Nơi những giấc mơ không khép lại

Sáng ở thành phố Quảng Ngãi sực nức mùi nắng sau cơn mưa, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình ngược núi đến xã Sơn Tây Thượng, về với một vùng rừng đã từng là giấc mơ của dược liệu, và giờ là nơi lưu lại một định mệnh đau đáu.

Dọc đường đi, những vườn cau trải dài ngút mắt, thứ cây trồng đã và đang mang lại nguồn thu ổn định cho người dân vùng cao. Cau ở đây không chỉ là bóng mát, là lộc rừng, mà còn là hy vọng, là khoản tích góp từ từng buồng quả đong đưa trong gió núi, hay từ những rễ sâm cau bám sâu vào lòng đất đỏ, chắt chiu dưỡng chất qua năm tháng.

Một bên đường là vách đất đỏ dựng đứng, trơ gốc rễ và đá sỏi. Bên kia là lòng hồ thủy điện lặng phắc. Mặt hồ ấy không chỉ chia đôi tầm nhìn, mà còn là ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Kon Tum (cũ) và Quảng Ngãi.

Dẫn đường cho chúng tôi là anh Nguyễn Thanh Luyến, cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Sơn Tây - nay là viên chức Trung tâm Cung ứng Dịch vụ công xã Sơn Tây Thượng và chị Ánh, Giám đốc HTX Sản xuất Nông lâm nghiệp và Thương mại Dịch vụ Sơn Bua - những người đã từng cùng bà Vũ Thị Vân Phượng đặt những nhúm cây dược liệu đầu tiên xuống vùng đất này.

Chúng tôi tìm đến nhà anh Đinh Văn Linh ở thôn Đak Doa, xã Sơn Liên cũ - nay là xã Sơn Tây Thượng, tỉnh Quảng Ngãi, người tham gia mô hình trồng tam thất bắc và bảy lá một hoa theo 2 đề tài khoa học do Công ty Cổ phần VietRAP Đầu tư - Thương mại chủ trì.

Dưới hiên nhà, anh Linh nằm yên trên chiếc võng đung đưa. Đôi mắt trũng sâu không còn đón được ánh sáng. Vài phút im lặng trôi qua, rồi từ phía anh bật ra câu hỏi khe khẽ: "Cán bộ lên công tác à?". Giọng đều đều, không rõ cảm xúc, như thể từ lâu đã quen với sự cô tịch.

Trước tai nạn, anh Linh - người đàn ông Xơ-đăng (nhóm Ca Dong) rắn rỏi, quen đi rẫy, đi rừng, trồng cau, trồng chuối, và đặc biệt gắn bó với vườn dược liệu được kỳ vọng là mạch sống xanh giữa đại ngàn. Người từng là một trụ cột của gia đình, một người giữ rẫy, giữ vườn, giờ nằm một chỗ, ánh mắt đã thôi nhìn thấy ánh sáng.

Anh Linh bị tai nạn vào một ngày mưa tháng 9/2021. Hôm đó, anh lên rừng để trông coi, canh giữ cây, đuổi khỉ phá vườn. Bỗng đổ mưa lớn. Mưa dày đặc như đổ thẳng xuống từ trời, đất nhão ra như bùn. Khi qua khe nước chảy, anh bị trượt chân ngã, đầu va mạnh vào đá. Lúc tỉnh lại trong phòng cấp cứu ở Quảng Ngãi, bóng tối đã vĩnh viễn thay chỗ cho ánh sáng trong mắt anh.

Cơn mưa hôm ấy không chỉ cướp đi thị lực của một người đàn ông, mà còn cuốn theo sự bình yên của cả một gia đình. Từ trụ cột, anh Linh trở thành người nằm một chỗ. Từ người chăm rẫy, anh trở thành người cần được chăm sóc.

