| Hotline: 0983.970.780

Khoa học vượt lên gian khó

Khi nhà nghiên cứu được quyền 'thử sai'

Thứ Ba 06/05/2025 , 08:36 (GMT+7)

Nghị quyết 57-NQ/TW kỳ vọng mở ra cơ hội cho Viện Lúa ĐBSCL hiện thực hóa các nghiên cứu phục vụ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đã ấp ủ nhiều năm.

Trao quyền cho các viện nghiên cứu, nhà khoa học

Bài liên quan

Suốt nhiều năm qua, những người làm khoa học ở nước ta vẫn đau đáu làm sao để nghiên cứu thực sự xuất phát từ nhu cầu cuộc sống, chứ không chỉ để hoàn thành đề tài.

Sự ra đời của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 (Nghị quyết 57) của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cùng Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19/2/2025 của Quốc hội (Nghị quyết 193) quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển KHCN đã mang đến kỳ vọng lớn tháo gỡ những nút thắt cũ, trao quyền mạnh mẽ hơn cho chính các viện nghiên cứu và nhà khoa học.

Viện Lúa ĐBSCL tin tưởng và kỳ vọng cơ chế mới từ Nghị quyết 57 sẽ 'cởi trói' cho các nhà khoa học. Ảnh: Kim Anh.

Viện Lúa ĐBSCL tin tưởng và kỳ vọng cơ chế mới từ Nghị quyết 57 sẽ “cởi trói” cho các nhà khoa học. Ảnh: Kim Anh.

Tại ĐBSCL – nơi lúa gạo gắn liền với từng nhịp sống, hai Nghị quyết quan trọng này được đón nhận hơn bao giờ hết.

Các nhà nghiên cứu ở Viện Lúa ĐBSCL tin tưởng, cơ chế mới sẽ “cởi trói” cho đam mê, giúp họ có cơ hội đi đường dài, toàn tâm cho nghiên cứu, chọn tạo, phục tráng, lai tạo những giống lúa không chỉ cho một mùa vụ mà cho cả tương lai của nền nông nghiệp bền vững.

TS Nguyễn Thúy Kiều Tiên – Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL chia sẻ những nghiên cứu đầy tâm huyết về giống lúa giảm phát thải, giống lúa có hiệu quả sử dụng phân đạm cao… phục vụ cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Đây vốn là những kế hoạch, ý tưởng được lãnh đạo Viện Lúa ĐBSCL ấp ủ nhiều năm trước. Tuy nhiên, để nó trở thành một đề tài nghiên cứu thực thụ, cho ra sản phẩm hoàn hảo, chuyên biệt cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, trước đây các nhà khoa học vẫn còn e dè, đôi khi phải từ bỏ những hướng đi mạo hiểm.

Bởi lẽ, một ý tưởng mới có thể mất cả chục năm ươm mầm mà vẫn chưa thể kết trái. Và trong hành trình đầy rủi ro ấy, không phải lúc nào cũng có đủ niềm tin và nguồn lực để bước tiếp.

Giờ đây, với Nghị quyết 57, họ đã có quyền chủ động hơn trong tổ chức nghiên cứu và quan trọng nhất là rút ngắn được khoảng cách từ phòng thí nghiệm đến ruộng đồng.

Với Nghị quyết 57, các nhà khoa học có thể chủ động hơn trong tổ chức nghiên cứu. Ảnh: Kim Anh.

Với Nghị quyết 57, các nhà khoa học có thể chủ động hơn trong tổ chức nghiên cứu. Ảnh: Kim Anh.

TS Nguyễn Thúy Kiều Tiên phấn khởi nói: “Thực tế trước đây, các nhà khoa học rất tham vọng đề ra những mục tiêu nghiên cứu dài và sâu hơn. Nhưng áp lực đầu ra khi chưa nắm chắc sản phẩm khiến họ không dám mạnh dạn thực hiện. Nghị quyết 57 cho phép thực hiện những nghiên cứu mang tính rủi ro. Tức chỉ cần xác định được những mục tiêu và phương hướng, chưa cần chắc chắn kết quả. Lần đầu tiên, chúng tôi cảm thấy mình được trao quyền để thực hiện những nghiên cứu dài hơi thay vì phải gò bó trong những đề tài ăn chắc”.

