Đóng góp vào tăng hiệu quả kinh tế khoảng 30%
Ngành nông nghiệp và môi trường (NN-MT) được Đảng, Chính phủ đánh giá là trụ đỡ của nền kinh tế, khi từ một quốc gia sản xuất không đủ cho nhu cầu nội địa, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới, đạt trên 62 tỷ USD vào năm 2024, đảm bảo an sinh xã hội và môi trường bền vững. Đạt được kết quả đó có vai trò đóng góp quan trọng của khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo.
Đến nay, KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã bao trùm tất cả các lĩnh vực của ngành NN-MT như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi, phòng chống thiên tai, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, khoáng sản, môi trường, đất đai, đo đạc bản đồ, viễn thám…

Khoa học công nghệ đã góp phần đặc biệt quan trọng tạo đột phá cho ngành nông nghiệp trong những năm qua. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Chỉ tính từ năm 2021 - 2025, tổng cộng có 1.201 chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ KHCN đã và đang được triển khai. Nhiều nhiệm vụ KHCN tạo ra sản phẩm cuối cùng và được cơ quan thẩm quyền chấp nhận, chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất, phục vụ công tác quản lý, đóng góp vào tăng hiệu quả kinh tế khoảng 30%.
Giai đoạn 2021 - 2025, 461 giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, lâm nghiệp cùng 216 tiến bộ kỹ thuật, 34 bằng độc quyền sáng chế và 19 giải pháp hữu ích… đã được công nhận.
Các sản phẩm KHCN là cơ sở để xây dựng các dự án luật, các văn bản hướng dẫn thi hành luật; định hướng cho công tác xây dựng chiến lược, chính sách, quy hoạch quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia; làm luận cứ phục vụ điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; tạo ra các giống cây trồng vật nuôi, tiến bộ kỹ thuật, giải pháp hữu ích, quy trình công nghệ...
Về chuyển giao, ứng dụng KHCN, 5 năm qua, ngành NN-MT đã thực hiện được khoảng 1.000 mô hình trình diễn với nội dung và quy mô phù hợp với điều kiện, nhu cầu của từng địa phương, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị nông sản, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Đi đôi với đó là phát triển các sản phẩm OCOP, phát triển ngành nghề nông thôn, phát triển cộng đồng, văn hóa, xã hội, môi trường nông thôn, xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại.

Khoa học công nghệ trong ngành nông nghiệp những năm qua đóng góp vào tăng hiệu quả kinh tế khoảng 30%. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, từ năm 2021 - 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo triển khai 35 đề tài nghiên cứu thuộc Chương trình KHCN trọng điểm cấp Bộ: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong xây dựng, phát triển Chính phủ số và Chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025”.
Kết quả nổi bật là cung cấp cơ sở khoa học để xây dựng cơ sở dữ liệu các lĩnh vực đất đai, địa chất, khoáng sản, khí tượng thủy văn, tài nguyên nước, biến đổi khí hậu, biển và hải đảo, viễn thám; cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá; ứng dụng trong quản lý, khai thác hạ tầng công nghệ thông tin dùng chung; giải pháp trí tuệ nhân tạo cho cảnh báo thiên tai, lũ lụt; ứng dụng kiểm kê phát thải; giám sát thực hiện quy hoạch sử dụng đất; dự báo, cảnh báo động đất; xử lý ảnh trong quan trắc mực nước thủy văn; cấp phép trực tuyến; quản lý sản xuất, chỉ đạo điều hành, cảnh báo dịch bệnh...
Công tác ứng dụng chuyển đổi số đã hỗ trợ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật, bảo đảm cơ sở pháp lý phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số ngành nông nghiệp và môi trường.
Những điểm nghẽn
Dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, song hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của ngành nông nghiệp và môi trường vẫn còn gặp không ít thách thức, khó khăn.