Còn vợ anh, chị Đinh Thị Hạnh hiện là người thay chồng tiếp tục chăm sóc vườn dược liệu. Một mình chị lên rừng, làm rẫy và cùng 2 con trai thay nhau chăm sóc anh và nối tiếp anh chăm vườn dược liệu như níu giữ lấy màu xanh đã được gieo bằng cả tin yêu và vất vả.

Năm 2022, khi tình trạng sức khỏe anh Linh chuyển biến nặng, bà Vũ Thị Vân Phượng, Giám đốc Công ty VietRAP đã vào tận nơi thăm hỏi. Nhận thấy những cơn đau đầu kéo dài và dấu hiệu co cứng cơ, bà lập tức thu thập hồ sơ bệnh án, gửi bác sĩ tại Hà Nội xem xét và hỗ trợ đưa anh ra Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở, thuốc thang đều được bà Phượng và các mạnh thường quân hỗ trợ.

Trong suốt gần một tháng điều trị, tuy ánh sáng không thể trở lại với đôi mắt anh Linh, nhưng sức khỏe đã cải thiện đáng kể, anh hết đau đầu, không còn chóng mặt, đi lại được bình thường. 

Chẳng thể ở lại trò chuyện lâu, khi chúng tôi biết chị Đinh Thị Hạnh - vợ anh, đang đi thăm vườn dược liệu. Người đàn bà nhỏ thó ấy giờ là đôi mắt thay anh, là đôi chân vượt dốc, là đôi tay giữ lại nốt giấc mơ mà hai vợ chồng từng cùng nhau gieo giữa rừng.

Từ nhà anh Linh lên đến vườn trồng dược liệu chừng gần 1 cây số. Đường không xa, nhưng với những người từng gieo mầm hy vọng nơi đây, mỗi bước chân lúc này lại như dài thêm vì vắng đi một người quen thuộc.

Khi đến nơi, chị Hạnh đang cùng một vài bà con trong thôn dọn thực bì, nhặt cành gãy, dựng lại những cây bảy lá một hoa non đang mơn mởn nhưng bị dập sau trận mưa lớn hôm trước. Vườn dược liệu của gia đình anh Linh rộng khoảng 2.000m², một nửa trồng tam thất bắc, phần còn lại là bảy lá một hoa. Cây vẫn phát triển tốt, tán lá xanh thẫm, vươn lên giữa tầng rừng như chưa từng trải qua tổn thương.

Ở góc khác, nhiều luống tam thất bắc bắt đầu trồi mầm nhỏ, khó thấy. Chỉ những ai quen mắt mới nhận ra những chồi non lú nhú nhô lên từ lớp đất mục, những củ thuốc quý vẫn âm thầm lớn lên dưới lòng đất, chờ đủ thời gian để bật khỏi thinh lặng.

Hồi Công ty VietRAP triển khai đề tài nghiên cứu khoa học tại xã Sơn Tây Thượng, cả bản làng rộn ràng hy vọng. Người dân học cách ươm cây, cải tạo đất, dù chưa ai từng nghe đến cái tên “thất diệp nhất chi hoa” hay “bảy lá một hoa” là gì. Họ chỉ biết đó là cây quý, các cụ già đi rừng vẫn thường nhặt ngọn, lá non về chế biến thành thức ăn như một món đặc sản tốt cho sức khỏe. Và nếu nó sống được ở đây, thì bản làng sẽ có thêm con đường khác để phát triển kinh tế, con đường đi lên bằng tri thức của rừng.

Nhưng rồi cơn bão số 9 năm 2020 ập đến, giật tung giàn che, đánh bật rễ cây, cuốn trôi những luống dược liệu vừa kịp mơn mởn. Công ty kịp cung cấp giống để trồng dặm, nhưng sau bão là dịch Covid-19, cũng là năm định mệnh với gia đình anh Linh. Vườn bị đứt đoạn. Những mạch sống đang hồi sinh bị cắt ngang.

