
Tỉnh Tuyên Quang tiếp tục là một trong ba địa phương dẫn đầu cả nước về độ che phủ rừng. Ảnh: Đào Thanh.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang, hiện nay tổng diện tích đất rừng của địa phương là hơn 901.600 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là hơn 620.800 ha, còn lại là diện tích rừng trồng.
Ông Đào Duy Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang cho biết, đơn vị tiếp tục phát huy hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trước, trong và sau khi sáp nhập, hợp nhất. Các hoạt động quản lý, theo dõi diễn biến rừng được thực hiện thường xuyên; cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng toàn tỉnh được cập nhật kịp thời, đảm bảo theo đúng quy định.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lâm nghiệp được đẩy mạnh, đặc biệt tại cơ sở. Đơn vị đã tổ chức 1.880 cuộc tuyên truyền với hơn 115.000 lượt người tham gia; ký cam kết bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng với 119.031 hộ gia đình; phát hành 430 cuốn tài liệu, hơn 12.500 tờ rơi và đăng tải 5.581 tin tuyên truyền trên mạng xã hội, 77 buổi tuyên truyền tại các phiên chợ...
Bên cạnh đó, đơn vị đã vận hành hiệu quả các biển báo cháy rừng điện tử; theo dõi điểm cháy qua hệ thống phát hiện sớm cháy rừng và giám sát mất rừng, kịp thời thông báo đến kiểm lâm địa bàn và chủ rừng để xác minh, xử lý. Chi cục cũng xây dựng và phát hành 3.300 cuốn “Cẩm nang phòng cháy chữa cháy rừng”, ban hành thông báo cấp dự báo cháy rừng trên toàn tỉnh.
Hạt Kiểm lâm khu vực IV hiện đang quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng trên địa bàn 4 xã Lâm Bình, Thượng Lâm, Bình An và Minh Quang. Tổng diện tích đất lâm nghiệp là 79.661,55 ha chiếm 86,8% tổng diện tích tự nhiên; tỷ lệ che phủ là 78,9 %.
Ông Nguyễn Văn Toán, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm khu vực IV cho biết, dù địa bàn rộng, diện tích rừng giàu lớn trong khi lực lượng kiểm lâm còn mỏng, song công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn được triển khai nghiêm túc. Lực lượng kiểm lâm thường xuyên bố trí cán bộ trực tại các điểm nóng, địa bàn trọng điểm; đồng thời siết chặt quản lý các cơ sở chế biến lâm sản, cơ sở kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp và hộ gia đình nuôi động vật hoang dã…
Nhờ đó, ý thức chấp hành pháp luật về lâm nghiệp trong cộng đồng dân cư được nâng lên rõ rệt, góp phần giữ vững diện tích rừng tự nhiên và duy trì ổn định hệ sinh thái rừng trên địa bàn.

Nguồn cây giống chất lượng cao đã góp phần nâng cao chất lượng rừng trồng ở Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.
Song song với công tác quản lý và bảo vệ rừng, Tuyên Quang cũng đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ phát triển rừng nhằm nâng cao độ che phủ và giá trị kinh tế lâm nghiệp. Theo đó, ngành kiểm lâm địa phương đã tập trung chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ cây giống, vật tư và các điều kiện cần thiết để triển khai trồng rừng đúng thời vụ, đúng kế hoạch.
Nhờ đó, hoạt động trồng rừng mới trong 6 tháng đầu năm được triển khai tích cực, đạt tổng diện tích 11.691,5 ha. Trong đó, diện tích rừng sản xuất chiếm 11.546,1 ha; rừng phòng hộ và rừng đặc dụng chiếm 145,4 ha. Cùng với đó, phong trào trồng cây phân tán, nhất là trong dịp Tết trồng cây năm 2025, cũng được hưởng ứng mạnh mẽ, với khoảng 1,35 triệu cây được trồng mới.
Ông Đào Duy Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang cho biết thêm, một thành tựu nổi bật của tỉnh là công tác cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế. Đến nay, diện tích được cấp chứng chỉ FSC đạt hơn 89.094 ha, trong đó có 63.727 ha được cấp mới và 25.367 ha được cấp lại, hoàn thành 92,3% kế hoạch đề ra cho giai đoạn 2021–2025.
Việc cấp chứng chỉ không chỉ khẳng định chất lượng và tính bền vững của các khu rừng trồng, mà còn mở ra cơ hội nâng cao giá trị sản phẩm gỗ, tăng khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu.
Từ việc chủ động đóng cửa rừng tự nhiên từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, đến việc liên tục nâng cao chất lượng rừng trồng, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và thị trường xuất khẩu, Tuyên Quang xứng đáng là một trong những vùng điển hình giữ vững vị thế dẫn đầu về độ che phủ rừng tại Việt Nam. Rừng ở Tuyên Quang không chỉ bảo vệ môi trường sinh thái mà còn tạo sinh kế ổn định cho người dân.