Sáng 18/7, tại TP.HCM, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp tổ chức Diễn đàn “Giải pháp tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm trái cây có lợi thế: Chanh leo, chuối, dứa, dừa” với sự tham dự của hàng trăm đại biểu trực tiếp và trực tuyến. Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì Diễn đàn.

Hình ảnh Diễn đàn tại đầu cầu trực tiếp số 14 đường Võ Văn Tần, phường Xuân Hòa, TP.HCM.
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh ngành trái cây Việt Nam đang đứng trước áp lực mở rộng thị trường xuất khẩu và khẳng định thương hiệu. 4 loại trái cây chủ lực, gồm chanh leo, chuối, dứa và dừa, được đánh giá là những mặt hàng có tiềm năng tăng trưởng nhanh, tiệm cận mốc tỷ USD và đang góp phần đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của ngành rau quả.

Nhà báo Trần Cao, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp và Môi trường, dẫn dắt Tọa đàm "Giá trị khác biệt tạo nên lợi thế cạnh tranh".
Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện Việt Nam có hơn 1,3 triệu ha cây ăn quả với sản lượng khoảng 15 triệu tấn mỗi năm.
Trong đó, chuối chiếm diện tích 161.000ha với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 380 triệu USD vào năm 2024, giúp Việt Nam trở thành nước xuất khẩu chuối lớn thứ 9 thế giới. Sản phẩm chuối Việt đã có mặt tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác.
Dứa cũng đạt diện tích trên 52.000ha, dừa gần 202.000ha và chanh leo hơn 12.000ha. Tất cả đều đang có xu hướng mở rộng xuất khẩu và phát triển chế biến sâu.
Truyền hình trực tiếp: Giải pháp tăng cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm trái cây lợi thế
Diễn đàn sáng 18/7 là dịp để các đơn vị quản lý, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp cập nhật định hướng phát triển đến năm 2030. Trong đó, 4 loại trái cây nêu trên sẽ được đầu tư mạnh mẽ vào vùng nguyên liệu đạt chuẩn, chế biến sâu, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch sang Hoa Kỳ, Hàn Quốc, EU, Trung Quốc...
Trong bối cảnh nhiều thị trường lớn ngày càng siết chặt các tiêu chuẩn kiểm dịch và an toàn thực phẩm, việc chủ động đàm phán mở cửa thị trường, đa dạng hóa hình thức xử lý (chiếu xạ, hơi nước nóng) và kiểm soát mã số vùng trồng là những giải pháp cấp thiết để củng cố niềm tin với đối tác và tạo thuận lợi thương mại.
Diễn đàn khẳng định quyết tâm của ngành nông nghiệp trong việc nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam, hướng tới xuất khẩu bền vững, chất lượng và hiệu quả.
11 giờ 20 phút
Định hình liên kết chuỗi bằng hợp tác xã: Từ trái dừa đến bài học mất 200 tỷ với cây dứa
TS. Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, cho rằng, để khắc phục tình trạng phá vỡ hợp đồng và nâng cao năng lực xuất khẩu trái cây, mô hình hợp tác xã chính là điểm tựa then chốt.

TS. Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn.
Ông Hải nhấn mạnh: “Doanh nghiệp nên liên kết thông qua hợp tác xã để quản lý mã vùng trồng, tổ chức vùng nguyên liệu và kiểm soát sản lượng. Hợp tác xã không chỉ là đầu mối kỹ thuật mà còn là đối tác chiến lược về logistics và chất lượng sản phẩm”.
TS. Hải cũng chỉ rõ xu hướng mới trong ngành dừa khi các vùng trồng dừa lấy nước có quy mô lớn đang dịch chuyển về Đông Nam bộ và Tây Nguyên, thay vì chỉ tập trung ở Bến Tre, Tiền Giang hay Vĩnh Long như trước. Các vùng này hiện có diện tích từ 30-50 ha, đã được cấp mã số vùng trồng, có thể sẵn sàng cung ứng cho thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, ông cảnh báo về sự khác biệt giữa dừa uống nước và dừa lấy dầu, vì nếu không lựa chọn đúng loại và thời điểm thu hoạch, nước dừa có thể biến chất trong quá trình vận chuyển quốc tế.
Ngoài ra, ông Hải cũng giới thiệu mô hình tiêu thụ nông sản trực tiếp tại các khu chung cư ở TP.HCM và Đà Nẵng, nơi hợp tác xã tổ chức xe hàng chở trái cây loại 2 từ vùng nguyên liệu lên bán trực tiếp cho cư dân. Mỗi chuyến xe 3 tấn thường bán hết trong vòng một đến hai giờ. Đây không chỉ là cách giải phóng hàng tồn, mà còn mở ra kênh xúc tiến thương mại và thương mại điện tử, đặc biệt khi được hỗ trợ bao bì, mẫu mã từ Sở Công Thương địa phương.
Góp thêm tiếng nói từ thực tiễn, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nafoods, cảnh báo, nếu không có cơ chế kiểm soát chặt, mô hình liên kết 4 nhà sẽ dễ tan vỡ khi giá nông sản biến động.
Ông dẫn chứng bài học mất 200 tỷ đồng sau 7 năm đầu tư vào cây dứa, khi nông dân phá hợp đồng bán ra ngoài với lý do quả to được giá hơn.
Để khắc phục, Nafoods đã áp dụng quản lý số hóa toàn bộ 5.000 ha vùng nguyên liệu tại Tây Nguyên, ký hợp đồng giá sàn với điều khoản ràng buộc rõ ràng và hạn mức thu mua trên mỗi hecta. Doanh nghiệp cũng chủ động hủy hợp đồng với những hộ vi phạm, từ đó xây dựng được mạng lưới nông dân “sống chết cùng doanh nghiệp”.
Ông Hùng cũng cảnh báo tình trạng thương lái Trung Quốc núp bóng tại các vùng nguyên liệu, thu mua tự phát rồi “ôm hàng bỏ trốn”, gây thiệt hại cho cả nông dân và doanh nghiệp nội. Ông đề nghị Nhà nước cần siết quản lý thương nhân ngoại quốc, bao gồm cả kiểm soát cư trú, hôn nhân trá hình, và nghĩa vụ thuế.
11 giờ 10 phút
Đề xuất phát triển chuối chế biến và tận dụng phụ phẩm từ cây chuối
Doanh nhân Võ Quan Huy kêu gọi cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng quan tâm hơn tới phân khúc chuối chế biến và khai thác giá trị từ các phế phụ phẩm của cây chuối. Theo ông Huy, đây là hướng đi quan trọng để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành hàng này, thay vì chỉ tập trung vào chuối tươi xuất khẩu như hiện nay.

Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An.
"Chuối không chỉ là trái cây tươi để ăn, mà còn là cây trồng đa giá trị. Từ thân, lá, củ, hoa đến trái chuối đều có thể được chế biến thành nhiều sản phẩm phục vụ tiêu dùng, thực phẩm, dược liệu và công nghiệp", ông Huy phân tích.
Ông cho rằng, trong bối cảnh thị trường chuối tươi ngày càng cạnh tranh, việc phát triển sản phẩm chế biến sâu và phụ phẩm là bước đi tất yếu nếu Việt Nam muốn nâng tầm ngành chuối và tránh phụ thuộc vào một vài thị trường xuất khẩu truyền thống.
Hiện nay, phần lớn chuối Việt Nam được xuất khẩu dưới dạng quả tươi, chủ yếu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước Trung Đông. Trong khi đó, các sản phẩm như chuối sấy, chuối ép, rượu chuối, bánh chuối hay bột chuối xanh, vốn có giá trị cao hơn, vẫn chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún.
Theo ông Huy, điều này một phần do chưa có chính sách thúc đẩy chuỗi chế biến chuối bài bản và thiếu các dự án đầu tư quy mô lớn.Bên cạnh đó, tiềm năng kinh tế từ phụ phẩm của cây chuối cũng rất lớn. Thân chuối có thể ép lấy dịch làm thức ăn chăn nuôi, lá chuối được dùng gói thực phẩm hoặc xuất khẩu sang Nhật Bản làm nguyên liệu đóng gói, bã chuối được nghiên cứu làm vải sợi sinh học, còn phần lõi và củ chuối có thể chế biến thành dược liệu hoặc lên men tạo phân bón hữu cơ. “Nếu biết tận dụng, một cây chuối có thể cho ra 5-7 sản phẩm có giá trị sử dụng hoặc thương mại”, ông nói.
Để khai mở tiềm năng này, doanh nhân Huy “chuối” đề xuất có chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến chuối, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, khoa học công nghệ và thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Đồng thời, cần có chương trình nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhằm tận dụng tối đa phế phụ phẩm từ cây chuối, thay vì vứt bỏ gây lãng phí hoặc ô nhiễm môi trường như hiện nay.
11 giờ 00 phút
Chanh dây, chuối, dứa và dừa sở hữu tiềm năng xuất khẩu lớn
Theo ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, chanh dây, chuối, dứa và dừa hiện là bốn loại trái cây được Bộ Nông nghiệp và Môi trường ưu tiên phát triển do sở hữu tiềm năng xuất khẩu lớn.

Ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Môi trường).
Việt Nam hiện có 12 loại rau quả được phép chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, với 6 loại được ký kết nghị định thư, mở ra cơ hội rõ rệt cho những nông sản chủ lực. Chiếm tới 65% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam, vượt xa các thị trường khác như Mỹ hay Thái Lan, Trung Quốc tiếp tục là thị trường trọng tâm trong chiến lược xuất khẩu nông sản.
“Chương trình OCOP Việt Nam đang nhận được sự quan tâm lớn từ các tổ chức quốc tế như Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và các quốc gia toàn cầu. Vì vậy, chúng ta có thể tận dụng bốn loại trái cây chủ lực này để đa dạng hoá và phát triển các sản phẩm riêng biệt, tham gia vào sáng kiến OCOP quốc tế của FAO.
Ngoài ra, nhu cầu từ các quốc gia Hồi giáo đang tăng cao, đòi hỏi Việt Nam chú trọng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe để khai thác tiềm năng từ thị trường Halal”, ông Châu cho biết.
10 giờ 50 phút
Chưa có lô hàng nào của Việt Nam sang Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi sắp xếp chính quyền 2 cấp
Từ ngày 1/7/2025, Việt Nam chính thức sắp xếp mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và thay đổi địa giới hành chính. Hiện tại, có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương) và 3.321 đơn vị hành chính cấp xã, phường.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết do sự thay đổi này dẫn đến thông tin về địa lý và địa chỉ các cơ sở chế biến thực phẩm của Việt Nam đã đăng ký hồ sơ trên trên hệ thống CIFER của Trung Quốc không còn phù hợp và cần có sự điều chỉnh.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam.
Vào ngày 19/6/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo Văn phòng SPS Việt Nam chủ động làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc và các bên liên quan để có phương án giúp doanh nghiệp cập nhật lại địa chỉ cơ sở chế biến thực phẩm cho phù hợp với thực tế cũng như hướng dẫn giải quyết các vấn đề phát sinh cho doanh nghiệp. Đến nay, chưa có DN nào vướng mắc về thông quan do ảnh hưởng của thông tin về địa chỉ cơ sở sản xuất do sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp.
10 giờ 45 phút
Tiến tới chỉ giữ lúa, ngô trong danh mục cây trồng chính
Theo ông Nguyễn Như Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), việc phân loại cây trồng chính ngoài ý nghĩa kỹ thuật, còn quyết định cách thức kiểm soát, quản lý và bảo hộ giống cây trồng.

Ông Nguyễn Như Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Môi trường).
Cụ thể, Thông tư số 17/2019/TT-BNNPTNT do Bộ NN-PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2020, đã quy định danh mục cây trồng chính toàn quốc, gồm: Lúa, ngô, cà phê, cam, bưởi và chuối. Với 6 nhóm này, mọi giống cây muốn được đưa vào sản xuất đều phải trải qua quá trình khảo nghiệm nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN). Khảo nghiệm này chỉ được thực hiện bởi các tổ chức được cấp phép và có thẩm quyền cấp chứng nhận kết quả.
Tuy nhiên, theo ông Cường, trên thực tế đang tồn tại một nghịch lý: mặc dù cam, bưởi, cà phê và chuối vẫn nằm trong danh mục cây trồng chính, nhưng hiện có khá ít doanh nghiệp đăng ký thực hiện đánh giá giống cho các nhóm này. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang xem xét điều chỉnh danh mục, tiến tới chỉ giữ lại lúa và ngô là 2 nhóm cây trồng chính. Đây là 2 loại cây lương thực chủ lực, có vai trò chiến lược trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và có hệ thống khảo nghiệm giống tương đối hoàn chỉnh.
Với những cây không còn nằm trong danh mục cây trồng chính, ông Cường lưu ý, doanh nghiệp có thể tự công bố lưu hành giống mới mà không cần phải qua khâu khảo nghiệm bắt buộc theo TCVN. Tuy nhiên, việc này cũng đồng nghĩa với việc toàn bộ trách nhiệm pháp lý, nhất là trong trường hợp xảy ra tranh chấp hoặc khiếu nại, sẽ thuộc về doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải đăng ký rõ ràng về các đặc tính như khả năng chống chịu sâu bệnh, thời gian sinh trưởng, năng suất... và sẵn sàng chịu trách nhiệm khi có phát sinh liên quan đến chất lượng giống.
Vấn đề bảo hộ giống cây trồng cũng được ông Cường đặc biệt lưu ý. Với cây lúa, giống chủ lực trong sản xuất nông nghiệp, tình trạng sản xuất trộm giống, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã và đang xảy ra khá phổ biến. Nhiều giống lúa mới chưa kịp hoàn tất thủ tục bảo hộ đã bị nhân giống và bán tràn lan trên thị trường. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho đơn vị chọn tạo giống mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm đầu ra và uy tín của ngành giống Việt Nam.
“Doanh nghiệp, nông dân cần nâng cao nhận thức về sản xuất và bảo hộ giống cây trồng. Cần xem quyền sở hữu giống là một tài sản trí tuệ cần được tôn trọng và bảo vệ”, ông Cường nhấn mạnh.
10 giờ 35 phút
Doanh nghiệp băn khoăn chuyện nhập khẩu công nghệ
Ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, Nafoods đã gặt hái những thành quả đáng kể, với 6 giống cây trồng được cấp bằng sở hữu trí tuệ, nhờ sự hỗ trợ của Vụ Khoa học và Công nghệ. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng không phải doanh nghiệp nào cũng may mắn như Nafoods khi có đủ điều kiện đăng ký thực hiện đề tài và năng lực quản lý dự án. Ông Hùng bày tỏ mong muốn những chính sách hiện hành sẽ sớm được cụ thể hóa và mong đợi về những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như trích lợi nhuận để tái đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nafoods.
“Một trong những băn khoăn lớn của chúng tôi là việc nhập khẩu công nghệ sẽ được thực hiện như thế nào. Liệu có chính sách ưu đãi nào cho việc nhập khẩu các chế phẩm sinh học, vật tư nông nghiệp không? Đặc biệt, đối với việc ghép giống chanh leo, chúng tôi cần nhập khẩu giống từ nhiều nước, cùng với các vật tư đi kèm như giá thể, băng dính, dao cắt. Chúng tôi mong mỏi có những chính sách rõ ràng để quá trình này được diễn ra nhanh chóng và hiệu quả”, ông Hùng nêu vấn đề.
Đáp lại những trăn trở đó, TS Nguyễn Thị Thanh Thủy, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Trưởng ban Hợp tác Quốc tế Hội Làm vườn Việt Nam, khẳng định sự đồng hành của các cơ quan quản lý. Bà Thủy nhắc lại các chính sách đã có như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp công nghệ cao hoặc đầu tư vào khu nông nghiệp công nghệ cao, được quy định trong Nghị định 57 và Luật 93.

