Phát huy lợi thế từ những vùng nguyên liệu đặc trưng, nhiều sản phẩm OCOP tại Đà Nẵng đang từng bước khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế. Từ cây dừa, cây quế đến quy trình sản xuất hiện đại, nông sản địa phương đang được nâng tầm giá trị bằng tư duy đổi mới và chiến lược bài bản.
SAPO:Phát huy lợi thế từ những vùng nguyên liệu đặc trưng, nhiều sản phẩm OCOP tại Đà Nẵng đang từng bước khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế. Từ cây dừa, cây quế đến quy trình sản xuất hiện đại, nông sản địa phương đang được nâng tầm giá trị bằng tư duy đổi mới và chiến lược bài bản.
Tại vùng đất Tam Quan (tỉnh Gia Lai), nơi những hàng dừa trải dài rợp bóng, người dân vẫn miệt mài thu hoạch từng quả dừa – nguyên liệu chính để sản xuất bánh dừa nướng. Sau khi thu mua, dừa được vận chuyển về xưởng chế biến tại thành phố Đà Nẵng, mở đầu cho hành trình đưa nông sản quê hương vươn ra thế giới.
Tại đây, trong xưởng sản xuất hiện đại của Công ty Mỹ Phương Food, nguyên liệu được sơ chế, phối trộn và đưa vào dây chuyền nướng – đóng gói khép kín. Mỗi ngày, đơn vị sản xuất khoảng 3 tấn bánh dừa nướng mang thương hiệu Top Coco, trong đó 50% sản lượng phục vụ xuất khẩu.
Từ một sản phẩm tưởng chừng đơn giản, bánh dừa nướng nay đã trở thành mặt hàng OCOP 4 sao, tiềm năng 5 sao, có mặt tại hơn 15 quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Israel, Pháp… Không chỉ dừng lại ở dòng bánh truyền thống, doanh nghiệp còn sáng tạo nhiều sản phẩm mới như bánh dừa trái cây, bánh dừa kết hợp với các loại hạt để đáp ứng thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng toàn cầu.
PHỎNG VẤN CHỊ MAI THỊ Ý NHI :“Khi làm xuất khẩu, mọi thứ phải đạt chuẩn quốc tế – từ nguyên liệu, đóng gói đến bảo quản. Chúng tôi xem mỗi chiếc bánh như một đại sứ nhỏ kể câu chuyện về nông sản Việt.”
Không chỉ có cây dừa, từ vùng núi Trà My – nơi nổi tiếng với giống quế quý có hàm lượng tinh dầu cao, người dân địa phương đang tận dụng lợi thế thiên nhiên để nâng cao giá trị cây trồng bản địa. Những sản phẩm từ quế như bột siêu mịn, tinh dầu, dép, gối lót… đang được chế biến tại Đà Nẵng theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường và đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Hiện các sản phẩm từ quế đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính như Đức, Pháp, Hungary, Cộng hòa Séc… góp phần tạo đầu ra ổn định cho vùng nguyên liệu và nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số.
PHỎNG VẤN ÔNG NGUYỄN XUÂN SƠN:“Chúng tôi chú trọng đầu tư công nghệ, quy chuẩn thân thiện môi trường để vượt qua hàng rào kỹ thuật và chinh phục người tiêu dùng quốc tế.”
Thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ như đầu tư máy móc thiết bị, tư vấn quy chuẩn đóng gói, phát triển bao bì mẫu mã, quảng bá thương hiệu và tổ chức cho các đơn vị OCOP tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại.
Bên cạnh đó, việc xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại chợ Hàn, chợ đêm Sơn Trà… cũng góp phần giúp các sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng và du khách, tạo thêm cơ hội kết nối thị trường tiêu thụ.
Từ những nguyên liệu bản địa tưởng như quen thuộc, nhờ sáng tạo và đổi mới tư duy sản xuất, các sản phẩm OCOP của Đà Nẵng đang từng bước khẳng định thương hiệu trên trường quốc tế – góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt, tạo thêm việc làm, thu nhập và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững.