| Hotline: 0983.970.780

Giống đậu rau ĐRV18 chịu nhiệt, không cần bắc giàn

Chủ Nhật 18/05/2025 , 21:01 (GMT+7)

Giữa trưa hè, TS Nguyễn Ngọc Quất - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đậu đỗ, dẫn tôi vào nơi trồng giống 'đậu rau ngồi'.

TS Nguyễn Ngọc Quất đang thu hái đậu rau ngồi. Ảnh: Dương Đình Tường.

TS Nguyễn Ngọc Quất đang thu hái đậu rau ngồi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những luống đậu xanh mơn mởn chỉ cao ngang đầu gối, quả chĩa lên tua tủa, thoạt trông thì giống quả đậu đũa nhưng lại ngắn hơn. Vừa hái tặng tôi một mớ quả tới tầm thu hoạch, anh Quất vừa dặn: “Nhà báo mang về ăn thử xem sao nhé”.

Quả thực trong đời tôi ít thấy giống đậu nào ăn lại giòn, ngon đến thế do thịt quả của nó rất dày, vị lại đậm đà. Và vào mùa nóng ở miền Bắc, loại  đậu rau ĐRV18 lại càng trở nên có giá trị khi các loại đậu rau khác đã hết từ lâu.

TS Nguyễn Ngọc Quất giải thích, trước tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết mỗi lúc một cực đoan và nguồn gen đậu đỗ của Việt Nam còn hạn chế, Việt Nam đã hợp tác với Cu Ba theo chương trình nghị định thư về trao đổi nguồn gen để làm phong phú thêm bộ giống cây trồng của mỗi quốc gia. Sau mấy năm chọn tạo những cá thể điển hình, phù hợp nhất với điều kiện sinh thái mới, vừa rồi đơn vị đã được công nhận hai giống đậu mới là giống đậu rau ĐRV18 và đậu đen ĐEV19.

Giống đậu rau ĐRV18 (tên viết tắt của Đậu rau VAAS tức Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) là độc nhất vô nhị tại Việt Nam ở mấy đặc điểm: chịu nhiệt, không cần bắc giàn như đậu đũa, năng suất 22-24 tấn/ha, thời gian từ lúc trồng đến thu hoạch quả đợt một chỉ 55-65 ngày, sau đó còn cho thu hoạch tới 2 lần. Sở dĩ gọi ĐRV18 là đậu rau ngồi bởi đặc tính sinh trưởng hữu hạn, tức chiều cao cây chỉ phát triển đến một mức nhất định, rất thấp nên không cần phải bắc giàn. Nó hoàn toàn khác với các đậu đũa sinh trưởng vô hạn nên cần phải bắc giàn.

Thịt quả rất dày nên ăn giòn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thịt quả rất dày nên ăn giòn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thời vụ của giống rất rộng, từ vụ xuân đến vụ thu đông, nên có thể trồng từ tháng 2 tới tháng 9, trong khi đậu cove, đậu đũa chỉ trồng được ở vụ đông và xuân sớm, nếu muộn hơn khi gặp điều kiện nắng nóng sẽ không ra hoa, thụ phấn, đậu quả được.

Nếu như vụ đông ở miền Bắc, miền Trung có rất nhiều loại ôn đới thì vụ hè lại chỉ đơn điệu mấy loại rau nhiệt đới như mồng tơi, đay, dền, muống… Việc bổ sung ĐRV18 như một loại rau vào mùa hè là một hướng đi rất khả quan, góp phần phát triển bền vững ngành hàng rau, củ, quả.

“Chúng tôi đã trồng thử nghiệm ĐRV18 ở Bình Định, Nghệ An, Ninh Bình trong đó riêng Ninh Bình diện tích vụ xuân 2025 đã mở rộng hơn 20 ha, được Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Môi trường cùng đi xem, đánh giá mô hình và đề xuất đề tài “Nghiên cứu phát triển một số giống đậu đỗ mới góp phần tăng thu nhập trên đơn vị diện tích và chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại tỉnh Ninh Bình”. Qua trồng thử nghiệm ở 5 vùng sinh thái để đánh giá tính ổn định, tính thích ứng, năng suất của giống thì thấy loại đậu này dễ tính, có thể trồng ở nhiều nơi, nhiều loại đất.

Một góc khu nhà màng trồng đậu rau ngồi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một góc khu nhà màng trồng đậu rau ngồi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Giống “đậu rau ngồi” do ra hoa tập trung, ra quả tập trung nên không chỉ hạn chế sâu bệnh mà giúp thu hoạch cũng tập trung, ít phải sử dụng thuốc BVTV. Giống đậu rau ĐRV18 có khả năng kháng các bệnh như đốm nâu, đốm đen ở điểm khá.

Hiện nay Trung tâm đã đóng gói và cung ứng giống ra thị trường với giá 10.000 đồng/gói. Ngoài trồng ở các vùng chuyên canh, đậu rau ĐRV18 còn có khả năng đi vào nông nghiệp đô thị khi mỗi gia đình chỉ cần có từ 1-2 thùng xốp, trồng 20-30 cây là đã có rau ăn. Với hàm lượng thịt quả dày hơn hẳn các giống đậu rau khác nên ĐRV18 ăn giòn hơn, ngon hơn”.

Thời vụ: Vùng ĐBSH vụ xuân 9-16/3, vụ hè 26/6-3/7; vùng Bắc Trung bộ vụ xuân 3-10/3, vụ hè 5-12/6. Lượng giống vụ xuân 30kg/ha, mật độ 25-30 cây/m2; hè 25 kg/ha, mật độ 20-25 cây/m2, mỗi hốc gieo 2-3 hạt, sau khi cây mọc tỉa dặm chỉ để lại 1 cây/hốc.

Xem thêm
Bí quyết nuôi chồn sinh sản không bị cận huyết

CÀ MAU Ông Lê Hoàng Trung ở Cà Mau nuôi chồn sinh sản, bán giống 8 triệu đồng/cặp, chồn thịt 1,3 - 1,4 triệu đồng/kg, thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu.

Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh với khu vực chăn nuôi nhỏ lẻ

QUẢNG NINH Quảng Ninh đang từng bước xây dựng vùng an toàn dịch bệnh với khu vực chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng để phát triên bền vững.

Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ canh tác sầu riêng

ĐẮK LẮK Chiều 12/5, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk ký hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong canh tác sầu riêng.

Tối ưu vận hành liên hồ chứa bằng công nghệ và dữ liệu

Khi tài nguyên nước trở nên khan hiếm và biến động khó lường, ngành thủy lợi chủ động tái cấu trúc cách thức quản lý dựa trên nền tảng công nghệ và dữ liệu.

Đồng Tháp tập huấn về AI cho cán bộ và người dân

Đồng Tháp tổ chức tập huấn AI nhằm nâng cao nhận thức chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn tỉnh.

Thu 'lợi kép' nhờ nuôi cá lồng kết hợp với du lịch trải nghiệm

Kết hợp nuôi cá lồng với du lịch trải nghiệm giúp các cơ sở tại hồ Hòa Bình thuận lợi tiêu thụ sản phẩm, đồng thời có thêm nguồn thu từ dịch vụ đi kèm.

Gắn kết học thuật với chính sách lâm nghiệp thông qua mạng lưới nghiên cứu

Trường Đại học Lâm nghiệp gắn kết học thuật với chính sách thông qua mạng lưới nghiên cứu góp phần phát triển bền vững ngành lâm nghiệp.