Giờ đây, chỉ còn chị Hạnh lặng lẽ tiếp tục chăm vườn, mà cũng không còn đều đặn. Chị phải chạy chữa cho chồng, lo toan cơm áo, thuốc thang. Những chuyến đi viện, những phiên chợ xa, gánh nặng sinh kế khiến thời gian dành cho vườn cũng hao hụt theo từng nhịp thở ngắn của cuộc mưu sinh.

“Giờ tui chỉ chăm được nửa vườn. Nửa còn lại cỏ mọc kín rồi. Ngày trước, anh Linh thương luống sâm như con. Sáng sớm đã lên vườn. Từng cây một, ảnh đều nhớ mặt”, chị Hạnh cho biết.

Chị Hạnh quay về nhà khi bóng nắng đã đổ xiên vào cửa sàn, người lấm tấm mồ hôi sau buổi sáng hì hục cùng bà con dọn vườn, dựng lại từng gốc cây bị dập gãy. Mồ hôi chưa kịp khô trên trán thì chị đã lại tất tả lo cơm nước cho chồng.

Chị kể, giọng đều đều như đang ru con ngủ: “Hồi đó nhà còn cái tiệm tạp hóa nhỏ. Buôn bán cũng được, có đồng ra đồng vào. Từ khi ảnh bị vậy, mọi thứ như sụp xuống. Hai đứa con, năm ngoái thằng lớn học xong 12 thì cưới vợ, đi ở rể bên Kon Tum cũ (nay thuộc tỉnh Quảng Ngãi). Thằng nhỏ vừa học hết lớp 11, mê xe đào lắm (máy xúc đào - PV), bảo muốn bỏ học theo nghề. Trưa nào đi học về mà thấy công trường có máy làm, nó bỏ cả ăn để ngồi coi. Hai vợ chồng động viên nó học cho xong rồi tính, mà cũng không biết rồi thế nào…”.

Căn nhà sàn đơn sơ, vật dụng đáng giá nhất là chiếc tủ lạnh cũ và hai chiếc quạt trụi lồng. Nhưng trên vách gỗ, tấm ảnh cưới được lau sạch mỗi ngày vẫn treo ngay ngắn, như níu lại chút thanh xuân mà giờ anh Linh không còn nhìn thấy. Bên cạnh là những tấm giấy khen của hai con, mực đã phai, phủ bụi như ký ức qua những năm tháng dồn dập gió mưa.

Chị Hạnh rớm nước mắt: “Đêm nào hai vợ chồng cũng ôm nhau khóc. Có lần ảnh bảo, ảnh là gánh nặng. Tui không nói gì, chỉ siết tay ảnh cho chặt…”.

 

 

Chúng tôi ngồi quanh bếp lửa, nơi chị Hạnh đang nhóm củi nấu nồi nước lá cho anh xông người, như một cách hồi sức dân gian. Ánh mắt chị thỉnh thoảng lạc đi giữa tiếng gió, giọng nói trầm trầm của chị vẫn đượm một thứ buồn cố kìm nén: "Ngày trước thanh niên, ảnh là người khỏe nhất nhì trong bản. Đi dựng nhà thuê hết bản này, xã khác. Tui lấy ảnh cũng vì ảnh siêng, ảnh hiền. Vậy mà giờ...". Chị bỏ lửng câu nói, lấy tay lau nhanh giọt nước mắt.

Không phải ai cũng thấu hiểu hết giá trị của cây thuốc. Với giới khoa học, đó là nguồn dược chất quý; với địa phương là mô hình kinh tế gắn với bảo tồn rừng và tri thức bản địa. Nhưng với chị Hạnh - người phụ nữ Xơ-đăng đang từng ngày trở lại vườn dược liệu dưới chân núi Đăk Doa, đó là phần đời chồng mình đã gửi gắm. Không chỉ là những luống cây mọc giữa rừng, vườn thuốc là nơi tích tụ mồ hôi, ký ức và niềm tin của cả gia đình. Cây thuốc giúp giữ lại giống quý trong rừng, cũng là cách để bà con có thêm thu nhập, sống được nhờ rừng. Với chị, chỉ cần vườn còn, cây sống, là còn hy vọng, còn một chút ánh sáng trong cuộc đời đã nhiều mất mát.

