Trước đó, lực lượng này được phòng nông nghiệp và môi trường cấp huyện ký hợp đồng và phân công phụ trách tại 96 xã, phường. Đây là đội ngũ nòng cốt tại cơ sở, trực tiếp thực hiện nhiều nhiệm vụ chuyên môn quan trọng như tuyên truyền chính sách, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, tổ chức tiêm phòng, giám sát và xử lý dịch bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, tiêu độc khử trùng, kiểm soát giết mổ và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Công tác viên thú y xã, phường có vai trò nòng cốt trong phòng chống dịch bệnh tại cơ sở. Ảnh: Hồ Thảo.
Sau ngày 1/7, hợp đồng cộng tác viên thú y cấp xã tại tỉnh Vĩnh Long đã hết hiệu lực do giải thể phòng chuyên môn cấp huyện nhưng đến nay các cộng tác viên vẫn chưa được hướng dẫn hoặc bố trí công việc.
Ông Lê Văn Đông – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Vĩnh Long cho biết, lực lượng cộng tác viên thú y lẽ ra đã phải giải thể. Tuy nhiên, một số xã đã có kiến nghị tiếp tục sử dụng lực lượng này bằng cách điều chuyển hợp đồng về xã phù hợp với tình hình thực tế.
Riêng tại khu vực Trà Vinh (cũ) hiện có 90 cộng tác viên thú y đang làm việc tại 41 xã, phường và cũng được đề xuất tiếp tục duy trì hoạt động theo mô hình cũ vì lực lượng này vẫn đáp ứng tốt nhu cầu công việc tại địa phương.
Hiện nay, Sở đang rà soát, đề xuất phương án trình cấp có thẩm quyền xem xét nhằm đảm bảo không làm gián đoạn công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.
Ngoài lực lượng thú y, đội ngũ cộng tác viên bảo vệ thực vật tại các xã, phường ở Vĩnh Long cũng chưa được hướng dẫn bố trí lại công việc. Tình trạng thiếu hụt nhân lực chuyên môn tuyến cơ sở đang tạo áp lực cho công tác bảo vệ cây trồng, vật nuôi và phòng chống dịch bệnh.