| Hotline: 0983.970.780

Chống dịch tả lợn Châu Phi: Chính sách đã đủ, chỉ thiếu sự quyết liệt

Thứ Tư 23/07/2025 , 16:15 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến khẳng định, tại Hội nghị Phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi và công tác kiểm soát giết mổ động vật sáng 23/7.

Giết mổ nhỏ lẻ: Lỗ hổng trong phòng dịch

Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết, dịch tả lợn châu Phi  đang gia tăng trở lại tại các tỉnh phía Bắc và duyên hải miền Trung.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, cả nước ghi nhận 636 ổ dịch tại 30 tỉnh, khiến hơn 43.000 con lợn bị tiêu hủy. Mặc dù giảm 34% so với cùng kỳ 2024, dịch vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan cao.

Cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức Hội nghị Phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi và công tác kiểm soát giết mổ động vật sáng 23/7. Ảnh: Bảo Thắng.

Cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức Hội nghị Phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi và công tác kiểm soát giết mổ động vật sáng 23/7. Ảnh: Bảo Thắng.

Nguyên nhân chính là do chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu an toàn sinh học, tâm lý chủ quan và trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước. Tình trạng giấu dịch, bán tháo lợn bệnh hoặc vứt xác ra môi trường cũng khiến dịch lan rộng. Trong khi đó, phân tích gen cho thấy, hai chủng dịch tả lợn Châu Phi genotype II và genotype I+II hiện đang lưu hành, trong đó có chủng tái tổ hợp giống Trung Quốc giai đoạn 2021-2022.  

“Hơn 70% trong số gần 25.000 cơ sở giết mổ trên cả nước là nhỏ lẻ, hoạt động không phép và thiếu sự giám sát của thú y. Đây là điểm yếu nghiêm trọng trong chuỗi kiểm soát dịch bệnh”, ông Minh cho biết.

Trước thực trạng dịch tả lợn Châu Phi tái bùng phát tại nhiều địa phương, trong khi công tác phòng, chống vẫn còn lúng túng, chính quyền các tỉnh đã đề xuất loạt biện pháp mạnh để chấn chỉnh việc xử lý lợn bệnh, trong đó có cả phối hợp công an vào cuộc điều tra và xử lý hình sự.

Xử lý nghiêm việc tiêu hủy lợn chết, nhiễm bệnh không đúng quy định

Tại Quảng Ngãi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cho biết đã chỉ đạo phối hợp với Công an tỉnh làm rõ dấu hiệu hình sự liên quan đến hành vi không xử lý đúng quy định đối với lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi.

“Bộ máy chính quyền cấp xã và cấp tỉnh vẫn còn lúng túng khi hỗ trợ người dân tiêu hủy lợn bệnh. Chúng tôi đã yêu cầu Sở Tài chính khẩn trương ban hành cơ chế hỗ trợ để người dân không vì khó khăn mà giấu dịch hay bán tháo lợn nhiễm bệnh”, ông Hiền nói.

Lãnh đạo Quảng Ngãi cũng cho biết, tỉnh đã yêu cầu siết chặt kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ lợn vận chuyển để ngăn chặn lợn bệnh lây lan. Ngoài ra, ông Hiền nhấn mạnh, nếu lợn chết do tiêm vaccine phòng bệnh, tỉnh sẵn sàng có cơ chế hỗ trợ để khuyến khích người dân chủ động phòng dịch.

Công tác tiêu hủy số lợn bị mắc dịch tả lợn Châu Phi tại xã Linh Hồ, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Công tác tiêu hủy số lợn bị mắc dịch tả lợn Châu Phi tại xã Linh Hồ, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Từ Nghệ An, nơi có đàn lợn hơn 1 triệu con, ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho hay từ đầu năm đến nay, địa phương đã ghi nhận hàng chục ổ dịch và phải tiêu hủy khoảng 2.000 con lợn. Tuy nhiên, ông đặc biệt lo ngại về tình trạng người dân vứt xác lợn bệnh ra môi trường, gây nguy cơ phát tán dịch.

“Nếu phát hiện ai vứt lợn chết ra ngoài, công an phải vào cuộc ngay, bắt giữ và lập hồ sơ. Phải có hình ảnh gửi báo cáo lên cấp có thẩm quyền. Khi xác minh được đối tượng vi phạm, cần xử phạt nghiêm và công khai để người dân thấy hậu quả, từ đó nâng cao nhận thức phòng dịch”, ông Học nhấn mạnh.

