Một đời giữ lại cho dược liệu quý

 

Chiều muộn trên cao nguyên Bắc Hà (Lào Cai), gió mang theo mùi cỏ ẩm và hơi sương thấm đẫm gót giày. Những đám mây trôi sát mặt đất, cuộn mình trên những sườn núi xanh thẫm. Giữa cái mênh mang của đất trời tháng 6 ấy, tôi gặp bà - một người phụ nữ bé nhỏ, làn da sạm nắng nhưng đôi mắt vẫn ánh lên nét tinh anh, vững chãi như thể đã nhìn thấu bao mùa gió núi dập dềnh qua đời người.

Người phụ nữ ấy là Vũ Thị Vân Phượng.

Câu chuyện của bà bắt đầu từ một kết thúc được báo trước.

Năm 2008, bà Vũ Thị Vân Phượng, khi ấy vẫn còn là một giáo viên bình dị, phát hiện mình mắc ung thư gan. Xạ trị không thành công. Bệnh viện trả về. Bàn tay của y học hiện đại khẽ rút lại, như thể điều tồi tệ nhất đã được định đoạt, không còn đường lui.

“Gia đình tôi khi ấy không còn lựa chọn nào ngoài việc chuẩn bị hậu sự”, bà kể lại, giọng nhẹ như một vệt gió qua đồng, nhưng ký ức thì rạn vỡ như những vết khắc sâu trong đá. “Tôi nằm lặng trong căn phòng nhỏ, nhìn cặp song sinh mới được 22 tháng tuổi bên cạnh, trong hương trầm dìu dịu quẩn quanh trong bóng tối, tôi ước mình được sống, chỉ để chăm cho các con đến tuổi vào lớp 1, rồi nếu phải ra đi, tôi cũng sẵn sàng”.

Chồng bà Phượng, một sĩ quan quân đội, lòng đầy bất lực xin nghỉ phép năm để đưa bà về quê, đưa đi tắm khoáng, như 1 chuyến dạo chơi đầu tiên sau ngày cưới và cũng là thời gian thư thái cuối cùng bù lại cho tuổi thanh xuân đã chịu bao thiệt thòi, điểm dừng chân cuối của hành trình là Yên Bái, nơi bà được sinh ra và lớn lên bên khe suối, sườn đồi, không phải để điều trị, mà đơn giản là “về nhà”. Nhưng chính vùng đất nơi bà cất tiếng khóc đầu tiên ấy lại mở ra một cánh cửa không ai ngờ tới.

Ở một bản làng nhỏ trên núi, người dân đưa bà đến gặp một lương y dân tộc, không áo blouse, không danh thiếp, không máy móc hiện đại. Chỉ có đôi mắt trầm tĩnh và bàn tay nhăn nheo cầm lên nắm lá rừng. Những cây thuốc không tên, củ rễ không nhãn mác. Vị lương y bảo: “Sắc nước uống mỗi ngày 6 bát, lấy nước ấy mà tắm, ăn thêm với thạch sùng nướng cách ngày 2 con”. Mùi lá ngai ngái, vị nước “đắng tê tái môi miệng”, có lúc khiến bà nôn trào đến muốn bỏ cuộc. Nhưng lạ thay, cơ thể dần ấm lại, hơi thở bớt nhọc nhằn, sức sống trở về từng chút, từng chút một.

“Lúc ấy, tôi không dám gọi đó là phép màu. Chỉ biết rằng, tôi đang sống lại. Và nếu đã được sống lần nữa, thì mình phải sống cho có ý nghĩa. Cha mẹ sinh tôi lần 1, thiên nhiên, dược liệu đã hồi sinh tôi lần nữa, thì tôi nguyện dành phần đời còn lại để tri ân cây thuốc Việt”.

Lời thề ấy không cần viết ra giấy. Nó âm thầm lớn lên cùng bà, trở thành kim chỉ nam cho hành trình kế tiếp, tạm rời bục giảng, bước chân vào rừng, đi tìm từng mảnh tri thức bản địa đang mai một dưới lớp lá mục và thời gian.

