| Hotline: 0983.970.780

Đất dốc nở hoa, trái cây Sơn La vươn khơi hội nhập

Thứ Sáu 16/05/2025 , 19:08 (GMT+7)

Sơn La Sơn La đã trở thành địa phương có diện tích cây ăn quả lớn nhất miền Bắc, với trên 85.000 ha và sản lượng ước đạt 510.000 tấn năm 2025.

Chiều 16/5, Tỉnh ủy Sơn La tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trồng cây ăn quả trên đất dốc giai đoạn 2016 - 2025.

Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Xuân Cường, Nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Lê Quốc Doanh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo đại diện một số cục, vụ, viện của các bộ, ban, ngành Trung ương.

Về phía tỉnh Sơn La có Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lò Minh Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Việt cùng các đồng chí là Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, các Sở, Ban, Ngành và địa phương trong tỉnh.

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết. Ảnh: Nguyễn Nga.

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết. Ảnh: Nguyễn Nga.

Từ ngô, sắn, lúa nương... đến nhãn, xoài, mận xuất khẩu

10 năm trước, trên những triền đất dốc ở Sơn La vẫn phủ một màu ngô, sắn, lúa nương, những cây trồng ngắn ngày, hiệu quả kinh tế thấp, bạc màu đất và khó bứt phá về thu nhập. Trong bối cảnh đó, ngày 30/11/2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Thông báo kết luận số 121-TB/TU về một số chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc đến năm 2020 với mục tiêu, nhiệm vụ là chuyển mạnh diện tích trồng ngô, lúa nương, sắn trên đất dốc sang trồng cây ăn quả; đồng thời xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức đồng bộ, đem lại hiệu quả thiết thực.

Ông Hoàng Văn Chất, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, người đặt nền móng cho chủ trương lớn này, chia sẻ: Trong bối cảnh trước đây 10 năm, Tỉnh ủy đã chọn đúng hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trồng cây ăn quả trên đất dốc là phù hợp với thực tiễn về đất đai, khí hậu của tỉnh. Khi đó, Sơn La có 3 lòng hồ thủy điện lớn, với dung tích khoảng 21 tỷ m3 nước, đã làm thay đổi dần tiểu khí hậu của tỉnh đang theo hướng thuận lợi hơn cho phát triển nông nghiệp.

Ông Hoàng Văn Chất, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, nói về những ngày đầu đưa cây ăn quả lên đất dốc. Ảnh: Quang Linh.

Ông Hoàng Văn Chất, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, nói về những ngày đầu đưa cây ăn quả lên đất dốc. Ảnh: Quang Linh.

Đồng thời, cây ăn quả là cây trồng cạn, chỉ cần giữ được độ ẩm, không cần tưới nhiều nước như các cây trồng khác; lại đúng về dư địa tiêu thụ các loại quả còn lớn và tiếp tục tăng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong xã hội phát triển.

Bên cạnh đó, Sơn La được thiên nhiên ưu đãi với vùng đất nông nghiệp rộng lớn, khí hậu đặc trưng, phù hợp với hầu hết cây ăn quả cả nhiệt đới và ôn đới, biên độ nhiệt độ chênh lệch lớn giữa các mùa, các ngày và đêm làm cho hoa quả có hương vị đậm đà, thơm ngon đặc trưng.

Từ 23.602 ha cây ăn quả năm 2015, đến nay, tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh ước đạt 85.050 ha, sản lượng quả năm 2025 ước đạt 510.000 tấn, tăng 219% diện tích và 332% sản lượng so với năm 2015; trong đó có hơn 33.000 ha chuyển đổi từ diện tích cây lương thực trên đất dốc, cây trồng kém hiệu quả.

Cơ cấu cây trồng chuyển dịch mạnh mẽ từ 12 loại cây chủ lực ban đầu tăng lên 25 loại, với nhiều giống mới như nhãn Ánh Vàng 205, na SR-1, chanh leo vàng Thái Bảo, bơ Booth, mận vàng Afli... Tổng diện tích được cấp chứng nhận VietGAP trên cây ăn quả tăng từ 126 ha năm 2015 lên 4.751 ha, tăng gấp 37,7 lần.

Không chỉ tăng năng suất, nhiều giống mới còn cho thu hoạch rải vụ, giảm áp lực mùa chính, nâng cao giá trị sản xuất. Nhiều diện tích cây ăn quả cho giá trị kinh tế vượt trội trên 1 ha như: Na SR-1, na Hoàng Hậu đạt 600 - 700 triệu đồng/ha, nhãn Ánh Vàng 205 đạt trên 500 triệu đồng/ha; dâu tây đạt trên 800 triệu đồng/ha...

Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Nga.

Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Nga.

Xây dựng chuỗi giá trị và hướng tới Trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc

Không dừng lại ở sản xuất, Sơn La đã từng bước xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị cây ăn quả: từ vùng nguyên liệu, hợp tác xã, sơ chế, chế biến đến xúc tiến thương mại, xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh có 560 nhà máy, cơ sở chế biến nông sản, trong đó có 17 nhà máy quy mô lớn. Ngoài ra, hàng nghìn cơ sở sấy, kho lạnh, đóng gói... góp phần kéo dài thời gian bảo quản, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm áp lực tiêu thụ quả tươi.

Giai đoạn 2017 - 2025, tỉnh đã thu hút đầu tư 5 nhà máy chế biến lớn, trong đó 3 nhà máy đã đi vào vận hành ổn định như: Nhà máy chế biến quả thuộc Công ty Cổ phần Nafood Tây Bắc, Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH, Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao Chi nhánh Sơn La. Các nhà máy không chỉ tiêu thụ nguyên liệu tại chỗ mà còn chủ động phát triển vùng nguyên liệu, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân.