Hiện nay, bằng nguồn ngân sách nội bộ, Viện Lúa ĐBSCL đang triển khai các nghiên cứu nhỏ mang tính tiềm năng. Nếu đạt kết quả khả quan, Viện sẽ mạnh dạn đề xuất các đề tài, dự án quy mô lớn hơn từ nguồn ngân sách nhà nước nhằm cho ra đời những sản phẩm đặc thù phục vụ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Bên cạnh đó, Viện đã gửi các đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Môi trường liên quan trực tiếp đến Đề án. Viện cũng chủ động hợp tác với các tổ chức quốc tế, những đơn vị có nền tảng nghiên cứu vững chắc để kế thừa, phát triển thêm các kết quả trước đây.

Gần nửa thế kỷ bền bỉ

Nhiều nhà khoa học tại Viện Lúa ĐBSCL đang cảm nhận rõ “làn gió mới” trong lĩnh vực KHCN. Bên trong phòng phân tích gen của Viện, những trang thiết bị phục vụ nghiên cứu từ hiện đại nhất đến những thiết bị đã quá hạn sử dụng vẫn đang được bảo quản cẩn thận, như những chứng nhân cho chặng đường bền bỉ gần nửa thế kỷ qua.

Khoa học công nghệ hỗ trợ đắc lực cho công tác nghiên cứu, chọn tạo giống lúa tại Viện Lúa ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Khoa học công nghệ hỗ trợ đắc lực cho công tác nghiên cứu, chọn tạo giống lúa tại Viện Lúa ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

TS Trần Thị Nhiên – Trưởng phòng Phân tích gen giới thiệu với chúng tôi về hệ thống phân tích hình ảnh gen và cho biết đây là thiết bị hiện đại nhất của Viện.

TS Nhiên nhớ lại, những ngày đầu thành lập, phòng thí nghiệm chỉ có vài thiết bị thô sơ. Phương pháp chọn tạo giống lúa thời đó chủ yếu được thực hiện thủ công dựa trên quan sát kiểu hình (hình thái bên ngoài) của giống, phụ thuộc rất nhiều vào cảm tính.

Điều này khiến thời gian cho ra đời một giống lúa lên đến 8 - 10 năm mà đôi khi giống đó chỉ phù hợp với một vùng thổ nhưỡng nhất định, không đảm bảo tính ổn định lâu dài.

Từ những năm 1990, các nhà khoa học nơi đây nỗ lực nâng cao trình độ, đổi mới kỹ thuật, mạnh dạn tiếp cận KHCN, nhất là tập trung ứng dụng công nghệ sinh học, chỉ thị phân tử, di truyền… Nhờ đó, thời gian chọn tạo giống được rút ngắn xuống còn 4 - 5 năm, chi phí giảm, độ chính xác tăng lên đáng kể.

Nổi bật, thương hiệu OM – giống lúa ngắn ngày, năng suất cao ra đời và có nhiều đóng góp vào sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Đến những năm 2000, một số giống như OMCS2000, OM3536, OM2517, OM1490… đã phủ rộng khắp các cánh đồng miền Tây, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Viện Lúa ĐBSCL đang chuẩn bị triển khai nhiều kế hoạch nghiên cứu chuyên biệt phục vụ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Kim Anh.

Viện Lúa ĐBSCL đang chuẩn bị triển khai nhiều kế hoạch nghiên cứu chuyên biệt phục vụ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Kim Anh.

Bước sang những năm 2010, những giống lúa thơm, Japonica, lúa thực phẩm chức năng tiếp tục ra đời, nâng tầm giá trị cho hạt gạo Việt. Hiện nay, dù có nhiều sự cạnh tranh của các giống lúa từ các doanh nghiệp, viện, trường khác, nhưng những giống lúa của Viện Lúa ĐBSCL như OM18, OM5451, OM380… vẫn là các giống chủ lực trong sản xuất. Trong đó, giống lúa OM18 chiếm hơn 1 triệu ha gieo trồng vào năm 2024.

