KHUNG BẢN TIN TỐI |
HÌNH HIỆU CHƯƠNG TRÌNH |
MC: Xin kính chào quý vị và các bạn, mời quý bị và các bạn theo dõi bản tin truyền hình nông nghiệp và môi trường ngày 05/05/2025. |
ĐỊNH HƯỚNG ‘NÔNG NGHIỆP XANH - SẢN PHẨM SẠCH - CÔNG NGHỆ CAO’ Thực hiện: THANH THỦY MC: Sáng nay, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Đồng thời nêu rõ các định hướng lớn cho năm 2025. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp được xác định là một trong những trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững. Hình: Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2025, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tái cơ cấu theo hướng “nông nghiệp xanh - sản phẩm sạch - công nghệ cao - thị trường bền vững”. Đây là giải pháp then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm an ninh lương thực và tăng sức cạnh tranh cho nông sản Việt Nam. Song song với đó là bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm chủ lực và triển khai đồng bộ các giải pháp để sớm gỡ thẻ vàng IUU. Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung thực hiện Kết luận số 81 của Bộ Chính trị về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo thiên tai; đẩy mạnh dự báo, kịp thời ứng phó thiên tai, mưa bão. Xây dựng khung chính sách quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về đất hiếm. Sớm triển khai các biện pháp phục hồi, làm sống lại các "dòng sông chết", giảm ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TP.HCM. Bên cạnh đó, phát triển du lịch với phương châm "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện". |
BỘ NN-MT TẬP TRUNG 7 NHÓM VẤN ĐỀ TRONG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 57 Thực hiện: ĐỨC VIỆT – QUANG DŨNG MC: Chiều nay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Họp báo Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị sắp tới sẽ cụ thể hóa những định hướng lớn trong phát triển nông nghiệp bền vững, hiện đại gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh, cũng như cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Hình: Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường - Phùng Đức Tiến khẳng định, sự tham gia đầy đủ của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc triển khai Nghị quyết 57 là điều rất đáng mừng, nhất là khi 2 Bộ: TN-MT và NN-PTNT vừa hợp nhất. Để triển khai Nghị quyết quan trọng này, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 193, Chính phủ đã ban hành Nghị định 88. Về phía Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đã xây dựng được các nội dung cơ bản gồm 58 nhóm nhiệm vụ, bao gồm 7 nhóm vấn đề như: Nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy; Hoàn thiện thể chế; Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng; Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao; Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; Thúc đẩy hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp và Tăng cường hợp tác quốc tế. Hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày, từ 9 đến 10/5, bao gồm trưng bày triển làm từ ngày 9/5. Tiếp đó, sáng 10/5, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiến hành thảo luận chung. Trong phiên chiều 10/5, các đại biểu sẽ chia 4 tiểu ban để thảo luận sâu hơn các vấn đề liên quan đến ngành nông nghiệp và môi trường Trong khuôn khổ hội nghị, các bên liên quan sẽ cùng trao đổi, đề xuất giải pháp phù hợp, đảm bảo thực thi Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị một cách đồng bộ, hiệu quả và sát với thực tiễn. Theo tinh thần của Nghị quyết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác định việc chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ ưu tiên. Đồng thời, đề cao vai trò của người nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, gắn với đổi mới tổ chức sản xuất và xây dựng nông thôn hiện đại./. |
VIỆT NAM – VƯƠNG QUỐC ANH HỢP TÁC ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU Thực hiện: THU TRANG - TRẦN VĂN MC: Cũng trong chiều nay, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Quốc Trị đã tiếp và làm việc với Đặc phái viên về khí hậu của Thủ tướng Anh. Hai bên tập trung thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu và hỗ trợ Việt Nam xây dựng Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật lần thứ 3 ( NDC 3.0.) Hình: Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh: Việt Nam coi biến đổi khí hậu là một trong ba trụ cột phát triển bền vững, bên cạnh tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Việc cập nhật NDC 3.0 thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường khả năng thích ứng, phù hợp với mục tiêu của COP29 và lộ trình hướng tới COP30. Thứ trưởng mong muốn Vương quốc Anh tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt trong phát triển thị trường tín chỉ các-bon và triển khai các sáng kiến hợp tác khí hậu. Đặc phái viên về khí hậu của Thủ tướng Anh đánh giá cao những nỗ lực và bước tiến của Việt Nam trong lĩnh vực này, đồng thời khẳng định đây là thời điểm then chốt khi Việt Nam đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ về chính sách và hành động ứng phó biến đổi khí hậu. Ông bày tỏ kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành hình mẫu điển hình cho các quốc gia đang phát triển trong tiến trình chuyển đổi kinh tế xanh, đồng thời cam kết hỗ trợ trên nhiều phương diện: phát triển thị trường tín chỉ các-bon, cải thiện chất lượng không khí và thu hút doanh nghiệp tham gia thị trường các-bon tự nguyện. Hai bên cùng khẳng định tầm quan trọng của Biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác môi trường và biến đổi khí hậu, được ký năm 2024. