Trong khuôn khổ dự án Fertilize Right (Sử dụng phân bón đúng), từ ngày 21 - 23/7 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI), Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cùng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp tổ chức chương trình tập huấn đặc biệt về "Bón phân đúng cải thiện sức khỏe đất và sản xuất lúa hiệu quả".
Trong chương trình tập huấn, TS Tovohery Rakotoson - chuyên gia về đất của IRRI khuyến nghị cần có cách tiếp cận khác biệt và chính xác cho từng loại đất. Tại Việt Nam, 3 nhóm đất trồng lúa chính là đất phù sa, đất mặn và đất phèn, mỗi loại đều cần giải pháp quản lý dinh dưỡng riêng biệt.

TS Tovohery Rakotoson - chuyên gia về đất của IRRI trình bày các giải pháp quản lý dinh dưỡng với 3 loại đất trồng lúa khác nhau ở Việt Nam. Ảnh: Kiều Chi.
Ý nghĩa của việc phân tích đất
Theo TS Tovohery, bộ rễ của lúa cần dinh dưỡng để phát triển, hấp thụ nước và quang hợp. Trong đó, các yếu tố trong đất như chất dinh dưỡng, nước, độ thoáng khí, nhiệt độ, độ chặt của đất, độ mặn và cả hệ vi sinh vật đều ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của cây trồng.
Do đó, việc phân tích đất sẽ giúp biết được loại đất đó đang dư hay thiếu chất gì, từ đó có cách bón phân hợp lý, tránh thất thoát và gây ô nhiễm môi trường.
"Không phải chất dinh dưỡng nào cũng cần thiết. Nhưng nhóm chất mà cây trồng buộc phải có để hoàn thành vòng đời là các chất dinh dưỡng thiết yếu, đặc biệt là nhóm đa lượng như đạm (N), lân (P), kali (K)", TS Tovohery nói.
Ngoài ra, carbon hữu cơ trong đất được xem là chỉ số quan trọng nhất để đánh giá chất lượng đất vì nó phản ánh các quá trình sinh học, hóa học và vật lý liên quan đến khả năng cung cấp và hấp thụ chất dinh dưỡng trong đất của cây trồng.
Quản lý dinh dưỡng 3 nhóm đất trồng lúa
Ở các vùng đất phù sa màu mỡ như tại ĐBSCL, để duy trì năng suất lúa ổn định, điều quan trọng là giữ được cấu trúc đất. Theo TS Tovohery, cách đơn giản mà hiệu quả là vùi rơm rạ sau thu hoạch, dùng phân hữu cơ thay vì chỉ dùng phân hóa học và hạn chế cày xới nhiều lần, tránh làm đất bị nén chặt hoặc rửa trôi chất dinh dưỡng.
Với những khu vực phù sa có địa hình thấp hoặc bị ảnh hưởng bởi nước lợ, có thể luân canh hoặc đa dạng cây trồng nhưng cần cẩn trọng khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Phân tích dinh dưỡng trong đất giúp đánh giá sự đầy đủ hoặc thiếu hụt các chất dinh dưỡng hữu hiệu. Ảnh: Kiều Chi.
Trên các loại đất phèn, việc giữ nước trong ruộng lúa là biện pháp phổ biến nhằm trung hòa độ chua của đất. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát cẩn thận, ngập nước kéo dài có thể dẫn đến hiện tượng ngộ độc sắt, sunfua gây hại cho cây trồng.
Theo TS Tovohery, để thích nghi với điều kiện đất nhiễm mặn, cần ưu tiên sử dụng các giống lúa có khả năng chịu mặn tốt. Ngoài ra trong mùa khô nếu có điều kiện về nguồn nước nên tiến hành xả rửa ruộng để làm giảm độ mặn tích tụ trong đất, giúp cải thiện môi trường sinh trưởng cho cây.
Trên đất mặn, các nhà khoa học IRRI khuyến nghị ngoài việc sử dụng giống lúa chịu mặn, cần bón phân cân đối hoặc bón vôi để giúp rửa mặn và giảm độ kiềm trong đất và xả mặn. Đồng thời, rút nước đúng lúc dựa trên điều kiện nguồn nước sẵn có và khả năng của cây trồng.
Ngoài ra, khả năng trao đổi cation (CEC) cũng là chỉ số quyết định đất có giữ được chất dinh dưỡng không. Trong khi đất sét thường có CEC cao nhưng dễ bị nén chặt thì đất cát lại thông thoáng nhưng khả năng giữ chất dinh dưỡng kém. Vì vậy cần phân tích kỹ để đưa ra giải pháp cải tạo cân bằng.
PGS.TS Nguyễn Văn Bộ - nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, để phục vụ công tác quản lý dinh dưỡng đất tốt hơn, IRRI đã xây dựng bản đồ dinh dưỡng đất dựa trên 13 chỉ tiêu đặc trưng tại 3 tỉnh ĐBSH và 3 tỉnh ĐBSCL thuộc khuôn khổ Dự án "Sử dụng phân đón đúng" được tài trợ bởi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.
Bản đồ này kết hợp dữ liệu ảnh vệ tinh, khí hậu, lượng mưa, độ dốc... cùng mô hình học máy để tạo ra công cụ tra cứu giúp nông dân và cán bộ kỹ thuật biết được chỉ số đất tại khu vực canh tác, từ đó đưa ra các giải pháp quản lý sức khỏe đất, bón phân chính xác.