Hết lo đứt gãy
Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Gia Lai, trước khi sáp nhập trạm thú y cấp huyện vào trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, ngành chăn nuôi và thú y có hệ thống xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cấp xã, vận hành hanh thông theo Luật Thú y.
“Từ cuối năm 2018 trở về trước, thú y cấp huyện là cầu nối giữa thú y cấp tỉnh và thú y cấp xã. Biên chế của cán bộ thú y cấp huyện thuộc sở NN-PTNT (cũ) quản lý, trực thuộc chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh. Nhiệm vụ của cán bộ chăn nuôi - thú y cấp huyện là phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh, phát triển chăn nuôi, kiểm tra, xác minh dịch bệnh để báo cáo về Chi cục. Khi ấy ngành thú y có hệ thống xuyên suốt từ trên xuống dưới nên vận hành rất suôn sẻ”, ông Diệp cho hay.
Cuối năm 2018, các trạm chăn nuôi và thú y huyện được bàn giao cho UBND huyện để thành lập trung tâm dịch vụ nông nghiệp. Sau khi sáp nhập, các trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện quản lý tất cả các ngành chăn nuôi, thú y, trồng trọt, bảo vệ thực vật và khuyến nông và đã nảy sinh bất cập trong hoạt động của ngành thú y. Bởi lúc này ngành thú y không còn là ngành dọc, không còn hoạt động độc lập nên việc phối hợp trong công tác phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi không còn thuận lợi như trước đây.

Hệ thống tổ chức ngành chăn nuôi - thú y xuyên suốt từ tỉnh đến xã sẽ giúp công tác phòng chống dịch bệnh được triển khai kịp thời, hiệu quả. Ảnh: V.Đ.T.
Ông Diệp phân tích: Khi hệ thống thú y còn là ngành dọc thì công tác phòng chống dịch bệnh được ngành thú y các cấp huyện, xã trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn người chăn nuôi dưới sự chỉ đạo của chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh.
Trường hợp địa phương này xảy ra ổ dịch nhưng lực lượng thú y ở đó không đủ để bao vây dập dịch, chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh có thể điều động nhân viên thú y các địa phương lân cận tập trung về địa phương có dịch tiêm phòng, bao vây, xử lý dập dịch.
Thế nhưng khi nhập vào các trung tâm dịch vụ cấp huyện, chi cục thú y không thể điều động con người của huyện quản lý. Khi chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh yêu cầu thú y địa phương báo cáo kiểm tra, xác minh dịch bệnh, nếu còn trạm thú y chuyên ngành như trước kia thì chỉ cần gọi điện là thú y cấp cơ sở tức tốc thực hiện nay. Nhưng khi nhập vào trung tâm dịch vụ nông nghiệp thì yêu cầu của chi cục chăn nuôi và thú y cấp tỉnh còn phải được giám đốc trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện báo cáo qua lãnh đạo UBND huyện.
“Khi xảy ra dịch bệnh, địa phương nào xuất hiện ổ dịch thì trước tiên cán bộ thú y của trung tâm dịch vụ nông nghiệp phải báo cáo lên giám đốc trung tâm, rồi giám đốc trung tâm báo qua lãnh đạo UBND huyện, sau đó huyện mới báo cáo về tỉnh, rất lòng vòng, trong khi chuyện chống dịch phải tranh thủ từng phút. Nếu ngành thú y hoạt động độc lập thì khi xảy ra dịch bệnh, thú y cấp cơ sở sẽ báo cáo trực tiếp về chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh thì công tác chống dịch sẽ được triển khai kịp thời”, ông Huỳnh Ngọc Diệp chia sẻ.
Cũng theo ông Diệp, theo quy định của Luật Thú y, việc kiểm dịch động vật xuất tỉnh thì lực lượng thú y phải trực tiếp kiểm tra lâm sàng, niêm phong kẹp chì rồi mới cho vận chuyển đi. Thế nhưng khi ngành thú y nhập vào trung tâm dịch vụ nông nghiệp thì đơn vị này không còn chức năng đó.