TS Nguyễn Thị Thanh Thủy, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường).
Bà cũng cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ sớm có những hướng dẫn cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ và thúc đẩy sản xuất những sản phẩm khoa học công nghệ sử dụng ngân sách. "Tôi tin rằng trong thời gian tới, với quyết tâm chính trị của Bộ Khoa học và Công nghệ, các doanh nghiệp với sản phẩm chủ lực sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và đồng hành của các cơ quan chính phủ, nhà nước", bà Thủy nhấn mạnh.
10 giờ 25 phút
Cấp thiết xây dựng bản đồ số vùng trồng dừa
Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trồng dừa lớn nhất cả nước nhờ điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi, với hơn 20 giống dừa được canh tác theo hình thức vườn hộ.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam, cho rằng, để phát triển bền vững, ngành dừa cần có nguồn nguyên liệu ổn định về chất lượng và sản lượng.
Tuy nhiên, do tập quán người dân thường tự ý đưa giống mới về trồng, không qua chọn lọc, nên đã dẫn đến tình trạng trồng chéo, giống chéo, làm giảm chất lượng đầu ra. Chỉ đến khi có sự định hướng chuyên canh từ cơ quan chức năng và Hiệp hội, chất lượng dừa mới dần ổn định. Trong khi đó, ngành chế biến dừa còn thủ công, phần lớn gọt bằng tay để xuất khẩu, trong khi nhiều quốc gia đã áp dụng dây chuyền hiện đại, dẫn đến bất lợi về giá thành và logistics.
“Để phát triển bền vững, ngành dừa cần có nguồn nguyên liệu ổn định về chất lượng và sản lượng, đồng thời đòi hỏi sự phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các viện, trường để đưa ra giải pháp nâng cao năng suất, hiện đại hóa sản xuất. Chúng ta có thể chế biến dừa kết hợp cùng các loại quả khác như: chuối, dứa,... để đa dạng hóa sản phẩm, từ đó gia tăng giá trị trái cây Việt Nam. Là biểu tượng của quê hương và du lịch nhiệt đới, dừa còn là mối liên kết để phát triển du lịch, lan tỏa hình ảnh, văn hoá và đặc sản Việt trên thị trường quốc tế”, bà chia sẻ.
Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam lưu ý thêm, việc xây dựng bản đồ số vùng trồng dừa là cấp thiết nhằm khẳng định giá trị cây dừa và phục vụ truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, cần thúc đẩy hệ sinh thái cây dừa thông qua xen canh, tận dụng đặc tính giữ nước, cải tạo đất của dừa để tăng giá trị sinh thái và tín chỉ carbon.
10 giờ 05 phút
Ngành hàng chanh dây có tiềm năng cán mốc xuất khẩu tỷ đô
“Từ con số 0 cách đây 10 năm, ngành chanh dây đã tạo ra giá trị kinh tế đáng kể (mảng cô đặc và puree cán mốc 300 triệu USD, cả quả tươi có thể đạt hơn 500 triệu USD trong năm nay), và có tiềm năng cán mốc 1 tỷ USD nếu quy hoạch tốt và thị trường Trung Quốc mở rộng”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nafoods, chia sẻ.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nafoods, tin tưởng tiềm năng kinh tế của ngành hàng chanh dây là rất lớn, có thể đạt mốc xuất khẩu tỷ đô.
Ông Hùng nhấn mạnh, chanh dây là cây công nghiệp ngắn ngày, chỉ mất 6 tháng từ khi trồng đến thu hoạch, với vòng đời kinh tế 18 tháng (mặc dù có thể kéo dài 3-4 năm nhưng cần thay giống để đảm bảo năng suất cao). Giống chanh dây tím của Việt Nam, đặc biệt là của Nafoods, được thế giới đón nhận mạnh mẽ dưới dạng quả tươi, khác biệt với giống vàng chua ở Nam Mỹ. Châu Âu là thị trường xuất khẩu quả tươi quan trọng, ước tính khoảng 5.000-7.000 tấn mỗi năm.
Về tiềm năng thị trường, ông Hùng ước tính nhu cầu toàn cầu đối với chanh dây cô đặc và puree khoảng 30.000 tấn mỗi loại mỗi năm, với tốc độ tăng trưởng 6-7% nhưng không phải là vô hạn. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc nếu mở cửa sẽ tạo ra nhu cầu rất lớn cho quả tươi, đặc biệt trong mùa đông khi họ không thể trồng.