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác chiến lược, bao gồm: hỗ trợ xây dựng NDC, vận hành thị trường tín chỉ các-bon, cải thiện chất lượng không khí và chuyển giao công nghệ xanh. |
GẠT BẢN TIN |
MC: Một số thông tin đáng chú ý khác sẽ tiếp nối bản tin tối nay! |
ADB MỞ RỘNG HỖ TRỢ TÀI CHÍNH AN NINH LƯƠNG THỰC CHÂU Á – THÁI BÌNH DƯƠNG Thực hiện: QUANG DŨNG Ngày 5/5, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố kế hoạch mở rộng đáng kể hỗ trợ tài chính cho an ninh lương thực tại khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, với tổng mức cam kết lên tới 40 tỷ USD trong giai đoạn 2022–2030, tăng thêm 26 tỷ USD so với mức công bố trước đó. Khoản tài trợ mới sẽ hỗ trợ một chương trình toàn diện trải dài toàn bộ chuỗi giá trị lương thực từ canh tác, chế biến đến phân phối và tiêu thụ nhằm thúc đẩy các hệ thống thực phẩm bền vững, bổ dưỡng và có khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu. Trong số này, 18,5 tỷ USD sẽ là hỗ trợ trực tiếp của ADB dành cho các Chính phủ, trong khi 7,5 tỷ USD sẽ dành cho đầu tư vào khu vực tư nhân. Đến năm 2030, ADB kỳ vọng khu vực tư nhân sẽ đóng góp hơn 27% tổng vốn đầu tư. Nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi hệ thống thực phẩm, ADB sẽ tập trung vào hiện đại hóa chuỗi giá trị nông nghiệp, mở rộng công nghệ số, cải thiện chất lượng đất và bảo tồn đa dạng sinh học. Ngoài ra, ADB đang thiết lập quỹ vốn tự nhiên trị giá 150 triệu USD, với nguồn tài trợ từ quỹ môi trường toàn cầu và các đối tác phát triển khác, để hỗ trợ các sáng kiến bảo tồn thiên nhiên gắn với phát triển nông nghiệp bền vững tại các quốc gia thành viên đang phát triển. |
GẠT CHÙM TIN |
CÁ RÔ PHI VIỆT NAM TRỞ LẠI ‘ĐƯỜNG ĐUA’ SANG BRAZIL Thực hiện: QUANG DŨNG Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Brazil, ngày 24/4 vừa qua, Công báo của Brazil đã đăng tải thông báo của Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil về việc chính thức thu hồi lệnh đình chỉ nhập khẩu cá rô phi của Việt Nam. Đây là một trong những kết quả cụ thể và sớm nhất 2 Bên đạt được trong việc triển khai các mục tiêu nêu trong Kế hoạch hành động, giai đoạn 2025 - 2030, đưa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước phát triển toàn diện và thực chất; đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển cũng như phục vụ lợi ích của nhân dân hai nước. Về mặt kỹ thuật, Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil khẳng định, thông báo dỡ lệnh đình chỉ nhập khẩu cá rô phi Việt Nam “không ảnh hưởng đến tiêu chuẩn cao về phòng vệ sức khỏe quốc gia”. |
GẠT CHÙM TIN |
CÀ MAU ĐÃ GIẢI NGÂN HƠN 166 TỶ ĐỒNG CHO CHƯƠNG TRÌNH XÓA NHÀ DỘT NÁT Thực hiện: VĂN VŨ Sau hơn 4 tháng triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, tỉnh Cà Mau đã hoàn thành 2.068 căn nhà, đạt trên 77% kế hoạch. Đáng chú ý, huyện Ngọc Hiển và thành phố Cà Mau đã hoàn thành 100% mục tiêu đề ra. Các địa phương như Đầm Dơi, Trần Văn Thời, Cái Nước và Thới Bình cũng đạt tỷ lệ hoàn thành cao. Tổng kinh phí thực hiện chương trình là hơn 222 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân hơn 166 tỷ đồng. Ngoài hỗ trợ từ ngân sách, địa phương này còn huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ thêm 5 triệu đồng mỗi căn nhà chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh. Đến nay, các địa phương đã thành lập khoảng 95 đội tình nguyện với hơn 2.382 người tham gia, đóng góp trên 2.894 ngày công lao động, tương đương khoảng 843 triệu đồng. Cà Mau phấn đấu đến ngày 30/6/2025 sẽ hoàn thành cơ bản 4.400 căn nhà cho các đối tượng đủ điều kiện. |
HÌNH CẮT BẢN TIN |
MC: Lãng phí tài nguyên đất đai, nhếch nhác diện mạo đô thị…đó là những hệ lụy từ các dự án bỏ hoang nhiều năm nay. Hơn bao giờ hết, chính quyền, nhà đầu tư, người dân đều mong muốn các dự án được tái khởi động để nguồn lực đất đai được sử dụng hiệu năng, hiệu quả. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ NGUỒN LỰC ĐẤT ĐAI Thực hiện: THÙY LINH – ĐOÀN PHÒNG Ông NGUYỄN QUANG Chuyên gia quy hoạch đô thị Ông PHẠM THANH TUẤN Chuyên gia pháp lý bất động sản |
MC: Thưa quý vị và các bạn! Phần cuối của bản tin ngày hôm nay sẽ là một số thông tin đáng chú ý về dự báo thời tiết trong ngày mai. Xin kính chào và hẹn gặp lại! |