Dù đạt được nhiều thành tựu lớn, song cơ chế, chính sách dành cho hoạt động khoa học công nghệ những năm qua còn vướng mắc, chưa tạo được động lực cho các nhà khoa học. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Đến nay, hệ thống văn bản về hoạt động KHCN thiếu đồng bộ, trình tự thủ tục còn phức tạp; cơ chế phối hợp, chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu chưa rõ ràng, đặc biệt thiếu cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, chuyển giao và chia sẻ quyền sở hữu đối với các kết quả nghiên cứu KHCN. Nhiều chính sách khuyến khích xã hội hóa và thu hút đầu tư cho nghiên cứu KHCN còn thiếu sức hút, chưa tạo ra hành lang pháp lý đủ rõ ràng để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này.
Trong khi đó, quy định quản lý nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước còn phức tạp, chưa phủ hết được các đối tượng có nhu cầu tham gia nghiên cứu KHCN, do vậy gây khó khăn cho các đối tượng khác khi có nhu cầu tham gia triển khai nhiệm vụ KHCN. Đầu tư kinh phí cho các nhiệm vụ phát triển KHCN chưa đáp ứng yêu cầu để tạo ra sản phẩm cuối cùng. Hiện nay, chi ngân sách nhà nước đầu tư chung cho KHCN chỉ chiếm 0,6% GDP; chi ngân sách trong nông nghiệp, môi trường mới được khoảng 0,21% GDP của ngành.
Mặt khác, đội ngũ cán bộ KHCN đông nhưng chưa mạnh, thiếu các chuyên gia/nhà khoa học đầu ngành, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ 4.0. Các chủ thể tham gia hoạt động KHCN chủ yếu đến từ khu vực viện nghiên cứu, trường đại học công lập. Hoạt động đổi mới, ứng dụng công nghệ, thương mại hóa sản phẩm KHCN tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh tuy đã được quan tâm nhưng chưa trở thành xu thế phổ biến.
5 giải pháp trọng tâm, đột phá
Nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo động lực toàn diện để phát triển KHCN, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có Quyết định số 503/QĐ-BNNMT ngày 27/3/2025 ban hành Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Môi trường thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết sẽ tập trung triển khai 5 giải pháp trọng tâm, mang tính đột phá về khoa học công nghệ ngành nông nghiệp và môi trường trong thời gian tới. Ảnh: Khương Trung.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, bên cạnh việc thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ trong Quyết định số 503/QĐ-BNNMT, Bộ sẽ tập trung triển khai 5 giải pháp trọng tâm, mang tính đột phá.
Thứ nhất, tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo trong cách lĩnh vực của ngành, không chỉ ở khu vực công mà cả ở khu vực tư.
Thứ hai, sắp xếp, kiện toàn các tổ chức KHCN trực thuộc Bộ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện cơ chế đấu thầu hoặc đặt hàng, giao nhiệm vụ thực hiện các đề tài, dự án KHCN hàng năm với yêu cầu phải xuất phát từ thực tiễn, gắn với yêu cầu thực tiễn phát triển trên các lĩnh vực của ngành.
Thứ ba, sẽ lựa chọn để triển khai một số đề tài, dự án KHCN trọng điểm của ngành, trong đó ưu tiên cho công nghệ sinh học, công nghệ gen để tạo sự phát triển đột phá trên các lĩnh vực của ngành.
Thứ tư, quan tâm phát triển đội ngũ nhân lực KHCN của ngành, không chỉ trong các đơn vị trực thuộc Bộ mà có cơ chế khuyến khích, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ để huy động sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Đặc biệt là phát huy mạnh mẽ đội ngũ nhân lực KHCN ở khu vực tư, ở các doanh nghiệp, hợp tác xã…
Cuối cùng, tập trung chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của ngành, tạo tiền đề để đổi mới toàn diện phương thức quản lý từ hoạch định chính sách đến chỉ đạo điều hành, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, hướng đến tăng trưởng xanh, bền vững.