| Hotline: 0983.970.780

Kỳ vọng đột phá khoa học công nghệ: [Bài 3] Tránh 'quy định mới, vướng mắc cũ'

Thứ Năm 20/03/2025 , 08:39 (GMT+7)

Lãnh đạo Viện Lúa ĐBSCL kỳ vọng đổi mới chính sách sẽ tạo cơ chế linh hoạt, đồng bộ, phù hợp với đặc thù nghiên cứu khoa học công nghệ trong nước.

Những quy định khiến nhà khoa học nản lòng

Bài liên quan

Đâu đó trong cuộc trò chuyện, hai vị “nhạc trưởng” của Viện Lúa ĐBSCL hồi tưởng về thời thơ ấu. Khi ấy, đời sống đồng bằng gắn với nhịp điệu tự nhiên: 6 tháng nước mặn, 6 tháng nước ngọt. Xâm nhập mặn từng được coi là phần tất yếu của hệ sinh thái. Ban đêm chèo đò trên sông, mặt nước lóe sáng phản chiếu bầu trời đầy đom đóm. Đó là khung cảnh đậm chất trữ tình của miền sông nước.

Việc ngọt hóa phục vụ trồng lúa đã ít nhiều làm thay đổi hệ sinh thái, nhưng cũng mở ra cơ hội gia tăng sản xuất, đảm bảo sinh kế người dân. Giờ đây, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, dân số gia tăng và diện tích canh tác thu hẹp, nghiên cứu khoa học càng đóng vai trò quan trọng đối với phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL Trần Ngọc Thạch đánh giá cao những đột phá chính sách trong các nghị quyết gần đây của Bộ Chính trị và Quốc hội. Ảnh: Quỳnh Chi. 

Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL Trần Ngọc Thạch đánh giá cao những đột phá chính sách trong các nghị quyết gần đây của Bộ Chính trị và Quốc hội. Ảnh: Quỳnh Chi. 

Bài liên quan

“Hồi mới bước chân vào nghề, chúng tôi đi thực tế nhiều, cảm hứng nghiên cứu khoa học được truyền từ chính nông dân. Những giống lúa mới được đưa vào sản xuất là nhờ mạng lưới nông dân. Họ mang giống lúa về trồng, giống nào cho năng suất cao sẽ lan tỏa trong chính cộng đồng nhà nông”, TS Trần Ngọc Thạch - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL chia sẻ.

Trước đây, lúa thường trồng đại trà rồi cơ quan quản lý mới tiến hành công nhận lưu hành giống. Dần dần, các viện bắt đầu kết nối với doanh nghiệp để mở rộng ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào thực tế sản xuất. Một số doanh nghiệp chủ động đề xuất chuyển giao quyền sở hữu giống lúa để hỗ trợ kinh phí, qua đó nâng cao đời sống nông dân và nhà khoa học.

Hiện nay, nhà nước giảm chi thường xuyên cho bộ máy, chính sách hướng đến việc các đơn vị nghiên cứu KHCN phải từng bước tự chủ. Các đơn vị phải tìm kiếm nguồn thu thông qua đấu thầu hoặc hợp tác với khối tư nhân, gây ra không ít rắc rối cho người làm khoa học.

Ông Thạch nêu, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, ví dụ một đề tài nghiên cứu giống cây trồng trung bình được đầu tư 3 tỷ đồng thì sau khi thương mại hóa, đơn vị phải hoàn trả đúng số tiền đó về ngân sách nhà nước. 

Điều này gây khó khăn và tạo áp lực không đáng có cho các nhà khoa học, trong khi chính những giống lúa này mang lại lợi ích trực tiếp cho nông dân, doanh nghiệp, giúp tăng năng suất và đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế qua nộp thuế. Cách tiếp cận này đã khiến nhiều nhà khoa học nản lòng.

Gỡ nút thắt cho đổi mới sáng tạo

Nhằm tháo gỡ một số vướng mắc về thể chế, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19/2/2025 của Quốc hội quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển KHCN đã ra đời.

Trong đó, Nghị quyết 193 cho phép các tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu KHCN được miễn trách nhiệm dân sự nếu đề tài nghiên cứu không khả thi, miễn là đã tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy định liên quan.

