LTS: Những năm qua, dù với nguồn kinh phí không nhiều, cơ chế cho hoạt động còn gây nhiều khó khăn vướng mắc, song với niềm say mê yêu nghề, các nhà khoa học đã có những đóng góp lớn cho sản xuất. Những năm tới, nếu được "cởi trói', được đầu tư kinh phí, nguồn lực như tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, khoa học công nghệ sẽ có những đột phá mạnh mẽ.

Bà Phạm Thị Cằng thăm ruộng sản xuất hạt lai ở Quảng Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Tiên phong mua bản quyền giống
Những âm thanh nức nở, nghẹn ngào. Những giọt nước mắt lăn dài trên gò má gầy gò và đen sạm. Bà là Phạm Thị Cằng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nông nghiệp Kỹ thuật cao Hải Phòng. Bẵng đi một thời gian tôi không thấy bà "đăng đàn" trước các hội nghị sản xuất lúa lai nữa, cứ nghĩ rằng bà đã già rồi, bỏ nghề để vui thú điền viên bên con cháu.
Vừa rồi trên trang facebook cá nhân, tôi bất ngờ lại thấy ảnh bà đứng bên ruộng sản xuất lúa lai ở tỉnh Quảng Nam với status: “Chỉ nơi này mới tìm được sự bình an, hạnh phúc”. Ở tuổi 78, bà vẫn tìm niềm vui, lăn lộn, “cháy” hết mình với nghề sản xuất hạt giống lúa lai “lên voi, xuống chó” thì quả là một kỷ lục.
"Tại sao ngày xưa bà lại hay khóc khi nói về chuyện sản xuất giống lúa lai thế?" - tôi tò mò hỏi. Bà trả lời rằng mình vốn là người kiên định nhưng đôi khi xúc động quá mà không kìm chế được. Đó là những lúc thời tiết không thuận, sản xuất thất bại, doanh nghiệp phải đền bù năng suất lúa cho nông dân. Mất tiền đã đành, bà còn bị nông dân, chính quyền cơ sở hiểu nhầm, kiện lên kiện xuống.
Quảng Nam là thủ phủ về sản xuất hạt giống lúa lai nhưng cũng là nơi chôn vùi bao tiền của, công sức và hy vọng của các công ty giống. Vụ xuân này do thời tiết rét muộn nên nhiều diện tích sản xuất hạt lai ở đây bị ảnh hưởng. Riêng bà sản xuất 130ha giống lúa lai, trong đó 100ha giống lúa lai Việt Lai 20 thì bị mất 22ha do hiện tượng tự thụ, phải bỏ hết rồi đền cho nông dân tổng cộng khoảng 500 triệu đồng.
“Được cái bây giờ nông dân đã hiểu biết rồi, thời tiết lạnh lúc lúa đang có đòng là biết ngay sẽ mất mùa, chứ trước đây mà như thế thì họ làm ầm ĩ lên, căng thẳng lắm”, bà giải thích.

Ruộng sản xuất hạt lai. Ảnh: Phạm Thị Cằng.
Tôi hỏi chuyện cũ, tại sao ngày ấy bà lại mua bản quyền giống lúa lai 2 dòng Việt Lai 20 - một giống lúa cho đến nay vẫn còn được nông dân đánh giá cao và sản xuất trên diện rộng? Bà kể, cách đây 25 năm bà được Bộ NN-PTNT cho đi Ấn Độ tham quan thành quả của cuộc “cách mạng xanh”.
Hồi đó các doanh nghiệp của nước này đều có những sản phẩm độc quyền, các giáo sư, tiến sĩ ngành giống đều bán bản quyền để chuyển nhượng cho doanh nghiệp. Đó là cách làm tốt giúp các nhà khoa học có tiền đảm bảo cuộc sống để nghiên cứu ra nhiều giống tốt, còn các doanh nghiệp thì chăm lo hết lòng cho sản phẩm của mình. Bởi thế, bà quyết định tiên phong trong việc mua bản quyền giống lúa lai Việt Lai 20 vào năm 2004 với giá 300 triệu đồng - một số tiền rất lớn hồi đó.
“Khi Việt Nam mở cửa, một doanh nghiệp ở Nam Định đã mời chuyên gia Trung Quốc sang hướng dẫn công nghệ sản xuất hạt giống lúa lai F1, sau đó tôi cũng mời họ tới giúp. Nhưng Việt Nam hiện nay đã rất giỏi sản xuất giống lúa lai 2 dòng rồi, các giống lúa lai 2 dòng của Trung Quốc không bằng mình, không thể vào được thị trường Việt Nam là vì thế. Tôi muốn làm lúa lai nội để đỡ phải nhập lúa lai từ Trung Quốc”, bà Cằng trải lòng.
Gãy chân vẫn chống gậy đi thăm lúa
Sau sự kiện bà Cằng mua lại bản quyền giống lúa Việt Lai 20 của PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, giống lúa lai TH 3-3 cũng được Công ty TNHH Cường Tân mua bản quyền của PGS.TS Nguyễn Thị Trâm, rồi hàng loạt các doanh nghiệp như Mahyco, Vinaseed… cũng mua bản quyền. Một luồng sinh khí mới thổi vào nghề sản xuất giống lúa. Hải Phòng hồi đó đi đầu trong việc sản xuất hạt giống lúa lai, diện tích có lúc lên tới mấy trăm ha. Tiếng tăm của thành phố này không chỉ ở phạm vi trong nước mà còn bắt đầu lan tỏa ra nước ngoài.
Một đoàn chuyên gia nông nghiệp của Đan Mạch sang Việt Nam thăm, được Bộ Nông nghiệp và PTNT dẫn thẳng xuống Hải Phòng. Họ hỏi những câu mà bà Cằng không bao giờ quên được rằng: “Một bên là công nghệ cao, một bên là dân trí thấp tại sao các bạn vẫn thành công trong sản xuất hạt lai F1?".
Bà cắt nghĩa, đến giờ sở dĩ Việt Nam có nghề sản xuất giống lúa lai là nhờ các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Nông nghiệp Kỹ thuật cao Hải Phòng, Công ty TNHH Cường Tân, Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed… nhiệt tình nhập cuộc.