Từ đó, bà Phượng bắt đầu một hành trình mới, hành trình tìm lại ký ức xanh của rừng. Bà theo người đồng bào đi khắp vùng Tây Bắc, Đông Bắc, từ Sơn La, Lào Cai đến Lai Châu, từ Tuyên Quang (Hà Giang cũ) đến Cao Bằng, Thái Nguyên (Bắc Kạn cũ), lần theo dấu vết của những cây thuốc bản địa đã bị lãng quên giữa những nếp nhà sàn, những vạt rừng sâu. Bà học lại từ đầu từ cách hái lá lúc còn sương đọng, cách phơi rễ, cách chế biến theo lối cổ truyền… Những tri thức tưởng như đã tan vào mây núi, bà gom lại bằng trí nhớ của người mình mang ơn, và bằng tấm lòng của một học trò thực thụ.

Bà Phượng bảo, “bà con người Dao, người Tày, người Mông... ai cũng biết cây gì chữa đau bụng, lá nào hạ sốt, rễ nào cầm máu, loại nào để chữa xương khớp, loại nào dùng cho ung thư... Tôi lắng nghe, học lại từ họ như một học trò đúng nghĩa”.

Năm 2012, Công ty Cổ phần VietRAP Đầu tư - Thương mại ra đời, như một “mái nhà” cho khát vọng ấy. Không đơn thuần là doanh nghiệp, VietRAP là một nơi để giữ lại tri thức bản địa, hồi sinh, phát triển các giống cây thuốc quý đã dần vắng bóng trên các sườn đồi và cả trong ký ức người làng.

Cùng với những cộng sự đồng lòng, bà Phượng đã phát triển hàng chục vùng trồng dược liệu trải dài từ vùng cao. Mỗi vùng đất là một loài cây phù hợp, có nơi ươm mầm hà thủ ô, nơi lại gây giống địa liền, đương quy, sâm bố chính, tam thất, cả sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh quý hiếm. Có những nơi bà lặng lẽ khảo sát suốt cả năm, chỉ để hiểu mạch ngầm của đất, độ giữ nước, độ ẩm của sương mai, và để lắng nghe xem liệu nơi đó, cây thuốc có muốn ở lại hay không.

Tại Yên Bái cũ, bà và đội ngũ đã kiến tạo nên những vùng trồng bạc hà rộng 10ha, sả trên 30ha; đương quy và cát cánh mỗi loại 2ha; thêm vào đó là 1ha dành riêng cho sâm và tam thất, những loài cây “khó tính” bậc nhất. Cả một vùng rừng 120ha được dành cho sa nhân tím, loài dược liệu ưa râm, chịu bóng.

Còn tại Lào Cai, con số càng khiến người ta ngỡ ngàng với 20ha đương quy, trong đó một nửa đạt chuẩn GACP-WHO - tiêu chuẩn vàng của Tổ chức Y tế Thế giới cho cây thuốc sạch. 25ha cát cánh, cũng có 10ha thực hiện theo GACP. Tam thất bắc và thất diệp nhất chi hoa, hai loài cây đặc biệt khó thuần dưỡng, mỗi loài 2ha đều đã có chứng nhận GACP. Chưa kể 5ha địa liền, 10ha tam thất nam, 5ha hà thủ ô đỏ, 20ha cây cơm cháy, 40ha sa nhân tím, 50ha thẩu đậu khấu… và hàng chục giống cây quý khác với diện tích nhỏ hơn vẫn đang từng ngày lớn lên trong thầm lặng.

“Không phải cứ mang giống về trồng là được”, bà nói, giọng trầm lắng như tiếng vọng từ sâu trong rừng. “Dược liệu là cây tâm linh. Nó chọn đất mà ở, chọn người mà sống. Nếu không đủ tôn trọng, không đủ nhẫn nại, cây sẽ không nảy mầm. Và nếu cây không nảy mầm, rừng cũng sẽ quay lưng”.

 

 

Người dân địa phương ban đầu còn dè dặt, dần bị thuyết phục. Họ từng chứng kiến không ít dự án đến rồi đi, những lời hứa rơi lại trong gió. Nhưng dần dần, họ bị thuyết phục trước dáng hình của một người phụ nữ miền xuôi lên miền ngược gùi đất giữa núi rừng.

