| Hotline: 0983.970.780

7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm tạo đột phá về khoa học công nghệ

Thứ Hai 05/05/2025 , 18:38 (GMT+7)

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm với những giải pháp then chốt, nhằm tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ trong toàn ngành.

Ngày 5/5, thông tin tại buổi họp báo Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW, ông Nguyễn Văn Long, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết:  Trước đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đều đã có Nghị quyết, văn bản quán triệt triển khai Nghị quyết 57. Kể từ ngày 1/3/2025 khi thực hiện hợp nhất, Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Vụ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị xây dựng Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) trên cơ sở tích hợp kế hoạch của hai Bộ.

Ngày 27/3/2025, Bộ Nông nghiệp và Mội trường đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Kế hoạch đã bám sát tinh thần của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đồng thời đưa ra đầy đủ mục tiêu chung, chỉ tiêu cụ thể của ngành Nông nghiệp và Môi trường với 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Ông Nguyễn Văn Long, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Đinh Tùng.

Ông Nguyễn Văn Long, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Đinh Tùng.

Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng chuyển đổi số

Nhóm 1 về nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, quyết tâm chính trị mạnh mẽ. Trong đó, phấn đấu 25% lãnh đạo Bộ và các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ có chuyên môn, kinh nghiệm về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, các đơn vị trong Bộ phấn đấu 5% nhân sự cấp ủy có chuyên môn về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Để có cơ sở đánh giá, Vụ Khoa học và Công nghệ cũng đang chủ trì xây dựng bộ tiêu chí để định kỳ hàng năm xếp hạng chuyển đổi số (DTI) trong từng đơn vị và toàn ngành. Mặt khác, ngày 10/5 tới đây, Bộ NN-MT sẽ công bố chuyên trang tuyên truyền để thông tin các hoạt động triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ.

Nhóm 2 về hoàn thiện thể chế, đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Thời gian qua, toàn ngành Nông nghiệp và Môi trường có 17 Luật chuyên ngành; 5 Luật liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn và 2 Luật khác của Bộ Khoa học và Công nghệ. Hiện nay, Lãnh đạo Bộ đang yêu cầu tất cả các đơn vị trong Bộ rà soát toàn diện để sửa đổi, bổ sung, đảm bảo sự thống nhất, kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ rà soát toàn bộ hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCQG), quy chuẩn quốc gia (QCQG). Tính đến hết tháng 4 năm 2025, Bộ hiện đang quản lý 1.832 TCVN và 175 QCVN. Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã cắt giảm 149 QCVN nhằm tinh giản hóa hệ thống và giảm bớt rào cản cho doanh nghiệp. Trong năm 2025, các đơn vị trực thuộc tiếp tục rà soát và dự kiến cắt giảm thêm 59 QCVN cùng nhiều tiêu chuẩn khác.

Định hướng là bám sát quy định của Đảng, Nhà nước, trong đó có Nghị quyết 57, đồng thời tiếp tục cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho phát triển và chủ động hội nhập quốc tế. “Nếu Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu thì cần quan tâm đến tiêu chuẩn, quy chuẩn cho hàng sản xuất trong nước có phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế hay không“, ông Long nhấn mạnh.

Hiện nay, lãnh đạo Bộ cùng các Cục, Vụ, các đơn vị đang quyết liệt thực hiện nhiệm vụ này. Bộ đã đăng ký với Bộ Khoa học và Công nghệ về kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn trong năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.

Về cơ bản, hệ thống TCVN và QCVN đã cơ bản bao quát đầy đủ các chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành. Tuy nhiên, Bộ vẫn tiếp tục chỉ đạo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo hướng đồng bộ, hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực. Đặc biệt, ưu tiên nhóm sản phẩm xuất khẩu và các sản phẩm mới, chủ lực.

Nhóm 3 về tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Hiện nay, Bộ NN-MT đang có 21 tổ chức khoa học và công nghệ, 34 trường đào tạo cùng lực lượng 11.467 nhà khoa học, trong đó có 44 Giáo sư.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng nhiều nơi đã cũ kỹ. Nhiều trang thiết bị công nghệ cũ kỹ, lạc hậu. Nhiều quy trình cần cập nhật và nhân lực vận hành cũng còn tồn tại những bất cập. Lãnh đạo Bộ hiện đã chỉ đạo tất cả các đơn vị trực thuộc rà soát đánh giá thực trạng để có cơ sở báo cáo các cấp có thẩm quyền. Đồng thời, đưa ra nội dung đầu tư trọng tâm trọng điểm để có cơ sở nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, không chỉ ở tầm khu vực mà phải vươn ra thế giới.