Niềm vui của bà Cằng là những ruộng lúa trĩu bông. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Trước đây, khi bà vào huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) để đặt vấn đề sản xuất giống lúa lai, nông dân còn nghèo lắm, thậm chí nhiều gia đình còn chẳng có nhà vệ sinh. Đến bây giờ sản xuất hạt giống lúa lai đã trở thành nghề ở đây, họ thạo đến nỗi khi thay đổi thời tiết đã đoán biết được hiện tượng cây tự thụ rồi.
Họ đã giàu lên từ nghề đó. 1kg lúa giống đổi 5kg lúa thịt mà năng suất hạt lai đều đạt cỡ 3,5 - 4 tấn/ha đối với giống lai 2 dòng, 2,5 - 3 tấn/ha đối với giống lai 3 dòng thì lợi nhuận có thể lên tới hơn 200 triệu đồng/ha, trong khi giống, hóa chất là của doanh nghiệp đầu tư, nông dân chỉ mất công lao động và phân bón.
Các HTX cũng giàu lên nhờ sản xuất hạt lúa lai, mỗi năm có thể thu hàng tỉ đồng nhờ làm các khâu dịch vụ. Doanh nghiệp giống phải trọng vọng, mời lãnh đạo các HTX này đi nước ngoài du lịch để vụ sau họ chịu sản xuất giống cho mình.
Những ngày tháng của tuổi già bà Cằng càng thêm vui khi người con gái nối nghiệp mình cũng say mê cây lúa lai hệt mẹ. Số là, chị Trần Thị Mỹ Dung khi đang công tác ở Trung tâm Khảo kiểm nghiệm Phân bón Quốc gia thì mẹ bị tai nạn gãy chân, đặng chẳng đừng mới chịu về làm Giám đốc công ty để điều hành giúp. Tập tễnh mấy năm liền thế mà bà Cằng vẫn chống gậy để đi các cùng sản xuất hạt lai.
“Mình có sản phẩm độc quyền rồi thì phải chăm lo. Nhiều nông dân các tỉnh miền núi gọi Việt Lai 20 là giống lúa xóa đói giảm nghèo, nhờ đó mỗi năm tôi bán được 500 - 600 tấn lúa giống, cộng thêm các giống lúa lai khác nữa tổng được khoảng 1.000 tấn. Đến nay, dù đã đưa ra thị trường 20 năm nhưng giống Việt Lai 20 vẫn thể hiện tốt các ưu việt như tính ổn định, khả năng chống chịu, chất lượng gạo”, bà Cằng phấn chấn.
Tôi hỏi câu cuối rằng, bà nghĩ thế nào về tương lai của cây lúa lai? Không ngần ngừ, bà đáp ngay với chất giọng đầy tin tưởng: “Tôi nghĩ là rất tốt, bởi những năm thời tiết bình thường thì lúa thuần giờ chất lượng gạo ngon, năng suất cũng đỉnh. Nhưng những năm thời tiết bất thuận như năm nay chẳng hạn, có những giống lúa thuần không kết hạt được, còn giống lúa lai thì do khả năng chống chịu tốt hơn nên vẫn cho năng suất cao.
Tôi tin vào lúa lai bởi nói kiểu dân dã thì nó “nồi đồng cối đá”, ổn định trong nhiều điều kiện thời tiết. Đến vụ đại lý ở các tỉnh vẫn đều đặn gọi lấy hàng, có những năm còn tranh nhau mua nên tôi chẳng thấy mệt mỏi gì cả”.