Tái cấu trúc toàn diện
Tại tỉnh An Giang - một trong những địa phương trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước, quá trình tái cơ cấu tổ chức hệ thống các cơ quan của ngành nông nghiệp đang được khẩn trương thực hiện với nhiều kỳ vọng.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh An Giang, Sở Nông nghiệp và Môi trường An Giang đã xây dựng phương án tổ chức lại các đơn vị chuyên ngành trực thuộc phù hợp với mô hình chính quyền 2 cấp. Theo đó, các trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện trước đây sẽ được chuyển đổi thành các trạm kỹ thuật nông nghiệp khu vực, trực thuộc sự quản lý chuyên môn của các chi cục hoặc trung tâm cấp tỉnh.

An Giang đang khẩn trương tổ chức lại hệ thống ngành dọc nông nghiệp với nhiều kỳ vọng đột phá trong hoạt động. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Ở các xã/phường, tùy vào đặc thù sẽ thành lập các phòng chuyên môn như: Phòng trồng trọt và BVTV, phòng chăn nuôi và thú y, phòng thủy sản, phòng thủy lợi, phòng khuyến nông… Các phòng chuyên môn cấp xã/phường này sẽ do Trung tâm Khuyến nông tỉnh quản lý. Việc tổ chức lại nhằm đảm bảo tinh gọn, thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về chuyên môn, đồng thời vẫn giữ được mạng lưới phục vụ các dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tại cơ sở.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang cho biết, hiện đơn vị đã thực hiện xong bước thống nhất chức năng, nhiệm vụ các trạm kỹ thuật khu vực theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Môi trường và đang từng bước triển khai hệ thống này trên địa bàn tỉnh. “Chúng tôi sẽ đảm nhận vai trò quản lý nhà nước, kiểm tra chuyên ngành, cấp phép, kiểm tra điều kiện kinh doanh vật tư nông nghiệp, đồng thời phối hợp với thanh tra tỉnh kiểm tra các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn", ông Hiền chia sẻ.

Các trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện trước đây sẽ được chuyển đổi thành các trạm kỹ thuật nông nghiệp khu vực trực thuộc các chi cục hoặc trung tâm cấp tỉnh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
An Giang hiện có hơn 2.200 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, trong khi đội ngũ chuyên trách tại Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chỉ có 34 người. Trong bối cảnh tỉnh có trên 500.000 ha đất sản xuất lúa/vụ, chiếm khoảng 1/3 diện tích cả vùng ĐBSCL và cho sản lượng lúa gần 9 triệu tấn/năm, việc củng cố bộ máy ngành dọc là yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao hiệu lực quản lý và hỗ trợ nông dân hiệu quả hơn.
Đảm bảo thông suốt, tinh gọn và hiệu quả
Một trong những kỳ vọng lớn nhất khi tái cấu trúc hệ thống ngành dọc theo mô hình chính quyền 2 cấp là khắc phục tình trạng chồng chéo, phân tán trong tổ chức, đảm bảo tính thông suốt từ tỉnh đến xã. Các trạm kỹ thuật khu vực do các chi cục hoặc trung tâm cấp tỉnh quản lý trực tiếp sẽ đóng vai trò là cánh tay nối dài của ngành tại cơ sở, bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình sản xuất nông nghiệp, sâu bệnh, vật tư, dịch vụ...
Tại các trạm kỹ thuật khu vực, đội ngũ cán bộ sẽ được phân công phụ trách theo từng lĩnh vực chuyên môn như trồng trọt, chăn nuôi, thú y, thủy sản... Trong số đó, một người sẽ được bầu làm trưởng trạm, chịu trách nhiệm điều hành chung và phối hợp hoạt động.
Mô hình này theo ông Hiền sẽ giúp các đơn vị giữ được chuyên môn sâu, đồng thời liên kết thành một thể thống nhất, phục vụ tốt hơn cho người dân.