Bên cạnh đó, việc giảm kinh phí chi thường xuyên sẽ tạo động lực để các đơn vị chủ động liên kết, tìm kiếm đối tác, đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu KHCN vào thực tiễn. Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này, nhà khoa học đề xuất nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp, thay vì quay lại các quy định cũ. 

Cụ thể, Nghị định 70/2018/NĐ-CP khi triển khai trong Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) năm 2022 không chỉ tác động đến lĩnh vực KHCN mà còn liên quan đến nhiều bộ luật khác như Luật Ngân sách, Luật Quản lý tài sản công, Luật Khoa học và công nghệ.

Đối với sản phẩm giống cây trồng, đơn vị chủ trì nghiên cứu sẽ là chủ sở hữu, có trách nhiệm bảo hộ sản phẩm và quyền thương mại hóa theo quy định. Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình thực hiện lại bị phân cấp, phân quyền, dẫn đến nhiều vướng mắc.

Các đề tài nghiên cứu lúa chất lượng cao, có khả năng sinh trưởng tốt trong điều kiện sinh thái đa dạng của Viện Lúa ĐBSCL góp phần tăng sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực. Ảnh: Quỳnh Chi.

Các đề tài nghiên cứu lúa chất lượng cao, có khả năng sinh trưởng tốt trong điều kiện sinh thái đa dạng của Viện Lúa ĐBSCL góp phần tăng sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực. Ảnh: Quỳnh Chi.

Theo TS Nguyễn Thúy Kiều Tiên - Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, việc thương mại hóa các giống lúa từ năm 2017 đến năm 2022 vẫn phải tuân thủ theo Nghị định 70. Nghị định 70 quy định đề tài nghiên cứu KHCN cần làm rõ khả năng chuyển giao sản phẩm KHCN cho doanh nghiệp tiếp nhận. Tuy nhiên, chính quy định khắt khe về tính khả thi và khả năng ứng dụng của đề tài khiến nhà khoa học e ngại, rằng nghiên cứu của mình không có đầu ra.

TS Tiên diễn giải: “Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành chỉ áp dụng cho các đề tài, dự án sau khi có hiệu lực từ năm 2022. Trong khi đó, những sản phẩm đã hoàn thiện trước đó vẫn chịu sự điều chỉnh của các quy định cũ. Nếu các sản phẩm nghiên cứu trước năm 2025 tiếp tục bị ràng buộc bởi cơ chế cũ, sẽ còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ”.

Những câu chuyện cũ đã khép lại, và giờ đây, lãnh đạo Viện Lúa ĐBSCL kỳ vọng vào những chính sách cởi mở hơn đang được đặt ra.

“Nếu sợ rủi ro, KHCN khó có thể phát triển. Khi ai cũng chỉ chọn giải pháp an toàn, không ai dám mạo hiểm thì sẽ không có đổi mới, đột phá. Giờ đây, với cơ chế cởi mở hơn, nhà nghiên cứu không còn phải chịu trách nhiệm dân sự hay bồi hoàn nếu đề tài không cho ra kết quả khả thi. Vì phía sau mỗi nghiên cứu đều có hội đồng khoa học thẩm định, định hướng. Miễn là tuân thủ đúng quy trình, hội đồng sẽ quyết định tính khả thi của đề tài, đồng thời dẫn dắt, tư vấn để đảm bảo hướng đi phù hợp”, TS Trần Ngọc Thạch bày tỏ.

“Đã mở thì hãy mở cho trọn”

Nguyện vọng chung của hai lãnh đạo Viện Lúa ĐBSCL là cơ chế thật sự thông thoáng. Hiện có một số vấn đề cần tiếp tục làm rõ để đảm bảo tính bền vững của những cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới KHCN. 

Cơ chế mở của Nghị quyết 193 cho phép cơ sở nghiên cứu không cần lập đề án khi thương mại hóa. Nhưng TS Thạch quan ngại, cổ phần hóa có thể giúp thu hút vốn từ khu vực tư nhân, nhưng nếu không có cơ chế giám sát chặt chẽ, sẽ dễ dẫn đến rủi ro, mất kiểm soát. 

