Vì sao đề tài ý nghĩa lại bị kết luận là thất bại?

Hành trình trồng, gìn giữ và phát triển cây dược liệu ở đất Quảng Ngãi, nơi rừng núi trập trùng, thiên nhiên hà khắc nhưng cũng chất chứa bao ân tình, là hành trình của những con người đặt trọn niềm tin vào cây thuốc, là một nỗ lực bền bỉ để tạo ra nguồn sống mới cho đồng bào vùng cao, để hồi sinh những giống loài quý hiếm từng chìm khuất trong hoang dã.

Trong hành trình ấy, hai đề tài khoa học cấp tỉnh do Công ty Cổ phần VietRAP Đầu tư - Thương mại chủ trì, mang trong mình sứ mệnh đặc biệt: “Xây dựng mô hình trồng, bảo tồn và phát triển cây dược liệu bảy lá một hoa tại ba huyện Ba Tơ, Sơn Tây, Trà Bồng” (nay là xã Đặng Thùy Trâm, xã Sơn Tây Thượng, xã Cà Đam, tỉnh Quảng Ngãi) và “Nghiên cứu thực nghiệm mô hình liên kết trồng và tiêu thụ tam thất bắc ở một số huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi”. Mục tiêu không chỉ dừng ở bảo tồn nguồn gen dược liệu quý, mà còn kiến tạo mô hình kinh tế gắn với sinh kế bền vững cho người dân miền núi.

Vậy mà đến cuối năm 2022, cả hai đề tài đều bị kết luận là “không hoàn thành”. Một dòng kết luận khô khốc, nhưng để lại dư âm dài lâu, là những cái nhíu mày nơi hội đồng khoa học, là nỗi day dứt nơi doanh nghiệp, là câu hỏi bỏ ngỏ trong lòng người dân từng đặt niềm tin vào cuộc thử nghiệm này.

Ông Nguyễn Văn Thành, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi, người từng trực tiếp tham mưu, đề xuất và giao nhiệm vụ cho VietRAP thực hiện hai đề tài vẫn chưa nguôi trăn trở khi nhắc lại: “Ngay từ khi xây dựng đề tài, chúng tôi đã kỳ vọng rất nhiều. Chưa từng có doanh nghiệp hay nhà khoa học nào bước chân đến vùng rừng sâu Quảng Ngãi để khảo sát, đánh giá và triển khai thực nghiệm các loài dược liệu quý hiếm như tam thất bắc và bảy lá một hoa. Việc VietRAP đề xuất triển khai 2 đề tài tại Ba Tơ, Sơn Tây, Trà Bồng (nay là các xã Đặng Thùy Trâm, xã Sơn Tây Thượng, xã Cà Đam, tỉnh Quảng Ngãi) - những nơi có điều kiện sinh thái phù hợp là điều hết sức đáng trân trọng và kỳ vọng”.

Theo ông Thành, cả hai đề tài đều được xác lập thông qua Hội đồng khoa học năm 2019, triển khai từ năm 2020 đến 2022, giai đoạn mà không ai ngờ rằng sẽ có quá nhiều biến cố bất lợi: đại dịch COVID-19 kéo dài, mưa lũ hoành hành, hạn hán gay gắt, sâu bệnh phát sinh bất thường… khiến một phần lớn diện tích cây dược liệu bị thiệt hại nặng, nhất là vào thời điểm cây vừa bén rễ, chưa thể chống chịu với điều kiện thời tiết cực đoan.

Thế nhưng, trong suốt quá trình triển khai, VietRAP vẫn cố gắng hoàn thành đầy đủ gần như toàn bộ yêu cầu về sản phẩm và nội dung khoa học, chất lượng sản phẩm đều đạt yêu cầu, các sản phẩm khoa học của đề tài có giá trị thực tiễn cao...

Cụ thể với đề tài về cây bảy lá một hoa, có tổng cộng 17 sản phẩm khoa học đặt ra, thì 16 sản phẩm được hoàn thành đầy đủ, chỉ duy nhất một sản phẩm về mặt sản lượng củ khô không đạt số lượng theo quy định.

Với đề tài tam thất bắc, trong số 15 sản phẩm có 13 sản phẩm đã được nghiệm thu; còn 2 sản phẩm liên quan đến sản lượng trà nụ hoa tam thất và sản lượng củ khô tam thất không đủ số kg như kế hoạch.

