Những nông dân tiên phong
Khác với các cơ sở nuôi trên miền núi có thể nhìn thấy rõ cá bên dưới thế nào bởi độ trong leo lẻo của nước suối, những con cá tầm Siberi, Beluga nặng trên dưới 10kg chỉ chịu hiện ra khỏi mặt nước đục ngầu phù sa khi tấm lưới đã được kéo lên gần hết. Trông chúng chẳng khác nào những quả thủy lôi thu nhỏ, dưới ánh nắng hè cuối ngày hắt lên từ sông Hồng, làn da óng ánh của cá như được dát vàng, dát bạc.

Khu nuôi cá tầm trên sông Hồng tại Hà Nội của anh Nguyễn Văn Tình. Ảnh: Dương Đình Tường.
Trong ngành thủy sản, cái tên Nguyễn Văn Tình - Công ty CP cá sạch Việt Nam - đã rất quen thuộc khi không chỉ là đầu mối tiêu thụ thủy sản cỡ lớn mà còn tự nuôi nhiều loại cá quý, trong đó có cá tầm. Tháng 10 năm 2024, anh thả 20 lồng cá tầm trên sông Hồng ở đoạn chân cầu Thanh Trì, Hà Nội, hiện thu được 50 tấn cá thương phẩm, đồng thời giữ lại một số lượng nhỏ nuôi để thử nghiệm qua mùa hè.
“Tôi đã sang Bắc Kinh để trao đổi cùng các nhà khoa học Trung Quốc về việc nghiên cứu phát triển cá tầm chịu nhiệt sao cho phù hợp với điều kiện nuôi trên sông hồ vào mùa hè ở Việt Nam. Tôi cũng đã đem loại cá tầm chịu nhiệt (cá tầm lai) này về Việt Nam đưa cho một số người nuôi thử nghiệm và thấy tốc độ phát triển tốt, sức đề kháng cao. Với cá tầm lai, chúng ta có thể nuôi giống ngay trong mùa hè dưới đồng bằng chứ không phải phụ thuộc vào nguồn nước lạnh trên miền núi để nuôi giống rồi chuyển về đồng bằng vào mùa đông để nuôi thương phẩm như trước nữa.
Khi bắt đầu tiếp cận con cá tầm vào năm 2017, tôi đã thấy được tiềm năng rất lớn, nên mơ ước đưa nó thành mũi nhọn để thay thế một số giống cá giá trị kinh tế thấp, đồng thời cạnh tranh với cá tầm Trung Quốc. Nhiều người biết mơ ước ấy của tôi, cho rằng đó là chuyện viển vông. Nhưng chỉ 2-3 năm nữa thôi, tôi tin rằng nó sẽ trở thành hiện thực”, anh Tình thổ lộ.
Theo PGS.TS Kim Văn Vạn, Trưởng Khoa Thủy sản Học viện Nông nghiệp Việt Nam, mùa đông ở miền Bắc nhiệt độ nước dao động từ 10-20 độ C khiến các đối tượng thủy sản truyền thống như cá trắm, trôi, mè, chép… phát triển kém, thường phải ngừng nuôi. Tuy nhiên, mùa đông lại là cơ hội để đưa con cá nước lạnh từ miền núi về đồng bằng, trở thành vật nuôi giúp nông dân tăng thêm thu nhập:
“Cách đây 5 năm, chúng tôi có nhập trứng cá tầm về cơ sở của anh Lợi ở gần Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I (Bắc Ninh) để ương nuôi trong bể bằng nước giếng khoan ngay giữa mùa hè mà vẫn thành giống được. Khi có giống rồi, chúng tôi mới nghĩ đến chuyện đưa cá tầm ra nuôi thương phẩm trong lồng trên sông Đuống, lúc đầu chỉ với số lượng ít để thử nghiệm. Thực tế cho thấy, cá tầm phát triển tốt trong mùa đông, thậm chí vẫn có thể tồn tại cả trong mùa hè, khi nhiệt độ nước ở dưới sông 27-28 độ C, dù tốc độ lớn có chậm hơn; còn khi nhiệt độ quá cao thì chúng sẽ ngừng ăn, ngừng lớn.
Từ đó, chúng tôi mới chuyển hướng, mùa hè nuôi cá tầm giống ở suối lạnh trên các vùng núi cao như Sapa, Lai Châu, đến tháng 9 đưa về các sông hồ ở dưới đồng bằng nuôi thành thương phẩm. Cách đây 2 năm, anh Phạm Văn Nhiêu ở Hải Phòng đã nuôi cá tầm trong lồng trên sông Thái Bình; rồi ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương (cũ) nay là Hải Phòng có khá nhiều hộ nuôi cá tầm trong lồng trên sông Kinh Thầy; thậm chí ở sông Hồng đoạn ngay chân cầu Thanh Trì, Hà Nội có anh Nguyễn Văn Tình - Công ty CP cá sạch Việt Nam - cũng thả 20 lồng cá tầm…