Bên cạnh đó, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo vào quản lý nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng chuyển đổi số, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý, nghiên cứu, sản xuất. Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu “sống, sạch, đủ“. Hiện, Cục Chuyển đổi số đang chủ trì xây dựng các hạ tầng chuyển đổi số, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia của từng nhóm chuyên ngành.

Quang cảnh buổi họp báo diễn ra tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Môi trường, chiều 5/5. Ảnh: Đinh Tùng.

Quang cảnh buổi họp báo diễn ra tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Môi trường, chiều 5/5. Ảnh: Đinh Tùng.

Nhóm 4 về phát triển, trọng dụng nhân tài. Bộ sẽ nghiên cứu để có các cơ chế trọng dụng nhân tài, phát triển đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ cho ngành, bao gồm cơ chế chính sách thu hút cả các chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài; xây dựng đề án đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Phấn đấu 100% dịch vụ công toàn trình vào năm 2030

Nhóm 5 về đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Việc chuyển đổi số 100% là yêu cầu cấp bách, bắt buộc phải thực hiện. Theo ông Long, nhu cầu hiện nay là tất cả văn bản chính sách cần phải phù hợp cho công tác chuyển đổi số, bên cạnh đó là cơ sở hạ tầng, nhân lực . Mặt khác, cần rà soát toàn bộ quy trình nội bộ của từng cơ quan, từng bộ phận.

Yêu cầu đặt ra cho dịch vụ công là toàn bộ phải xử lý trên không gian mạng (toàn trình), hướng tới người dân, doanh nghiệp. Bộ NN-MT phấn đấu đến năm 2030 sẽ toàn trình toàn bộ. Trước mắt năm 2025, tối thiểu các thủ tục trực tuyến phải đạt 85% và tăng dần trong 5 năm tới. Tất cả quy trình sẽ được rà soát, cắt giảm để phục vụ công tác chuyển đổi số của Bộ.

Nhóm 6 về thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Ông Long cho biết, hiện có nhiều doanh nghiệp trong ngành NN-MT đã mạnh dạn, tiên phong có những ứng dụng khoa học công nghệ hiệu quả. Tại Hội nghị ngày 10/5 tới đây, dự kiến doanh nghiệp tiên phong sẽ trình diễn các ứng dụng và thậm chí ký thỏa thuận hợp tác với Bộ để đưa khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất.

Mục tiêu của nhóm nhiệm vụ này là Bộ và các đơn vị thuộc Bộ sẽ hỗ trợ tối đa doanh nghiệp để chuyển đổi số, ưu tiên đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp. Đẩy mạnh chuyển giao tri thức, đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thông qua doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Nhóm 7 về tăng cường hơp tác quốc tế. Từ năm 2021 đến nay, toàn ngành NN-MT đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Hiện có rất nhiều chương trình khoa học công nghệ được triển khai đi đôi với việc ứng dụng mạnh mẽ nhiều thành quả khoa học công nghệ tiên tiến từ nước ngoài. Ngành cũng chủ động hội nhập quốc tế về cơ chế, chính sách.

Theo ông Long, việc thực hiện nhóm nhiệm vụ này sẽ tiếp tục duy trì, phát huy tối đa nguồn lực hiện có và huy động cộng đồng quốc tế tham gia hỗ trợ, hợp tác mạnh mẽ hơn với ngành NN-MT. Hoạt động hợp không chỉ song phương, đa phương mà còn theo các chuyên đề, chuyên ngành. Mục tiêu là làm sao tận dụng tối đa quy trình công nghệ, chuyên gia, nguồn lực quốc tế phục vụ phát triển ngành và chủ động hội nhập quốc tế.  

Xem thêm
Thủ tướng yêu cầu giảm 30% chi phí và thời gian thủ tục hành chính

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị trong năm 2025 bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính.