| Hotline: 0983.970.780

Điểm sáng nghiên cứu khoa học gắn với bảo tồn đa dạng sinh học

Thứ Ba 22/07/2025 , 05:04 (GMT+7)

Cần Thơ Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, từng bước giúp Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng lập cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học, phục vụ lưu trữ các thông tin cần thiết.

Nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn bảo tồn

Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (ấp Phương Hòa, xã Phương Bình, TP Cần Thơ) có quy mô khoảng 2.800 ha, là khu đất ngập nước tiêu biểu của vùng Tây sông Hậu. Nơi đây hiện đang bảo tồn hơn 330 loài thực vật và 206 loài động vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới.

Với sinh cảnh đặc thù, Lung Ngọc Hoàng trở thành nơi lưu giữ hệ sinh thái đặc trưng, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn các loài sinh vật bản địa, đặc hữu, quý hiếm của khu vực ĐBSCL.

Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng được mệnh danh là 'lá phổi xanh' của vùng ĐBSCL. Ảnh: Văn Vũ.

Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng được mệnh danh là "lá phổi xanh" của vùng ĐBSCL. Ảnh: Văn Vũ.

Thời gian qua, Phòng Khoa học và Bảo tồn đất ngập nước (thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng) đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học gắn chặt với thực tiễn quản lý và bảo tồn tài nguyên. Nổi bật là đề tài “Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ điều tra hiện trạng động, thực vật Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng”.

Ông Trần Bé Em, Trưởng phòng Khoa học và Bảo tồn đất ngập nước cho biết, thông qua đề tài trên đã kịp thời bổ sung các loài mới vào danh lục thực vật, đồng thời loại bỏ những loài không còn phù hợp với điều kiện sinh thái của khu bảo tồn. Ngoài ra, cũng ghi nhận thông tin nhiều loài động vật đặc trưng của hệ sinh thái đất ngập nước.

Từ năm 2015 đến nay, qua quá trình điều tra, Khu bảo tồn đã ghi nhận thêm 981 loài thực vật thuộc 26 chi và 19 họ cùng 126 loài chim, 85 loài cá. Trong đó có 11 loài cá được bổ sung vào danh lục của Khu. Một số loài chim nước được ghi nhận có số lượng cá thể lớn, sinh trưởng mạnh mẽ tại các vùng ngập nước đặc thù của Lung Ngọc Hoàng.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện và bổ sung 5 loài thực vật mới vào danh lục gồm: cây thủy quỳnh (họ nê thảo chi), cây cúc xuyến (họ cúc bạch hoa xà), thóc lép (họ đậu), cù đèn lông (họ thầu dầu).

Song song đó, đề tài “Điều tra cơ bản, đánh giá thực trạng đa dạng sinh học Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng và xác định các vấn đề ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học” cũng đã được triển khai hiệu quả, nhằm giám sát sự biến động của các loài thực vật bậc cao, cá và chim theo thời gian. Mục tiêu của đề tài là phát hiện kịp thời những loài mới, đồng thời nhận diện các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng để xây dựng kế hoạch bảo tồn hợp lý, góp phần duy trì và phát triển nguồn gen quý.

Khu vực trưng bày hiện vật tại Phòng Khoa học và Bảo tồn đất ngập nước (Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng). Ảnh: Kim Anh.

Khu vực trưng bày hiện vật tại Phòng Khoa học và Bảo tồn đất ngập nước (Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng). Ảnh: Kim Anh.

Một hướng đi khác cũng được Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng chú trọng là xây dựng danh lục cây dược liệu và phát triển vườn thuốc Nam. Mô hình này không chỉ phục vụ nghiên cứu y học mà còn là một phần trong chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học bền vững.

Ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng đánh giá, thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và bảo tồn, đơn vị từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học, phục vụ lưu trữ các thông tin cần thiết. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của rừng tràm. Dựa trên các kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở khoa học cho công tác bảo tồn rừng, phòng cháy chữa cháy và quản lý bền vững hệ sinh thái rừng trong thời gian tới.

Giá trị đặc biệt của vùng đất ngập nước

Địa danh Lung Ngọc Hoàng từng là vùng đất hoang sơ, ngập nước quanh năm, ít người sinh sống. Trước năm 1975, nơi đây là hệ sinh thái tự nhiên rậm rạp, dày đặc lau sậy, với chim trời, cá nước phong phú.

Năm 2021, UBND tỉnh Hậu Giang (trước khi sáp nhập về TP Cần Thơ) đã phê duyệt phương án sử dụng đất của Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Cụ thể, sau khi bàn giao 38,5 ha cho địa phương quản lý, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng còn lại 2.762 ha. Phần diện tích này được chia thành 3 phân khu gồm: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 1.001 ha; phân khu phục hồi sinh thái 929 ha và phân khu dịch vụ hành chính 832 ha.

Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là vùng lõi, cảnh quan còn nguyên sơ và đa dạng sinh học cao. Do đó, phân khu này được bảo vệ nghiêm ngặt, hạn chế tối đa sự tác động của con người, nhằm bảo tồn nguồn gen động, thực vật hoang dã, đặc hữu. Hiện phân khu là địa điểm sinh sống, làm tổ của các loài chim hoang dã, động vật rừng, thủy sinh, thủy sản bản địa, quý hiếm như bạc má, cà cuốc, cò ốc, giang sen, cò lạo xám, dơi chó, rái móng, chồn mực, cáo mèo, càng đước, cua đinh, rùa vàng, ếch giun…

Một số mẫu vật động vật quý hiếm được lưu giữ tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng phục vụ công tác nghiên cứu khoa học. Ảnh: Văn Vũ.

Một số mẫu vật động vật quý hiếm được lưu giữ tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng phục vụ công tác nghiên cứu khoa học. Ảnh: Văn Vũ.

Phân khu phục hồi sinh thái được sử dụng chủ yếu để phục vụ công tác nghiên cứu, thực nghiệm, khôi phục hệ sinh thái đầm lầy, với nhiều loài cây như gáo, trâm, ô môi, còng, đủng đỉnh… Đặc biệt, nơi đây còn tồn tại 0,4 ha rừng tràm 40 năm tuổi với nhiều dấu tích của các loài động vật quý như trăn, nưa và hàng trăm tổ ong mật phân bố tự nhiên.

Ông Lê Thanh Sơn cho biết thêm, đơn vị thường xuyên tổ chức điều tra, quan trắc và giám sát các loài động, thực vật để cập nhật cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý. Đồng thời theo dõi sự xuất hiện của các loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại, quản lý đa dạng thực vật làm thuốc và xây dựng danh mục bướm, côn trùng tại khu vực.

Bên cạnh đó, Ban quản lý Khu bảo tồn cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn, đẩy mạnh tuyên truyền về bảo tồn thiên nhiên, đồng thời tổ chức các hoạt động thả thủy sản và động vật hoang dã bản địa, quý hiếm trở lại môi trường tự nhiên nhằm khôi phục và ổn định hệ sinh thái.

Trong chuyến khảo sát thực tế vào tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng là tài sản quý hiếm của tỉnh Hậu Giang (cũ) nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung. Khu bảo tồn không những có giá trị về mặt sinh thái, thiên nhiên mà còn gắn với lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng, là vùng căn cứ cách mạng. Thủ tướng yêu cầu địa phương, cần giữ gìn, bảo vệ rừng nguyên sinh, môi trường rừng nghiêm ngặt, khoa học và hiệu quả.

Hiện nay, các hoạt động giao khoán bảo vệ rừng, phục hồi đa dạng sinh học và nghiên cứu khoa học tại Lung Ngọc Hoàng tiếp tục được duy trì và mở rộng. Đây được xem là hướng đi đúng đắn nhằm gìn giữ một trong những vùng sinh cảnh đặc sắc vùng Tây Nam Bộ.

Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng hiện có nhiều phân khu thực hiện các chức năng bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên. Ảnh: Kim Anh.

Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng hiện có nhiều phân khu thực hiện các chức năng bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên. Ảnh: Kim Anh.

Việc bảo tồn rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên không chỉ gắn với trách nhiệm pháp lý mà còn là một lựa chọn mang tính chiến lược trong phát triển bền vững. Theo thời gian, Lung Ngọc Hoàng vẫn âm thầm vươn mình phát triển, từng bước khẳng định vị thế của một vùng đất ngập nước đặc biệt trong bản đồ sinh thái Việt Nam.

Xem thêm
Ngan sao Đầm Hà: Sản phẩm OCOP tiềm năng

Ngan sao Đầm Hà là giống vật nuôi bản địa được nhân rộng theo chuỗi liên kết, mở ra hướng đi bền vững cho phát triển chăn nuôi địa phương.

Phòng chống dịch tả lợn Châu Phi từ cơ sở giết mổ

GIA LAI Trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp, ngành chức năng Gia Lai tăng cường phòng chống, đặc biệt là từ cơ sở giết mổ động vật tập trung.

Trồng xen ca cao trong vườn dừa, lợi đôi đường

VĨNH LONG Mô hình này tận dụng hiệu quả diện tích, cải thiện hệ sinh thái đất, duy trì độ ẩm, giảm xói mòn rửa trôi, năng suất dừa cũng tăng so với trồng chuyên canh.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nông nghiệp Hải Phòng kỳ vọng đột phá sau sáp nhập

HẢI PHÒNG Sau hợp nhất, thế mạnh về biển của Hải Phòng và nông nghiệp công nghệ cao của Hải Dương hứa hẹn sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới, giúp phát huy được các tiềm năng.

Tiết kiếm hơn 30% chi phí phân bón nhờ phương pháp vùi phân

SƠN LA Phương pháp bón vùi phân kết hợp kỹ thuật cấy hàng rộng - hàng hẹp giúp giảm thất thoát, giảm số lần bón phân, chi phí phân bón giảm khoảng 30%, hạn chế sâu bệnh.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tuyên truyền chống IUU

Vĩnh Long Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là trách nhiệm của ngư dân, cơ quan chức năng và toàn xã hội.

Bình luận mới nhất