Tham dự có hơn 60 đại biểu là đại diện Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư khu vực 3, Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam, ban quản lý các cảng cá, SGS Việt Nam, doanh nghiệp trong nước và các chủ tàu khai thác hải sản.
Chương trình được tổ chức nhằm cùng nhau thảo luận về tầm quan trọng của việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như chứng nhận MarinTrust, nhằm cải thiện nghề lưới kéo tại khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu. Đặc biệt trong bối cảnh nhiều thách thức từ khai thác hải sản bất hợp pháp, khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thương mại thế giới.
Theo ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc ICAFIS, Hội Thủy sản Việt Nam, năm 2024, tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi của Việt Nam là 21,5 triệu tấn. Nguồn thức ăn cho thủy sản là 5,3 triệu tấn, còn lại là phục vụ cho chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó, tổng sản lượng bột cá cần cho sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam năm 2024 là 2,15 triệu tấn.

Ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc ICAFIS, Hội Thủy sản Việt Nam. Ảnh: Lê Bình.
Do đó, nhu cầu sử dụng nguyên liệu minh bạch, an toàn từ thủy sản cho việc sản xuất thức ăn chăn nuôi là rất lớn. Cho nên, nếu không tuân thủ được các yêu cầu quốc tế về nguồn gốc nguyên liệu thì nguy cơ doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài là rất lớn. Còn không, sản phẩm thức ăn cho chăn nuôi và thủy sản sẽ khó lòng… xuất ngoại.
“Việc khuyến khích ngư dân, doanh nghiệp tuân thủ quy định IUU mang lại cho ngành thủy sản nhiều lợi ích. Nếu doanh nghiệp không chấp hành các khuyến nghị thì các công ty sản xuất sẽ phải nhập nguồn bột cá từ nước ngoài”, ông Đinh Xuân Lập khẳng định.
Hiện khu vực 3 TP.HCM (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũ) có 4.802 tàu cá và hơn 300 doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản với trên 250.000 tấn thành phẩm/năm. Trong đó có 53 doanh nghiệp đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn, chất lượng đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản các nước.

Ông Nguyễn Thành Lộc (bìa trái): "Vai trò của các ngư dân và doanh nghiệp thủy sản trong việc chung tay gỡ thẻ vàng IUU là rất lớn, trong đó có việc lấy chứng nhận MarinTrust". Ảnh: Lê Bình.
“Thẻ vàng” IUU đang đặt ra cho ngành thủy sản Việt Nam nhiều thách thức, quy chuẩn và cần giải quyết một cách triệt để, minh bạch. Do đó, việc tích hợp các tiêu chuẩn quốc tế vào quy trình quản lý và sản xuất là bước đi chiến lược.
MarinTrust là một tiêu chuẩn toàn cầu về nguồn gốc và sản xuất nguyên liệu biển có trách nhiệm (như bột cá, dầu cá). Theo ông Nguyễn Thành Lộc, Chi hội trưởng Chi hội Bột cá và dầu cá, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu, việc Việt Nam tiếp cận và áp dụng MarinTrust mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực như nâng cao uy tín, giá trị sản phẩm và đảm bảo truy xuất nguồn gốc và phòng chống IUU. Ngoài ra, MarinTrust còn thúc đẩy nâng cao năng lực quản lý và góp phần quan trọng gỡ “thẻ vàng” IUU.
“MarinTrust không chỉ là một chứng nhận, đó là lời khẳng định về cam kết đối với việc khai thác có trách nhiệm. Khi các sản phẩm và nguyên liệu thủy sản đạt chứng nhận MarinTrust sẽ có khả năng tiếp cận sâu hơn vào các thị trường khó tính. Các yêu cầu của MarinTrust về tính bền vững và chống IUU hoàn toàn tương thích với khuyến nghị của EC, qua đó đẩy nhanh quá trình gỡ bỏ ‘thẻ vàng’ của EC”, ông Lộc cho hay.
TS Phạm Quốc Huy, Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam cho rằng, việc thực hành và tuân thủ tốt các quy định IUU sẽ giúp ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững mới là điều quan trọng nhất. Điều này cũng được quy định tại Luật Thủy sản Việt Nam.
“Đánh bắt thủy sản theo quy định không chỉ giúp duy trì sinh kế cho hàng triệu ngư dân, đảm bảo nguồn lợi thủy sản mà còn mang lại hàng trăm triệu USD xuất khẩu sang thị trường EU. Đồng thời, việc chấp hành này còn giúp Việt Nam giữ vững uy tín sản phẩm thủy sản trên thị trường quốc tế”, TS Phạm Quốc Huy nhận định.