| Hotline: 0983.970.780

Biện pháp phòng trị bọ ánh kim

Thứ Tư 25/07/2012 , 12:26 (GMT+7)

Sâu non từ khi nở đến khi hóa nhộng hình dạng ít thay đổi chỉ có màu sắc và kích thước thay đổi...

>> Bọ ánh kim hoa hại cây hồi và biện pháp phòng trị
>> Cục BVTV vào cuộc truy “bọ lạ”
>> Hoang mang “bọ lạ” tấn công cây hồi

Sâu non:

Mới nở mình sâu có màu trắng, sau đó chuyển sang màu vàng chanh, mảnh đầu màu nâu đen, trên các đốt cơ thể có các u thịt lồi màu đen hơi xanh. Sâu non từ khi nở đến khi hóa nhộng hình dạng ít thay đổi chỉ có màu sắc và kích thước thay đổi, nền cơ thể sâu non chuyển từ màu vàng chanh sang màu xanh đen, còn các u thịt lồi cũng chuyển từ màu đen hơi xanh sang màu xanh đen ánh kim.

Thời kỳ sâu non nở rộ trùng với thời kỳ cây hồi nảy chồi, ra lộc rộ, tức vào khoảng tháng 2-3 hàng năm. Phần ngực có 3 đôi chân ngực phát triển, vì vậy sâu non hoạt động nhanh nhẹn, chân có 3 đốt, đốt cuối phát triển sắc nhọn hình lưỡi câu. Ngay sau khi nở từ ổ trứng trên cành, sâu bò phân tán nhanh về phía các búp lá ẩn nấp và gây hại trong đó.

Lúc nhỏ sâu đục ăn nhu mô các lá non, theo thời gian sâu lớn dần và sâu ăn cả các lá bánh tẻ và thậm chí là các lá già khi mật độ sâu cao, thức ăn khan hiếm. Giai đoạn sâu non có 3 tuổi, thời gian phát dục kéo dài từ 55-70 ngày, trung bình khoảng 60 ngày. Sâu non đẫy sức dài khoảng 25-30 mm. Trước khi hóa nhộng (cuối tuổi 3), sâu ngừng ăn, co ngắn, buông mình rơi xuống gốc cây ở phạm vi xung quanh tán, sau đó chui xuống lớp đất mặt làm tổ kén hóa nhộng nằm ở trong.

Sâu non ánh kim hoa:

- Nhộng: Nhộng bọ ánh kim hoa thuộc loại trần, mầm cánh, mầm chân rõ rệt. Khi sâu mới hóa nhộng thì nhộng có màu trắng đục sau đó chuyển dần sang màu vàng chanh rồi vàng đậm cho đến khi hóa trưởng thành. Nhộng sâu nằm trong tổ kén làm bằng đất ở độ sâu từ 1-2 cm, có khoảng trên 90% nhộng làm tổ kén trong phạm vi mặt đất xung quanh tán cây, phần trên của tổ kén thường hơi nhô lên mặt đất và có màu đất mới như “mà lươn”, “mà cua” nên cũng dễ phát hiện.

Tổ kén đất có kết cấu rất chắc chắn, giúp bảo vệ nhộng chống lại các kẻ thù tự nhiên khác qua suốt thời kỳ nhộng. Phần đầu, bụng, lưng và ngực có nhiều lông cứng ngắn và thưa. Đốt cuối cùng của nhộng có hai gai lồi. Chiều dài khoảng 6-8 mm, chiều rộng khoảng 4-6 mm. Thời gian phát dục pha nhộng kéo dài từ 40-60 ngày tùy thuộc vào điều kiện thời tiết mưa lớn đến sớm hay muộn, nhưng trung bình khoảng 45 ngày.


Dùng thuốc BVTV phòng trừ bọ ánh kim hoa phải tuân theo nguyên tắc "4 đúng"

Tổ kén nhộng và nhộng trong đất:

- Trưởng thành: Hàng năm, sau khi xuất hiện các cơn mưa lớn đầu mùa vào khoảng tháng 5-6, tổ kén đất trở nên mềm hơn, nhộng sâu thoát khỏi trạng thái ngủ nghỉ và bắt đầu vũ hóa trưởng thành. Trưởng thành cựa quậy làm vỡ tổ kén đất và chui lên khỏi mặt đất, bay lên tán cây ẩn nấp và ăn lá, gây hại cho cây hồi. Trưởng thành có kích thước cơ thể dài từ 9-15 mm, trung bình khoảng 11,5 mm, rộng 7,5 mm.