Nhà máy chế biến chanh dây của Nafoods với công suất khoảng gần 500 tấn/ngày.
Năng suất chanh dây Việt Nam vượt trội hơn gấp đôi so với Nam Mỹ (40-60 tấn/ha so với 15-20 tấn/ha), mang lại lợi thế cạnh tranh lớn về chi phí sản xuất (khoảng 20.000 đồng/kg quả) và giá xuất khẩu (60.000-70.000 đồng/kg). Riêng giống chanh dây ngọt của Nafoods có thể bán tại vườn với giá 80.000-100.000 đồng/kg, và lên tới 230.000 đồng/kg tại siêu thị. Điều này cho thấy tiềm năng kinh tế rất lớn: mỗi hecta chanh dây có thể mang lại doanh thu khoảng 1 tỷ đồng cho nông dân.
Ông Hùng cũng lưu ý, chanh dây tím chỉ phù hợp với vùng cao trên 600m, tạo lợi thế độc đáo cho Việt Nam so với Thái Lan hay Nam Mỹ.

Chanh leo tím ngọt Nafoods là một sự kết hợp hoàn hảo giữa sự tươi ngon và hương vị ngọt thơm.
Để phát triển bền vững, ông Hùng đề xuất một số giải pháp. Thứ nhất, cơ quan quản lý nhà nước cần có định hướng, quy hoạch rõ ràng, tránh tình trạng trồng ồ ạt khi giá cao dẫn đến rớt giá. Cần kiểm soát các thương lái Trung Quốc và nhà máy nước ngoài thu mua với giá quá thấp.
Thứ hai, tăng cường quản lý giống giả, giống kém chất lượng.
Thứ ba, Cục Bảo vệ thực vật cần cập nhật nhanh chóng và quản lý chặt chẽ các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, đồng thời kiểm tra nghiêm ngặt các đơn vị kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo.
Cuối cùng, cần quản lý các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh làm ảnh hưởng đến thương hiệu chung của nông sản Việt Nam.
9 giờ 55 phút
Mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD của ngành hàng chuối là hoàn toàn khả thi
Giữa một thị trường trái cây ngày càng cạnh tranh và khắt khe về chất lượng, Unifarm, doanh nghiệp do ông Phạm Quốc Liêm làm Chủ tịch, đang kiên định theo đuổi một chiến lược đặc biệt với cây chuối: Phát triển bằng công nghệ cao và duy trì một tiêu chuẩn chất lượng duy nhất, xuyên suốt từ giống đến thị trường.

Ông Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Tổng Giám đốc Unifarm, cho biết, Unifarm luôn kiên định theo đuổi một chiến lược đặc biệt với cây chuối.
Tầm nhìn của Unifarm không chỉ dừng lại ở việc nâng cao hiệu quả sản xuất trong nước, mà còn hướng đến mục tiêu đầy tham vọng: Cùng ngành nông nghiệp và người nông dân Việt Nam dẫn dắt ngành chuối toàn cầu. Theo ông Liêm, đây là điểm khác biệt lớn nhất của doanh nghiệp so với nhiều mô hình khác, không chỉ trồng chuối để xuất khẩu mà còn định vị vai trò tiên phong cho Việt Nam trên bản đồ chuối thế giới.
Để hiện thực hóa tầm nhìn đó, Unifarm không triển khai một cách rập khuôn hay theo trào lưu, mà thiết kế chiến lược rõ ràng cho từng giai đoạn. Mỗi bước đi đều được xác định mục tiêu cụ thể, có tiêu chí đánh giá hiệu quả và điều chỉnh kịp thời.
Điểm nhấn lớn nhất trong cách làm của Unifarm là sự kiên trì áp dụng duy nhất một bộ tiêu chuẩn khắt khe xuyên suốt toàn chuỗi sản xuất, nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế. Trong khi nhiều nhà sản xuất chuối trong nước có thể linh hoạt giữa các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, hoặc tiêu chuẩn riêng của từng thị trường nhập khẩu, Unifarm chọn một cách tiếp cận ngược lại: Thống nhất quy trình và chất lượng, từ khâu giống, canh tác, xử lý sau thu hoạch đến truy xuất nguồn gốc.

Unifarm kỳ vọng ngành hàng chuối Việt Nam có thể vươn lên đạt giá trị xuất khẩu 4 tỷ USD trong thời gian tới. Ảnh minh họa.
Năm 2024, chuối mang về cho Việt Nam 378 triệu USD từ xuất khẩu, tương ứng khoảng 2.400 USD/ha - mức thu nhập chưa tương xứng với tiềm năng. Đặt mục tiêu cao hơn, Unifarm tập trung từ khâu đầu tiên là chọn tạo và phát triển giống. Theo ông Liêm, giống chuối phải vừa cho năng suất cao, chất lượng tốt, vừa có khả năng kháng bệnh héo rũ Panama - loại bệnh nguy hiểm đang đe dọa nhiều vùng trồng chuối trên thế giới.
Không chỉ dừng ở con số vài trăm triệu USD, Unifarm kỳ vọng ngành hàng chuối Việt Nam có thể vươn lên đạt giá trị xuất khẩu 4 tỷ USD trong thời gian tới. Điều này đồng nghĩa với việc giá trị sản xuất phải đạt ít nhất 20.000 USD/ha, gấp gần 10 lần hiện nay. Đây là một mục tiêu không dễ, nhưng theo ông Liêm, hoàn toàn khả thi nếu toàn ngành cùng hướng đến sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và duy trì được chất lượng đồng đều.
Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề sức khỏe người dân và môi trường cũng cần để tâm. Ông Liêm cho rằng, nếu có thể đạt được điều này, chuối Việt Nam sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh, nhất là những thị trường khó tính như EU, Nhật Bản.
9 giờ 50 phút
Để đạt quy mô tỷ đô, ngành dứa phải có chiến lược rõ ràng và bài bản
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên đánh giá, nhận định của TS. Đinh Cao Khuê về tiềm năng phát triển cây dứa mang tính khoa học cao, thể hiện tư duy đột phá trong kinh tế nông nghiệp và là hình mẫu doanh nông tiêu biểu để học tập.

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết, nhu cầu tiêu thụ dứa trên thế giới đang tăng mạnh.
Theo ông Nguyên, nhu cầu tiêu thụ dứa trên thế giới đang tăng mạnh, với quy mô thị trường toàn cầu đạt khoảng 29 tỷ USD vào năm 2024 và tiếp tục tăng trưởng kép hằng năm ở mức 6,3%. Thị trường châu Âu và Bắc Mỹ chiếm tới 50% nhu cầu tiêu thụ, cho thấy tiềm năng xuất khẩu rất lớn.
Trong khi đó, dứa Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao, điển hình như sản phẩm nước dứa cô đặc của DOVECO đã xuất khẩu sang hơn 50 quốc gia, được người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao. Thậm chí, các sản phẩm Việt Nam vượt qua cả các mặt hàng từ Mỹ và châu Âu, qua đó khẳng định vị thế ngày càng vững chắc của dứa Việt trên trường quốc tế.

Dây chuyền chế biến dứa xuất khẩu của DOVECO.
“Tuy nhiên, để tận dụng tốt đầu ra và đạt quy mô tỷ đô, ngành dứa phải có chiến lược rõ ràng và bài bản. Việc mở rộng vùng nguyên liệu, cải tiến giống, áp dụng công nghệ kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng là hết sức cần thiết. Nhà nước cũng cần quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi cho các vùng trồng dứa, ban hành chính sách hỗ trợ riêng cho nông dân và doanh nghiệp do chi phí đầu tư ban đầu khá cao.
Đặc biệt, cần 'cởi trói' cho đất đai bằng các cơ chế như cổ phần hóa đất công, cho thuê hoặc đấu giá đất để khai thông nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển ngành dứa một cách bền vững”, ông Nguyên cho biết.
Diễn đàn chuyển sang phần tọa đàm

Phần tọa đàm trong khuôn khổ Diễn đàn “Giải pháp tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm trái cây có lợi thế: Chanh leo, chuối, dứa, dừa”, sáng 18/7.
Sau 3 tham luận, Diễn đàn chuyển sang phần tọa đàm, với sự tham dự của các diễn giả: Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT); Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ Tịch HĐQT Công ty CP Nafoods; Ông Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch Công ty cổ phần nông nghiệp U&I (Unifarm); Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam; Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam.
Phần tọa đàm diễn ra dưới sự điều hành của nhà báo Trần Văn Cao, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp và Môi trường.
9 giờ 30 phút
Cần xác định rõ quy mô sản phẩm và định hướng đầu tư
Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, các loại trái cây như chanh leo, chuối, dứa là các loại quả chín sau thu hoạch, dễ hư hỏng nên đòi hỏi công nghệ bảo quản phù hợp. Hiện, các phòng thí nghiệm hiện đại của Viện tập trung nghiên cứu đặc tính sinh lý, sinh hóa và nguyên nhân gây hỏng nhằm xác định công nghệ sơ chế, bao gói và chế biến hiệu quả, nâng cao chuỗi giá trị cho từng loại quả.

PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch.
Nhiều công nghệ nổi bật đã được Viện nghiên cứu, làm chủ và chuyển giao thành công. Trong đó có công nghệ xử lý PP phục vụ xuất khẩu, kết hợp tận dụng phụ phẩm để sản xuất phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi, than hoạt tính, bột phụ gia thực phẩm. Đặc biệt, công nghệ tạo màng sinh học bảo quản giúp kéo dài tuổi thọ của trái cây, như với chanh leo, thời gian bảo quản tăng từ 25 ngày (phương pháp cấp đông thông thường) lên 55 ngày khi phủ màng sinh học.
Một số công nghệ nổi bật khác bao gồm: Công nghệ sấy bơm nhiệt giữ nhiệt độ thấp (40-45°C) giúp giữ màu, mùi, dưỡng chất, tiết kiệm năng lượng và ổn định chất lượng sản phẩm; Sấy thăng hoa bảo toàn tối đa chất lượng và kéo dài thời gian bảo quản, phù hợp cho sản phẩm cao cấp; Cấp đông siêu tốc bằng chất lỏng giúp rút ngắn thời gian cấp đông xuống chỉ 18-20 phút, tiết kiệm đến 50% năng lượng so với công nghệ IQF, giá thành thiết bị chỉ bằng 30% hàng nhập.
Đặc biệt, công nghệ chế biến puree chuối cho năng suất 2 tấn/giờ, tỷ lệ thu hồi cao, bảo quản 12–18 tháng, giá thành đầu tư chỉ bằng 35% so với thiết bị châu Âu.
PGS.TS Phạm Anh Tuấn khẳng định, Viện sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực bảo quản.
“Cần xác định rõ quy mô sản phẩm và định hướng đầu tư. Trên cơ sở đó, các nhà khoa học sẽ đưa ra tư vấn phù hợp, lựa chọn đơn vị thiết kế, xây dựng nhà xưởng theo yêu cầu thực tế, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình triển khai”, Viện trưởng Phạm Anh Tuấn nói.
9 giờ 15 phút
Tăng cường số hóa quản lý vùng trồng dừa
Theo bà Trần Lệ Hoa, Phó ban Khoa học xã hội, Hiệp hội Dừa Việt Nam, quản lý vùng trồng bằng công nghệ GIS là bước đi tất yếu để ngành dừa Việt Nam chuyển mình theo hướng minh bạch, chuyên nghiệp và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ thị trường quốc tế.

Bà Trần Lệ Hoa, Phó ban Khoa học xã hội, Hiệp hội Dừa Việt Nam, nhấn mạnh, việc tích hợp thông tin vùng trồng với mã QR là công cụ then chốt để thực hiện truy xuất nguồn gốc theo chuỗi.
Bà Hoa nhấn mạnh, ứng dụng GIS giúp xác định chính xác vị trí từng vườn dừa, diện tích, mật độ, số lượng cây trồng thông qua bản đồ số, từ đó tạo lập cơ sở dữ liệu đầy đủ và đồng bộ phục vụ cấp mã số vùng trồng (MSVT) và truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, công nghệ phân tích dữ liệu GIS còn hỗ trợ đánh giá chất lượng đất, xác định vùng trồng phù hợp, tối ưu tài nguyên thiên nhiên và hoạch định vùng nguyên liệu hiệu quả hơn.
Một trong những lợi ích nổi bật là khả năng giám sát liên tục sức khỏe cây trồng, phát hiện sớm sâu bệnh, khô héo, thiếu nước, từ đó đưa ra dự báo năng suất chính xác và hướng dẫn kỹ thuật kịp thời. Dữ liệu được cập nhật thường xuyên, giúp quản lý nhà nước, hợp tác xã và doanh nghiệp chủ động hơn trong điều hành sản xuất.
Đặc biệt, việc tích hợp thông tin vùng trồng với mã QR là công cụ then chốt để thực hiện truy xuất nguồn gốc theo chuỗi, nâng cao độ tin cậy của sản phẩm dừa trên thị trường quốc tế. Điều này không chỉ phục vụ xuất khẩu mà còn góp phần xây dựng thương hiệu dừa Việt Nam trên nền tảng minh bạch và bền vững.

Quản lý vùng trồng bằng công nghệ GIS là bước đi tất yếu để ngành dừa Việt Nam chuyển mình theo hướng minh bạch, chuyên nghiệp. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, bà Hoa lưu ý, sau khi tổ chức sản xuất hiệu quả, cần tiếp tục đầu tư cho truyền thông. Với nông dân và HTX, nên đẩy mạnh truyền thông số, ứng dụng đa phương tiện để giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng. Ở cấp quốc gia, cần chiến lược truyền thông bài bản, tập trung vào các thị trường xuất khẩu trọng điểm để tạo lợi thế cạnh tranh lâu dài.
8 giờ 55 phút
Đến thời điểm ngành trái cây cần nhìn lại chiến lược phát triển
ThS. Ngô Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, trình bày định hướng phát triển và mở cửa thị trường cho bốn loại trái cây có lợi thế: Chanh dây, chuối, dứa và dừa.