Họ thấy bà cùng ăn, cùng ở, cùng xắn tay vào vườn, lên núi đào củ, nhổ cỏ... Một người phụ nữ Hà Nội, nhưng biết nằm sạp sàn nhà sàn, lưng chạm vách lạnh, không học được tiếng Mông nên chỉ mỉm cười, không uống được bát rượu lớn, không cắn được miếng thịt to nhưng ánh mắt thì chân thành, làm việc thì cẩn thận và biết địu chiếc lù cở sau lưng cùng đi nương với người của bản… Sự tin tưởng đến từ chính những giọt mồ hôi cùng chảy, từ bước chân cùng lội suối băng rừng, từ những nụ cười hạnh phúc khi nhận mặt thêm một loài dược liệu…

“Không phải ai cũng từng trải qua cơn thập tử nhất sinh như tôi. Không phải ai cũng cần đến một động lực sống đủ lớn như đối diện cái chết để thức tỉnh. Tôi không mong điều đó, và tôi tự nguyện là người chuyển thông điệp từ thế giới cây cỏ đại ngàn đến mọi người: Dược liệu không chỉ dành cho người bệnh. Cây thuốc là kế sinh nhai, là chỗ dựa của cộng đồng, là một phần của cuộc sống và chúng ta có thể ứng dụng dược liệu vào thực phẩm trong bữa ăn hàng tuần, vào hương liệu dùng trong đồ uống, xông phòng, trong làm đẹp và chăm sóc sức khỏe chủ động như ngâm tắm, xông hơi hoặc xoa bóp, đắp chườm… Như vậy để hiểu rằng, dược liệu là một phần của hệ sinh thái, là văn hóa sống, là sợi dây âm thầm nhưng bền chặt nối con người với đất mẹ”, bà nói chậm rãi.

Thay vì trồng đơn lẻ, Công ty VietRAP cùng người dân xây dựng mô hình trồng tập trung, trồng dưới tán rừng, không phá, không đốt, không xâm hại. Chọn những cây ngắn ngày như bạc hà, sả, ích mẫu để tạo thu nhập và để người dân nhận thức được tiềm năng giá trị kinh tế trước. Rồi đến các loại cần ba năm, như hà thủ ô, rồi mới đến các loài quý hiếm như sâm, tam thất, bảy lá một hoa.

Tất cả là một hành trình huấn luyện dài hơi. “Không ai dạy ai cả, chỉ là cùng nhau hiểu thêm về thiên nhiên”, bà cười.

Hiện nay, VietRAP đang tìm kiếm cơ hội để phát triển một nhà máy chiết xuất hoạt chất tại Việt Nam. Nếu thành công, đó sẽ là nơi sản xuất ra các tinh chất từ chính cây thuốc Việt, để làm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thậm chí thuốc điều trị.

Đối tác từ Trung Quốc từng ngỏ ý sẽ hỗ trợ công nghệ chiết xuất nếu VietRAP phát triển vùng trồng từ 30 - 50ha cây bảy lá một hoa. Một triển vọng, một giấc mơ. Nhưng trước khi mơ, bà Phượng vẫn từng ngày cuốc đất, nhân giống, chia sẻ kỹ thuật với bà con, dựng lại lòng tin sau những dự án mà các tổ chức khác đã lỡ hẹn trước đó.

 

 

“Ước mơ lớn bắt đầu từ hạt mầm nhỏ. Cây thuốc cũng vậy. Mình sống lại từ rễ, thì phải sống như một cái rễ, lặng lẽ nhưng bền bỉ”, bà nói.

Nếu gọi Tây Bắc là vùng khởi nguyên, thì Quảng Ngãi lại là nơi thử thách.

Ban đầu, VietRAP không hề có ý định phát triển vùng trồng tại Quảng Ngãi. “Làm không xuể ở ngoài Bắc”, bà Phượng nói, nửa đùa nửa thật. Bao nhiêu vùng rừng còn dang dở, bao nhiêu vùng dược liệu đang cần chăm nom. Việc mở thêm một hướng đi mới vào miền Trung không nằm trong kế hoạch.

Nhưng định mệnh thường không hỏi trước.

Trong một lần được mời tham dự hội thảo phát triển dược liệu tại Quảng Ngãi, khi cùng đoàn đi khảo sát địa bàn, bà tận mắt thấy những cây bảy lá một hoa non mọc tự nhiên trên rừng. Bà chợt khựng lại. Loài cây quý, thường chỉ thấy ở độ cao trên 1.200m tại Tây Bắc, nay lại hiện diện nơi này mà không hề được trồng, không có người chăm, nhưng mọc thành cụm, xanh tốt, như thể từ quả những cây già rụng xuống và âm thầm đâm chồi giữa đất hoang.