- Cùng với sâu non, sâu trưởng thành cũng ăn hại lá rất nghiêm trọng, khi gây hại sâu cắn khuyết lá từ rìa mép và phía trong phiến lá. Bọ trưởng thành có tập tính thích ánh sáng tán xạ, chúng thường hoạt động mạnh nhất vào buổi sáng sớm và chiều mát, buổi trưa khi nhiệt độ tăng cao, trưởng thành thường ẩn nấp ở mặt dưới lá.

Bọ trưởng thành

Biện pháp phòng trừ: Việc phòng trừ bọ ánh kim hoa gặp nhiều khó khăn, vì chỉ sau khi phun thuốc một thời gian ngắn, bọ lại phát triển trở lại bởi những lý do chính sau đây:

- Thứ nhất: Việc phun thuốc chỉ có tác dụng với sâu non tuổi nhỏ và trưởng thành, nhưng bọ trưởng thành có khả năng bay xa, di chuyển mạnh nên khi phun thuốc ở cây này, vùng này, bọ có thể di chuyển sang các cây khác, vùng khác lân cận, hết mùi thuốc bọ tiếp tục trở lại phá tiếp. Sâu non tuổi nhỏ thì chủ yếu ẩn nấp và gây hại bên trong búp lá, thuốc rất khó tiếp xúc để tiêu diệt. Sâu non tuổi lớn có lớp vỏ kitin khá dày, trơn nên khó bám thuốc và tỷ lệ chết thấp. Riêng nhộng thì nằm an toàn trong tổ kén dưới đất nên có thể sau khi phun, sâu tiếp tục xuất hiện và phá trở lại. 

- Thứ hai: Hồi chủ yếu được trồng ở các vùng núi cao, có độ cao từ 300-600 m so với mực nước biển, tập trung ở các sườn đồi, vách núi có độ dốc khá lớn. Cây hồi là cây thân gỗ có chiều cao trung bình trên 5m nên việc tiếp cận để phun trừ cũng như sử dụng các loại thuốc trừ sâu dạng nước hết sức khó khăn. Mặt khác hầu hết diện tích hồi đều ở núi cao, đầu nguồn nước sinh hoạt của các làng bản đồng bào dân tộc ở dưới chân núi hoặc phía hạ lưu các sông, suối nên nếu phun thuốc dạng nước sẽ ảnh hưởng nặng nề tới nguồn nước sinh hoạt.

Vì thế, muốn hạn chế tác hại của bọ ánh kim hoa và đảm bảo được an toàn cho dân cư xung quanh, trên cơ sở những hiểu biết ban đầu và từ kết quả của các thí nghiệm phòng trừ mà chúng tôi đã thực hiện đối với loài bọ lạ này, chúng tôi đề nghị áp dụng các biện pháp sau phòng trừ sau:

1/ Biện pháp canh tác:

- Dùng cuốc dãy cỏ, bạt đất, diệt nhộng sâu ở phạm vi mặt đất xung quanh tán cây hồi trong thời gian sâu hóa nhộng rộ (khoảng tháng 4-5 hàng năm). Khi dãy cỏ, bạt đất cố gắng đưa lưỡi cuốc xuống sâu khoảng từ 1-2 cm để làm bể tổ kén đất, làm nhộng sâu bị giết chết (do cơ giới) hoặc bị lộ thiên ra bên ngoài cho các loài thiên địch như kiến hay động vật ăn sâu tiêu diệt. Việc này có thể tiến hành định kỳ 2 tuần 1 lần và có thể giết chết tới 90% số nhộng sâu gây hại trên mỗi cây hồi.

- Khi bẻ cành thu hái hồi (tháng 7-9 hàng năm), nếu phát hiện thấy tổ trứng sâu thì kết hợp cắt, bẻ luôn và mang tiêu hủy bằng cách đốt (khi chưng cất dầu hồi) hoặc chôn sâu xuống đất, ngâm xuống hố nước vôi…

- Hạn chế việc du nhập, lấy giống cây và các vật phẩm của cây hồi ở các vùng có dịch sang vùng chưa có dịch để hạn chế sâu lây lan gây hại trên diện rộng.

2/ Biện pháp hóa học:

- Thường xuyên kiểm tra rừng hồi trong khoảng thời gian sâu bắt đầu nở rộ từ tháng 2-3 hàng năm, nếu phát hiện thấy có sâu non mới nở thì tiến hành phun xịt thuốc diệt trừ kịp thời theo cách phun “cục bộ có chọn lọc”, tức chỉ phun xịt thuốc vào những vị trí đang có sâu ẩn nấp gây hại hoặc nghi bị sâu gây hại, không phun ở các vị trí khác không hoặc chưa có sâu, việc này vừa giúp tiết kiệm thuốc phun (so với phun trùm toàn cây) nhưng vẫn chừa lại những khoảng không gian nhất định cho các loài thiên địch sinh sống, phát triển và khống chế sâu về sau theo quy luật tự nhiên. Việc này cần thực hiện định kỳ 1-2 tuần 1 lần để hạn chế sâu tích lũy số lượng phát triển mạnh, gây hại nặng về sau.

