| Hotline: 0983.970.780

Trăn trở về một chương trình quốc gia phòng chống dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Tư 23/07/2025 , 09:24 (GMT+7)

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đặt vấn đề trong bối cảnh vaccine ASF đã sản xuất hàng triệu liều nhưng tỷ lệ tiêm còn thấp, dịch bệnh gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

Vaccine có mà chưa tiêm được…

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Cục Chăn nuôi và Thú y chiều 22/7, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng khi bộ máy đã kiện toàn không thể tiếp tục tình trạng “vừa chạy vừa xếp hàng”, mà phải rà soát toàn diện hệ thống văn bản quy phạm, từ nghị định, thông tư đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các viện, trung tâm cần đề xuất đề tài mang tính liên ngành, có tầm nhìn chiến lược gắn với sản phẩm quốc gia và chuỗi giá trị. Ảnh: Linh Linh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các viện, trung tâm cần đề xuất đề tài mang tính liên ngành, có tầm nhìn chiến lược gắn với sản phẩm quốc gia và chuỗi giá trị. Ảnh: Linh Linh.

Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh đến yêu cầu cắt giảm thủ tục hành chính và thúc đẩy chuyển đổi số một cách dứt điểm. Trong bối cảnh giá gia cầm giảm sâu nhiều năm liền, tình trạng buôn lậu phức tạp và dịch tả lợn Châu Phi (ASF) diễn biến nghiêm trọng, Thứ trưởng yêu cầu ngành phải chủ động nắm bắt thực trạng, tham mưu kịp thời, không để tình trạng “địa phương mặc kệ”, gây thiệt hại cho nông dân.

Các bệnh như cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục đã được kiểm soát tương đối ổn định, nhưng riêng dịch tả lợn Châu Phi gây thiệt hại 30.000 tỷ đồng vẫn chưa có khung chính sách phù hợp. Thứ trưởng đặt câu hỏi: “Vaccine đã có, nhưng tại sao vẫn chưa tiêm được? Có cần thiết xây dựng chương trình quốc gia không?”, đồng thời kêu gọi toàn ngành phải “trăn trở ngay trên luống cày” để tìm giải pháp căn cơ.

Về công tác khoa học công nghệ, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các viện, trung tâm cần đề xuất đề tài mang tính liên ngành, có tầm nhìn chiến lược gắn với sản phẩm quốc gia và chuỗi giá trị. Ông lưu ý cần chấn chỉnh hoạt động hội đồng nghiệm thu đề tài để tránh hình thức, lãng phí nguồn lực.

Thứ trưởng cũng đề cập đến công tác quản lý vaccine, thuốc thú y, yêu cầu xây dựng thể chế đủ mạnh và nguồn lực tài chính vững chắc để ngăn chặn thuốc giả, vaccine kém chất lượng. Đồng thời, ông nhấn mạnh xúc tiến thương mại cần đi vào thực chất, tháo gỡ vướng mắc trong xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang các thị trường trọng điểm như Trung Quốc.

Trong lĩnh vực tổ chức cán bộ, Thứ trưởng yêu cầu huy động nguồn lực từ các chi cục, học viện, trung tâm và địa phương để xây dựng đội ngũ đồng đều, đặc biệt là tại tuyến xã, vùng biên giới, nơi dịch bệnh dễ tái phát và tình trạng buôn lậu diễn biến phức tạp.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y Dương Tất Thắng chủ trì Hội nghị. Ảnh: Linh Linh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y Dương Tất Thắng chủ trì Hội nghị. Ảnh: Linh Linh.

“Cục Chăn nuôi và Thú y phải thực sự cầm lá cờ tiên phong trong nông nghiệp, giữ vững vị thế trong giai đoạn mới”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Giữ đà tăng trưởng, chuẩn bị vượt "ngưỡng" mục tiêu năm 2025

Báo cáo sơ kết của Cục Chăn nuôi và Thú y, Cục trưởng Dương Tất Thắng nhận định, dù đối mặt với nhiều thách thức, ngành chăn nuôi và thú y vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng 5,3% trong 6 tháng đầu năm 2025, tạo đà hoàn thành mục tiêu cả năm.

Theo ông Thắng, Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng 4% cho ngành nông nghiệp và môi trường, trong đó ngành chăn nuôi phải đạt mức tăng từ 5,7 đến 5,98%. Đây là một thách thức lớn, nhưng nửa đầu năm 2025, toàn ngành đã đạt mức tăng 5,3%, vượt kịch bản Cục đề ra (5,28%), nhờ sự bứt phá trong quý II (tăng 5,55%).

Trong sản xuất, đàn lợn cả nước ước đạt 27,23 triệu con, tăng 3,8% so với cùng kỳ; sản lượng thịt lợn hơi tăng gần 6%. Đàn gia cầm đạt hơn 585 triệu con, tăng 4%; sản lượng trứng đạt hơn 10,5 tỷ quả, tăng 4,3%. Dù đàn trâu, bò giảm nhẹ, song sản lượng thịt vẫn tăng. Đặc biệt, sản lượng sữa đạt gần 681 nghìn tấn, tăng 5,8%.