Bà hiểu rằng đó không phải là sự ngẫu nhiên. Đó là một dấu hiệu, một dạng chọn lọc tự nhiên, một lời mời thầm lặng từ rừng, gửi đến đúng người đang lắng nghe nó.

Và thế là, VietRAP quyết định thử.

Bà Vũ Thị Vân Phượng, Giám đốc Công ty Cổ phần VietRAP Đầu tư - Thương mại chia sẻ: Qua tìm hiểu và khảo sát, chúng tôi biết rằng trước đây cây bảy lá một hoa từng mọc dày đặc trong các cánh rừng nguyên sinh của Quảng Ngãi. Tuy nhiên, theo thời gian, cùng với tác động của con người, giống loài này đã dần trở nên khan hiếm, thậm chí có nguy cơ cạn kiệt. Chúng tôi tổ chức các đợt khảo sát thực địa tại các huyện cũ trước đây như Ba Tơ, Sơn Tây, Trà Bồng, Minh Long… và nhận thấy, tuy số lượng cây trưởng thành giảm sút, nhưng dưới tán rừng vẫn còn nhiều cây con mọc tự nhiên, dấu hiệu cho thấy loài cây này vẫn chưa tuyệt chủng khỏi vùng sinh thái bản địa, và có thể được phục hồi nếu canh tác đúng cách.

Khoảng tháng 9, tháng 10 năm 2019, bà Phượng cùng các cộng sự đã lên đường. Những ngày băng rừng, lội suối, qua các con dốc dựng đứng của miền rừng núi Quảng Ngãi. Nhưng bà không đi như một nhà đầu tư đi “tìm đất lập dự án”, mà như một người hành hương trở về với cội rễ rừng sâu. Cúi xuống từng lớp đất, sờ tay vào tầng mùn mục, bà đo độ che phủ tán cây, cảm nhận độ ẩm, hướng nắng, hướng gió, không chỉ bằng những thiết bị đo đạc, mà bằng trực giác và sự đồng cảm của người từng được rừng cứu sống.

Từ những ghi nhận và cảm nhận đó, VietRAP chính thức nộp đề xuất thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về hai loài cây: bảy lá một hoa và tam thất bắc.

Hồ sơ đề tài trải qua đầy đủ các bước thẩm định, từ Hội đồng xét duyệt danh mục, đến Hội đồng thẩm định nội dung và kinh phí. Sau cùng, UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt danh mục thực hiện, cho phép VietRAP ký kết hợp đồng với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh để chính thức triển khai hai đề tài:

○ “Xây dựng mô hình trồng, bảo tồn và phát triển cây dược liệu bảy lá một hoa tại ba huyện Ba Tơ, Sơn Tây, Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi” - nay là các xã Đặng Thùy Trâm, xã Sơn Tây Thượng, xã Cà Đam, tỉnh Quảng Ngãi.

○ “Nghiên cứu thực nghiệm mô hình liên kết trồng và tiêu thụ tam thất bắc ở một số huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi”.

Từ năm 2020, VietRAP phối hợp với các cơ quan chuyên môn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ba Tơ, Sơn Tây, Trà Bồng (cũ) để triển khai mô hình trồng thí điểm hai loài dược liệu quý này dưới ba điều kiện canh tác: dưới giàn che, trong vườn hộ, và dưới tán rừng tự nhiên.

Khi thủ tục hành chính được hoàn tất cũng là lúc đâu đó trong các cánh rừng Quảng Ngãi, có những điểm sáng được thắp lên, bắt đầu viết nên một chương mới thấm đẫm hy vọng, và không thiếu những thử thách, xen lẫn sự đánh cược với khí hậu, với thiên tai, với niềm tin từng tổn thương của người dân, và cả với thời gian, thứ duy nhất có thể trả lời cho mọi hành trình bền vững.

Khi cây bắt đầu bén rễ trong 3 - 4 tháng đầu tiên, người dân phấn khởi. Những giàn che dựng lên trên vùng đất từng chỉ mọc cỏ hoang. Từng hố đất, từng rãnh thoát nước, từng luống trồng... đều được cải tạo kỳ công. Cây non vươn lên xanh mướt. Niềm tin bắt đầu nảy nở, rằng ở vùng đất nắng gió này, cây thuốc quý cũng có thể sống, cũng có thể cứu người, lưu giữ lại tri thức bản địa.

