| Hotline: 0983.970.780

Xã vùng biên thay da đổi thịt nhờ cây mắc ca

Thứ Tư 23/07/2025 , 22:56 (GMT+7)

LÂM ĐỒNG Cây mắc ca mang lại thu nhập cao, giúp hàng trăm hộ dân ở xã vùng biên Quảng Trực, tỉnh Lâm Đồng từng bước ổn định sinh kế, thoát nghèo.

Thu 150 – 360 triệu đồng/hecta mỗi năm

Là xã biên giới thuộc vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh Lâm Đồng, xã Quảng Trực từng là vùng đất “3 không”: không điện lưới ổn định, không giao thông thuận lợi, không có cây trồng chủ lực. Địa hình phức tạp, khí hậu khô kèm gió và dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số khiến kinh tế - xã hội địa phương phát triển chậm trong nhiều năm.

Mắc ca đang là cây trồng giúp nông dân xã Quảng Trực, tỉnh Lâm Đồng thoát nghèo. Ảnh: Phạm Hoài.

Mắc ca đang là cây trồng giúp nông dân xã Quảng Trực, tỉnh Lâm Đồng thoát nghèo. Ảnh: Phạm Hoài.

Vài năm gần đây, bộ mặt nông thôn Quảng Trực đã đổi thay rõ rệt nhờ sự xuất hiện của cây mắc ca. Với gần 1.600 hecta được trồng trên toàn xã, Quảng Trực được ví như “thủ phủ mắc ca” của tỉnh Lâm Đồng. Nhờ điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, cây mắc ca phát triển tốt, năng suất ổn định. Sau 5 – 6 năm trồng, cây bắt đầu cho quả, năng suất trung bình khoảng 2 tấn/hecta, đến năm thứ 8 trở đi có thể đạt hơn 3 tấn/hecta.

Với giá bán quả mắc ca (quả tươi) dao động từ 75 – 120 triệu đồng/tấn (tùy thời điểm), người trồng mắc ca có thể thu về 150 – 360 triệu đồng/hecta mỗi năm. So với các cây trồng lâu năm khác như cà phê, hồ tiêu, mắc ca dễ trồng hơn, ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp hơn và hiệu quả kinh tế cao hơn trong dài hạn.

Bà Thị Jam, trú bon Bu Prăng II, xã Quảng Trực cho biết trồng mắc ca chăm sóc dễ và hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Phạm Hoài.

Bà Thị Jam, trú bon Bu Prăng II, xã Quảng Trực cho biết trồng mắc ca chăm sóc dễ và hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Phạm Hoài.

Bà Thị Jam, trú bon Bu Prăng II, xã Quảng Trực cho biết, trước kia gia đình sống nhờ trồng mì (sắn), trồng bắp (ngô), quanh năm thiếu trước hụt sau. Từ khi chuyển sang trồng mắc ca được hơn 6 năm, cuộc sống thay đổi hẳn.

Không riêng gia đình chị Thị Jam, hàng trăm hộ dân khác trên địa bàn xã Quảng Trực cũng đang hưởng lợi từ cây trồng được mệnh danh là “cây tỷ đô”. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn mở rộng diện tích, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, bón phân hữu cơ, áp dụng kỹ thuật mới để nâng cao năng suất và chất lượng quả mắc ca.

Hiện ở Quảng Trực đang sử dụng nhiều dòng giống mắc ca khác nhau, trong đó phổ biến là QN, OC, A38… Các giống này đều thích nghi tốt với điều kiện đất đai và khí hậu địa phương, ít sâu bệnh và cho hạt đều, tỷ lệ nhân cao.

Liên kết sản xuất, chế biến sâu

Không chỉ mở rộng sản xuất, Quảng Trực đang từng bước hình thành chuỗi giá trị mắc ca khép kín. Hiện toàn xã có 3 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực trồng, sơ chế, chế biến và tiêu thụ mắc ca, trong đó nhiều diện tích đã được cấp chứng nhận đạt chuẩn VietGAP.

Xã Quảng Trực đang từng bước hình thành chuỗi giá trị mắc ca khép kín giúp tạo thêm việc làm cho nông dân. Ảnh: Phạm Hoài.

Xã Quảng Trực đang từng bước hình thành chuỗi giá trị mắc ca khép kín giúp tạo thêm việc làm cho nông dân. Ảnh: Phạm Hoài.

