| Hotline: 0983.970.780

Trồng rừng bền vững, gặt lợi đa tầng

Thứ Năm 24/07/2025 , 06:12 (GMT+7)

Vĩnh Long Với người dân, rừng không chỉ là 'lá chắn' gió biển, mà còn là sinh kế thiết thân của những phận đời miệt biển.

Một cánh rừng xanh phủ kín dải đất gió rát, cát bay. Ảnh: Hồ Thảo

Một cánh rừng xanh phủ kín dải đất gió rát, cát bay. Ảnh: Hồ Thảo

Trên những dải đất ven biển ở tỉnh Vĩnh Long, từng là nơi gió rát, cát bay, nay đã khoác lên mình màu xanh yên bình của rừng phi lao, bần và mắm. Những cánh rừng này là thành quả của một hành trình dài, có sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp và bà con vùng bãi bồi.

Trong đó, nổi bật là dự án trồng rừng ven biển do Công ty TNHH TM-DV Mùa Vàng thực hiện, mô hình lâm nghiệp bền vững kéo dài 50 năm, theo hình thức hợp tác công – tư. Tất cả đều được thực hiện theo kế hoạch bài bản, từ việc lập phương án sử dụng đất rừng, xin chủ trương từ cấp tỉnh, đến việc giám sát triển khai và chăm sóc rừng định kỳ.

Ông Phan Minh Hùng – Giám đốc Công ty Mùa Vàng chia sẻ: “Trồng rừng là chuyện lâu dài, không thể làm vội, mà càng không thể làm theo kiểu mạnh ai nấy làm. Mỗi năm công ty phải lập phương án riêng, được duyệt rồi mới cùng bà con thực hiện. Giai đoạn một, tụi tôi đã trồng được 531 ha rừng ở ba địa phương: Long Hòa, Mỹ Long và Trường Long Hòa”.

Ban đầu, công ty được giao hơn 700 ha rừng trong tổng số 2.000 ha quy hoạch. Nhưng để triển khai được, cán bộ công ty phải đi thực tế từng hộ dân, đo đạc từng bãi đất, phân loại từng khu vực bồi lở, ngập mặn, rồi mới lập bản đồ, thiết kế vùng trồng cây phù hợp. Ở vùng bãi cát khô cằn, họ chọn trồng phi lao, loại cây sinh trưởng tốt, chịu gió mặn, rễ ăn sâu giữ đất. Vùng trũng hơn, sát nước lợ thì trồng bần, mắm- những loại cây vừa phòng hộ tốt, vừa có giá trị sinh thái cao. Rừng mọc lên, đất cũng dần bồi tụ theo.

“Lúc mới làm, bờ biển cách xa bãi trồng khoảng hơn 200 mét. Mười năm sau, đất đã bồi ra thêm hơn 300 mét. Không còn cảnh gió cuốn cát vô ruộng như trước. Hiện bà con bắt đầu trồng màu nhờ có rừng giữ đất”, ông Hùng kể. 

Ông Phan Minh Hùng giải thích với khách tham quan về tuổi của cây phi lao. Ảnh: Hồ Thảo.

Ông Phan Minh Hùng giải thích với khách tham quan về tuổi của cây phi lao. Ảnh: Hồ Thảo.

Theo Chi cục Kiểm lâm và Đa dạng sinh học tỉnh Vĩnh Long, dự án này không chỉ trồng rừng phòng hộ mà còn hướng đến khai thác các giá trị khác từ rừng như nuôi trồng thủy sản dưới tán cây, mở đường cho du lịch sinh thái và đa dạng sinh kế cho người dân ven biển. Đến nay, khu vực xã Mỹ Long, đã phát triển gần 3.000 ha rừng ngập mặn, bà con nơi đây xem rừng như cái nôi sinh kế.

Không chỉ người sống gần mé rừng mà cả người từ những nơi khác đến lập nghiệp cũng được đón nhận. Họ cùng dựng chòi, thức dậy lúc nửa đêm theo con nước đi đặt lú, giăng lưới, câu lươn, chia sẻ bữa cơm, đùm bọc nhau trong khó khăn.