Ông đặt câu hỏi: “Không có đề án, ai sẽ chịu trách nhiệm giám sát và đánh giá hiệu quả? Đây là bài toán mà các viện, trường cần cân nhắc kỹ, đồng thời các nhà hoạch định chính sách cũng nên xem xét lại từ những bài học trong quá khứ để có điều chỉnh phù hợp”.

Thu hoạch ruộng lúa thí nghiệm ở Viện Lúa ĐBSCL. Ảnh: Quỳnh Chi. 

Thu hoạch ruộng lúa thí nghiệm ở Viện Lúa ĐBSCL. Ảnh: Quỳnh Chi. 

Trường hợp của Viện Nghiên cứu Ngô là một bài học đáng lưu ý: Mặc dù từng được phê duyệt đề án thành lập doanh nghiệp, nhưng sau đó toàn bộ vốn sự nghiệp lại bị thu hồi về nhà nước. Hệ quả là mất cả con người, đất đai lẫn tài sản trí tuệ, và đối với lãnh đạo các viện, trường, đây là sự thiếu sót lớn.

Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong quá trình thương mại hóa sản phẩm KHCN, nhưng nếu cổ phần hóa thiếu kiểm soát, nguy cơ mất vốn nhà nước là hoàn toàn có thể xảy ra. 

Do đó, cần cân bằng giữa tự chủ tài chính và bảo vệ lợi ích công, đảm bảo các đơn vị nghiên cứu vẫn giữ được vai trò nòng cốt trong đổi mới sáng tạo, đồng thời khai thác hiệu quả nguồn lực xã hội hóa.

Kỳ vọng cơ chế quỹ phát triển KHCN

Theo lãnh đạo Viện Lúa ĐBSCL, cơ chế quỹ sẽ linh hoạt hơn, cho phép điều chỉnh trong quá trình thực hiện đề tài, miễn là nhà nghiên cứu thuyết phục được hội đồng khoa học. Không chỉ vậy, cơ chế quỹ còn phù hợp với mô hình hợp tác công - tư (PPP) và sẽ mang lại lợi ích cho nhiều bên.

Lãnh đạo Viện Lúa ĐBSCL nhấn mạnh, những quỹ này sẽ cần có hội đồng quản lý, kế hoạch chi tiêu rõ ràng và đặt hàng nghiên cứu theo từng năm. Ban quản trị của quỹ sẽ mời một hội đồng khoa học uy tín nhằm giải quyết các vấn đề trọng tâm theo nhu cầu doanh nghiệp, có thể là phát triển thị trường, logistics, chuỗi sản xuất… hay các giải pháp nông nghiệp sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Xem thêm
Xây dựng thương hiệu yến Việt: [Bài 3] Chinh phục thị trường tỷ dân

Là quốc gia tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang dần trở thành thị trường 'vàng' cho sản phẩm yến sào Việt Nam.

Tuyên truyền rộng rãi ‘5 không’ phòng bệnh dại trên chó mèo

VĨNH LONG Tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người nuôi, đồng thời hướng đến xây dựng vùng an toàn bệnh dại trên chó, mèo.

Nghệ An đặt mục tiêu trên 400 nghìn tấn lương thực vụ hè thu - mùa

Dựa vào tình hình thực tế, ngành nông nghiệp Nghệ An phấn đấu hoàn thành mục tiêu 400.360 tấn lương thực tại vụ hè thu - mùa năm 2025.

Sản xuất cà phê sạch, bền vững

Dự án thúc đẩy sản xuất cà phê bền vững, tập trung quản lý chất thải, nâng cao nhận thức nông dân sau gần 2 năm triển khai đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Ruộng đồng nứt nẻ, nguy cơ hạn hán diện rộng tại Bắc Kạn

Bắc Kạn Nhiều cánh đồng tại tỉnh Bắc Kạn không có nước, mặt đất nứt nẻ, người nông dân không thể trồng cấy, nếu không có mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Trà Vinh kiểm soát chặt tàu cá không đủ điều kiện hoạt động

Trà Vinh Đây là một trong những nội dung UBND tỉnh Trà Vinh vừa có văn bản giao Sở Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương triển khai thực hiện.

Quảng Ninh ban hành Chỉ thị mới về bảo vệ rừng

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về tăng cường quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.