Anh Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp – Dịch vụ Long Việt cho biết, hiện đơn vị đã liên kết với người dân từ khâu giống, trồng trọt đến thu mua, chế biến, đóng gói hạt mắc ca. Tính đến thời điểm này, Hợp tác xã đã có 2 sản phẩm mắc ca rang và mắc ca sấy đạt OCOP 4 sao, được tiêu thụ ở TP.HCM và một số hệ thống siêu thị phía Nam. Sắp tới, đơn vị tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu, đầu tư chế biến sâu và truy xuất nguồn gốc.

"Việc người dân và Hợp tác xã cùng tham gia chuỗi giá trị không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn giảm rủi ro về giá cả, thị trường. Đồng thời, sản phẩm có bao bì, nhãn mác rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị sản phẩm mắc ca Quảng Trực trên thị trường", anh Bình khẳng định.

Theo ông Đoàn Minh Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Trực, xác định mắc ca là cây trồng chủ lực, địa phương đã hỗ trợ người dân về giống, kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh. Đồng thời tập trung xây dựng vùng chuyên canh, quy hoạch đất đai, vận động bà con tham gia hợp tác xã để tạo đầu ra ổn định. "Chúng tôi cũng đang phối hợp các ngành để kêu gọi đầu tư vào chế biến sâu, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu mắc ca Quảng Trực", ông Thuận cho biết.

Từ một xã biên giới nhiều khó khăn, Quảng Trực đang thay da đổi thịt từng ngày nhờ cây mắc ca. Ảnh: Phạm Hoài.

Từ một xã biên giới nhiều khó khăn, Quảng Trực đang thay da đổi thịt từng ngày nhờ cây mắc ca. Ảnh: Phạm Hoài.

Từ một xã biên giới nhiều khó khăn, Quảng Trực đang thay da đổi thịt từng ngày nhờ cây mắc ca. Cây trồng này không chỉ giúp người dân vùng biên giới ổn định sinh kế, nâng cao thu nhập mà còn tạo hướng đi bền vững cho phát triển kinh tế nông – lâm kết hợp. Với tiềm năng sẵn có và chiến lược phát triển rõ ràng, Quảng Trực đang vươn lên trở thành một trong những điểm sáng của nông nghiệp Lâm Đồng.

Quảng Trực hiện là một trong những xã biên giới trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng với đường biên dài 41,6 km giáp Vương quốc Campuchia. Xã có diện tích tự nhiên 55.878 hecta, trong đó có hơn 40.000 hecta rừng. Dân số toàn xã hiện có hơn 11.200 người, sinh sống tại 11 bon với 26 dân tộc cùng chung sống, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm hơn 54%.

Xem thêm
Kiến nghị Bộ Tài chính thống nhất cách tính thuế VAT với thức ăn chăn nuôi

Các hội và hiệp hội vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, đề nghị áp dụng thống nhất quy định về thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi.

Xác heo nghi nhiễm dịch tả lợn Châu Phi vứt bỏ ven đường

GIA LAI Xác heo nghi nhiễm dịch tả lợn Châu Phi bị vứt bỏ ven đường tại xã Gào (tỉnh Gia Lai) gây ô nhiễm môi trường và lo ngại lây lan dịch bệnh.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nông nghiệp Hải Phòng kỳ vọng đột phá sau sáp nhập

HẢI PHÒNG Sau hợp nhất, thế mạnh về biển của Hải Phòng và nông nghiệp công nghệ cao của Hải Dương hứa hẹn sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới, giúp phát huy được các tiềm năng.

Tiết kiệm hơn 30% chi phí phân bón nhờ phương pháp dúi phân

SƠN LA Phương pháp bón dúi phân kết hợp kỹ thuật cấy hàng rộng - hàng hẹp giúp giảm thất thoát, giảm số lần bón phân, chi phí phân bón giảm khoảng 30%, hạn chế sâu bệnh.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tuyên truyền chống IUU

Vĩnh Long Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là trách nhiệm của ngư dân, cơ quan chức năng và toàn xã hội.

Điểm sáng nghiên cứu khoa học gắn với bảo tồn đa dạng sinh học

Cần Thơ Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, từng bước giúp Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng lập cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học, phục vụ lưu trữ các thông tin cần thiết.

Bình luận mới nhất