Việc đóng dấu kiểm soát giết mổ phải do cán bộ chuyên ngành thú y thực hiện. Ảnh: V.Đ.T.
“Để giải quyết vướng mắc trên, chi cục chăn nuôi và thú y phải hợp đồng với các cán bộ thú y có chứng nhận là kiểm dịch viên thực hiện công tác này. Suôn sẻ thì không nói gì, lỡ người này sai sót gì đó thì người ấy không chịu trách nhiệm, mà trách nhiệm thuộc chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh.
Chính quyền địa phương hợp đồng một nhân viên thú y đảm nhận công việc đóng dấu kiểm soát giết mổ phải trả lương cho họ với mức ít nhất là 2.340.000đ/người/tháng, trong khi phí đóng dấu kiểm soát giết mổ tại các địa phương mỗi tháng thu vào nhiều nhất cũng chưa đến 1 triệu đồng, thu không đủ bù chi nên công tác này bị hổng tại nhiều địa phương.
Nếu hệ thống thú y còn là ngành dọc xuyên suốt từ cấp tỉnh xuống cấp xã thì chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh có thể điều tiết tiền thu được từ những địa phương thu được nhiều trong hoạt động kiểm soát giết mổ để san sẻ cho các địa phương thu được ít để trả lương cho lực lượng thú y hợp đồng làm công việc đóng dấu kiểm soát giết mổ”, ông Diệp nêu nghịch lý.
Thông suốt khi hệ thống thú y quy về một mối
Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, thời gian tới, cùng với việc mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đã đi vào hoạt động, việc tổ chức lại hệ thống ngành dọc về nông nghiệp ở địa phương sẽ giúp tất cả những bất cập trong hoạt động của ngành chăn nuôi - thú y không còn bởi không còn hoạt động cấp huyện.
Theo đó, tỉnh Gia Lai mới sẽ thành lập 12 trạm chăn nuôi và thú y khu vực. Trong đó trên địa bàn tỉnh Bình Định (cũ) có 4 trạm gồm:
- Trạm Chăn nuôi và Thú y khu vực 1: Quản lý địa bàn các phường Bồng Sơn, Hoài Nhơn, Tam Quan, Hoài Nhơn Đông, Hoài Nhơn Tây, Hoài Nhơn Nam, Hoài Nhơn Bắc thuộc thị xã Hoài Nhơn (cũ); các xã Hoài Ân, Ân Hảo, Vạn Đức, Kim Sơn, Ân Tường thuộc huyện Hoài Ân (cũ) và các xã An Hòa, An Lão, An Vinh, An Toàn của huyện An Lão (cũ).

Cán bộ thú y phường An Nhơn Đông (Gia Lai) phun tiêu độc khử trùng phòng dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: V.Đ.T.
- Trạm khu vực 2: Quản lý địa bàn các xã Phù Mỹ, An Lương, Bình Dương, Phù Mỹ Đông, Phù Mỹ Tây, Phù Mỹ Nam, Phù Mỹ Bắc của huyện Phù Mỹ (cũ) và các xã Phù Cát, Xuân An, Ngô Mây, Cát Tiến, Đề Gi, Hòa Hội, Hội Sơn thuộc huyện Phù Cát (cũ).
- Trạm khu vực 3: Quản lý địa bàn các phường Bình Định, An Nhơn, An Nhơn Đông, An Nhơn Nam, An Nhơn Bắc và xã An Nhơn Tây thuộc thị xã An Nhơn (cũ); các xã Tuy Phước, Tuy Phước Đông, Tuy Phước Tây, và Tuy Phước Bắc của huyện Tuy Phước (cũ) và các xã Vân Canh, Canh Vinh, Canh Liên thuộc huyện Vân Canh (cũ).
- Trạm khu vực 4: Quản lý địa bàn các xã Tây Sơn, Bình Khê, Bình Phú, Bình Hiệp, Bình An thuộc huyện Tây Sơn (cũ) và các xã Vĩnh Thạnh, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Quang, Vĩnh Sơn thuộc huyện Vĩnh Thạnh (cũ). Riêng địa bàn các phường/xã Quy Nhơn, Quy Nhơn Nam, Quy Nhơn Bắc, Quy Nhơn Đông, Quy Nhơn Tây, Nhơn Châu thuộc thành phố Quy Nhơn (cũ) do Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh quản lý.
Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai (cũ) sau khi sáp nhập cũng thành lập 8 trạm chăn nuôi và thú y phụ trách địa bàn 77 xã, phường mới.
“Sau khi thành lập các trạm chăn nuôi và thú y khu vực, ngành chăn nuôi và thú y tỉnh Gia Lai (mới) có rất nhiều thuận lợi, nhất là trong công tác cảnh báo dịch, giám sát dịch bệnh, bao vây chống dịch. Bởi khi hệ thống thú y cấp cơ sở trực thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thì mọi hoạt động trong ngành sẽ được xuyên suốt”, ông Huỳnh Ngọc Diệp chia sẻ.