
Chính quyền hai cấp vào guồng ứng phó bão số 3
Chính quyền hai cấp vào guồng ứng phó bão số 3; Khẩn trương phòng, trừ dịch tả lợn châu Phi; Siết chặt bảo vệ rừng trong mùa khai thác hạt ươi.
Quỳnh Anh | 08:48 21/07/2025
BẢN TIN NÔNG NGHIỆP TUẦN QUA
SỐ – 28 – 2025
Kịch bản; Dựng; Biên tập: Xuân Hào, Quỳnh Anh
Kỹ thuật: : Bình Thành – DũngSEO
Đồ họa: Khánh Thiện
MC1: Tùng Sơn
MC2: Anh Quỳnh
Nhạc hiệu (25 giây)
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã đến với bản tin Nông Nghiệp Tuần Qua của Kênh Nông Nghiệp radio. Bây giờ sẽ là những nội dung chính sẽ có trong bản tin ngày hôm nay.
Headline ( 45 giây)
- Chính quyền hai cấp vào guồng ứng phó bão số 3
- Khẩn trương phòng, trừ dịch tả lợn châu Phi
- Lạng Sơn khống chế tốt dịch tả lợn châu Phi
- Gia Lai thành lập 4 chốt kiểm soát dịch bệnh động vật liên ngành
- Siết chặt bảo vệ rừng trong mùa khai thác hạt ươi
- Một xã có hơn 360ha lúa mất trắng, nguy cơ thiếu đói
- Thanh Hóa tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng
- Sơn La có kế hoạch phát triển cà phê giai đoạn mới
Sau đây là nội dung chi tiết:
- Chính quyền hai cấp vào guồng ứng phó bão số 3
Thưa quý vị và bà con, trước diễn biến phức tạp của bão số 3, hôm qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các bộ ngành, địa phương về công tác ứng phó. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu huy động đầy đủ lực lượng Trung ương và địa phương, thống nhất hành động khẩn cấp để kịp thời phòng, tránh và ứng phó hiệu quả với bão. Phó Thủ tướng lưu ý, sau khi kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, các tỉnh, thành phố cần rà soát và đánh giá thực chất mức độ sẵn sàng ứng phó thiên tai, đặc biệt là trước cơn bão sắp tới. Trước đó, Bộ NN-MT cũng đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị thuộc Bộ và các Bộ, ngành liên quan để có phương án ứng phó bão hiệu quả. Cụ thể hơn về nội dung này, Nông nghiệp Radio sẽ tiếp tục gửi tới quý vị trong phần sau của chương trình.

- Khẩn trương phòng, trừ dịch tả lợn châu Phi
Từ đầu năm giữa tháng 7, cả nước đã xảy ra 514 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 28 tỉnh, thành phố sau sáp nhập, số lợn chết và tiêu huỷ là gần 30.500 con. Hiện còn 248 ổ dịch tại 20 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố theo thẩm quyền chủ động chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Thủ tướng nhấn mạnh phải ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Không để việc sắp xếp tổ chức, bộ máy tại địa phương ảnh hưởng đến công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh.
- Lạng Sơn khống chế tốt dịch tả lợn châu Phi
Cũng liên quan tới công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, Sở Nông nghiệp và Môi trường Lạng Sơn cho biết, từ cuối tháng 4 đến nay, dịch đã phát sinh tại 53 xã, phường của tỉnh. Tổng số lợn chết và buộc phải tiêu hủy hơn 7.000 con với tổng khối lượng trên 361.100 kg. Với sự vào cuộc quyết liệt, tích cực của ngành chức năng, chính quyền các cấp và sự chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch của người chăn nuôi, dịch tả lợn Châu Phi ở Lạng Sơn đến thời điểm này cơ bản đã được khống chế với 17 xã công bố hết dịch và 3 xã đã qua 21 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Số xã, phường phát sinh ổ dịch mới cũng đang giảm dần. Tuy nhiên, để hạn chế nguy cơ dịch tiếp tục tái phát và lây lan rộng, Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị chính quyền các địa phương không được chủ quan, tiếp tục tuyên truyền các biện pháp phòng dịch, đặc biệt là sử dụng vacxin để tiêm phòng cho đàn lợn.
- Gia Lai thành lập 4 chốt kiểm soát dịch bệnh động vật liên ngành
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh động vật, UBND tỉnh Gia Lai vừa có quyết định thành lập 4 chốt kiểm soát dịch bệnh động vật liên ngành trên địa bàn tỉnh. Các chốt kiểm soát liên ngành đang được thiết lập và duy trì hoạt động chặt chẽ 24/24 giờ, nhằm ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của mầm bệnh. Hàng tuần, kết quả thực hiện sẽ được tổng hợp và báo cáo về Sở Nông nghiệp và Môi trường để trình UBND tỉnh. Các chốt kiểm soát dịch bệnh tạm thời sẽ hoạt động liên tục trong 30 ngày kể từ ngày thành lập, bao gồm cả thứ Bảy, Chủ nhật, các ngày lễ và ngày nghỉ. Sau thời hạn này, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ căn cứ vào tình hình dịch bệnh thực tế để báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét và chỉ đạo phương án tiếp theo.