 

 

Song, căn cứ quy định tại mục b, khoản 8, điều 27, Quyết định số 25/2018/QĐ-UBND ngày 12/9/2018 của UBND tỉnh Quảng Ngãi; nếu một chỉ tiêu quan trọng (như sản lượng) không đạt, đề tài buộc phải bị xếp loại “không hoàn thành”, dù các chỉ tiêu còn lại đều đạt chuẩn. Đó là lý do khiến kết quả nghiệm thu hành chính trở nên "lạnh lùng", dù giá trị thực tế thì không thể phủ nhận.

Điều đáng lưu ý là chính Hội đồng nghiệm thu cũng ghi nhận nguyên nhân không đạt là hoàn toàn do yếu tố khách quan. Và do vậy, không có yêu cầu thu hồi kinh phí, không có kết luận sai phạm hay gian dối trong quá trình triển khai. Tất cả sản phẩm đều đảm bảo đúng kỹ thuật, có hồ sơ kiểm nghiệm, có sự tham gia và xác nhận của người dân tại vùng thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh: “Với đặc thù nghiên cứu thực nghiệm trong điều kiện rừng núi khắc nghiệt, lẽ ra phải có sự xem xét linh hoạt hơn trong việc đánh giá. Bởi nếu chỉ vì một vài sản phẩm chưa đạt mà kết luận là thất bại, thì vô tình phủ nhận toàn bộ giá trị thực tiễn, trong khi những đóng góp của doanh nghiệp và người dân là vô cùng lớn”.

Trên thực tế, sau khi hai đề tài khép lại, VietRAP không rút lui. Ngược lại, họ dấn bước thêm một quãng dài. Từ cơ sở nghiên cứu ban đầu, VietRAP đề xuất phát triển vùng dược liệu quy mô lớn, gắn với chuỗi chế biến sâu, đăng ký tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển dược liệu vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cam kết mạnh mẽ bằng hành động, ngay lập tức thành lập Công ty Cổ phần Dược liệu Trà Bồng có trụ sở tại xã Tây Trà, vùng xa xôi nhất của tỉnh nhưng lại là vùng dược liệu định hướng phát triển trọng tâm; VietRAP là cổ đông sáng lập của Công ty CP Dược liệu Trà Bồng, trở thành một trong những đơn vị tiên phong liên kết với các hợp tác xã để phát triển vùng nguyên liệu.

Dự kiến đến cuối năm nay, Công ty Cổ phần Dược liệu Trà Bồng sẽ hoàn thành nhà xưởng sơ chế, chế biến dược liệu quy mô tại Trà Bồng, đồng thời hỗ trợ tiêu thụ hơn 3.000ha quế sẵn có cho bà con; trồng mới 1.800ha quế theo hướng hữu cơ; và đặc biệt, mở rộng mô hình trồng 15ha cây bảy lá một hoa, loài cây từng được nghiên cứu với bao tâm huyết trong khuôn khổ đề tài khoa học, tiến tới mở rộng diện tích tam thất bắc và các loại dược liệu khác.

 

 

Từ vài nghìn mét vuông trong mô hình nghiên cứu, đến hàng chục hecta trồng thực tế. Từ một báo cáo nghiệm thu, đến hàng trăm hộ dân được tiếp cận kỹ thuật, được bảo đảm đầu ra. Đó là những gì VietRAP đã và đang làm… từ những đề tài tưởng chừng “thất bại”.

Vậy, có thực là thất bại?

Hay là sự thiếu đồng điệu giữa quy trình đánh giá và thực tiễn cuộc sống, giữa lý thuyết và đời sống thầm lặng nơi rừng sâu, nơi đồng bào còn nghèo, còn thiếu nhưng vẫn chọn gìn giữ cây thuốc như một phần máu thịt?

Dưới tán rừng già, nơi ánh sáng mặt trời rọi xuyên qua từng kẽ lá, những mầm sống đang nhú lên lặng lẽ. Ở các địa phương của tỉnh Quảng Ngãi - những vùng đất từng quặn mình trong nghèo đói và hoài nghi nay đang trở dậy trong một giấc thức tỉnh dịu dàng nhưng mãnh liệt. Đó không chỉ là sự hồi sinh của đất, mà còn là sự trở mình của niềm tin, một tín hiệu đáng quý về tương lai kinh tế miền núi.