Không chỉ dừng lại ở công tác chọn tạo giống, từ năm 2010, Viện Lúa ĐBSCL cũng đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ từ làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc cho đến thu hoạch nhằm tiết kiệm công lao động và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Mỗi năm, Viện dành khoảng 20 tỷ đồng cho hoạt động nghiên cứu KHCN từ ngân sách nhà nước và hợp tác dịch vụ. Trong đó khoảng 20% được dành riêng cho những nghiên cứu tiềm năng nội bộ.

Nhờ động lực từ hai Nghị quyết quan trọng mới được Bộ Chính trị và Quốc hội ban hành, Viện đã mạnh dạn đề xuất Bộ Nông nghiệp và Môi trường hơn 20 đề tài nghiên cứu mới, trọng tâm ở lĩnh vực cơ giới hóa và chọn tạo giống lúa cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao với quy mô từ vài chục tỷ đồng.

Nghị quyết 57 và Nghị quyết 193 được kỳ vọng sẽ giúp kết quả nghiên cứu không còn 'nằm trên giấy' mà nhanh chóng ứng dụng vào thực tiễn đồng ruộng. Ảnh: Kim Anh.

Nghị quyết 57 và Nghị quyết 193 được kỳ vọng sẽ giúp kết quả nghiên cứu không còn “nằm trên giấy” mà nhanh chóng ứng dụng vào thực tiễn đồng ruộng. Ảnh: Kim Anh.

"Thay vì phải thực hiện từng đề tài như trước đây, giờ đây, các nhà khoa học đã được tạo điều kiện để làm đúng phần việc của mình, đó là nghiên cứu, chọn tạo và kết nối sản xuất.

Đáng mừng hơn là Viện Lúa ĐBSCL không còn đơn độc, mà là một phần trong hệ sinh thái của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và hoàn toàn có thể cho ra đời những giống lúa đặc thù phục vụ riêng cho vùng ĐBSCL, đưa hạt gạo Việt Nam vươn xa theo cách mà cả thế giới phải công nhận".

(TS Nguyễn Thúy Kiều Tiên – Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL).

Xem thêm
Khởi công trang trại heo 300 tỷ đồng

GIA LAI Dự án sau khi đi vào hoạt động sẽ là mô hình hiện đại, thân thiện với môi trường, góp phần vào phát triển kinh tế và an sinh xã hội tại địa phương.

Bài toán nhân lực ngành thú y: [Bài 3] Đào tạo đi sâu vào 'chất'

Đào tạo nhân lực ngành thú y cần tập trung vào chất chứ không chỉ đi vào lượng. Thú y cũng cần được đào tạo chuyên khoa sâu như y khoa phục vụ con người.

Phú Yên thất thu vụ lúa đông xuân

Hiện nông dân tỉnh Phú Yên đang thu hoạch rộ lúa đông xuân - vụ lúa quan trọng nhất trong năm, song kém vui vì năng suất, giá bán lúa đều không như kỳ vọng.

Tây Nguyên xanh lên nhờ phụ nữ làm nông bền vững

Nhờ chương trình hỗ trợ, những phụ nữ ở Tây Nguyên đang truyền cảm hứng bằng mô hình nông nghiệp hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Sống chung với khô hạn: [Bài cuối] Liên thông hồ chứa, chuyển nước các lưu vực

Dù nguy cơ thiếu nước sản xuất luôn thường trực, song với kế hoạch tưới chi tiết từng mùa vụ cũng như điều tiết khoa học, Ninh Thuận vẫn đảm bảo nước tưới.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường vùng nuôi trồng thủy sản: [Bài 2] Mỗi hộ dân là một tuyên truyền viên

KHÁNH HÒA Chủ tịch Hội nông dân phường Cam Thuận cho rằng, mỗi hộ dân tham gia tập huấn là một tuyên truyền viên giúp lan tỏa nhận thức bảo vệ môi trường vùng nuôi rộng hơn.

Chặt phá rừng tự nhiên tại Bắc Kạn đã giảm

Tại tỉnh Bắc Kạn, tình trạng chặt phá rừng tự nhiên quy mô nhỏ vẫn diễn ra, tuy nhiên mức độ, số lượng vụ vi phạm đã giảm đáng kể so với những năm trước.