- Siết chặt bảo vệ rừng trong mùa khai thác hạt ươi
Những ngày này, rừng ươi tại các xã vùng cao TP Đà Nẵng bước vào mùa chín rộ. Hạt ươi khô hiện có giá từ 350.000 – 500.000 đồng/kg, có loại được thương lái thu mua đến 1 triệu đồng/kg nếu để dành sau chính vụ thu hoạch. Vậy nên mỗi vụ ươi đến, hàng trăm người từ khắp nơi đổ về các cánh rừng để tìm ươi. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra áp lực lớn lên công tác quản lý, bảo vệ rừng của các lực lượng chức năng. Không ít người leo lên tận ngọn cây để hái, thậm chí chặt tỉa cành hoặc hạ cả cây ươi chỉ để lấy trái, bất chấp nguy cơ làm chết cây, gây tổn thương nghiêm trọng đến sinh thái rừng. Do đó, các địa phương trong tỉnh đang đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp bảo vệ rừng mùa khai thác ươi như thành lập tổ công tác liên ngành tuần tra rừng, kiểm đếm, đánh dấu cây ươi trong rừng, người dân vào rừng phải có phiếu đăng ký có xác nhận của UBND xã và kiểm lâm địa bàn…
-
Một xã có hơn 360ha lúa mất trắng, nguy cơ thiếu đói
Sau cơn bão số 1 từ đầu tháng 6, xã Trường Ninh, tỉnh Quảng Trị có gần 1.200 ha lúa hè thu bị ngập. Theo UBND xã Trường Ninh, khoảng 70% diện tích lúa bị ngập sẽ bị ảnh hưởng lớn tới năng suất và riêng tại các đơn vị Hoành Vinh, Thống Nhất đã có tổng cộng trên 360 hecta không thể gieo lại được nên coi như mất trắng. Trong khi đó, người dân thường lấy thu nhập từ vụ đông xuân để đầu tư vụ hè thu và lấy lúa vụ này dùng cho thời kỳ giáp hạt. Nhiều hộ bán lúa để chuẩn bị khai giảng cho con cái…. Diện tích lúa mất trắng nhiều đã tác động lớn đến hàng ngàn hộ dân. Không có thu hoạch sẽ dẫn đến thiếu đói cục bộ. UNND xã sẽ báo cáo cấp trên để có chính sách hỗ trợ kịp thời trong kỳ giáp hạt.
-
Thanh Hóa tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Những năm gần đây, tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực tới tình hình sản xuất nông nghiệp của nhiều địa phương trong tỉnh. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng và phát triển bền vững trước thách thức từ biến đổi khí hậu. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã chuyển đổi linh hoạt được hơn 860ha trồng lúa năng suất, hiệu quả thấp sang cây trồng khác. Mặc dù chuyển đổi cơ cấu cây trồng có những kết quả tốt nhưng theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa, ở một số nơi việc chuyển đổi còn mang tính tự phát, chưa theo quy hoạch; việc chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang một số loại cây trồng chưa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm nên chưa có tính bền vững trong sản xuất.
- Sơn La có kế hoạch phát triển cà phê giai đoạn mới
Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La vừa tổ chức họp tư vấn định hướng phát triển cây cà phê giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2035 nhằm đánh giá hiện trạng, thảo luận các khó khăn, hướng tới xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho ngành hàng cà phê trong thời gian tới. Theo đó, Sơn La phấn đấu đến năm 2030 diện tích cà phê đạt 25.000 ha, sản lượng 40.000 tấn, tái canh 9.800 ha, phát triển 5.950 ha cà phê đặc sản, vùng đạt tiêu chuẩn bền vững 18.000 ha, 80 - 90% diện tích trồng mới sử dụng giống chuẩn. Tầm nhìn đến năm 2035, diện tích cà phê tăng lên 27.000 ha, sản lượng 47.000 tấn, tái canh 12.000 ha, cà phê đặc sản 6.500 ha, sản lượng chế biến sâu đạt 20 - 25%, xuất khẩu chiếm 80 - 85% tổng sản lượng cà phê toàn tỉnh, hình thành và phát triển 5 vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao trở lên…
Nhạc cắt
Đối thoại
Thưa quý vị và bà con, Bão số 3 - WIPHA khả năng cao sẽ ảnh hưởng đất liền Việt Nam, sớm nhất từ tối và đêm 21/7 hoặc trong ngày 22/7. Dự báo phạm vi ảnh hưởng rộng tới 18 tỉnh với hơn 1.700 xã. Tại cuộc họp với các đơn vị thuộc Bộ và các Bộ, ngành liên quan về công tác ứng phó bão số 3, Thứ trưởng Bộ NN-MT Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin, dù khả năng bão không gây gió mạnh và mưa nhiều như bão Yagi năm 2024, nhưng không thể chủ quan. Thời điểm hiện nay là cao điểm du lịch hè, các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản cũng đang mạnh. Trên đất liền, lúa và nhiều loại rau màu vừa vào đầu vụ nên nếu mưa lũ, khả năng thiệt hại rất lớn. Do đó, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị của Bộ triển khai phân công cán bộ túc trực ở địa bàn xã nằm trong phạm vi ảnh hưởng của bão.
Băng
Khánh Ly
Nhạc
Nội dung vừa rồi cũng kết thúc bản tin Nông nghiệp hôm nay. Xin kính chào quý vị và bà con, hẹn gặp lại quý vị và bà con ở bản tin sau!
Chính quyền hai cấp vào guồng ứng phó bão số 3
Chính quyền hai cấp vào guồng ứng phó bão số 3; Khẩn trương phòng, trừ dịch tả lợn châu Phi; Siết chặt bảo vệ rừng trong mùa khai thác hạt ươi.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Hôm nay (21/7), bão số 3 tiến vào vịnh Bắc Bộ, cảnh báo mưa lớn và nước dâng nguy hiểm từ Quảng Ninh đến Nghệ An.
Flying Autonomous Robots (FARs) - mẫu robot bay tự động tích hợp AI và công nghệ thị giác máy tính tiên tiến đang thịnh hành khi có thể thu hoạch và xử lý trái cây.