- Khi dùng thuốc hoá học phải tuân theo nguyên tắc "4 đúng". Các hoạt chất và thuốc thương phẩm tương ứng có thể tìm thấy trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại VN. Trước khi sử dụng xem kỹ hướng dẫn trên nhãn thuốc. Theo chúng tôi, một số loại hoạt chất thuộc nhóm Botanical, Diamide, Pyrazole và sinh học trừ côn trùng đang được dùng để diệt bọ nhảy hại rau cải (cùng họ ánh kim) có thể sẽ thích hợp cho việc trừ bọ ánh kim hoa hại hồi. Tuy nhiên, cần phải tiến hành các thí nghiệm để xác định được đúng loại thuốc, liều lượng phun thích hợp. Đó là các hoạt chất như: Azadirachtin, Chlorantraniliprole, Citrus oil, Matrine và Rotenone.

- Dụng cụ phun tốt nhất là các máy phun thuốc đeo vai có động cơ công suất lớn, có vòi, dây phun dài buộc vào 1 cái sào, gậy dài đủ vươn tới đỉnh cây hồi. Khi phun người phun có thể đứng ở đầu gió, ở phần trên của dốc, vách núi và phun cho các cây ở dưới, cuối gió. Không nên sử dụng các dụng cụ phun dạng bơm tay xe đạp của Trung Quốc, vì nếu dùng dụng cụ này người phun phải trèo lên từng cây và phải kéo, đeo hoặc treo thêm 1 can nước thuốc trên cây, làm như vậy rất dễ bị tai nạn ngã cây hoặc bị ngộ độc thuốc do bị nước thuốc bao trùm lên người khi phun.

- Nếu các cánh rừng bị thiệt hại nặng, có thể khoanh vùng và nhờ các đơn vị có kinh nghiệm và phương tiện trong phòng trừ sâu róm thông hay sâu hại rừng trước đây ở các tỉnh khác đến hỗ trợ dập dịch.

Xem thêm
Hà Nội trao tặng Nghệ An 100 con bò giống

Tỉnh Nghệ An có tổng đàn bò thuộc tốp đầu cả nước, với việc tiếp nhận thêm 100 con giống từ thành phố Hà Nội càng góp phần nâng cao vị thế hiện có.

Trăn trở công tác thú y cơ sở sau khi sát nhập đơn vị hành chính

Nhiều địa phương lo lắng sau sát nhập, cán bộ bán chuyên trách nghỉ việc khiến công tác thú y cơ sở gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, địa bàn quản lý rộng.

Xã vùng biên mỗi năm 200 hộ thoát nghèo: Người trẻ nghĩ khác ở Lao Khô

SƠN LA Giữa đại ngàn Tây Bắc, nơi núi rừng Phiêng Khoài (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) tiếp giáp với nước bạn Lào có một bản nhỏ mang tên là Lao Khô.

Hải Phòng tìm cách phát huy các 'mỏ vàng' nông nghiệp

Sở hữu tiềm năng lớn từ vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên đến con người, nhưng phát triển sản xuất nông nghiệp Hải Phòng được đánh giá chưa tương xứng với tiềm năng.

Trồng nấm linh chi cho lợi nhuận như mơ nhờ làm chủ công nghệ

HẢI PHÒNG Bằng công nghệ tự động và sản xuất theo quy trình VietGAP, một mô hình trồng nấm linh chi tại quận An Dương đã cho lợi nhuận ngoài mong đợi.

Phát hiện 2 tàu cá công suất lớn vi phạm 'kép' trên vịnh Bắc Bộ

Hai tàu cá công suất lớn ở Quảng Ngãi vi phạm vùng lộng, nghề kéo đôi tại vịnh Bắc Bộ bị Kiểm ngư Vùng I phát hiện và bàn giao cho địa phương xử lý.

Tăng tốc hoàn thiện dữ liệu phục vụ EUDR, bảo đảm xuất khẩu không gián đoạn

Hệ thống dữ liệu phục vụ cho việc khai báo truy xuất nguồn gốc theo quy định EUDR vẫn cần hoàn thiện để đảm bảo việc xuất khẩu duy trì khi EUDR có hiệu lực.

Bình luận mới nhất