Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại An Giang tiếp tục được kiểm soát hiệu quả nhờ sự chủ động của ngành chuyên môn và người chăn nuôi. Đây là tiền đề giúp tổng đàn heo, gia cầm trên địa bàn tăng trưởng ổn định, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Công tác tiêm phòng định kỳ là biện pháp then chốt giúp kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi, bảo vệ sản xuất chăn nuôi bền vững. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Ông Thái Hoàng Nam, Chi cục Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang cho biết, các hoạt động phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đã được triển khai đồng bộ. Công tác tiêm phòng định kỳ, giám sát dịch tễ, tiêu độc khử trùng, kiểm soát giết mổ và kiểm dịch vận chuyển động vật đều được duy trì nghiêm túc, đúng quy trình.
Chi cục đã tổ chức tiêm phòng miễn phí đợt 1 năm 2025 với kết quả đạt gần 100% kế hoạch, tiêm 36.050 liều vaccine lở mồm long móng cho gia súc, 17.500 liều vaccine bệnh tai xanh trên heo, 3.780 liều vaccine viêm da nổi cục trên trâu bò. Riêng vaccine cúm gia cầm được tiêm bổ sung định kỳ hàng tháng, đã tiêm đạt 2.274.000 liều/con.
Đặc biệt, An Giang đã triển khai thí điểm tiêm vaccine dịch tả heo Châu Phi tại 30 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở các xã Giồng Riềng, Tân Hiệp và Hòn Đất, đạt 489/500 liều. Kết quả giám sát sau tiêm cho thấy 100% mẫu heo có kháng thể kháng virus dịch tả heo Châu Phi. Điều này cho thấy hiệu quả của chương trình tiêm chủng và khả năng nhân rộng trong thời gian tới.
Công tác tiêu độc khử trùng cũng được triển khai quyết liệt, với hơn 5.337 lít hóa chất sát trùng được cấp phát trong đợt 1, đạt 100,4% kế hoạch. Các cơ sở giết mổ cũng được giám sát chặt chẽ trong phun xịt hóa chất định kỳ, đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh An Giang đã kiểm soát giết mổ đối với 188.388 con heo, 2.441 trâu bò, 96.622 con gia cầm... Song song đó tăng cường kiểm dịch vận chuyển động vật, lấy mẫu giám sát virus gây bệnh cúm gia cầm và dịch tả heo châu Phi tại các lò mổ, chợ đầu mối, cơ sở nuôi yến góp phần hạn chế mầm bệnh phát tán trong môi trường.
Nhiều hộ chăn nuôi tại An Giang đã dần thay đổi tư duy, không còn trông chờ hoàn toàn vào hỗ trợ từ ngành chức năng mà đã chủ động tiêm vaccine phòng bệnh, thực hiện vệ sinh chuồng trại định kỳ.
Ông Nguyễn Văn Cường, chủ trại chăn nuôi heo gần 100 con tại xã Châu Thành, tỉnh An Giang chia sẻ: gia đình ông luôn chủ động phối hợp với cán bộ thú y địa phương để cập nhật lịch tiêm phòng, đồng thời tuân thủ nghiêm quy trình vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng theo định kỳ. Nhờ vậy mà nhiều năm qua gia đình ông nuôi heo luôn thắng lớn vì đàn heo luôn khỏe mạnh, không bị thiệt hại vì dịch bệnh. Nên lứa heo nào nuôi cũng có lãi ít hay nhiều.

Người chăn nuôi ngày càng ý thức hơn trong việc tiêm vaccine phòng bệnh chủ động, góp phần bảo vệ an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi gia cầm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Còn chị Trần Thị Loan, hộ nuôi gia cầm gồm: gà và vịt thịt khoảng 200 con tại phường Tân Châu, tỉnh An Giang cho biết: “Những năm gần đây, tôi luôn dành khoản chi riêng để mua vaccine và hóa chất khử trùng chuồng trại, dù không nhỏ nhưng giúp giảm nguy cơ dịch bệnh rất nhiều. Khi nghe cán bộ ngành nông nghiệp địa phương phát động tháng vệ sinh tiêu độc, tôi tham gia liền nhằm giúp đàn vật nuôi luôn khỏe mạnh và mong sớm đến lứa để bán cho thương lái”.
Theo ông Thái Hoàng Nam, trong 6 tháng cuối năm 2025, Chi cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm phòng định kỳ, tiêm bổ sung cho đàn vật nuôi mới, đồng thời giám sát nghiêm các điểm giết mổ, vận chuyển động vật.
Chi cục sẽ phối hợp với các địa phương để xã hội hóa vaccine, hướng dẫn người dân đăng ký tiêm phòng theo nhu cầu. Đồng thời duy trì giám sát dịch bệnh chủ động tại các điểm nóng, chợ, cơ sở chăn nuôi tập trung. Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông để người dân thấy rõ hiệu quả phòng bệnh và nâng cao ý thức trách nhiệm trong bảo vệ đàn vật nuôi của chính mình.