Từ ngày 1/7/2025, Thông tư số 09/2025/TT-BNNMT của Bộ Nông nghiệp và Môi trường chính thức có hiệu lực, quy định rõ phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý nhà nước về chăn nuôi và thú y.

Mật ong sau chế biến được đóng chai phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, phải đáp ứng quy định về vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Ảnh: Tùng Đinh.
Trong đó, Thông tư nhấn mạnh việc kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với hoạt động nuôi ong, thu mua, sơ chế và chế biến mật ong phục vụ mục đích thương mại để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Thông tư được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc kiểm soát chất lượng mật ong, ngành hàng nông sản xuất khẩu giá trị cao của Việt Nam.
Việc kiểm tra sẽ tập trung vào kiểm soát dư lượng thuốc thú y, hóa chất, vi sinh vật gây hại, đồng thời siết chặt quy trình truy xuất nguồn gốc, đảm bảo toàn bộ chuỗi sản xuất, từ cơ sở nuôi ong đến chế biến đều phải tuân thủ quy định vệ sinh và an toàn thực phẩm.
Theo đó, việc lấy mẫu, kiểm tra chất lượng mật ong, thức ăn nuôi ong và dư lượng thuốc thú y sẽ được thực hiện định kỳ theo Chương trình giám sát hằng năm, do Cục Chăn nuôi và Thú y và Sở Nông nghiệp và Môi trường các địa phương triển khai. Mẫu sẽ được lấy tại cơ sở nuôi ong, thu mua hoặc chế biến và được gửi đến phòng thử nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC 17025 để phân tích.
Nếu phát hiện mẫu không đạt yêu cầu, cơ quan chức năng có quyền yêu cầu truy xuất nguồn gốc, thu hồi sản phẩm và áp dụng các biện pháp giám sát tăng cường.
Thông tư cũng đưa ra trách nhiệm rõ ràng cho từng bên trong chuỗi sản xuất. Cơ sở nuôi ong bắt buộc phải ghi chép đầy đủ sổ nhật ký, sử dụng thuốc thú y đúng theo quy định, đảm bảo thời gian ngừng sử dụng trước khi khai thác mật ong.
Các cơ sở thu mua và chế biến phải thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc, lưu giữ hồ sơ chất lượng ít nhất 3 năm, đồng thời phổ biến quy trình an toàn thực phẩm cho các đối tác trong chuỗi cung ứng của mình.
Điểm mới đáng chú ý của Thông tư là phân định lại thẩm quyền kiểm tra: Cục Chăn nuôi và Thú y sẽ chịu trách nhiệm giám sát các cơ sở xuất khẩu và hỗn hợp, trong khi Sở Nông nghiệp và Môi trường địa phương sẽ quản lý các cơ sở sản xuất tiêu dùng trong nước. Việc phân quyền này giúp giảm áp lực từ trung ương, tăng tính chủ động cho địa phương và nâng cao hiệu quả giám sát thực địa.

Mật ong xuất khẩu sẽ được kiểm soát chặt chẽ về vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm theo chuỗi, từ nuôi ong đến chế biến, nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường quốc tế. Ảnh: Kiên Trung.
Ngoài ra, Thông tư còn quy định chặt chẽ việc sử dụng thuốc thú y trong nuôi ong. Chỉ các loại thuốc được phép lưu hành tại Việt Nam mới được sử dụng, và phải theo đơn của người hành nghề thú y. Việc sử dụng thức ăn trong nuôi ong cũng phải tuân thủ đúng quy định về thức ăn chăn nuôi. Đây là các nội dung quan trọng để kiểm soát từ gốc các nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Thông tư mới là nền tảng pháp lý quan trọng giúp ngành ong mật Việt Nam hướng tới sản xuất an toàn, bền vững và đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản. Đây cũng là điều kiện bắt buộc để gia tăng giá trị gia tăng trong xuất khẩu mật ong - ngành hàng có kim ngạch trên 100 triệu USD/năm.
Hiện, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu mật ong lớn ở khu vực châu Á, với sản lượng trung bình hàng năm đạt trên 50.000 tấn. Tuy nhiên, ngành này cũng đối mặt với không ít rào cản về kỹ thuật và cảnh báo dư lượng khi tiếp cận thị trường cao cấp. Việc hoàn thiện hệ thống giám sát theo Thông tư mới sẽ giúp ngành nâng chuẩn chất lượng, hướng tới phát triển bền vững và có trách nhiệm.