Trao đổi với chúng tôi trước khi tỉnh Quảng Ngãi sắp xếp, vận hành chính quyền địa phương hai cấp, ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ nhiều trăn trở về câu chuyện dược liệu dưới tán rừng. Ông gọi đó là “lối đi nhỏ đầy hy vọng” để vực dậy kinh tế miền núi, nơi đất đai còn rộng, rừng còn dày nhưng lòng người lại thiếu vốn, thiếu kỹ thuật và thiếu cả sự đồng hành bền bỉ từ những bàn tay doanh nghiệp.

“Với diện tích rừng tự nhiên chiếm hơn 90% tổng diện tích rừng toàn tỉnh, Quảng Ngãi là mảnh đất giàu tiềm năng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Các huyện Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Ba Tơ, Minh Long trước đây… là những vùng lõi với thổ nhưỡng đặc thù, khí hậu ẩm mát, rất phù hợp cho những loài cây có giá trị y dược cao như quế, thiên niên kiện, bảy lá một hoa, sa nhân tím”, ông Trung cho biết.

Tuy nhiên, chính ông cũng thẳng thắn chỉ ra những rào cản chưa dễ tháo gỡ. Từ cơ chế chính sách còn thiếu ổn định, thay đổi liên tục; đến nguồn lực đầu tư hạn chế, tập quán canh tác manh mún và trình độ kỹ thuật thấp. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa đủ tự tin để chuyển từ trồng lúa nương sang phát triển dược liệu vì lo chi phí cao, thị trường bấp bênh. Trong khi đó, doanh nghiệp đầu tư bài bản theo chuỗi giá trị vẫn còn rất ít, phần lớn chỉ thu mua nhỏ lẻ hoặc phụ thuộc vào các nguồn vốn từ chương trình hỗ trợ.

“Chúng tôi đã hoàn tất quy hoạch vùng trồng dược liệu phù hợp theo quy hoạch tỉnh và lâm nghiệp quốc gia. Diện tích dược liệu toàn tỉnh hiện khoảng 5.656ha, trong đó chủ yếu là quế tại Trà Bồng. Tuy nhiên, các loại cây như gừng sẻ, nghệ, sả, tiêu… vẫn chiếm diện tích khiêm tốn, phân tán rải rác ở một số huyện. Mục tiêu giai đoạn tới là nâng tổng diện tích lên hơn 6.100ha và thúc đẩy chế biến sâu, bảo quản đúng quy chuẩn để tạo ra chuỗi giá trị thật sự”.

Khát vọng ấy bắt đầu có cơ sở khi tháng 1/2025, UBND tỉnh phê duyệt Dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý tại huyện Trà Bồng cũ - nay thuộc xã Tây Trà, một trong những bước đi được xem là “đòn bẩy chiến lược” cho ngành dược liệu địa phương. Công ty Cổ phần Dược liệu Trà Bồng làm chủ trì liên kết chuỗi giá trị dược liệu, với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng.

Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 60 tỷ đồng, vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội là 46,73 tỷ đồng, và vốn doanh nghiệp, bao gồm tự có và các nguồn hợp pháp khác gần 93,27 tỷ đồng.

Dự án triển khai trên diện tích 473 ha, gồm:

○ Nhà máy chế biến dược liệu (3 ha – nhà máy đạt chuẩn GMP đặt tại xã Trà Phong cũ - nay thuộc xã Tây Trà, với công suất thiết kế tới 50 tấn tinh dầu/năm và 1.000 tấn sản phẩm dược liệu các loại),

○ Khu trồng ứng dụng công nghệ cao (30 ha),

○ Khu vực nuôi trồng dược liệu quý tập trung (440 ha. Trong đó có 300ha quế và khoảng 140ha dành cho các loài có giá trị cao như thiên niên kiện, sa nhân tím, đương quy và đặc biệt là bảy lá một hoa có giá trị y tế và kinh tế cao đạt tiêu chuẩn GACP-WHO).

Không dừng lại ở đó, mục tiêu của dự án là xây dựng chuỗi giá trị hoàn chỉnh, từ vùng nguyên liệu đến sơ chế, chế biến, bảo quản, truy xuất nguồn gốc, gắn với xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý. “Chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo ra ít nhất hai sản phẩm dược liệu có khả năng truy xuất minh bạch, đưa Trà Bồng, Quảng Ngãi thành một trong những ‘vựa dược liệu’ mang bản sắc vùng cao, có thể vươn ra thị trường trong nước và quốc tế”, ông Trung nói.