Ngư dân Trần Thanh Tùng- người từ địa phương khác đến chia sẻ: “Nước trong rừng lặng, ít gió, tôm cá dồi dào, làm nghề nhẹ hơn ngoài biển, nhờ có rừng bần tụi tôi mới yên tâm mưu sinh”.

Dù vậy, rừng không lúc nào yên ổn. Có thời điểm, hàng chục hecta phi lao phòng hộ ở địa bàn tỉnh Trà Vinh (cũ) đã chết hàng loạt do biến đổi khí hậu, làm giảm khả năng chắn gió, giữ nước và bảo vệ sản xuất ven biển.

Một ngư dân dậy lúc nửa đêm đi câu lươn dưới tán rừng. Ảnh: Hồ Thảo.

Một ngư dân dậy lúc nửa đêm đi câu lươn dưới tán rừng. Ảnh: Hồ Thảo.

Trước tình trạng đó, tỉnh Trà Vinh (cũ) nay thuộc tỉnh Vĩnh Long đã triển khai đề tài nghiên cứu thử nghiệm giống cây mới trên vùng đất phi lao chết tại xã Đông Hải. Trên diện tích 5 ha, nhóm nghiên cứu đã cải tạo đất, xử lý độc tố và trồng thử nhiều loại cây phù hợp điều kiện ven biển.

Kết quả cho thấy, mô hình có tiềm năng lớn, vừa phục hồi đất hoang hóa, vừa tạo thu nhập từ gỗ, hạt, tinh dầu. Đặc biệt, việc đa dạng hóa cây trồng giúp phá thế độc canh- nguyên nhân khiến rừng dễ tổn thương trước sâu bệnh, thời tiết khắc nghiệt.

Chi cục Kiểm lâm và Đa dạng sinh học tỉnh Vĩnh Long cho biết, trong thời gian tới, tỉnh đặt mục tiêu trồng thêm 100 ha rừng mới thuộc chương trình phát triển rừng bền vững giai đoạn 2025–2030 có tổng kinh phí dự kiến gần 94 tỷ đồng, ưu tiên cải tạo đất, lựa chọn giống cây chịu mặn, nâng độ che phủ và khả năng phòng hộ của rừng.

Ngành chức năng cũng sẽ phối hợp thực hiện khoanh nuôi, tái sinh rừng và xây dựng quy trình chăm sóc phù hợp với điều kiện vùng ngập mặn. Bên cạnh đó, tỉnh hướng đến khai thác đa giá trị từ rừng như giữ đất, chắn sóng, tạo sinh kế cho người dân và tiến tới khai thác tín chỉ carbon trong tương lai.

Xem thêm
Kiến nghị Bộ Tài chính thống nhất cách tính thuế VAT với thức ăn chăn nuôi

Các hội và hiệp hội vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, đề nghị áp dụng thống nhất quy định về thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi.

Xác heo nghi nhiễm dịch tả lợn Châu Phi vứt bỏ ven đường

GIA LAI Xác heo nghi nhiễm dịch tả lợn Châu Phi bị vứt bỏ ven đường tại xã Gào (tỉnh Gia Lai) gây ô nhiễm môi trường và lo ngại lây lan dịch bệnh.

Xã vùng biên thay da đổi thịt nhờ cây mắc ca

LÂM ĐỒNG Cây mắc ca mang lại thu nhập cao, giúp hàng trăm hộ dân ở xã vùng biên Quảng Trực, tỉnh Lâm Đồng từng bước ổn định sinh kế, thoát nghèo.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nông nghiệp Hải Phòng kỳ vọng đột phá sau sáp nhập

HẢI PHÒNG Sau hợp nhất, thế mạnh về biển của Hải Phòng và nông nghiệp công nghệ cao của Hải Dương hứa hẹn sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới, giúp phát huy được các tiềm năng.

Tiết kiệm hơn 30% chi phí phân bón nhờ phương pháp dúi phân

SƠN LA Phương pháp bón dúi phân kết hợp kỹ thuật cấy hàng rộng - hàng hẹp giúp giảm thất thoát, giảm số lần bón phân, chi phí phân bón giảm khoảng 30%, hạn chế sâu bệnh.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tuyên truyền chống IUU

Vĩnh Long Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là trách nhiệm của ngư dân, cơ quan chức năng và toàn xã hội.

Bình luận mới nhất