Anh Linh bảo: “Giờ rừng sâm bị người ta hái trộm hết rồi. Khỉ cũng nhổ phá. Tui không lên canh được nữa. Cây cũng buồn. Giờ chỉ mong sức khỏe tốt hơn để vợ con đỡ vất vả. Được ước thêm thì mong đôi mắt có thể thấy đường đi để được một lần nữa lên thăm lại khu vườn dược liệu quý mà mình đã đổ bao tâm huyết, kỳ vọng”…

Chúng tôi ra về khi nắng xuyên qua rừng, nhẹ mà rõ ràng như một lời hẹn. Anh Linh nằm trên võng, vẫy tay theo bước chân. Không thấy, nhưng cảm được.

“Nếu mai mốt có ai lên rẫy sâm, nhớ dắt tui theo nghe... Tui chỉ muốn được sờ lại cái giàn cũ, cái luống đất tôi từng đào. Chỉ một lần...”. Lời anh buông nhẹ như gió rừng, mà nặng như đá núi. Bởi giữa những khó khăn, những mất mát của một người từng đứng vững giữa đại ngàn, vẫn còn một ước mơ chưa khép lại.

Một giấc mơ của một gia đình, một bản làng, một doanh nghiệp về cây dược liệu mọc lên từ gian khó, và một ngày nào đó, từ miền rừng này sẽ chắt ra thuốc quý cho đời.

Và biết đâu, giấc mơ ấy sẽ tìm được ánh sáng, thứ ánh sáng mà anh Linh đã mất, nhưng trong tâm hồn anh, chưa bao giờ tắt.

 

Rời Sơn Tây Thượng, nơi câu chuyện của anh Linh và chị Hạnh vẫn còn ám ảnh như một vết thương âm ỉ trong lòng người viết, chúng tôi tiếp tục chuyến hành trình đến thảo nguyên Bùi Hui, xã Ba Trang, huyện Ba Tơ cũ - nay là xã Đặng Thùy Trâm. Nơi ấy, mây thường ngủ quên trên những tầng cao, và gió thì không bao giờ chịu yên giấc. Gió thổi suốt ngày đêm, thổi như thể mang trong mình linh hồn của một vùng đất chưa từng khuất phục.

Sáng ấy mưa và bão. Thành phố Quảng Ngãi như trùm lên mình một chiếc áo xám u ám, nuốt trọn mọi kế hoạch đặt ra từ trước. Chúng tôi hẹn anh Lê Quang Thành, cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Ba Tơ cũ - nay là viên chức Trung tâm Cung ứng dịch vụ công xã Đặng Thùy Trâm để lên lại vùng trồng dược liệu do VietRAP từng triển khai. Nhưng trời không thuận. Mưa như trút, sương đặc quánh như dải lụa trắng vắt qua triền núi. Lịch trình đành lùi lại một ngày.

Sáng hôm sau, khi sương chỉ vừa tan mỏng như khói bay, chúng tôi khởi hành từ trung tâm huyện Ba Tơ cũ. Con đường mười cây số dẫn lên Bùi Hui như một sợi chỉ bạc vắt ngang đại ngàn. Dốc dựng đứng, những khúc cua thắt như cùi chỏ, trơn trượt và rùng mình mỗi lần bánh xe nghiêng nhẹ. Hai bên đường là bạt ngàn rừng keo, loài cây từng được xem là “cứu cánh thoát nghèo” của bà con từ những năm 2008. Nhưng nay, không ít hộ đã bỏ mặc keo lớn rậm rịt, vì giá rẻ bèo, bấp bênh theo mùa, lệ thuộc vào thương lái Trung Quốc.