Hơn 1.000 người dân, trong đó ít nhất 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, sẽ được đào tạo kỹ thuật, được tham gia trực tiếp vào chuỗi sản xuất. Ít nhất 500 lao động tại chỗ có thu nhập ổn định từ dự án. Và đáng quý hơn, những loại cây một thời bị coi là “thuốc rừng chỉ để chữa bệnh nhà” sẽ hồi sinh trong vai trò là “nguồn sống mới” cho đồng bào nơi biên viễn.

Như một phép nối đẹp giữa thực nghiệm và hiện thực, giữa kết quả nghiên cứu và sự đầu tư bài bản, ông Trung khẳng định: “Quảng Ngãi có đầy đủ các điều kiện về tự nhiên, sinh thái, con người và chính sách để phát triển vùng dược liệu, đặc biệt là theo mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng sẽ góp phần giúp người dân miền núi có thêm thu nhập ổn định, đồng thời giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Tại xã Trà Phong, huyện Trà Bồng cũ - nay là xã Tây Trà, nơi núi cao sương phủ và tiếng chiêng Cor còn vọng mãi giữa chiều, những đồi quế đang trở mình thức giấc. Người Cor ở đây vẫn gọi cây quế bằng cái tên gần gũi là “của để dành của núi”. Giữ cây quế không chỉ là giữ nghề, mà là giữ cả một nền sinh kế, giữ lấy ký ức của rừng.

Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Trà Phong, được thành lập để thực hiện những điều tưởng chừng đơn sơ ấy là cánh tay nối dài của Công ty Dược liệu Trà Bồng (trong đó VietRAP là cổ đông sáng lập), cùng nhiều hợp tác xã khác trên địa bàn để hỗ trợ đồng bào từng bước làm lại từ đất rừng, từ giống quế, giống thiên niên kiện, sa nhân… đến từng mét mương, từng con đường lên nương.

Hiện nay, vườn giống của HTX Trà Phong và các đơn vị liên kết đã chuẩn bị cho đợt trồng mới 300ha quế từ cuối tháng 7 năm nay. Ngoài ra, 100ha thiên niên kiện và 40ha sa nhân cũng đang trong kế hoạch triển khai. Tất cả đều là giống bản địa, được tuyển chọn kỹ lưỡng, canh tác theo tiêu chuẩn GACP-WHO, hướng tới mục tiêu tạo chuỗi giá trị dược liệu bền vững.

"Trước đây bà con chỉ quen phát rẫy, làm nương, trồng lúa tỉa hạt. Mỗi mùa giáp hạt là mỗi mùa mòn mỏi đợi gạo cứu đói. Từ khi có HTX, chúng tôi dần thay đổi cách làm. Giống thì được hỗ trợ, kỹ thuật được hướng dẫn, thuốc sâu không dùng nữa, thay vào đó là thảo mộc, soi đèn pin giữa đêm để bắt sâu bằng tay… Từng công nhân của HTX cũng phải học cách yêu đất", anh Trương Quang Vương, đại diện HTX Trà Phong chia sẻ.

Từ lâu, cây quế đã in bóng trong nếp sống của người Cor. Nếu người Kinh xem ruộng mẫu và trâu đôi là thước đo khá giả, thì người Cor lại lấy những đồi quế xanh rì làm thước đo giàu nghèo. Quế hiện diện trong mỗi mùa cưới hỏi, trở thành “của hồi môn” mà cha mẹ tặng con làm vốn lập nghiệp. Ngày mùa, hương quế theo gió, bay đi xa cả chục cây số, đánh thức cả một vùng ký ức.

Anh Nguyễn Đức Hà, cán bộ kỹ thuật tại Hợp tác xã, trong lúc hướng dẫn bà con quy trình chăm sóc giống quế, bất chợt cất lên khúc ca mộc mạc - bài Hương quế Trà Bồng của tác giả Đào Việt Hưng. Giọng hát của anh vang lên giữa rừng nương, nhẹ như làn khói bếp sớm, nhưng đượm nồng như chính vỏ quế vừa mới lột, thơm ngây ngất trong lòng bàn tay người trồng:

 

 

Lời ca ấy tan vào đất đỏ, vào nếp nhăn trên trán người trồng, vào dáng lom khom của mẹ già bên triền đồi. Mỗi câu hát là một mảnh ký ức, một lời thầm thì với rừng rằng quế không chỉ là cây, mà là bản sắc, là khí phách, là hồi ức chưa từng bị lãng quên.