Một trong những yếu tố hỗ trợ sản xuất là giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giảm. Giá khô đậu tương, cám gạo và DDGS (bã rượu khô) đều giảm mạnh, giúp giá thành thức ăn hỗn hợp giảm 3-9%, tạo điều kiện tái đàn.

Tính đến giữa tháng 7, cả nước còn hơn 300 ổ dịch tả lợn Châu Phi chưa qua 21 ngày. Ảnh: Võ Hà.

Tính đến giữa tháng 7, cả nước còn hơn 300 ổ dịch tả lợn Châu Phi chưa qua 21 ngày. Ảnh: Võ Hà.

Thị trường cũng ghi nhận chuyển biến tích cực. Giá lợn hơi tăng sớm ngay từ quý I, có thời điểm vượt 80.000 đồng/kg tại Đồng Nai, giúp người nuôi có lãi. Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 264 triệu USD, tăng hơn 10%, với hơn 300.000 con lợn giống và lợn sữa được xuất chủ yếu sang Hong Kong (Trung Quốc), Malaysia và Anh.

Tuy nhiên, Cục trưởng cũng cảnh báo dịch bệnh vẫn phức tạp. Tính đến giữa tháng 7, cả nước còn hơn 300 ổ dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày. Một số ổ dịch viêm da nổi cục, cúm gia cầm và lở mồm long móng vẫn xuất hiện rải rác. Cục đã ban hành 8 văn bản chỉ đạo, cử nhiều đoàn công tác đến địa phương để kiểm tra, giám sát công tác phòng dịch.

Một điểm nhấn đáng chú ý là công tác tổ chức bộ máy. Việc hợp nhất hai Cục Chăn nuôi và Thú y được ông Thắng gọi là "một bước đi lịch sử". Đến nay, Cục mới có 24 đầu mối, gồm 11 phòng, 7 chi cục và 6 trung tâm. Từ ngày 1/7, toàn bộ 7 chi cục vùng và hai trung tâm chẩn đoán trung ương đã vận hành theo cơ chế mới.

Cục trưởng Dương Tất Thắng cũng đề cập đến thực trạng thú y cơ sở sau khi chính quyền chuyển sang hai cấp. Hiện 15 tỉnh vẫn giữ được hệ thống thú y liên xã, 6 tỉnh còn thú y viên cấp xã. Ông khẳng định đây là lực lượng then chốt trong giám sát dịch bệnh và cần tiếp tục được kiện toàn.

Trong 6 tháng cuối năm, Cục xác định nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện thể chế (bao gồm sửa đổi Luật Chăn nuôi và Luật Thú y), kiểm soát dịch bệnh, thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao năng suất, đồng thời phát triển thị trường xuất khẩu.

Tại hội nghị, liên quan đến công tác truyền thông, ông Lê Trọng Đảm, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp và Môi trường, đánh giá cao nỗ lực hợp tác truyền thông giữa Báo và Cục trong thời gian qua. Ông cũng nhấn mạnh rằng, công tác truyền thông cho ngành chăn nuôi, thú y đã được triển khai quyết liệt từ đầu năm, nhất là trong các đợt bùng phát dịch tại miền Trung, Báo Nông nghiệp và Môi trường đã cử phóng viên theo dõi sát sao và cập nhật kịp thời. Ông đề nghị thời gian tới hai bên cần tăng cường truyền thông về ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi, đồng thời phối hợp chặt chẽ để tuyên truyền phòng chống buôn lậu trong ngành.

Xem thêm
Kiến nghị Bộ Tài chính thống nhất cách tính thuế VAT với thức ăn chăn nuôi

Các hội và hiệp hội vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, đề nghị áp dụng thống nhất quy định về thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi.

Nhãn chín sớm giá 25.000 đồng/kg, gấp đôi chính vụ

HƯNG YÊN Tự chọn lọc được giống nhãn chín sớm hơn trà chính vụ khoảng 1 tháng, ông Đỗ bán được nhãn quả với giá 25.000 đồng/kg, gấp đôi nhãn chính vụ.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nông nghiệp Hải Phòng kỳ vọng đột phá sau sáp nhập

HẢI PHÒNG Sau hợp nhất, thế mạnh về biển của Hải Phòng và nông nghiệp công nghệ cao của Hải Dương hứa hẹn sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới, giúp phát huy được các tiềm năng.

Tiết kiệm hơn 30% chi phí phân bón nhờ phương pháp dúi phân

SƠN LA Phương pháp bón dúi phân kết hợp kỹ thuật cấy hàng rộng - hàng hẹp giúp giảm thất thoát, giảm số lần bón phân, chi phí phân bón giảm khoảng 30%, hạn chế sâu bệnh.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tuyên truyền chống IUU

Vĩnh Long Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là trách nhiệm của ngư dân, cơ quan chức năng và toàn xã hội.

Điểm sáng nghiên cứu khoa học gắn với bảo tồn đa dạng sinh học

Cần Thơ Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, từng bước giúp Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng lập cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học, phục vụ lưu trữ các thông tin cần thiết.

Bình luận mới nhất