Vai trò trụ cột trong chuyển đổi nền nông nghiệp
“Khoa học công nghệ (KHCN) chính là lực đẩy trung tâm tạo nên bước chuyển căn bản của ngành cây ăn quả, rau, hoa tại Việt Nam trong hai thập kỷ qua. Nhờ ứng dụng đồng bộ các tiến bộ KHCN, chúng ta từ một nền sản xuất phụ thuộc vào kinh nghiệm, giống nhập khẩu, công nghệ lạc hậu đã tiến tới từng bước làm chủ, hình thành được chuỗi giá trị từ giống - canh tác - sơ chế - bảo quản - thị trường”, PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) khẳng định về vai trò của KHCN trong việc thay đổi diện mạo ngành trồng trọt.

Theo PGS.TS Đặng Văn Đông (bên trái) tham quan mô hình trồng giống sen mới do Viện Nghiên cứu Rau quả nghiên cứu, chuyển giao. Ảnh: Trung Quân.
Theo PGS.TS Đặng Văn Đông, nhờ các thành tựu nổi bật trong chọn tạo giống, xây dựng quy trình canh tác, kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch, diện mạo sản xuất rau, hoa, cây ăn quả tại nhiều địa phương trong cả nước đã thay đổi một cách toàn diện và bền vững.
Từ chỗ canh tác manh mún, tự phát, hiệu quả thấp, nhiều vùng đã vươn lên thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, áp dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Sự chuyển mình này không chỉ nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích mà còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân từ làm nông truyền thống sang làm nông chuyên nghiệp, hướng đến thị trường và xuất khẩu.
Tại tỉnh Hưng Yên, giống nhãn chín muộn, vải trứng, ổi lê Đài Loan kết hợp với quy trình xử lý rải vụ, phòng trừ sâu bệnh bằng biện pháp sinh học được Viện Nghiên cứu Rau quả (Favri) chuyển giao đã đóng góp quan trọng trong việc giúp người dân tăng nhanh diện tích nhãn chín muộn. Từ đó, nâng giá trị sản xuất lên mức 400 – 500 triệu đồng/ha, nhiều hộ có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.
Không chỉ trên cây ăn quả, những thành tựu trong phát triển các giống hoa mới như đồng tiền, hoa chậu, hoa thảm… kết hợp mô hình trồng hoa trong nhà màng, kỹ thuật xử lý ra hoa để có thể xuất bán đúng các dịp lễ, Tết… tại Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên) đã góp phần biến vùng đất vốn chỉ có màu xanh của ngô, rau trở thành một trong những làng hoa đứng đầu miền Bắc với quy mô hơn 300ha. Thu nhập trung bình của các hộ sản xuất tại đây đạt 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/năm.

Chương trình chuyển giao giống cùng kỹ thuật ghép cải vườn nhãn do Viện Nghiên cứu Rau quả thực hiện đã góp phần quan trọng đưa Sơn La thành vựa nhãn lớn nhất miền Bắc. Ảnh: Lê Bền.
Tại Sơn La, Favri hỗ trợ xây dựng vùng cây ăn quả trên đất dốc với quy trình trồng xoài, nhãn, mận hậu an toàn, liên kết chuỗi với doanh nghiệp. Các kỹ thuật ghép cải tạo, cắt tỉa, quản lý bộ tán, xử lý ra hoa nhãn, xoài trái vụ, phòng trừ sâu bệnh bằng giải pháp sinh học, bao gói quả… đã giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, mở đường cho Sơn La xuất khẩu chính ngạch hơn 7.000 tấn nhãn mỗi năm vào thị trường các nước.
Viện còn chuyển giao các giống rau, cà chua, ớt ngọt, củ cải, rau ăn lá, giống lan hồ điệp, đồng tiền, hoa lily cùng công nghệ nhà màng, tưới nhỏ giọt, cấy mô…, tạo thuận lợi cho các hộ phát triển sản xuất rau, hoa công nghệ cao kết hợp du lịch nông nghiệp, giá trị sản xuất đạt 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm.
Tại huyện Hưng Hà (Thái Bình), mô hình trồng sen mùa hè, trồng hoa lay ơn mùa đông trên cùng diện tích ruộng trũng gắn với du lịch trải nghiệm, tổ chức các tour “thả dáng giữa đầm hoa” đã biến những vùng đất tưởng chừng đã “chết” trở thành hình mẫu trong chuyển đổi canh tác cây trồng theo hướng hiệu quả, bền vững với tổng thu nhập mỗi ha đạt 600 triệu – 1,1 tỷ đồng/năm.