Chỉ tay về phía xa, nơi những tán keo còn đọng nước mưa chưa kịp rơi hết, anh Thành bảo: “Đêm hôm trước bão quét, cành keo gãy rải khắp đường. Ở đây gió không đùa đâu, nhà báo à. Ở Bùi Hui, chỉ một ngày mà đủ cả bốn mùa, sáng nắng, trưa oi, chiều se se, tối sương mù đặc kín. Đất này nắng không ưa, mưa không chịu”.

Gió ở Bùi Hui không giống gió miền xuôi. Nó có một trái tim riêng, đôi khi hung hăng, đôi khi dịu dàng, nhưng luôn thổi với một bản năng hoang dại, như tiếng thở dài của đất. Gió thốc lên đồi, lùa qua thung, rít qua khe, mang theo âm sắc của vùng thảo nguyên và nét dữ dội của đất chưa thuần phục.

Thảo nguyên Bùi Hui mở ra đột ngột như một giấc mơ thảo dã, mênh mông cỏ dại, lưa thưa vài cụm sim tím ngả đầu trong gió, và đường chân trời mờ sương, nơi những dãy núi xa xa như được vẽ bằng hơi thở của đất trời.

Chúng tôi tìm gặp anh Lê Hữu Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Du lịch và Nông nghiệp Thảo nguyên Bùi Hui. Một người đàn ông nước da sạm nắng, vai rộng, lưng hơi còng vì bao mùa gió ngược mưa xuôi. Trong anh, có hai con người cùng lúc, một nông dân thật thà, và một nhà tổ chức mang trong tim khát vọng dẫn lối cho Bùi Hui, từ thảo nguyên hoang hoải gió thành miền đất của trải nghiệm, của nông sản bản địa, của những điều chưa từng được kể.

Bốn sào đất miền Trung, chừng 2.000m² được anh Thanh dành để trồng dược liệu theo đề tài trồng Tam thất Bắc và Bảy lá một hoa do Công ty VietRAP chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn địa phương. Những ngày đầu, từng bao đất rừng tốt được anh cõng về đổ lên nền đất nghèo dinh dưỡng. Từng khung giàn che được dựng lên giữa gió ngược. Có những đêm mưa bão, vườn dược liệu rung lắc dữ dội. Dàn che gãy rạp, lưới rách, lá cây bị vò nát. Nhưng sáng hôm sau, anh lại lặng lẽ dựng lại từ đầu, như thể chưa từng có bão đêm trước.

Tôi hỏi anh: "Vì sao chọn vùng đất này để trồng dược liệu?". Anh Thanh nhìn xa xăm về phía đồi sim tím: "Keo thì sau 4-5 năm mới bán được, lại phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc. Còn cây thuốc, dù khó, nhưng mình tự quyết được đầu ra, tự tạo giá trị. Hơn nữa, đất Bùi Hui cao hơn 700m, mát lạnh quanh năm, lại phù hợp với cây dược liệu quý. Mình trồng là trồng cho thế hệ sau nữa".

Nghe giản dị, nhưng phía sau lời ấy là vô số lần chực buông bỏ. Riêng năm 2020, hai trận bão lớn tàn phá toàn bộ vườn dược liệu. VietRAP phải cấp giống ba lần để anh trồng dặm. Khi cây vừa bén rễ, nắng hạn lại kéo dài, đất trắng như nung, cây khó phát triển. Vừa hồi được chút xanh, kiến đỏ lại tràn về cắn phá. Mỗi lần như vậy, anh Thanh phải báo về Công ty, báo lên Trung tâm, học cách xử lý bằng thuốc thảo dược. Có tháng trời cây không hồi sinh, nhưng anh vẫn bám đất, canh vườn, chờ cây sống lại.

Ngoài số cây giống được Công ty VietRAP cấp lại sau mỗi đợt bão, anh Thanh còn phải tự móc hầu bao để đầu tư thêm, từ đất, gỗ làm giàn, lưới che, đào hào làm rào xung quanh tránh trộm cây quý, đến cả thuốc thảo dược chống sâu bệnh. Những khoản chi không tên cứ thế đội lên từng ngày.