Không chỉ trồng, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Trà Phong còn cam kết thu mua sản phẩm, xây dựng quy trình khép kín từ gieo trồng, chăm sóc, sơ chế đến bảo quản. Bà con được hướng dẫn tận tay, học kỹ thuật bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh bằng thảo mộc. Mô hình này đã thực sự “kéo” người Cor khỏi những chuyến đi làm thuê xa xứ, khỏi cảnh bấp bênh mùa vụ.

Chị Đinh Thị Thuận, người phụ nữ Cor ở xã Tây Trà xúc động chia sẻ: “Trước đây chỉ quanh quẩn trong nhà, không có việc gì để làm. Giờ có HTX, mỗi ngày đi làm trải cỏ, tưới nước, bón phân… được chỉ dẫn cụ thể. Vui vì có thêm thu nhập để lo cho con ăn học, chăm lo cuộc sống gia đình”.

Hành trình hồi sinh sinh kế không chỉ dừng lại ở quế. HTX Dịch vụ Nông nghiệp Trà Phong cùng Công ty Dược liệu Trà Bồng đã quy hoạch gần 30ha cây dược liệu cao cấp tại xã Tây Trà, từ đương quy, thiên niên kiện… đến bảy lá một hoa, loài cây dân gian gọi là “trái tim của rừng”. Cái tên ấy bắt nguồn từ hình dạng đặc biệt, bảy chiếc lá xoè tròn nâng một đóa hoa đơn độc vươn lên trời, như một bàn tay chắp lại nguyện cầu.

Và giờ đây, nụ hoa ấy đang nảy mầm nơi bản làng. HTX Trà Phong và công ty dược liệu đang xuống giống 15ha bảy lá một hoa. Đất đã cày, phân đã ủ, từng bầu giống đang được chuyển từ vườn ươm về đồi. Mỗi bầu cây là một nỗi niềm, một hy vọng.

 

 

Cùng lúc đó, tại đồi Sim, xã Tây Trà, một nhà máy chế biến dược liệu đang được xây dựng. Nhà máy này sẽ thu gom, chiết xuất tinh dầu quế, sơ chế vỏ quế, bảo quản dược liệu theo chuẩn quốc tế, với kho lạnh đạt chuẩn GSP sức chứa trên 500 tấn.

“Chúng tôi khảo sát hơn một năm trời mới định hình được vùng trồng, chọn được giống phù hợp. Hiện đường đã mở đến tận khu công nghệ cao, chỉ còn chờ thời tiết thuận lợi là xuống giống cây đương quy, rồi đến thất diệp nhất chi hoa (bảy lá một hoa). Năm sau sẽ mở rộng thêm”, anh Trương Quang Vương cho biết thêm.

Bằng sự kiên trì của HTX, sự quyết liệt của doanh nghiệp và bàn tay không mỏi của người dân nơi đây đang viết lại câu chuyện dược liệu từ chính lòng núi, từ hương quế bền bỉ và những gốc cây từng lặng lẽ tồn tại giữa đại ngàn.

Một đề tài bị đánh dấu đỏ trên văn bản, nhưng đang được đánh dấu xanh trên chính rừng núi Quảng Ngãi. Tất cả như đang nảy nở, nhưng đủ để thấy rằng, vùng trồng đang thức giấc. Rừng đang trả lời lời gọi.

Và câu hỏi từng khiến người ta nhói lòng rằng “vì sao một đề tài ý nghĩa lại bị coi là thất bại?” đang dần được trả lời bằng những chứng tích dưới tán rừng, bằng công xưởng đang dựng lên, từng bàn tay nắm chặt của người trồng cây.

Hết!

Dược liệu mọc lên từ nước mắt Bài 1:Một đời giữ lại cho dược liệu quý

Dược liệu mọc lên từ nước mắt Bài 2: Nơi những giấc mơ không khép lại

Tú Thành – An Khang
Trương Khánh Thiện
Tú Thành - An Khang – TL