Những bộ giống, kỹ thuật canh tác mới đang góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, giá trị cao. Ảnh: NVCC.
Gần đây nhất, Viện Nghiên cứu Rau quả đã chọn tạo và bàn giao 169 hạt giống sen Mặt Bằng đưa vào vũ trụ. Đây không chỉ là biểu tượng văn hóa, mà còn là hoạt động nghiên cứu có cơ sở khoa học vững chắc, mở ra triển vọng khai thác tiềm năng sinh học của các giống cây truyền thống trong môi trường cực đoan, góp phần thúc đẩy nghiên cứu nền tảng trong lĩnh vực cây trồng và nông nghiệp không gian...
Những ví dụ trên chỉ là số ít những điển hình về sự chuyển mình mạnh mẽ của sản xuất cây ăn quả, hoa, rau tại các địa phương nhờ ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ KHCN trong công tác giống, kỹ thuật canh tác. Sự thay đổi này không đến từ một đột phá nhất thời, mà là kết quả của quá trình bền bỉ nghiên cứu, chuyển giao, đồng hành và đổi mới cách làm. Trong đó, KHCN là tiền đề tiên quyết, là điểm tựa, bản lề vững chắc để các thành tố của sản xuất xoay vần, đi lên.
Trong bối cảnh nhiều đòi hỏi khắt khe đặt ra cho sản xuất, KHCN đã và đang đóng vai trò trụ cột trong chuyển đổi nền nông nghiệp giá trị thấp sang nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái và nông nghiệp số. Thống kê cho thấy, KHCN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.
Các nhà khoa học bằng chính những sản phẩm và mô hình thực tiễn đã chứng minh rằng, đầu tư đúng cho nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KHCN sẽ tạo ra những đột phá thực chất, bền vững và có khả năng lan tỏa rộng khắp trong hệ sinh thái nông nghiệp hiện đại của Việt Nam.
Tháo "vòng kim cô" cho nghiên cứu khoa học
Không ai là không khỏi cảm thán, ngưỡng mộ. Để có sự chuyển mình của sản xuất trồng trọt trong thời gian qua, các nhà khoa học không ít lần phải “nếm mật nằm gai”.
Những quy định rườm rà, chồng chéo về tài chính, đấu thầu đề tài; thiếu hụt cơ sở vật chất, nguồn lực… từng là rào cản khiến các nhà khoa học nản lòng, mất đi sự nhiệt huyết, động lực nghiên cứu.

Nghị quyết số 57-NQ/TW ra đời như một luồng sinh khí mới cho sự phát triển của KHCN. Ảnh: Trung Quân.
Người dân tại các địa phương ban đầu thường lo ngại rủi ro khi áp dụng giống mới, kỹ thuật mới, nhất là khi chưa thấy hiệu quả rõ ràng. Nhiều nơi không có tổ chức trung gian để tiếp nhận, nhân rộng mô hình hoặc thiếu kinh phí phối hợp. Điều kiện hạ tầng sản xuất và bảo quản còn yếu khiến việc áp dụng quy trình tiên tiến bị hạn chế, hiệu quả giảm sút…
Vượt lên tất cả, bằng tình yêu nghề và trách nhiệm của mình, đội ngũ cán bộ khoa học vẫn nỗ lực cống hiến và tạo ra nhiều kết quả thiết thực cho sản xuất. Điều đó cho thấy tiềm năng sáng tạo trong giới khoa học rất lớn, vấn đề là cần được “cởi trói” đúng lúc, đúng cách.
Nghị quyết số 57-NQ/TW ra đời như một luồng sinh khí mới, tạo niềm tin và động lực để các viện, trung tâm nghiên cứu chuyển từ “thích nghi bị động” sang “chủ động bứt phá”. Việc xác lập các cơ chế như khoán theo sản phẩm đầu ra, giao quyền tự chủ thực chất, định giá kết quả nghiên cứu, thúc đẩy thị trường KHCN… sẽ là nền tảng để khoa học không còn đứng ngoài dòng chảy phát triển kinh tế - xã hội mà thực sự là lực đẩy trung tâm.
Nghị quyết còn là bước ngoặt chiến lược trong tư duy phát triển KHCN, tương tự như vai trò của Khoán 10 trong nông nghiệp ba thập niên trước. Đây không chỉ là một nghị quyết chính sách mà là một nghị quyết giải phóng tư duy khoa học, kích hoạt hành động và thực thi mục tiêu, mở ra hệ sinh thái chính sách đổi mới toàn diện.

Mô hình trồng hoa lay ơn do Viện Nghiên cứu Rau quả chuyển giao giống, kỹ thuật cho nông dân. Ảnh: Trung Quân.
Chính những đổi mới này đang tạo ra niềm tin và động lực mới cho giới khoa học, đặc biệt là các viện nghiên cứu ứng dụng như Viện Nghiên cứu Rau quả. Khi được “cởi trói”, nhà khoa học sẽ chủ động, sáng tạo và gắn bó hơn với thực tiễn sản xuất, thị trường. Đây là yếu tố quyết định để Việt Nam có thể chuyển từ đi sau, làm theo sang đi cùng, cạnh tranh trong hệ sinh thái KHCN toàn cầu.
“Chúng tôi xác định rõ rằng, Nghị quyết 57 không chỉ là cơ hội mà còn là trách nhiệm đổi mới để phát huy năng lực nghiên cứu và đóng góp hiệu quả hơn cho ngành. Nếu trước đây làm được ít mà phải lo nhiều, thì nay với tinh thần của Nghị quyết 57, chúng tôi tin rằng mình có thể làm được nhiều, lo ít hơn. Đặc biệt là làm đúng điều mà xã hội và thị trường cần. Đó chính là nền tảng để các nhà khoa học tạo ra những đột phá mạnh mẽ, thực chất và có tầm ảnh hưởng rộng hơn trong giai đoạn tới”, PGS.TS Đặng Văn Đông đánh giá.