“Chi phí không kể xiết, làm rồi mới biết, trồng được một cây thuốc quý, không chỉ cần đất, mà cần cả gan và lòng. Tui trồng đâu phải vì tiền. Tui trồng để thấy niềm tin mình không bị mất đi, để bảo tồn và phát triển giống dược liệu quý", anh cười hiền.

Theo anh Lê Quang Thành, viên chức Trung tâm Cung ứng dịch vụ công xã Đặng Thùy Trâm, việc triển khai mô hình trồng tam thất bắc và bảy lá một hoa trên địa bàn từ năm 2020 đến 2022 gặp nhiều thách thức do thời tiết cực đoan. “Ngay giai đoạn đầu, cây phát triển rất tốt, thậm chí tam thất đã ra hoa. Nhưng liên tiếp các trận bão và lốc xoáy đã làm đổ giàn che, cây bị dập nát. VietRAP đã ba lần cấp giống bổ sung, người dân cũng cố gắng khắc phục, nhưng sản lượng cuối cùng vẫn không đạt”, anh Thành cho biết.

Dù vậy, anh Thành khẳng định: “Hai loại cây này rất phù hợp với khí hậu vùng cao như Đặng Thùy Trâm, mát, ẩm, đất tốt. Nếu có phương án trồng dưới tán rừng để tránh gió, hoàn toàn có thể phát triển bền vững”.

Cũng theo anh Thành, chất lượng cây dược liệu tại mô hình từ hàm lượng hoạt chất đến khả năng chế biến đều đạt yêu cầu. “Chỉ tiêu sản lượng không đạt là do thiên tai. Nhưng chất lượng rất tốt. Chúng tôi đã tham mưu, đề xuất đưa hai loại cây này vào định mức hỗ trợ, từ đó nhân rộng thành vùng nguyên liệu thực sự”.

Anh Lê Hữu Thanh cho biết, sắp tới anh sẽ di thực toàn bộ số cây dược liệu còn lại, chuyển về trồng dưới tán rừng lặng gió, nơi có thảm thực vật bản địa che chở, khí hậu ôn hòa, đất ẩm mùn dày. Vừa thuận lợi cho cây phát triển, vừa tạo không gian để du khách có thể tận mắt chiêm ngưỡng những giống dược liệu quý đang âm thầm lớn lên giữa thảo nguyên gió Bùi Hui, như một phần của hành trình khám phá, trải nghiệm và hiểu sâu hơn về sự sống đang hồi sinh từ đất.

 

 

Bùi Hui không chỉ có gió và sim tím. Bùi Hui còn có những người nông dân làm du lịch từ chính cội nguồn. HTX của anh Thanh đang phát triển những tuyến trải nghiệm, cho khách lên săn mây, uống trà thảo dược, ngồi giữa đồi gió nghe kể chuyện về những cơn bão và mùi đất ẩm. Mỗi gốc sim tím là một câu chuyện tình, mỗi bụi bảy lá một hoa là một hồi ức về hy vọng.

Anh Thanh chỉ tay lên sườn đồi, nơi anh đang thử nghiệm trồng tre Thái Lan để làm cảnh quan sinh thái: "Tui đang mơ về một Bùi Hui vừa có thuốc quý, vừa có tre xanh, vừa có không gian trải nghiệm, nơi ai cũng có thể lên ở lại vài ngày, thở khí rừng, ăn rau rừng, uống trà rừng. Mình nghèo, nhưng mình có đất, có gió, có tình. Chỉ cần giữ được những thứ đó thôi, sẽ không nghèo mãi".

Tôi không rõ những cây tre ấy có chịu nổi gió Bùi Hui không. Nhưng tôi chắc chắn, giấc mơ của người đàn ông ấy thì không dễ gì gãy đổ.