Theo ông, biện pháp phòng bệnh bằng vaccine vẫn là giải pháp rẻ nhất và hiệu quả nhất hiện nay. Song song với đó, ông đề xuất sửa đổi hướng dẫn chuyên môn theo hướng bắt buộc tiêu hủy lợn bệnh trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính, thay vì để kéo dài, dẫn đến nguy cơ lây lan.

Dịch tả lợn Châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có thuốc đặc trị, lây lan nhanh và gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Việc buông lỏng giám sát, xử lý chậm trễ hay thiếu quyết liệt trong tiêu hủy lợn bệnh không chỉ tiếp tay cho dịch lan rộng mà còn làm mất niềm tin vào hệ thống phòng dịch. Do đó, việc xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả bằng biện pháp hình sự, đang được địa phương xem là giải pháp cần thiết để ngăn chặn dịch tái bùng phát trong thời gian tới.

Tổ chức thực hiện phòng chống dịch tả lợn Châu Phi cần chủ động

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, hơn một triệu liều vaccine dịch tả lợn Châu Phi đã được sử dụng, tỷ lệ tử vong sau tiêm rất thấp. Đây là giải pháp hiệu quả cả về sinh học lẫn kinh tế.

Tuy vậy, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng việc triển khai tiêm phòng vaccine còn chậm. Một phần do người dân chưa tin tưởng, phần khác do thiếu cơ chế hỗ trợ rõ ràng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng việc triển khai tiêm phòng còn chậm. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng việc triển khai tiêm phòng còn chậm. Ảnh: Bảo Thắng.

Bên cạnh đó, cần có kế hoạch hành động xử lý xác chết động vật, và các đề tài nghiên cứu về đốt xác, xử lý môi trường đã có hướng dẫn chi tiết.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, tinh thần của luật và nghị định là tạo không gian cho phát triển chứ không phải bó buộc, và các vướng mắc sẽ được tháo gỡ kịp thời. Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đã tham mưu Chính phủ ban hành các cơ chế hỗ trợ chăn nuôi, bao gồm di dời, thụ tinh nhân tạo (Nghị định 106).

Các văn bản liên quan đến phòng chống dịch bệnh cũng đã được sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là Nghị quyết 42 của Chính phủ, và Nghị định 116 về chương trình quốc gia phòng chống dịch tả lợn Châu Phi giai đoạn 2020-2025 (Quyết định 972 ngày 7/7/2020).

Như vậy, Thứ trưởng nhấn mạnh rằng việc kiểm soát dịch bệnh là yếu tố then chốt giúp ngành chăn nuôi đạt mục tiêu tăng trưởng 5,7-5,9% năm 2025, đảm bảo an toàn thực phẩm và ổn định kinh tế vĩ mô. "Vấn đề không phải là thiếu văn bản hay chính sách, mà là ở công tác tổ chức thực hiện. Cần tham mưu ngân sách, chủ động hành động, không chờ chỉ đạo", ông nói.

Thứ trưởng cũng gợi ý về mô hình tổ chức hệ thống thú y tại địa phương, với sự tham gia của Chi cục Chăn nuôi, Thú y, Thủy sản cấp tỉnh và các trung tâm dịch vụ tại xã.

Xem thêm
Kiến nghị Bộ Tài chính thống nhất cách tính thuế VAT với thức ăn chăn nuôi

Các hội và hiệp hội vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, đề nghị áp dụng thống nhất quy định về thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi.

Nhãn chín sớm giá 25.000 đồng/kg, gấp đôi chính vụ

HƯNG YÊN Tự chọn lọc được giống nhãn chín sớm hơn trà chính vụ khoảng 1 tháng, ông Đỗ bán được nhãn quả với giá 25.000 đồng/kg, gấp đôi nhãn chính vụ.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nông nghiệp Hải Phòng kỳ vọng đột phá sau sáp nhập

HẢI PHÒNG Sau hợp nhất, thế mạnh về biển của Hải Phòng và nông nghiệp công nghệ cao của Hải Dương hứa hẹn sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới, giúp phát huy được các tiềm năng.

Tiết kiệm hơn 30% chi phí phân bón nhờ phương pháp dúi phân

SƠN LA Phương pháp bón dúi phân kết hợp kỹ thuật cấy hàng rộng - hàng hẹp giúp giảm thất thoát, giảm số lần bón phân, chi phí phân bón giảm khoảng 30%, hạn chế sâu bệnh.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tuyên truyền chống IUU

Vĩnh Long Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là trách nhiệm của ngư dân, cơ quan chức năng và toàn xã hội.

Điểm sáng nghiên cứu khoa học gắn với bảo tồn đa dạng sinh học

Cần Thơ Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, từng bước giúp Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng lập cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học, phục vụ lưu trữ các thông tin cần thiết.

Bình luận mới nhất