Theo ThS. Ngô Quốc Tuấn, đây là thời điểm để ngành trái cây nhìn lại chiến lược phát triển.
Với chanh dây, Việt Nam hiện đạt 163.000 tấn sản lượng/năm, chủ yếu từ Tây Nguyên. Định hướng đến 2030 là 300.000 tấn, với vùng trọng điểm là Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai. Chanh dây đang ở giai đoạn cuối để được Mỹ cấp phép nhập khẩu; đồng thời đã gửi hồ sơ sang Hàn Quốc, Thái Lan. Trong bối cảnh đã xuất khẩu 70-80% sản lượng, ngành cần tập trung vào giống sạch bệnh và nâng cao giá trị gia tăng.
Dứa đạt 860.000 tấn, trồng chủ yếu ở ĐBSCL. Đến năm 2030, dự kiến đạt gần 1 triệu tấn, với diện tích mở rộng và trồng rải vụ để phục vụ chế biến, trái vụ. Dù đã xuất sang 122 quốc gia, Việt Nam chưa mở hồ sơ kỹ thuật cho thị trường mới. EU là thị trường tiềm năng có thể tận dụng qua EVFTA.
Chuối hiện đạt sản lượng 3 triệu tấn, là mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU. Với hơn 625.000 tấn xuất sang Trung Quốc năm 2024, ngành chuối được định hướng giữ vững thị phần bằng cách nâng cao chất lượng, mẫu mã và xây dựng thương hiệu.
Dừa là loại trái cây có diện tích lớn nhất, 202.000 ha, sản lượng 2,28 triệu tấn, chủ yếu từ ĐBSCL. Việt Nam thuộc nhóm quốc gia xuất khẩu dừa hàng đầu thế giới. Tới năm 2030, ngành sẽ chuyển sang chế biến sâu, sản xuất theo quy trình GAP, phát triển trồng xen, nuôi xen và tích hợp du lịch sinh thái miệt vườn, OCOP.
Ông Tuấn cũng chỉ ra ngành trái cây Việt Nam đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu như kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Một số vụ việc vi phạm khiến mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói bị thu hồi (sầu riêng, mít), ảnh hưởng đến thương mại.
Việc mở cửa sang Nam Mỹ gặp khó về vận chuyển và cạnh tranh. Thị trường ASEAN tuy gần nhưng sản phẩm tương đồng, khó tạo sự khác biệt. Tuy nhiên, theo ThS. Tuấn, đây là thời điểm để ngành trái cây nhìn lại chiến lược phát triển, chuyển từ tăng sản lượng sang tăng chất lượng, công nghệ và thương hiệu. Chỉ khi đó, trái cây Việt Nam mới có thể bứt phá bền vững trên thị trường quốc tế.
“Muốn xuất khẩu tốt, chúng ta phải làm tốt truy xuất nguồn gốc và liên kết chuỗi. Theo đó, mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân phải trở thành một mắt xích quan trọng trong việc minh bạch hóa và cam kết đảm bảo an toàn trong toàn bộ chuỗi giá trị xuất khẩu”, ông Tuấn nhận định.
8 giờ 40 phút
Chanh dây, chuối, dứa và dừa hội tụ nhiều lợi thế cũng như tiềm năng xuất khẩu
Trong bức tranh chung của ngành trồng trọt Việt Nam, nhóm cây ăn quả đang ngày càng khẳng định vai trò động lực trong tăng trưởng nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước. Năm 2024, tổng diện tích cây ăn quả đạt khoảng 1,28 triệu ha, trong đó, 4 loại trái cây được thảo luận tại diễn đàn là chanh dây, chuối, dứa và dừa, chính là những đại diện tiêu biểu, hội tụ nhiều lợi thế và tiềm năng xuất khẩu.

Ông Nguyễn Như Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho rằng: Nếu cùng chung tay, chúng ta có thể viết lại câu chuyện phát triển những sản phẩm trái cây có lợi thế.
Dù quy mô sản xuất nông nghiệp có xu hướng tăng, ông Nguyễn Như Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), lưu ý, đến nay chỉ có mặt hàng sầu riêng nổi bật vươn lên thành sản phẩm trái cây duy nhất lọt vào nhóm xuất khẩu "tỷ đô", với kim ngạch đạt gần 2,3 tỷ USD năm 2023 và 3,3 tỷ USD năm 2024. Trong khi đó, những mặt hàng từng có vị thế như thanh long lại sụt giảm mạnh, từ hơn 1 tỷ USD xuống chỉ còn 534 triệu USD năm 2024.
“Thực tế này cho thấy vẫn còn rất nhiều việc cần triển khai để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay. Diễn đàn ngày hôm nay chính là cơ hội để tập trung giải quyết các vấn đề cốt lõi từ quy hoạch vùng trồng, liên kết sản xuất, chế biến đến mở rộng thị trường”, ông Cường nhấn mạnh. “Đây không phải là việc của riêng ai, mà là trách nhiệm chung của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, nông dân và hợp tác xã”.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, trong thời kỳ khó khăn do đại dịch Covid-19, Diễn đàn 970 đã góp phần quan trọng trong việc kết nối cung - cầu, đảm bảo lưu thông hàng hóa từ sản xuất đến tiêu thụ. Trải qua 4 năm hình thành và hoạt động hiệu quả, diễn đàn không chỉ có ý nghĩa với ngành nông nghiệp mà còn gắn bó với những người làm công tác kết nối.
“Tôi tin rằng, nếu chúng ta cùng chung tay, chúng ta có thể viết lại câu chuyện phát triển những sản phẩm trái cây có lợi thế. Thông qua trái cây, Việt Nam có thể giới thiệu ra thế giới hình ảnh con người, văn hóa và đặc sản độc đáo của đất nước”, ông Cường chia sẻ.