Trong khuôn khổ dự án Fertilize Right (Sử dụng phân bón đúng), từ ngày 21 - 23/7 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI), Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cùng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp tổ chức chương trình tập huấn đặc biệt về "Bón phân đúng cải thiện sức khỏe đất và sản xuất lúa hiệu quả".

Ông Ralph Bean, Tham tán Nông nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam phát biểu tại chương trình tập huấn. Ảnh: Linh Linh.
Chương trình tập huấn có sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước, đại diện doanh nghiệp phân bón, các viện nghiên cứu và cơ quan quản lý nhằm cùng hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện sức khỏe đất trong sản xuất lúa gạo.
Thị trường cần phân bón hiệu quả cao
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chuyên gia cao cấp về cơ giới hóa và sau thu hoạch của IRRI, việc sản xuất lúa hiện nay tại Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực từ cả môi trường và chi phí sản xuất. Nông dân trồng lúa trước đây thường có thói quen sử dụng lượng giống lớn (trên 120 kg/ha) và bón phân liên tục với lượng đạm cao (hơn 110 kg N/ha), đồng thời đốt rơm rạ sau thu hoạch gây thất thoát 100% lượng đạm trong rơm, ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính. Hiện trạng này dẫn đến việc sản xuất 1 kg lúa phát thải hơn 1 kg CO2e.
Để giải quyết những thách thức này, dự án "Sử dụng phân bón đúng" (Fertilize Right) được triển khai nhằm mục tiêu sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp, hướng tới giảm ít nhất 10% phát thải carbon. Dự án tập trung vào các giải pháp canh tác và sử dụng phân bón hiệu quả cao, phát thải thấp, cùng với phát triển công nghệ xử lý phụ phẩm lúa.

Bón phân khoa học, hợp lý không những giúp nâng cao năng suất lúa, giảm chi phí sản xuất mà còn giảm ô nhiễm môi trường đất, giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Ông Ralph Bean, Tham tán Nông nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam nhấn mạnh: “Việc nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón không chỉ tăng thu nhập cho nông dân mà còn cải thiện sức khỏe đất và bảo vệ môi trường”. Ông đánh giá cao vai trò của các công ty phân bón trong việc đổi mới sản phẩm và ứng dụng nghiên cứu để tạo ra các loại phân bón phù hợp, hiệu quả và thân thiện với môi trường.
Ông Robert Caudwell, Trưởng đại diện IRRI tại Việt Nam cho biết: “Nhu cầu về phân bón chất lượng cao và hiệu quả đang ngày càng tăng. Kết quả nghiên cứu trong dự án sẽ giúp các doanh nghiệp hoạch định chiến lược sản xuất và đáp ứng tốt hơn yêu cầu mới của thị trường”. Ông nhấn mạnh tập huấn lần này sẽ cung cấp nhiều thông tin thực tiễn từ quản lý dinh dưỡng, lập bản đồ đất, khuyến nghị bón phân đến giới thiệu các loại phân bón thế hệ mới.
Sức khỏe đất – nền tảng của canh tác bền vững
Nội dung chương trình tập huấn bao gồm quản lý dinh dưỡng tối ưu cho cây lúa, ứng dụng số (Rice Crop Manager – RCM), công nghệ sạ hàng kết hợp vùi phân (mDSR), quản lý rơm rạ và sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp. Các phương pháp này đều được chứng minh giúp giảm lượng giống (≤60 kg/ha), giảm đạm (70 – 80 kg N/ha), giảm phát thải từ 10 – 20% mà vẫn đảm bảo năng suất cao.

Ông Robert Caudwell, Trưởng đại diện IRRI tại Việt Nam cho biết nhu cầu phân bón chất lượng cao và hiệu quả đang ngày càng tăng. Ảnh: Linh Linh.
Theo TS Tovohery Rakotoson, Chuyên gia đất thuộc hệ thống CGIAR, sức khỏe đất là khả năng đất hoạt động như một hệ sinh thái sống, có thể duy trì năng suất cây trồng, cải thiện chất lượng nước và không khí, đồng thời giảm thiểu phát thải. Đất khỏe có các đặc điểm như tơi xốp, thoát nước tốt, vi sinh vật phong phú, đủ chất dinh dưỡng và không tồn dư hóa chất độc hại.
Các nguyên tắc quản lý đất theo USDA bao gồm giảm xới đất, trồng cây che phủ, luân canh cây trồng, tái sử dụng phụ phẩm và kết hợp chăn nuôi hợp lý. Những nguyên tắc này không chỉ giúp duy trì độ phì nhiêu mà còn làm tăng hàm lượng hữu cơ, giảm rửa trôi dinh dưỡng và phát thải khí nhà kính.
Chương trình tập huấn cũng giới thiệu ứng dụng Rice Crop Manager (RCM) Vietnam - quản lý dinh dưỡng cho cây lúa đang được phát triển, cải tiến phù hợp cho Việt Nam và được thử nghiệm vào năm 2024 cho 3 tỉnh ĐBSCL và 3 tỉnh ĐBSH. Ứng dụng này cung cấp hướng dẫn quản lý dinh dưỡng và khuyến nghị bón phân cho cây lúa, hướng đến mục tiêu cung cấp khuyến nghị bón phân cụ thể, sát với điều kiện từng vùng và nhu cầu dinh dưỡng của cây lúa theo từng giai đoạn sinh trưởng.
RCM hoạt động dựa trên dữ liệu từ bản đồ đất, phân bón, canh tác, kết hợp kết quả phân tích mẫu đất thực địa và thông tin điều tra từ hơn 10.000 hộ nông dân. Ứng dụng này giúp nông dân tính toán được chính xác lượng phân cần thiết, tránh tình trạng bón thừa gây lãng phí hoặc bón thiếu ảnh hưởng đến năng suất lúa.

Ứng dụng Rice Crop Manager (RCM) Vietnam của IRRI giúp nông dân tính toán được chính xác lượng phân cần thiết, tránh tình trạng bón thừa gây lãng phí hoặc bón thiếu ảnh hưởng đến năng suất lúa. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, dữ liệu khảo sát cho thấy chi phí phân bón hiện chiếm tới 30% tổng chi phí canh tác lúa, đặc biệt ở khu vực ĐBSCL. Nếu áp dụng tốt các khuyến nghị từ RCM, nông dân không chỉ giảm được chi phí đầu vào mà còn tăng hiệu quả sử dụng dinh dưỡng, từ đó nâng cao năng suất và lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích, đồng thời góp phần giảm phát thải khí nhà kính nhờ tối ưu hoá lượng đạm sử dụng.
Việc cơ giới hóa thu gom rơm rạ kết hợp công nghệ sinh hóa để sản xuất phân hữu cơ cũng đang được IRRI triển khai nhằm thay thế phương thức đốt rơm truyền thống - một trong những nguồn phát thải lớn và gây mất dinh dưỡng nghiêm trọng cho đất.
PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đánh giá: “Dự án Fertilize Right mở ra cơ hội thúc đẩy hệ thống sản xuất lúa gạo hiệu quả, chất lượng cao và phát thải thấp, góp phần bảo vệ sức khỏe con người thông qua bảo vệ sức khỏe đất”.