Song song đó, Sơn La đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại với hơn 70 hội chợ, lễ hội trái cây, Tuần lễ nông sản tại các tỉnh, thành và quốc tế. Xoài, nhãn, mận, dâu tây… đã có mặt trong các siêu thị lớn và trên các chuyến bay của Vietnam Airlines.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quang Linh.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quang Linh.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao vai trò tiên phong của Sơn La trong phát triển cây ăn quả. Theo ông Nguyễn Xuân Cường, dọc đường đi từ Hòa Bình lên Sơn La ngày hôm nay, ấn tượng nhất là những thảm màu xanh hiện lên dọc 2 bên đường với những hàng cây ăn quả, đặc biệt là xoài, nhãn sai trĩu quả. Chủ trương của cấp ủy Sơn La về đưa cây ăn quả lên đất dốc là hoàn toàn chính xác.

Không chỉ dừng ở một chủ trương đúng và trúng, Sơn La còn đề ra các nhóm giải pháp đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt; biết kết hợp giữa yếu tố địa phương, yếu tố toàn quốc và yếu tố thời đại. Bởi thế mà chỉ trong 10 năm, Sơn La đã đạt được thành tựu như ngày hôm nay, thay đổi hẳn cục diện,  hạ tầng, sản xuất, bộ mặt vùng cao và đời sống vật chất, tinh thần của bà con các dân tộc Sơn La.

Từ chỗ chưa có hoạt động xuất khẩu, đến năm 2025, Sơn La đã xuất khẩu trên 158.000 tấn quả tươi và chế biến, trị giá hơn 160 triệu USD, đến 15 thị trường quốc tế. Riêng năm 2025, ước xuất khẩu 31.560 tấn quả, trị giá hơn 35,8 triệu USD.

Hành trình 10 năm – Khởi đầu cho giai đoạn mới

Cây ăn quả trên đất dốc không chỉ là trụ cột kinh tế, mà còn góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững. Gần 34.000 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ giống, kỹ thuật để trồng cây ăn quả, hình thành sinh kế ổn định. Gần 5.000 lao động có việc làm thường xuyên trong chuỗi sản xuất – chế biến. Việc trồng cây ăn quả cũng giúp giữ đất, giữ nước, tăng độ che phủ, cải thiện sinh thái, mở ra hướng đi cho du lịch nông nghiệp tại các huyện Mộc Châu, Yên Châu, Sông Mã...

Ông Hoàng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy trao tặng Bằng khen của BTV Tỉnh ủy Sơn La cho ông Nguyễn Xuân Cường (trái), Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Hoàng Văn Chất (phải), Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La. Ảnh: Nguyễn Nga.

Ông Hoàng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy trao tặng Bằng khen của BTV Tỉnh ủy Sơn La cho ông Nguyễn Xuân Cường (trái), Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Hoàng Văn Chất (phải), Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La. Ảnh: Nguyễn Nga.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhấn mạnh: Thành quả 10 năm là minh chứng cho một chủ trương đúng, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự bền bỉ, sáng tạo của hàng chục nghìn nông dân.

Thời gian tới, Sơn La sẽ tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, khuyến khích phát triển cây ăn quả theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn; phát huy hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giảm phát thải khí nhà kính gắn với phát triển các sản phẩm quả. Tăng cường liên kết 6 nhà (nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp - ngân hàng - nhà khoa học - nhà phân phối) với nòng cốt là liên kết nhà nông - nhà doanh nghiệp.

Ông Hoàng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Nga.

Ông Hoàng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Nga.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đầu tư vào phát triển cây ăn quả. Hình thành một số khu, cụm công nghiệp và dịch vụ phục vụ sản xuất quả gắn vùng sản xuất với chế biến quả. Đầu tư nâng cao năng lực chế biến, bảo quản và các dịch vụ logistics cho các vùng chuyên canh quả chính, tập trung cho các sản phẩm quả chủ lực của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Quốc Khánh giao Đảng ủy UBND tỉnh chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển cây ăn quả giai đoạn 2025 - 2030, định hướng 2035; xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển cây ăn quả, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI xem xét thông qua trong tháng 11/2025.

Từ vùng đất dốc năm nào, nay đã hình thành những vườn cây trĩu quả, xanh mướt và đầy sức sống. Hành trình 10 năm qua không chỉ khẳng định giá trị của một hướng đi đúng, mà còn thắp sáng khát vọng làm giàu chính đáng của người dân nơi đây, một khát vọng được chắt chiu từ từng mùa quả ngọt giữa đại ngàn Tây Bắc.

Hành trình 10 năm đưa cây ăn quả lên đất dốc tại Sơn La đã và đang mang đến những mùa quả ngọt. Ảnh: Nguyễn Nga.

Hành trình 10 năm đưa cây ăn quả lên đất dốc tại Sơn La đã và đang mang đến những mùa quả ngọt. Ảnh: Nguyễn Nga.

Nhân dịp này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã tặng Bằng khen cho 9 tập thể, 49 cá nhân; Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về trồng cây ăn quả trên đất dốc giai đoạn 2016 - 2025.

Xem thêm
Việt Nam, Thái Lan nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện

Tại Kỳ họp nội các chung sáng 16/5, hai Thủ tướng thống nhất nâng tầm quan hệ Thái Lan - Việt Nam lên Đối tác chiến lược toàn diện.