Thúc đẩy bảo tồn nguồn gen phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững; Đánh giá chuẩn nghèo đa chiều cần dựa trên cơ sở khoa học; Tháo gỡ khó khăn xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ; 5 nhà ‘bắt tay’ vì sự phát triển nông nghiệp xanh; Hàng nghìn phật tử cung nghinh, chiêm bái xá lợi đức phật; Australia hoàn tất khâu cuối, mở cửa cho bưởi tươi Việt Nam; Quảng Bình: bắt giữ tàu cá vô hiệu hóa thiết bị VMS; Động lực bứt phá khoa học từ Nghị quyết 57.
ĐỘNG LỰC BỨT PHÁ KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP TỪ NGHỊ QUYẾT 57
MC: Thưa quý vị và các bạn!Bước ngoặt mang tên 169 hạt sen giống Việt Nam bay vào vũ trụ vào trung tuần tháng 4 vừa qua không chỉ gây ấn tượng bởi yếu tố biểu tượng mà còn đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình hiện thực hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây cũng là lần đầu tiên những vấn đề này được đặt lên vị trí "là đột phá quan trọng hàng đầu" với những mục tiêu quan trọng, cụ thể cùng các giải pháp quyết liệt chưa từng có.
Giữa tháng 4 vừa qua, 169 hạt sen giống được tuyển chọn từ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - đã theo chân nữ phi hành gia người Mỹ gốc Việt Amanda Nguyễn bay vào vũ trụ. Sự kiện hứa hẹn mở ra những nghiên cứu mới về nghiên cứu nông nghiệp trong không gian. Sự ra đời của Nghị quyết 57 đã tạo động lực, nguồn cảm hứng để các nhà khoa học sẵn sàng thử nghiệm nhưng nghiên cứu mới, góp phần tạo ra những đột phá trong tương lai.
PGS.TS ĐẶNG VĂN ĐÔNG
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
NQ 57 đã giúp chúng tôi có quy chế nghiên cứu mạo hiểm và nhà nước chấp nhận sự rủi ro. Chúng tôi mới dám đưa ra ý tưởng táo bạo hơn, không chỉ đưa hạt sen lên vũ trụ mà tới đây còn nhiều ý tưởng hơn nữa để đưa vào nghiên cứu tạo ra sự đột phá. Và chúng tôi cũng yên tâm hơn là nhà nước đã chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học. Giả sử có thất bại thì nhà khoa học không bị quy kết là không hoàn thành nhiệm vụ.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng chuyển đổi số, lần đầu tiên tại Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, khoa học, công nghệ cùng với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được đặt lên vị trí "là đột phá quan trọng hàng đầu" với những mục tiêu quan trọng, cụ thể cùng các giải pháp quyết liệt chưa từng có. Điển hình như: tăng mức đầu tư cho khoa học, công nghệ; đột phá về tư duy trong quản lý đầu tư ngân sách nhà nước cho hoạt động nghiên cứu phát triển.. Nghị quyết 57 cũng đã tạo ra một làn gió mới trong giới khoa học: khơi dậy tinh thần “mạo hiểm có tính chiến lược”, tháo gỡ các điểm nghẽn và khuyến khích chuyển giao kết quả nghiên cứu.
PGS.TS ĐÀO THẾ ANH
Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
Với tinh thần của Nghị quyết 57 phải nói là rất đột phá, các nhà khoa học rất vui mừng, chúng ta đã mạnh dạn gỡ 1 số điểm nghẽn chính. Thứ nhất là đầu tư cho nghiên cứu thấp thì được tăng lên, thứ 2 là tăng cường tính tự chủ cho các đơn vị nghiên cứu. Tức là có thể tự chủ hoàn toàn quản lý sản phẩm khoa học của mình làm ra và như vậy có thể chuyển giao có được nguồn kinh phí để tiếp tục tái đầu tư cho công tác nghiên cứu.
Không chỉ dừng lại ở việc tháo gỡ điểm nghẽn trong vấn đề tài chính, Nghị quyết 57 còn mở đường cho một hệ sinh thái sáng tạo mới trong khoa học nông nghiệp. Đồng thời, mở ra một cánh cửa mới để thu hút nhân lực chất lượng cao quay trở lại ngành nghiên cứu khoa học.
PGS.TS KHUẤT HỮU TRUNG
Phó Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
Với chính sách của Nghị quyết 57 tôi nghĩ sẽ thu hút được nhân tài về làm trong lĩnh vực cơ bản. Một cái nữa là Nghị quyết sẽ cho các Viện nghiên cứu, nhà khoa học thành lập các doanh nghiệp, các công ty để chính họ phát triển sản phẩm mà không phải đi liên danh, liên kết hoặc gửi gắm vào các doanh nghiệp như thời gian vừa qua.
Để triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính một cách toàn diện, hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành Quyết định số 503 ngày 27/3/2025 với 7 nhóm nhiệm vụ then chốt là: Nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong toàn ngành; Hoàn thiện thể chế, đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh; Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng; Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao; Đẩy mạnh CĐS, ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của toàn ngành; Thúc đẩy hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp; Tăng cường hợp tác quốc tế.
Ông PHÙNG ĐỨC TIẾN
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Thực hiện 7 giải pháp này chúng ta sẽ có cuộc cách mạng trong nông nghiệp, phát huy lợi thế quốc gia về nông nghiệp, không những đảm bảo tăng trưởng mà hướng tới xuất khẩu mạnh mẽ hơn, giá trị cao hơn, nhiều thị trường hơn. Đối với tài nguyên được sử dụng hợp lý và đối với môi trường là 1 trong 3 trụ cột được đảm bảo. Đó cung là góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới.
Có thể nói, Nghị quyết 57 không chỉ định hình một định hướng chiến lược, mà còn truyền đi một thông điệp: Khoa học không chỉ phục vụ hiện tại, mà còn là chìa khóa cho tương lai. Một tương lai mà Việt Nam không đứng ngoài, mà cùng bước vào hàng ngũ những quốc gia tiên phong, xây dựng nền kinh tế tri thức, nông nghiệp công nghệ cao và phát triển bền vững.