| Hotline: 0983.970.780

Những nút thắt cần gỡ để ngành hàng trái cây vượt thách thức

Thứ Hai 14/07/2025 , 22:06 (GMT+7)

TS Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và BVTV chỉ ra những thách thức trong phát triển cây ăn quả giai đoạn tới và giải pháp để vượt qua.

Buộc phải nhanh chóng thích ứng

Trên thị trường quốc tế, Việt Nam nằm trong tốp đầu các quốc gia sản xuất và xuất khẩu một số loại trái cây như thanh long, vải, sầu riêng... Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ hai về sản lượng cam và các loại quả như xoài, ổi, măng cụt, thứ ba về sản lượng chuối và thứ tư về sản lượng dứa.

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật. Ảnh: Đức Bình.

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật. Ảnh: Đức Bình.

Những năm qua, sản xuất cây ăn quả tại nhiều địa phương đã liên tục phát triển mạnh, hình thành những vùng sản xuất mang tính hàng hóa lớn, điển hình là tỉnh Sơn La.

Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt và BVTV, để hiện thực hóa mục tiêu đưa Sơn La trở thành thủ phủ sản xuất và chế biến trái cây của vùng Tây Bắc, tỉnh cần quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống logistics hiện đại, bao gồm kho bảo quản, hệ thống vận chuyển và phân phối. Đồng thời cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể để phát triển hạ tầng logistics, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả trên thị trường nội địa và xuất khẩu...

Mặc dù sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả những năm qua của nước ta đã có những bứt phá ngoạn mục, tuy nhiên theo ông Mạnh, nhìn chung quy mô sản xuất chủ yếu vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu các chuỗi liên kết bền vững, gây trở ngại cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, kiểm soát quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) và truy xuất nguồn gốc.

Chế biến sâu đang là yêu cầu cấp thiết đối với ngành hàng trái cây của Sơn La nói riêng cũng như cả nước nói chung. Ảnh: Đức Bình.

Chế biến sâu đang là yêu cầu cấp thiết đối với ngành hàng trái cây của Sơn La nói riêng cũng như cả nước nói chung. Ảnh: Đức Bình.

Mặc dù đã có nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật nhưng việc áp dụng vào sản xuất vẫn chưa phổ biến và thiếu đồng bộ. Tình trạng lạm dụng hóa chất như phân bón và thuốc BVTV không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, chất lượng sản phẩm, ATTP và uy tín của sản phẩm trên thị trường, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng. Trong khi đó, chi phí vật tư đầu vào liên tục tăng cao, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm.

Ngoài ra, phụ phẩm từ quá trình sản xuất và chế biến rau quả như thân, lá, vỏ trái cây hay bao bì chưa được tận dụng hiệu quả, chủ yếu bị thải bỏ thay vì tái sử dụng, gây lãng phí tài nguyên. Phương pháp tưới truyền thống vẫn phổ biến, gây thất thoát nước lớn, trong khi công nghệ tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước chưa được áp dụng rộng rãi. Sản xuất và xuất khẩu cũng chưa thực sự bền vững, giá trị gia tăng thấp do phần lớn sản phẩm vẫn xuất khẩu ở dạng thô.

Ngành hàng trái cây Việt Nam cần gắn chế biến sâu với tận dụng phụ phẩm trong quá trình chế biến để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn. Ảnh: Đức Bình.

Ngành hàng trái cây Việt Nam cần gắn chế biến sâu với tận dụng phụ phẩm trong quá trình chế biến để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn. Ảnh: Đức Bình.

"Vùng trồng còn chịu tác động từ nhiều yếu tố bên ngoài như biến đổi khí hậu, dịch bệnh và biến động tiêu dùng. Sự gia tăng giao thương thực phẩm, nông sản cũng kéo theo sức ép cạnh tranh từ các sản phẩm nhập khẩu", Phó Cục trưởng Nguyễn Quốc Mạnh nhấn mạnh.

Trong bối cảnh công nghệ sinh học, công nghệ 4.0 và chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ, ông Mạnh cho rằng ngành sản xuất cây ăn quả buộc phải thích ứng nhanh chóng để nâng cao hiệu quả sản xuất. Đứt gãy chuỗi cung ứng, khủng hoảng cung cầu và yêu cầu đa dạng hóa chủng loại sản phẩm cũng như chuỗi giá trị là những vấn đề luôn hiện hữu. Đồng thời, ngành còn phải đối mặt với các thách thức liên quan đến an sinh xã hội và cạnh tranh thương mại ngày càng gay gắt trên thị trường quốc tế.

Giải bài toán phát triển bền vững

Để phát triển bền vững ngành sản xuất cây ăn quả, cần tập trung ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất. Trước hết, cần đầu tư vào giống cây trồng chất lượng cao, có năng suất tốt và khả năng chống chịu sâu bệnh giúp nâng cao hiệu quả sản xuất.

"Việc tổ chức sản xuất rải vụ thu hoạch thông qua cơ cấu giống và kỹ thuật tiên tiến sẽ giúp tránh tình trạng được mùa rớt giá, ổn định thu nhập cho nông dân", ông Mạnh nêu giải pháp.