Thu hoạch cá tầm nuôi trong lồng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Họ nuôi từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau là bán. Đó cũng là thời điểm ít lũ bão nên rất thuận lợi cho việc nuôi, chăm sóc cũng như thu hoạch cá lồng trên sông hay trên hồ. Chính nhờ nuôi được trong mùa đông ở dưới đồng bằng nên đã góp phần kéo giá cá tầm xuống mức bình dân hơn, chỉ 140-150.000đ/kg. Từ một đặc sản, cá tầm đã xuất hiện trong các mâm cỗ cưới các vùng quê mỗi lúc một nhiều”.
Những điều kiện cần và đủ để nuôi cá tầm
Khi người dân đưa cá tầm vào nuôi lồng dưới đồng bằng trong mùa đông, các nhà khoa học của Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã hỗ trợ theo dõi tốc độ ăn, tốc độ lớn và cách thức phòng, trừ dịch bệnh.
Thực tế cho thấy, vào mùa đông, nuôi cá tầm trên sông hay hồ dưới đồng bằng tốc độ phát triển rất nhanh, có những tháng tăng trưởng tới 400-500 gram so với 100-150 gram khi nuôi cùng thời điểm đó ở trên miền núi. Không chỉ lớn nhanh mà tỷ lệ sống của cá khi nuôi ở đồng bằng cũng cao hơn ở miền núi, trung bình đạt 80-90%; còn chất lượng thịt không thua kém, thậm chí còn vượt trội hơn.
Một số cơ sở đã giữ lại số lượng cá tầm vừa phải để nuôi tiếp trong mùa hè nhằm theo dõi khả năng tồn tại và phát triển. Tuy vào hè, nhiệt độ ngoài trời cao nhưng dưới các lòng sâu như sông Hồng ở Hà Nội, sông Đà ở Phú Thọ, sông Đuống ở Bắc Ninh nước vẫn mát, cá tầm nuôi trong lồng vẫn lớn.

Cận cảnh cá tầm nuôi lồng dưới đồng bằng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
PGS.TS Kim Văn Vạn phân tích, nuôi cá tầm phải đầu tư vốn nhiều; thứ hai là mặt hàng không phổ biến; thứ ba là nếu có ý định xuất khẩu thì Việt Nam khó cạnh tranh với Trung Quốc về điều kiện tự nhiên, về kỹ thuật sản xuất giống, chăm sóc cũng như ngành công nghiệp chế biến thức ăn. Bởi thế, chỉ có thể nuôi cá tầm để đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng nội địa, không nên phát triển ồ ạt.
“Đối với những người có diện tích mặt nước, có kỹ thuật, có đam mê và có điều kiện kinh tế thì mới nuôi được cá tầm được. Với những người có đam mê nhưng chưa có điều kiện kinh tế, kỹ thuật thì có thể vào làm thuê ở các trang trại nuôi cá tầm, khi học được kỹ thuật, có tiền rồi thì tự đứng ra làm.
Để nuôi được cá tầm cần phải có nhiệt độ nước 18-24 độ C; môi trường nước phải sạch; phải có vốn đầu tư (để nuôi được 1 tấn cá thương phẩm phải mất 70-90 triệu đồng); kỹ thuật nuôi đòi hỏi tương đối cao. Điều cuối cùng khi nuôi cá tầm vào mùa đông ở đồng bằng là con giống phải có kích cỡ lớn - điều này liên quan đến những cơ sở ương giống trong mùa hè để tháng 9 có thể xuất bán được.
Hiện ở Việt Nam cũng đã có một số cơ sở thử nghiệm nhân giống cá tầm nhưng số lượng rất hạn chế nên phần lớn hàng trên thị trường vẫn chỉ là nhập trứng từ Nga, Trung Quốc về rồi ấp nở, ương ra. Sau khi đưa cá tầm giống về phải có thời gian để chúng làm quen với môi trường nước mới và người nuôi cần theo dõi sát sao để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường, điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp”.