Một thập kỷ đưa cây ăn quả lên đất dốc, nông nghiệp Sơn La đổi thay ngoạn mục
Thứ Sáu 16/05/2025 , 05:30 (GMT+7)
Các khách mời: Phó Chủ tịch tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công; GS.TS Vũ Mạnh Hải, nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; bà Nguyễn Thị Dung, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Ngọc Hoàng cùng nhìn lại hành trình ấn tượng của nông nghiệp Sơn La trong một thập kỷ qua.
Gần một thập kỷ bền bỉ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông nghiệp Sơn La đã khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn mới, bền vững hơn. Báo Nông nghiệp và Môi trường đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo tỉnh, chuyên gia và đại diện hợp tác xã để cùng nhìn lại hành trình chuyển mình và những bài học đúc kết từ thực tiễn.
Sơn La - vùng đất với hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, sở hữu trên 1 triệu ha đất nông nghiệp, phần lớn là đất dốc và khô cằn. Từng là bài toán nan giải trong phát triển nông nghiệp, nhưng kể từ năm 2015, khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kết luận về chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, một cuộc “cách mạng” trong nông nghiệp đã bắt đầu.
Sau gần một thập kỷ kiên trì chuyển đổi cơ cấu cây trồng, diện mạo nông nghiệp Sơn La đã thay đổi ngoạn mục. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 85.000 ha cây ăn quả và cây sơn tra; riêng giai đoạn 2016-2025 đã trồng mới, chuyển đổi hơn 60.000 ha. Sản lượng quả năm 2025 ước đạt 510.000 tấn, đưa Sơn La vươn lên trở thành “thủ phủ” cây ăn quả lớn nhất miền Bắc.
Hành trình để có được những con số ấn tượng ấy là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt từ chính quyền và nỗ lực không ngừng nghỉ của người dân.
Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn câu chuyện chuyển đổi kỳ tích vừa qua.