Cần đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật canh tác bền vững cho cây ăn quả. Ảnh: Đức Bình.

Cần đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật canh tác bền vững cho cây ăn quả. Ảnh: Đức Bình.

Áp dụng các công nghệ tưới tiết kiệm và canh tác thông minh không chỉ giúp tiết kiệm tài nguyên mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Đặc biệt, việc tuân thủ các tiêu chuẩn nông nghiệp an toàn như VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp sinh thái sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ứng dụng công nghệ số cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý sản xuất nông nghiệp. Sử dụng blockchain để truy xuất nguồn gốc sản phẩm giúp tăng tính minh bạch và tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Các mô hình nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp sinh thái cần được phát triển mạnh mẽ hơn với việc tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh hại thay thế phân bón và thuốc BVTV hóa học.

Ngoài ra, cần tận dụng hiệu quả phụ phẩm rau quả để tạo ra giá trị mới, chẳng hạn như chế biến thành thức ăn chăn nuôi, sản xuất năng lượng sinh học (than sinh học, biogas) hoặc phân bón hữu cơ (vỏ trái cây, thân lá được ủ phân compost, phân vi sinh). Các phương pháp canh tác bền vững như luân canh cây trồng, trồng cây che phủ đất và canh tác không đất (thủy canh, khí canh) cũng cần được khuyến khích áp dụng để bảo vệ đất và tiết kiệm nước.

Đầu tư vào công nghệ bảo quản và chế biến sâu là cũng là giải pháp quan trọng để giảm tổn thất sau thu hoạch. Các nhà máy chế biến hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm từ rau quả sẽ giúp nâng cao giá trị gia tăng và đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Hạ tầng hạ tầng logistics cùng công tác xúc tiến thương mại vẫn còn nhiều hạn chế khiến trái cây Việt Nam khó vươn xa. Ảnh: Đức Bình.

Hạ tầng hạ tầng logistics cùng công tác xúc tiến thương mại vẫn còn nhiều hạn chế khiến trái cây Việt Nam khó vươn xa. Ảnh: Đức Bình.

Cuối cùng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và mở rộng thị trường là yếu tố không thể thiếu. Việc đẩy mạnh quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, phát triển các kênh phân phối thương mại điện tử và xuất khẩu chính ngạch sẽ giúp sản phẩm cây ăn quả của Việt Nam vươn xa hơn. Bên cạnh đó, việc xây dựng và quản lý mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm sẽ giúp đảm bảo chất lượng và tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, thị trường xuất khẩu trái cây của Việt Nam đã mở rộng đáng kể qua các năm. Năm 2014, cả nước có 13 thị trường đạt giá trị xuất khẩu trên 1 triệu USD. Đến năm 2018, số lượng này tăng lên với 14 thị trường trên 20 triệu USD, 5 thị trường từ 10 đến dưới 20 triệu USD và 36 thị trường từ 1 đến dưới 10 triệu USD. Đến năm 2022, Việt Nam đã có 7 thị trường xuất khẩu trái cây đạt giá trị trên 100 triệu USD, 10 thị trường từ 20 đến dưới 100 triệu USD và 3 thị trường từ 10 đến dưới 20 triệu USD.

Xem thêm
Lời giải công nghiệp hóa ngành chăn nuôi: [Bài cuối] Cú hích tự động hóa mở lối chăn nuôi xanh

Với dây chuyền sản xuất tự động hóa hiện đại, tiết kiệm năng lượng tối đa, CPV Food Bình Phước đang mở lối cho ngành chăn nuôi xanh, hiệu quả và phát triển bền vững.

Liên tiếp phát hiện các ổ dịch tả lợn châu Phi ở Quảng Ngãi

Thời gian gần đây, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp tại Quảng Ngãi với nhiều ổ dịch được phát hiện, hàng trăm con lợn buộc phải tiêu hủy.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nông nghiệp Hải Phòng kỳ vọng đột phá sau sáp nhập

HẢI PHÒNG Sau hợp nhất, thế mạnh về biển của Hải Phòng và nông nghiệp công nghệ cao của Hải Dương hứa hẹn sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới, giúp phát huy được các tiềm năng.

Tuyển chọn được 5 giống khoai lang bản địa ưu tú nhất

Từ hơn 500 giống khoai lang bản địa, các nhà khoa học đã sàng lọc, chọn ra được 5 giống ưu tú nhất theo tiêu chí chất lượng, năng suất, khả năng chống chịu.

Thấp thỏm xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng dù tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lo ngại suy giảm nửa cuối năm do áp lực thuế quan từ Hoa Kỳ.

Phát triển ngành dược liệu An Giang theo hướng 'đất lành, thuốc quý, sinh kế xanh'

An Giang đang phát triển ngành dược liệu theo hướng bền vững, kết hợp bảo tồn, tạo sinh kế xanh và xây dựng chuỗi giá trị gắn du lịch với y học cổ truyền.

Bình luận mới nhất