| Hotline: 0983.970.780

Mường Nhà phát triển kinh tế nhờ cây dứa mật

Thứ Ba 29/04/2025 , 11:53 (GMT+7)

Mô hình trồng cây dứa mật đã giúp nhiều hộ dân xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Từ việc mạnh dạn chuyển đổi đất dốc canh tác ngô, sắn, lúa nương kém hiệu quả sang trồng dứa mật, đời sống của người dân xã Mường Nhà, huyện Điện Biên từng bước được cải thiện. Cây dứa mật giờ đây đã trở thành cây trồng chủ lực, mở ra hướng đi bền vững cho địa phương.

Tại bản Pu Lau, nơi chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, từ bản đặc biệt khó khăn đã vươn lên thành bản điển hình tiên phong, trong phong trào giảm nghèo nhờ cây dứa. Hiện Pu Lau có diện tích trồng dứa lớn nhất xã hơn 100ha; hợp tác xã (HTX) Dứa Mường Nhà canh tác 60ha; các bản khác như Na Khoang, Phì Cao, Huổi Hương, Pha Thinh cũng đang chuyển đổi dần diện tích trồng lúa nương sang dứa với gần 20ha.

Cây dứa đã trở thành cây trồng chủ lực, giúp người dân xã Mường Nhà xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Trần Hương.

Cây dứa đã trở thành cây trồng chủ lực, giúp người dân xã Mường Nhà xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Trần Hương.

Theo tính toán của người dân, mật độ trồng dứa khoảng 25.000 cây/ha, năng suất trung bình 17-18 tấn quả. Với giá bán dao động từ 10.000-12.000 đồng/kg, mang lại thu nhập khoảng 150 triệu đồng/ha. Đặc biệt, sau mỗi vụ thu hoạch, cây dứa mọc ra cây con, người dân có thể tách chồi để nhân giống, chủ động tái sản xuất cho vụ sau.

Anh Sùng A Hù, bản Pu Lau chia sẻ: Trước đây thu nhập gia đình anh chỉ trông vào lúa nương nên cuộc sống khó khăn. Nhưng từ năm 2016, anh đã chuyển đổi gần 3.000m² đất nương sang trồng dứa mật. Hiện mỗi vụ dứa mang về cho gia đình thu nhập 70-90 triệu đồng, giúp anh vươn lên thoát nghèo.

Cũng theo đại diện Hội Nông dân xã Mường Nhà, cây dứa mật được xác định là cây trồng mũi nhọn của xã. Ngoài việc thay thế những cây trồng hiệu quả thấp, phát triển dứa còn góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhiều hộ dân bản Pu Lau, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên có nguồn thu nhập ổn định nhờ trồng cây dứa. Ảnh: Trần Hương.

Nhiều hộ dân bản Pu Lau, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên có nguồn thu nhập ổn định nhờ trồng cây dứa. Ảnh: Trần Hương.

Nhằm mở rộng quy mô sản xuất, huyện Điện Biên đã hỗ trợ thành lập HTX Pu Lau, góp phần phát triển các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Chính quyền xã cũng định hướng mở rộng diện tích trồng dứa hơn 10ha mỗi năm, đồng thời hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiến tới phát triển 100% diện tích trồng dứa theo hướng hữu cơ. Xã đang hoàn thiện hồ sơ công nhận dứa mật Mường Nhà là sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương.

Ông Thào A Giàng, Giám đốc HTX Dứa Mường Nhà cho biết: HTX tổ chức tập huấn kỹ thuật cho bà con từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch, đảm bảo sản phẩm đồng đều, chất lượng. Đồng thời, HTX đứng ra bao tiêu toàn bộ sản lượng quả cho người dân, liên kết với nhiều công ty tiêu thụ cả quả xanh và quả chín, nhờ đó giá bán dứa luôn ổn định.

Bên cạnh thu nhập chính từ quả dứa, HTX còn khai thác thêm giá trị từ các bộ phận khác của cây dứa như mầm, lá, gốc già. Cây dứa sau gần 2 năm trồng sẽ cho mầm giống; mỗi cây tách được 2-3 mầm, bán với giá 2.000 đồng/mầm. Với mật độ trung bình 35.000 cây/ha, nguồn thu từ bán mầm dứa là rất đáng kể.

Hợp tác xã Dứa Mường Nhà liên kết với các hộ dân phát triển, nhân rộng và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Ảnh: Trần Hương.

Hợp tác xã Dứa Mường Nhà liên kết với các hộ dân phát triển, nhân rộng và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Ảnh: Trần Hương.

Đặc biệt, vùng trồng dứa Mường Nhà đã được tỉnh Điện Biên hỗ trợ xây dựng và cấp mã số vùng trồng. Đây là bước tiến quan trọng giúp sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe, việc xây dựng mã số vùng trồng không chỉ giúp chuẩn hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho liên kết sản xuất theo chuỗi, rút ngắn khâu trung gian, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Hiện nay, nhờ sự đồng hành của chính quyền địa phương và sự chủ động của người dân, cây dứa mật đang dần định hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hướng tới phát triển bền vững, giúp Mường Nhà ngày càng khởi sắc.

Xem thêm
Hệ thống truy xuất nguồn gốc chăn nuôi mở khóa an toàn và hội nhập

Hệ thống truy xuất nguồn gốc cơ sở, sản phẩm chăn nuôi là công cụ then chốt để đảm bảo ATTP, tăng niềm tin của người tiêu dùng, thúc đẩy ngành chăn nuôi vươn tầm.

Trăn trở công tác thú y cơ sở sau khi sát nhập đơn vị hành chính

Nhiều địa phương lo lắng sau sát nhập, cán bộ bán chuyên trách nghỉ việc khiến công tác thú y cơ sở gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, địa bàn quản lý rộng.

Xã vùng biên mỗi năm 200 hộ thoát nghèo: Người trẻ nghĩ khác ở Lao Khô

SƠN LA Giữa đại ngàn Tây Bắc, nơi núi rừng Phiêng Khoài (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) tiếp giáp với nước bạn Lào có một bản nhỏ mang tên là Lao Khô.

Cơ hội việc làm ngành nông nghiệp rộng mở với sinh viên

THÁI NGUYÊN Tại ngày hội việc làm của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, trong khi chỉ có 300 sinh viên ra trường thì nhu cầu tuyển dụng từ doanh nghiệp lên tới 4.000 vị trí.

Trồng nấm linh chi cho lợi nhuận như mơ nhờ làm chủ công nghệ

HẢI PHÒNG Bằng công nghệ tự động và sản xuất theo quy trình VietGAP, một mô hình trồng nấm linh chi tại quận An Dương đã cho lợi nhuận ngoài mong đợi.

Những mùa cá xứ Tuyên: [Bài 2] ‘Vựa’ cá đặc sản

Thủy điện Tuyên Quang không chỉ mang nguồn điện lớn cho đất nước, mà còn tạo nên những lòng hồ mênh mông, vựa cá tôm trù phú của xứ này.

Tăng tốc hoàn thiện dữ liệu phục vụ EUDR, bảo đảm xuất khẩu không gián đoạn

Hệ thống dữ liệu phục vụ cho việc khai báo truy xuất nguồn gốc theo quy định EUDR vẫn cần hoàn thiện để đảm bảo việc xuất khẩu duy trì khi EUDR có hiệu lực.

Bình luận mới nhất