Các xã/phường ở An Giang sẽ thành lập các phòng chuyên môn như: Phòng trồng trọt và BVTV, phòng chăn nuôi và thú y, phòng thủy sản, phòng thủy lợi, phòng khuyến nông… và được Trung tâm Khuyến nông tỉnh quản lý. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Bên cạnh đó, với chức năng quản lý nhà nước được xác định rõ, bao gồm kiểm tra chuyên ngành, xử phạt hành chính, cấp phép..., các chi cục ngành dọc sẽ tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả kiểm tra, kiểm soát vật tư nông nghiệp, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng.
Theo lãnh đạo các trung tâm, chi cục chuyên ngành tỉnh An Giang, để tổ chức lại hệ thống ngành dọc đạt hiệu quả như kỳ vọng, rất cần có những hướng dẫn cụ thể, thống nhất từ cấp Trung ương về mô hình tổ chức, cơ chế tài chính, công tác cán bộ và quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, việc sắp xếp lại tổ chức ngành dọc ở thời điểm ban đầu cũng còn gặp nhiều khó khăn. Ông Lê Thành Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang cho biết, hiện Chi cục đang chờ hướng dẫn cụ thể về quản lý nhân sự, tài chính, chế độ chi trả, phối hợp giữa các đơn vị cũ và mới.
Chi cục hiện đang quản lý 14 trạm kỹ thuật khu vực với hơn 80 cán bộ và thêm khoảng 90 người ở cấp xã. Việc xác định rõ cơ chế chi trả lương, phân công nhiệm vụ và phối hợp liên ngành vẫn còn lúng túng.
Ông cũng cho rằng, trong điều kiện đội ngũ nhân lực hiện có còn hạn chế, việc giao thêm vai trò quản lý cho Chi cục cần có lộ trình và cơ chế hỗ trợ phù hợp.
Một vấn đề khác là tâm lý xáo trộn, thay đổi nơi làm việc, chức năng, thẩm quyền khiến nhiều cán bộ còn băn khoăn. Nhiều người đã quen gắn bó với trung tâm dịch vụ nông nghiệp tại huyện, nay chuyển về trạm khu vực trực thuộc chi cục tỉnh hay trung tâm với cơ chế quản lý mới cần có thời gian để thích nghi.
Ngoài ra, một số địa phương vẫn còn loay hoay trong xác định mô hình quản lý tài chính và tài sản sau khi chuyển đổi. Nhiều đơn vị gặp vướng mắc về trụ sở, thiết bị hoặc lúng túng trong việc xử lý cán bộ dôi dư...
Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng quản lý đa ngành cho đội ngũ trưởng trạm kỹ thuật nông nghiệp khu vực - những người sẽ giữ vai trò then chốt trong việc điều phối hoạt động tại cơ sở.

Tại các trạm kỹ thuật khu vực, đội ngũ cán bộ sẽ được phân công phụ trách theo từng lĩnh vực chuyên môn như trồng trọt, chăn nuôi, thú y, thủy sản... Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Việc xác lập rõ chức năng phối hợp giữa các chi cục chuyên ngành và các đơn vị khác như Trung tâm Khuyến nông, Thanh tra tỉnh, phòng chuyên ngành nông nghiệp cấp xã/phường cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo vận hành hiệu quả bộ máy chính quyền 2 cấp trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Thúy, cán bộ kỹ thuật tại một trạm nông nghiệp khu vực ở xã Giang Thành, tỉnh An Giang chia sẻ: Việc chuyển đổi mô hình là tất yếu và cần thiết. Tuy nhiên, cần có thời gian để ổn định bộ máy, phân định rõ nhiệm vụ. Điều quan trọng nhất là làm sao để người dân không bị ảnh hưởng, cán bộ nông nghiệp cấp xã/phường phải thường xuyên xuống tận dân để phục vụ tốt việc hướng dẫn sản xuất.
Ông Lê Thành Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang cho rằng, việc tổ chức lại hệ thống ngành dọc của ngành nông nghiệp theo mô hình chính quyền 2 cấp là bước đi quan trọng nhằm cụ thể hóa chủ trương tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước.
Nếu được triển khai đúng hướng, minh bạch và có lộ trình cụ thể, mô hình này sẽ là tiền đề để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, chuyên nghiệp, gắn bó chặt chẽ giữa quản lý nhà nước và phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.