám quả vốn là nỗi lo lớn của người trồng bưởi hiện nay.

Giải thích hiện tượng này, TS Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật cho biết, hiện tượng rám quả là triệu chứng của cây bưởi bị tấn công bởi nhện và rệp kim - hai côn trùng chích hút nhựa cây. Ngoài ra, nguyên nhân cũng có thể xuất phát từ rễ cây bị suy yếu, sức đề kháng kém khiến cây dễ bị nhiễm bệnh.

Một đối tượng gây hại nguy hiểm khác mà nhiều người trồng bưởi lo lắng là ruồi vàng. Đây là sinh vật có khả năng bay xa, gây hại không chỉ ở một hộ mà lan ra cả vùng. Vì vậy, bà Ngọc nhấn mạnh, biện pháp phòng trừ ruồi vàng phải được tổ chức đồng bộ theo vùng, có sự phối hợp giữa các hộ dân và chính quyền địa phương. Việc chỉ làm đơn lẻ, nhỏ lẻ ở từng vườn sẽ không mang lại hiệu quả lâu dài.

“Để khắc phục các đối tượng gây hại và nâng cao chất lượng cây trồng, bà con cần thay đổi quy trình canh tác theo hướng sinh học, hữu cơ như sử dụng chế phẩm vi sinh, cải tạo đất, tăng cường dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe cho cây. Việc cắt tỉa tạo tán sau thu hoạch cũng rất cần thiết để hạn chế sâu bệnh, chuẩn bị cho vụ tiếp theo”, TS Ngọc chia sẻ.

Đặc biệt, TS Ngọc khuyến cáo nông dân không nên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật rẻ tiền, kém chất lượng vì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây trồng và lâu dài là cả chất lượng sản phẩm.

Đổi mới tư duy, nâng tầm trái cây Việt Nam

Phát biểu kết thúc Diễn đàn, ông Lê Quốc Thanh khẳng định, ngành hàng trái cây của Việt Nam đang đứng trước tiềm năng phát triển vô cùng lớn. Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội là những yêu cầu khắt khe. Ngày càng nhiều quốc gia thiết lập các rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt đối với nông sản nhập khẩu. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, quy trình sản xuất đạt chuẩn (VietGAP, GlobalGAP), mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đã trở thành điều kiện bắt buộc nếu nông sản Việt Nam muốn bước chân vào các thị trường cao cấp như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Các đại biểu tham quan vườn bưởi Đoan Hùng tại xã Chân Mộng, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Phạm Hiếu.

Các đại biểu tham quan vườn bưởi Đoan Hùng tại xã Chân Mộng, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Phạm Hiếu.

Không chỉ phục vụ xuất khẩu, nhu cầu trong nước về sản phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng cũng ngày càng tăng. Đây là động lực thúc đẩy các địa phương chuyển đổi sản xuất cây ăn quả theo hướng an toàn, chất lượng, gắn với tiêu chuẩn chứng nhận như OCOP, VietGAP, GlobalGAP...

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với nhiều địa phương xây dựng các mô hình sản xuất cây ăn quả tiêu chuẩn, góp phần hình thành vùng nguyên liệu ổn định, từng bước đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước.

“Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ. Muốn tổ chức lại sản xuất một cách bài bản, người dân phải quan tâm đến từng yếu tố nhỏ nhất, từ vật tư đầu vào, chất lượng, mẫu mã đến khâu quảng bá, thương mại sản phẩm. Giống như xây một ngôi nhà đẹp, phải chăm chút từng viên gạch, từng cánh cửa, từng căn phòng. Quan trọng hơn cả, người chủ ngôi nhà ấy phải thay đổi tư duy, phải sẵn sàng tiếp nhận cái mới, thích nghi với thời cuộc và thông tin”, ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh cho rằng, thời điểm hiện tại chính là “thời điểm vàng" để người dân đổi mới tư duy sản xuất bởi chưa bao giờ chính quyền và lực lượng khuyến nông cơ sở lại gần gũi, đồng hành với nông dân như trong giai đoạn triển khai mô hình chính quyền hai cấp hiện nay.

Xem thêm
Trại lợn lớn gây mùi, rò rỉ nước thải ra môi trường

QUẢNG NINH UBND xã Đường Hoa yêu Công ty Cổ phần Chăn nuôi Greentech không tăng đàn và thực hiện giảm quy mô đàn khi chưa hoàn thiện hệ thống xử lý về môi trường.

Quảng Ngãi: Xử phạt nhiều trường hợp vứt xác lợn nhiễm bệnh ra môi trường

Nhiều trường hợp vứt xác lợn chết ra môi trường tại Quảng Ngãi đã bị phát hiện, xử lý. Chính quyền địa phương và ngành thú y siết chặt kiểm tra, ngăn dịch lây lan.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nông nghiệp Hải Phòng kỳ vọng đột phá sau sáp nhập

HẢI PHÒNG Sau hợp nhất, thế mạnh về biển của Hải Phòng và nông nghiệp công nghệ cao của Hải Dương hứa hẹn sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới, giúp phát huy được các tiềm năng.

Chăm sóc chanh leo bằng điện thoại, quả sai trĩu

SƠN LA Áp dụng đồng bộ quy trình canh tác tự động hiện đại, vườn chanh lep của anh Hưởng phát triển rất tốt, quả sai trĩu, việc chăm sóc cũng rất nhàn nhã.

Kiểm ngư Vùng 5: Không có vùng xám trong chống khai thác IUU

Lực lượng Kiểm ngư Vùng 5 quyết liệt tuần tra, xử lý vi phạm trên biển, khẳng định không có ngoại lệ, không có vùng xám trong chống khai thác IUU.

Siết chặt bảo vệ rừng trong mùa khai thác hạt ươi

ĐÀ NẴNG Mùa ươi không chỉ giúp bà con cải thiện sinh kế mà còn là thử thách cho công tác bảo vệ rừng, đòi hỏi trách nhiệm của cả người dân và lực lượng chức năng.

Bình luận mới nhất