Bà Phượng nhớ như in khuôn mặt rạng rỡ của người dân tại địa phương khi thấy tam thất và bảy lá một hoa bật mầm. “Chị ơi, nó sống rồi!”, cô chủ nhiệm đề tài gọi điện báo trong tiếng reo vui. Những đứa trẻ chạy quanh các luống cây như được nhìn thấy tương lai. Nhưng niềm vui ấy, chỉ kéo dài được vài tháng.

Tháng 5/2020, cơn lốc đầu tiên ập đến. Nhưng ác mộng thực sự đến từ bão số 9 (Molave) cuối tháng 10 cùng năm, một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử miền Trung, nó ập đến Quảng Nam làm cho hàng chục người thiệt mạng; quét qua Quảng Ngãi làm hàng ngàn ha rừng bị vặn xoắn gãy gục, có những cánh rừng keo bị tuốt lá xơ xác như vừa bị rải chất độc da cam năm nào. Gió gào rú, lốc cuốn sập toàn bộ giàn che. Những cây giống đang bén rễ bị dập nát, hư hỏng. Ở Ba Tơ (nay là xã Đặng Thùy Trâm), vườn mô hình bị xóa sổ hoàn toàn. Bao công sức đổ xuống trong chớp mắt.

 

 

Tại Sơn Tây (nay là xã Sơn Tây Thượng), lũ quét dữ dội đến mức cuốn cả luống trồng, cả gốc rễ.

Ở xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng (nay là xã Cà Đam), thiệt hại nhẹ hơn nhờ có che rừng, nhưng vẫn không thể bảo toàn toàn bộ mô hình. “Ngày hôm trước là cánh rừng xanh, hôm sau chỉ còn bùn đất và những thanh tre gãy gập nằm vắt ngang vườn dược liệu”, bà Phượng nghẹn ngào nhớ lại.

Đáng nói hơn, kinh phí Nhà nước cấp cho đề tài đã “cố định”, không có cơ chế bù đắp. Lúc ấy, chỉ có một con đường duy nhất là doanh nghiệp phải tự đứng ra tái đầu tư. Không than phiền, không bỏ cuộc, VietRAP mua lại giống cây, mở rộng diện tích trồng lên gấp đôi, từ 1.000m² lên 2.000m² để phòng rủi ro, “vì nếu mất một lứa là mất cả một năm sinh trưởng. Với tất cả tâm huyết, mình bỏ tiền, bỏ công sức ra làm lại, đương nhiên là không ai làm chơi rồi”.

Năm 2021, khi những cây non bắt đầu hồi sinh thì đại dịch Covid-19 lại ập đến. Đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 khiến đội ngũ kỹ thuật không thể vào vùng trồng. Không có người chăm sóc, cây dễ nhiễm sâu bệnh. Có chuyến xe từ Hà Nội vào đến ranh giới huyện Trà Bồng (cũ) thì đành quay đầu vì phong tỏa toàn bộ. “Chúng tôi đi về 9 ngày mà không thể vào được vườn”, bà Phượng kể. Đến khi phong tỏa được gỡ bỏ, đầu năm 2022, cây đã mất thêm một chu kỳ sinh trưởng nữa.

Bà Phượng kể lại, có luống trồng bị sóc, khỉ rừng đào phá; có nơi, kiến đỏ và dế chũi cắn nát rễ củ. “Đáng ra phải có 3 mùa hoa tam thất thì mới đủ trà theo chỉ tiêu nhiệm vụ của đề tài. Nhưng bão, lũ, dịch nối nhau... chúng tôi chỉ thu được 1 lứa nên trà hoa tam thất, tuy rất ngon và bắt mắt nhưng vẫn không đủ lượng theo quy định”…

Cuối cùng, khi nghiệm thu 2 đề tài, bà Phượng quyết định để lại cây non trên vườn thay vì thu hoạch đối phó. “Nếu chỉ cần đạt sản lượng, chúng tôi có thể nhổ lên, cân ký. Nhưng cây chưa đủ tuổi, hoạt chất chưa đạt đỉnh. Với cây dược liệu quý, chúng tôi không thể làm vậy”.