Trên đỉnh gió Bùi Hui, tôi nhìn xuống thung lũng, nơi anh Linh ở Sơn Tây Thượng từng trồng cây dược liệu bằng đôi tay khỏe mạnh, bằng đôi mắt chan chứa niềm tin. Giờ đây, một người mất hoàn toàn thị lực vẫn mong được một lần trở lại với vườn thuốc, còn một người giữa thảo nguyên gió vẫn âm thầm vun trồng giấc mơ chưa thành.

Và tôi chợt hiểu, giá trị thật của cây thuốc không chỉ nằm ở dược tính, không chỉ nằm ở hàm lượng saponin hay flavonoid, mà còn nằm ở chính trái tim của những con người như anh Linh, chị Hạnh, anh Thanh… Những con người tin rằng, khi ta biết trồng lấy một chút hy vọng, dù là trong gió dữ, trên đất nghèo, thì điều kỳ diệu vẫn có thể nảy mầm.

 

Chúng tôi rời thảo nguyên Bùi Hui trong cái lạnh tê tái và tiếng gió rít xuyên qua từng khe lá. Xe lại men theo những con đèo lởm chởm đá, gập ghềnh đất đỏ, hướng về xã Cà Đam (trước đây là xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng). Càng đi, càng cảm thấy đường về với dược liệu như lối về ký ức - gập ghềnh, gian nan, mà tha thiết đến lạ. Ông Nguyễn Công Vinh, Giám đốc Trung tâm Cung ứng dịch vụ công xã Trà Bồng vừa đi, vừa thủng thẳng kể chuyện như thể ru lòng người vào một miền xa thẳm.

“Thôn Quế trước đây có nhiều cây thuốc quý lắm. Bà con hái mang bán cho thương lái, chẳng ai biết nó quý đến nhường nào, chỉ thấy rễ của nó thơm, củ của nó đắt. Về sau, khi biết đó là cây bảy lá một hoa, người ta mới bắt đầu tiếc. Rừng Cà Đam còn sót lại chút giống gốc, nhưng cũng thưa thớt rồi…”.

Thôn Quế, xã Trà Bùi cũ - nay là xã Cà Đam nằm vắt ngang sườn núi, quanh năm mây phủ. Đường vào thôn là lối nhỏ, một bên vách đá, một bên vực sâu, như chính con đường níu lại hồn cây thuốc giữa đại ngàn.

Ở đó, chúng tôi gặp ông Hồ Quang Tạo. Người đàn ông chắc đậm, nước da sạm đỏ bởi nắng gió vùng cao, ánh mắt lấp lánh khi nhắc đến dược liệu: “Tôi nhớ cái ngày mà đoàn về họp thôn, nói với bà con về việc bảo tồn giống thuốc quý. Mình nghe mà thấy như có ai chạm vào trong lòng. Cây thuốc này từng cứu sống bao nhiêu người. Trồng lại nó, giữ lại nó, là giữ lại phúc đức của núi rừng”.

Ngay sau nhà ông Tạo là khu vườn nhỏ dàn che bao quanh, bên trong là những cụm cây bảy lá một hoa đang phát triển xanh mướt. Lá dài, xếp tỏa như chùm sao rừng. Ông Tạo chỉ từng gốc, kể từng mùa bão đến, từng lần dựng lại giàn, từng đợt giống được Công ty Cổ phần VietRAP đưa về để trồng dặm lại ở những diện tích bị ảnh hưởng, hư hại. Mỗi lần thiên tai ập đến, cây trôi theo nước, đất bị xói mòn, nhưng ông lại xới lại đất, vun lại gốc, rào lại vườn, như thể bảo vệ một kho báu sống.

“Trồng tam thất bắc thì khó giữ hơn, mấy vụ rồi không trụ nổi vì nắng hạn, mưa bão. Nhưng bảy lá một hoa thì như hợp với đất này. Trời đất còn thương, mình càng phải thương hơn nữa”.