Bà chấp nhận không hoàn thành chỉ tiêu sản lượng, đồng nghĩa với việc đề tài bị đánh giá là “không hoàn thành”. “Tôi không hối hận. Cây vẫn xanh trên vườn, dân vẫn chăm sóc. Đó là sợi dây kết nối, là cơ sở để chúng tôi tiến hành các bước phát triển vùng trồng rộng. Mô hình còn, người còn quan tâm thì nền tảng phát triển càng bền vững. Đó là điều quan trọng nhất”.

Về mặt khoa học, các chỉ tiêu chất lượng đều đạt. Hàm lượng hoạt chất đảm bảo, quy trình trồng chuẩn hóa, vùng đất phù hợp, cây sống khỏe. Tất cả đều đúng. Nhưng chỉ vì sản lượng không đạt ngưỡng tối thiểu theo quy định – đề tài không được công nhận là "hoàn thành nhiệm vụ". Một mô hình khả thi, sản phẩm đầy tiềm năng, một quy trình có thể nhân rộng... đành khép lại.

“Thật tiếc. Vì nó tốt thật mà không được áp dụng chính thức. Nếu cá nhân, tập thể nào muốn trồng thì lại phải mượn quy trình kỹ thuật trồng tam thất và 7 lá ở địa phương khác và chắc chắn sẽ phải nghiên cứu cải tiến lại cho phù hợp, trong khi quy trình tại Quảng ngãi thông qua 2 đề tài đã được xây dựng và hoàn thành rất công phu và chất lượng”, bà Phượng nói, giọng không giận dữ, không trách móc. Chỉ có một thoáng nặng nề, như một lớp sương mỏng phủ lên đôi mắt nhiều năm nhìn cây lớn từ rễ.

Không có lời oán than. Không một lần đổ lỗi. Bà hiểu rằng đã là khoa học, thì phải tuân thủ nguyên tắc.

Nhưng ký ức thì không tuân nguyên tắc nào cả.

Ký ức về một vùng đất sau bão, nơi những luống cây bị dập nát, những chuyến xe chở lại cây giống đến vùng trồng dặm lại. Về những lần kỹ sư trèo dốc bằng tay, những đêm bà con chong đèn soi từng cụm cây non để che gió… Những hình ảnh có thể khiến bất kỳ ai nản lòng, nhưng không phải bà Phượng.

“Với dược liệu, nếu không có hàm lượng khoa học, không có quy trình trồng chuẩn, không truy xuất được nguồn gốc… thì sẽ không bao giờ tạo ra sản phẩm đủ sức cạnh tranh, doanh nghiệp không phát triển bền vững được”, bà Phượng chậm rãi nói. 

VietRAP chưa từng từ bỏ Quảng Ngãi.

Dù hai đề tài ấy không được công nhận là "hoàn thành", nhưng những gì đã được gieo trồng, cả nghĩa đen và nghĩa bóng, vẫn còn đó. Những luống cây sống sót tiếp tục phát triển. Người dân vẫn chăm sóc. Và bà Phượng vẫn trở lại, nhưng không vì yêu cầu, không vì hợp đồng, mà như một lời hứa tự bà gửi cho mảnh đất này.

Trong khói trà sâm đang tỏa nhẹ, bà Phượng nói khẽ: “Cây chưa thu hoạch nên vẫn sinh trưởng, tích tụ hoạt chất mỗi ngày, chúng tôi với quyết tâm chuẩn bị mọi điều kiện để phát triển vùng nguyên liệu dược liệu rộng lớn, vẫn luôn ở đây - cùng những hộ dân đã thực hiện mô hình của đề tài để tiếp tục bảo vệ, phát triển chúng”. Một câu nói nhẹ tênh, nhưng vang như định mệnh. Một định mệnh không ai ép buộc, nhưng bà tự nguyện bước vào.

Và để hiểu rõ hơn về tâm huyết, tiềm năng và những kỳ vọng đang ấp ủ giữa đại ngàn Quảng Ngãi, Báo Nông nghiệp và Môi trường đã tìm đến tận vùng trồng, để lắng nghe, để chạm vào từng vết xước của hành trình, và để ghi lại những câu chuyện chưa từng lên tiếng…

Còn nữa!

Dược liệu mọc lên từ nước mắt Bài 2: Nơi những giấc mơ không khép lại

Dược liệu mọc lên từ nước mắt Bài 3: Đau đáu một câu hỏi: Vì sao đề tài ý nghĩa lại bị kết luận là thất bại?

Tú Thành – An Khang
Trương Khánh Thiện
Tú Thành - An Khang – TL
An Khang