Từ năm 2020, VietRAP cùng chính quyền địa phương triển khai hai đề tài khoa học trồng, bảo tồn cây tam thất bắc và cây bảy lá một hoa tại xã Trà Bùi cũ - nay là xã Cà Đam. Họp dân, tập huấn kỹ thuật, cấp giống, hỗ trợ vật tư… từng bước một, cây thuốc được đưa trở lại đất cũ. Những người như ông Hồ Quang Tạo, ông Hồ Ngọc Lâm - hộ dân bên cạnh, trở thành người gìn giữ rừng thuốc.

Vườn nhà ông Hồ Ngọc Lâm nằm cách đó chừng trăm mét, kín cổng cao rào. Lúc chúng tôi đến, cả nhà đã lên rẫy, điện thoại không liên lạc được, đành nhờ ông Tạo dẫn đường. Qua rào tre, bên trong là một khu vườn mà ai cũng nín lặng, những luống cây quý được xếp ngay hàng thẳng lối, có cả dàn lưới chắn gió, cọc tre giữ đất.

Ông Tạo kể, để giữ cây khỏi dẫm nát, ông phải rào vườn, ngăn gia súc, dạy con cháu không được bẻ lá, không được hái hoa khi chưa đến kỳ. "Nhiều người hỏi, trồng cây này có lời không? Tôi nói, lời lớn nhất là giữ được giống quý cho con cháu. Ngày xưa, cha ông từng vào rừng lấy củ thuốc cứu bao người khỏi bạo bệnh. Bây giờ, tôi chỉ trả lại cái ơn của rừng thôi”.

Đề tài nghiên cứu khoa học đã khép lại. Nhưng cây chưa hết tuổi lớn. Và lòng người chưa thôi thổn thức.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện - nay là Trung tâm Cung ứng dịch vụ công vẫn cử cán bộ thường xuyên lui tới, hướng dẫn kỹ thuật, tiếp sức cho bà con khi gặp khó khăn. Người dân thì tha thiết mong muốn được nhân rộng, không chỉ giữ giống mà còn phát triển thành sinh kế. Theo ông Nguyễn Công Vinh, địa phương đang xúc tiến liên kết chuỗi thu mua dược liệu, hướng đến phát triển bền vững, vừa giữ rừng, vừa giữ nguồn thuốc quý.

Ở Cà Đam, người ta không nói nhiều về chữ “dược liệu” như ở thành thị. Họ gọi cây bằng những cái tên xưa cũ, mộc mạc là cây thuốc cứu người, cây rừng thiêng. Họ không đếm được tiền khi nhìn lá nở, nhưng họ thấy lòng an yên, khi biết mình đang giữ lại một phần hồn của núi rừng.

“Không ai giàu vì một hai sào thuốc. Nhưng nếu ai cũng giữ được chút rừng, chút giống quý, thì dân mình không còn phải lội rừng đi xin thuốc nữa. Đó mới là giàu”. Ông Tạo nói như thế, rồi quay lại chăm từng gốc cây nhỏ, như chăm chính giấc mơ của mình.

Chúng tôi rời Cà Đam khi sương vẫn còn vương trên đỉnh núi. Sau lưng là những vườn thuốc nhỏ, phía trước là hành trình dài hơn, hành trình để cây thuốc không chỉ được gìn giữ trong rừng, mà còn có chỗ đứng trong đời sống hôm nay.

Muốn vậy, cần nhiều hơn những trái tim yêu rừng, và cần cả những chính sách đủ sâu để dược liệu thực sự trở thành một ngành hàng, nơi người dân, doanh nghiệp và chính quyền cùng nhìn về một hướng.

Còn nữa!

Dược liệu mọc lên từ nước mắt Bài 1:Một đời giữ lại cho dược liệu quý

Dược liệu mọc lên từ nước mắt Bài 3: Đau đáu một câu hỏi: Vì sao đề tài ý nghĩa lại bị kết luận là thất bại?

Tú Thành – An Khang
Trương Khánh Thiện
Tú Thành - An Khang – TL